Ngài Đến Đây Làm Gì?


KẾT LUẬN

Những suy nghĩ trên đây chẳng có tham vọng gì to lớn mà chỉ là đem lòng tin tìm hiểu lối nhìn của Kinh Thánh về Con người, Vật Chất và Lịch sử. Nhìn từ quan điểm ơn cứu chuộc, nhưng cần xác định là ơn-cứu-chuộc-thực-hiện-bằng-mầu-nhiệm-Con-Thiên-Chúa-làm-người; nghĩa là thực hiện bằng toàn thể Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, từ Mầu nhiệm “Ngôi Lời đã làm người” cho tới Mầu nhiệm Đức Giêsu được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, cùng với niềm hy vọng trông đợi ngày Chúa Giêsu Kitô lại đến để cho chúng ta được sống lại vinh hiển, và trời mới đất mới xuất hiện. Cái nhìn này hướng về Đức Kitô là điểm tới Omega của Lịch sử. Lối nhìn này có lợi điểm là cho thấy được tính cách duy nhất trong hữu thể và cuộc sống của người Kitô hữu tại thế. Thiên Chúa, Con người và Vật chất không còn là ba thực thể xa rời nhau, nhưng làm thành một dòng Lịch sử. Đức tin và cuộc sống không còn là hai lãnh vực đối chọi nhau, nhưng là cuộc sống Kitô hữu.

Lối nhìn này làm nổi bật những gì Đức Tin đòi hỏi ở đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu là người tin rằng Đức Kitô đã giải thoát mình khỏi quyền lực của tội lỗi, của sự ác, và cho mình được sự tự do của con cái Thiên Chúa nhờ Thần Khí ban cho. Vậy thì đời sống của Kitô hữu phải chứng thực rằng điều họ tuyên xưng đó là một thực tại chứ không phải một chuyện bịa đặt. Họ phải đấu tranh chống lại sự ác ngay trong bản thân họ và trong xã hội, họ phải làm cho cuộc sống con người ngày càng thêm trong sáng hơn. Những điều thánh Phaolô khuyên tín hữu trong các thư, nhất là các thư gửi tín hữu Rôma, Côrintô, Galata; thánh Gioan khuyên trong Thư thứ nhất của Ngài… tất cả những lời khuyên này đều xoay quanh một trục là người Kitô hữu phải thể hiện con người đã được tái tạo nhờ quyền năng Thánh Thần mà Chúa Kitô ban cho.

Đối với người tín hữu, thế giới vật chất này có một giá trị thật là to lớn, vì nó là bạn đồng hành đưa con người vào vĩnh cửu, là chất liệu để con người hình thành và lớn lên, là đối tượng chinh phục để con người phát huy khả năng làm chủ, là chất liệu để biến thành trời mới đất mới. Mọi giá trị chân thật trong cuộc sống con người đều là phản ảnh, là yếu tố cấu thành của sự thành tựu cuối cùng. Như vậy thì công cuộc chinh phục thế giới vật chất, xây dựng cuộc sống tại thế để con người được sống xứng phẩm giá là một tiếng mời gọi khẩn trương, là một sứ mạng cao cả của người Kitô-hữu. Mỗi bất công còn tồn tại, mỗi sự ác còn hoành hành, mỗi sức đàn áp còn tác động để tha hóa con người, là một sự sỉ nhục cho con người, là một thách thức đối với Chúa Kitô. Người tín hữu phải đấu tranh tiêu diệt những thứ ấy nhân danh Chúa Kitô và nhân danh con người đã được Chúa Kitô cứu chuộc.

Cuối cùng, Lịch sử đối với người tín hữu không còn là một sự may rủi, một chuỗi những biến cố vô nghĩa, vượt ngoài vòng kiểm soát của mọi người và là một hành trình vô định nữa. Với Chúa Kitô hiện hiện và tác động nhờ Thánh Thần của Ngài, Lịch sử trở thành một cuộc vật lộn giữa Chúa Kitô và sự ác để giải phóng con người, đưa con người tới thành tựu cuối cùng. Điểm tới ấy đã được thiết lập rồi: Đức Kitô đã được tôn vinh, đã nắm chắc vinh quang ấy cho nhân loại. Lịch sử dứt khoát đi tới, vì Chúa Kitô đã lãnh nhận mọi quyền trên trời dưới đất để điều khiển Lịch sử. Tình thương tạo dựng của Thiên Chúa đã diễn tả thành tình thương cứu chuộc nơi Đức Kitô, và “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu Chuá chúng ta” (x. Rm 8,31-39), đó là cái lạc quan tuyệt đối của người tín hữu sống trong Lịch sử.

Sau hết, lối nhìn này cho thấy nền tảng thần học của thái độ nhập thế của Giáo Hội. Từ thông điệp Rerum Novarum tới thư gởi hồng y Maurice Roy (Octogesimo adveniens), lập trường bênh vực những người bị áp bức bóc lột, thái độ tích cực góp phần cải tạo cơ cấu xã hội để kiến tạo một xã hội công bình hơn, ngày càng quyết liệt và đưa tới những chọn lựa rất cụ thể. Công đồng Vatican II đã dứt khoát công nhận lập trường và thái độ dấn thân của các thông điệp trước, và trình bày rõ ràng hơn trong Hiến chế mục vụ về Giáo hội (Gaudium et Spes)

Riêng đối với người Công Giáo Việt Nam, lối nhìn này cho thấy rằng sự lựa chọn của các giám mục giáo phận phía nam trong Thư chung 1976[7], mà Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã trân trọng nhắc lại trong bài tham luận đọc trước Đại hội Giám Mục Thế giới 1977[8], không phải là chuyện xu thời, nhưng là cố gắng trung thành với Mầu nhiệm Nhập Thể, với sứ mệnh của Chúa Kitô mà Giáo Hội có trách nhiệm tiếp nối và rao giảng trong Lịch sử[9].

Linh mục NGUYỄN CÔNG ĐOAN, Dòng Tên

Saigon 1978 – Giêrusalem, Mùa Vọng 2013

——————————

[1] Ecrits théologiques 3, tt. 81-101.

[2] Tin hay không tin là một sự lựa chọn tự do và sống, không có lập luận nào bắt buộc được con người phải tin hay không tin vào Thiên Chúa như kiểu một mệnh đề toán học. Mọi lập luận chỉ có thể đưa tới đầu cầu nhảy trên hồ bơi. Ở đó mỗi người phải chọn nhảy vào “khoảng không”. Người không tin thì nhận rằng khoảng không ấy là hư vô, là trở về trong lòng vất chật. Người tin thì nhận rằng khoảng không ấy là tình thương của Thiên Chúa hắng sống, tình thương làm cho tôi tồn tại mãi. Chọn bên nào cũng bao hàm một cái liều, vì cái mình chọn vượt ngoài kinh nghiệm giác quan và không thể đo lường. Thiên Chúa chỉ mời gọi chứ không cưỡng ép.

[3] Xem thêm về ý nghĩa những cám dỗ này trên dd 97, tt. 52-59, bài của Nguyễn Ngọc Lan. Ctcts.

[4] Xem số đã dẫn 98, tt. 49-53, bài của NNL. Ctcts.

[5] Quan niệm về “Vua” trong Cựu Ước luôn đối kháng mọi tâm thức hưởng thụ. Đọc lại những Thánh Vịnh phong vương (như 71 và 100), đọc lại Giêrêmia 22,13-19, ta thấy Cựu Ước quan niệm “vua” là người được trao quyền để bảo vệ quyền sống của mọi người, chống lại mọi bất công đàn áp bóc lột, chống lại mọi kẻ gian ác. Khi nói Chúa Giêsu là Vua, khi Chúa Giêsu tự nhận là Vua nhưng Nước Ngài không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36) thì phải hiểu trong chiều hướng tích cực tuyệt đối trên đây.

[6] Lm. Pierre Teilhard de Chardin, nhà cổ sinh vật học đã đóng góp nhiều cho tiến hóa luận, đã dùng ngôn ngữ khoa học để diễn dịch cái nhìn của thánh Phaolô và sách Khải Huyền về Lịch sử. Theo lối trình bày này thì sự tiến hóa của vật chất phải vươn lên mãi. Điểm tới của cuộc tiến hóa này là khi tất cả được quy tụ về một đầu là Đức Kitô: cả vũ trụ sẽ trở thành “thân thể” của Đức Kitô. Ngài là Omega của Lịch sử. Chính sự Phục sinh của Ngài đã khai thông Lịch sử, vì đã đem vào vũ trụ một sức sống mới không thể bị luật giảm năng lượng chi phối. Chính sức sống mới này là sức chống lại luật giảm năng lượng của vũ trụ vì sự sống sẽ thành tựu hoàn toàn trong Đức Kitô. Lịch sử trở thành một lò luyện kim, trong đó sự ác dần dần bị đào thải như gỉ sét, còn tất cả những gì chân thiện mỹ sẽ được quy tụ dần trong Đức Kitô để làm bừng tỏa vinh quang vĩnh cửu của Ngài và toàn thể những gì đã được cứu chuộc.

[7] Xem toàn văn “Thư chung Hội Nghị Giám mục hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn gửi toàn thể giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân” trên đd 85, 8.1976, tt. 113 – 120. Năm 1980 HĐGM Việt Nam đã đưa lựa chọn này làm đường lối chung của toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam (x. Thư chung 1980).

[8] Xem toàn văn bài tham luận này trên đd 102, 12.1977, tt. 105 –108.

[9] Năm 1980 HĐGM Việt Nam đã đưa lựa chọn này làm đường lối chung của toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam (x. Thư chung 1980).

Kiểm tra tương tự

Lời cầu nguyện đầu năm học mới

Bạn muốn bắt đầu năm học mới đúng nghĩa? Lời cầu nguyện sau đây có …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *