Ngài Đến Đây Làm Gì?


Cùng với thánh Phê-rô và các tông đồ, người Ki-tô giáo tuyên xưng Đức Giê-su Nadaret là Con Thiên Chúa đã sinh làm người, đã đến trong thế giới loài người. Sự kiện được tuyên xưng đó có thêm gì cho cuộc sống con người không? Ngài đến đây làm gì? Phải chăng Ngài đến tham quan thế giới loài người rồi lại ra đi, để lại thế giới này như cũ, chẳng thêm gì cũng chẳng bớt gì? Phải chăng Ngài chỉ đem lại một lời hứa hẹn xa vời để làm dịu bớt nỗi đau của cuộc sống con người? Phải chăng tin là tin rằng Ngài đã đem lại cho loài người, cho vũ trụ này và cho lịch sử một biến đổi vô cùng sâu sắc, một ý nghĩa tuyệt đối, ngay từ bây giờ?

Trong Phụng vụ trước Công đồng Vatican II, Giáo hội cho đọc lại đoạn mở đầu Tin Mừng theo Thánh Gioan sau thánh lễ, trước khi linh mục rời bàn thờ, đọc tới câu “Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng tôi” thì bái gối. Hai sự kiện đều có ý nghĩa. Bái gối là thờ lạy và cảm tạ vì mầu nhiệm tuyệt vời Thiên Chúa đã thực hiện. Đọc lại bài Tin Mừng này kết thúc thánh lễ, như để mời gọi người tín hữu tiếp tục sống thánh lễ, tức là sống mầu nhiệm nhập thể trong cuộc sống của mình. Nhưng người ta chẳng chú ý bao nhiêu tới ý nghĩa thiết thực đó, mà chỉ nghĩ tới tôn thờ. Cũng như lễ Giáng sinh thường mang ý nghĩa thờ lạy Chúa Hài Nhi hơn là đưa người ta cảm nghiệm niềm vui có “Chúa ở giữa chúng ta”, hoặc đưa người ta suy nghĩ về ý nghĩa của Mầu nhiệm Nhập thể đối với cuộc sống. Ngay cả trong lãnh vực thần học, nhiều khi người ta cũng dành nhiều thời giờ tìm hiểu và trình bày khía cạnh “thế nào” hơn là khía cạnh “cho ai” của Mầu Nhiệm Nhập thể. Trong Kinh Tin Kính, Giáo hội tuyên xưng rõ ràng: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Nhưng thường người ta chỉ nghĩ đến Chúa chết vì loài người hơn là nghĩ đến Chúa sinh ra và sống lại vì loài người. Thực ra không thể hiểu được ý nghĩa của ơn cứu chuộc, nếu chỉ cắt lấy một khúc nào đó trong Mầu nhiệm của Chúa Giêsu mà kinh Tin Kính phát biểu trong mấy mệnh đề liên tục; muốn hiểu đúng, phải đi từ đầu đến cuối đoạn tuyên xưng về Chúa Giêsu như một mầu nhiệm duy nhất, và đọc kỹ yếu tố “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Thiếu mệnh đề “vì loài người…” thì tất cả những điều tôi tuyên xưng về Đức Giêsu trở thành một trò chơi của Thiên Chúa, tôi chẳng cần biết đến, chẳng cần phải tuyên xưng. Còn một yếu tố cuối cùng đáng lưu ý hơn nữa là trong cách giải thích mệnh đề “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, người ta hay ngầm biến nó thành “vì linh hồn chúng tôi và để cứu rỗi linh hồn chúng tôi”; hoặc tiến xa hơn một bước thì người ta lại phân con người làm hai: Ngài cứu “linh hồn chúng tôi” ngay bây giờ, còn xác sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Xét về một phương diện nào thì nói như thế cũng đúng thôi, nhưng có hoàn toàn đầy đủ không? Khoảng cách giữa hôm nay của ơn cứu chuộc và ngày sau hết, phải chăng là một khoảng trống to lớn đối với thể xác con người, đối với vũ trụ vật chất? Khi thánh Phaolô nói rằng chúng ta và cả thụ tạo cùng rên rỉ chờ đợi ngày vinh quang con cái Thiên Chúa tỏ hiện, thì hiện thời cả thụ tạo đã được cứu chuộc hay chưa? Mầu nhiệm phục sinh có ý nghĩa cho cả vũ trụ hay mới chỉ có ý nghĩa cho con người?

Có thể nêu cả hàng chục câu hỏi như thế về mầu nhiệm Đức Giêsu đối với thân phận con người, đối với vũ trụ vất chất và đối với lịch sử. Câu trả lời đòi một suy nghĩ toàn bộ về Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

Nói rằng Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta nghĩa là gì? Ở đây chúng tôi không có tham vọng bàn sâu rộng về chính bản chất của mầu nhiệm ấy, nhưng chỉ xin gợi ý để nhìn vào ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể cho chúng ta. Ngôi lời đã làm người, trước hết có nghĩa là Ngài đã thành một trong chúng ta, chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người, như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Ngài đã trở nên giống một kẻ phàm nhân, cuộc đời chẳng khác chi người thế” (2,7). Điều ấy có đem thêm chút gì cho con người, cho cuộc sống của con người không? Nguyên sự kiện ấy đã có ý nghĩa cứu chuộc hay chưa?

Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta, nghĩa là Ngài đã từ địa vị siêu vượt của Thiên Chúa mà đi vào một tương quan với vũ trụ vất chất giống như chúng ta. Ngài cũng đã cần đến vũ trụ vật chất này để sống, để lớn lên. Nếu vũ trụ này trở thành máu thịt của con người, thì nó cũng đã trở thành máu thịt của Ngài, Con Thiên Chúa. Điều ấy có thêm ý nghĩa gì cho vũ trụ vật chất này không, hay Ngài cũng chỉ là một mảnh vụn nào đó xuất hiện một lần rồi lại tan đi trong cái bao la bát ngát của vũ trụ không ngừng tiến hóa này?

Ngài đã làm người, nghĩa là Ngài đã từ vĩnh cửu của Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, trong một khoảng thời gian cố định. Có thể nói được rõ ràng: Ngài đã sinh ra vào thời vua Hê-rô-đê và hoàng đế Augustô; Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá, đã chết và được mai táng thời Phong-xi-tô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a. Sự có mặt của Ngài trong lịch sử có làm gì cho lịch sử không, hay Ngài cũng chỉ là một trong muôn ngàn biến cố của dòng lịch sử tưởng chừng như vô tận đối với kiếp sống của một con người?

Nếu quả thực “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” mà Ngài đã từ trời xuống thế, thì biến cố ấy phải có giá trị cứu chuộc đối với ba yếu tố: con người, vũ trụ và lịch sử; vì cả ba yếu tố ấy mới làm thành “loài người chúng ta”: không có vũ trụ thì làm sao có loài người, mà có loài người thì không thể không có một lịch sử. Nếu công trình cứu chuộc của Người bỏ sót một trong ba yếu tố này thì kể như Ngài chưa làm người, chưa xuống thế để “cứu thế”.

I. NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC LOÀI NGƯỜI

Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Đó là một tiếng reo hò vui sướng. Sau khi con người đã nhận ra mình trần truồng, kinh Thánh đặt vào miệng Thiên Chúa câu bí ẩn này: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi”(St 3,22). Con người đã muốn đoạt lấy quyền tự mình định đoạt điều thiện điều ác để rồi chỉ biết được một điều: thấy mình trần truồng và xấu hổ. Bây giờ thì sẽ phải học cho biết rằng “được sống mãi” là ơn huệ của Thiên Chúa ban chứ không chiếm đoạt được. Khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người là vô cùng, con người không thể vượt qua để nên bằng Thiên Chúa mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể “tự hạ để xuống ngang hàng với con người” (x. Pl 2,6-8). Bây giờ con người reo vui và biết ơn vì gặp được Thiên Chúa đã làm người và đang ở giữa chúng ta.

Nhưng ngày hôm nay người tín hữu nói lại câu ấy phải chăng là nhắc lại một câu chuyện mà một lần nào đó có người đã chứng kiến, cũng như một câu quen thuộc nào đó trong cuốn biên niên sử của một triều đại? Niềm vui ấy chỉ là của một người nào đó đã được hưởng trong lịch sử hay vẫn còn là niềm vui của tôi hôm nay? Câu trả lời tùy ở chỗ biến cố ấy có đem một biến đổi nào trong tôi, trong cuộc sống con người của tôi, và trong loài người chúng ta không?

Nếu như biến cố Ngôi lời làm người không thay đổi gì trong tôi, trong loài người chúng ta hôm nay đây, thì nhiều lắm chỉ là một sự vinh dự cho loài người, vì đã có một lần Thiên Chúa làm người để tham quan thế giới loài người, và là một vinh dự đáng xây đài kỷ niệm. Nhưng Thánh Gioan đã trả lời cho chúng ta trong lời mở đầu Thư thứ nhất của ngài: “Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn”(1Ga 1, 1.3-4). Vậy thì đó là niềm vui cho tôi, và cho cả loài người chúng ta. Nhờ được hiệp thông với anh em và với Thiên Chúa, tôi được là con người, cuộc sống của tôi được có ý nghĩa và loài người được là loài người.

1. Ngài đến để cứu chuộc con người.

Trong bài suy niệm về mầu nhiệm Nhập thể, nhà thần học Karl Rahner[1] đi từ yếu tính con người là cởi mở đón vô biên để nhận ra rằng trong Mầu nhiệm Nhập thể, yếu tính của con người đã được thể hiện một lần, và là lần duy nhất ở cấp độ trọn vẹn nhất. Tính cởi mở đối với vô biên của con người là một đà vươn lên, chứ không phải là một đòi hỏi. Thiên Chúa không mắc nợ con người, không ai bắt buộc Thiên Chúa phải làm người, nhưng do một hành động tuyệt vời, hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương của Ngài, Thiên Chúa đã đến và làm tròn đầy khao khát ấy của con người. Biến cố ấy đã diễn ra một lần và kéo dài trong vĩnh cửu: Đức Giêsu Nadaret. Chính ở nơi Đức Giêsu, sự gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa, giữa giới hạn và vô hạn đã thể hiện tuyệt vời, con người đã thả mình trọn vẹn vào lòng Thiên Chúa để nhận lấy cái vô biên của Ngài. Đức Giêsu là con người, là Ađam mới, vì Ngài là sự thành tựu tròn đầy nhất của nhân loại. Đức Giêsu đạt tới sự tròn đấy ấy nhờ đã vâng phục cho đến chết, và dâng hiến chính mình làm của lễ. Và khi đã tới mức thành toàn, Ngài không giữ lấy cho riêng mình cũng như Ngài đã “chẳng khư khư giữ lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6). Ngài đã đạt tới thành toàn là để thông cho chúng ta (xem Hr 5, 8-9; 10,14). Ngài đã trở nên kiểu mẫu của chúng ta đến mức thánh Phaolô mời gọi: “anh em hãy mặc lấy Đức Ki-tô” (Ga 3,37). Và thánh Phaolô dám kêu gọi như thế là vì “ai tin vào danh Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

a. Kế hoạch của Thiên Chúa và lời xúi giục của Satan.

Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho lại tôi con người, vì Đức Giêsu làm chứng rằng con người là một thành tựu, kế hoạch của Thiên Chúa về con người không phải là một thất bại. Ngài đã trả lời cho loài người thấy rằng Satan nói dối khi nó xúi dục loài người từ chối thân phận của mình. Thiên Chúa muốn con người là hình ảnh của Ngài (St 1,26-27), giống như Ngài, để con người có đủ khả năng làm chủ vũ trụ bao la và mặt đất đầy sức sống này. Nhưng chỉ có Ngài biết Ngài như thế nào và con người có thể là hình ảnh của Ngài như thế nào, nên những đường nét của con người phải do Thiên Chúa xác định. Như vậy con người là một hoạch định của Thiên Chúa. Hoạch định này phát xuất từ tình thương vô biên của Thiên Chúa; Tình Thương muốn cho, muốn trao tặng, muốn chia sẻ. Nhưng trong câu chuyện của Ađam – Eva bị cám dỗ và sa ngã, Satan đã xúi con người nghi ngờ chính tình thương ấy. Nó trình bày dự định của Thiên Chúa như một kế hoạch đàn áp, nhằm nhận chìm con người, không cho con người “nên như Thiên Chúa” (St 3,1-5). Và con người đã theo lời dụ dỗ của Satan, coi dự định của Thiên Chúa là một thất bại. Con người không muốn là hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, nhưng muốn nên bằng Thiên Chúa, muốn “làm Thiên Chúa” nhờ con đường tắt Satan bày cho (St 3,6-7). Nghĩa là con người từ chối kế hoạch của Thiên Chúa và muốn làm một kế hoạch của chính mình. Nhưng thế nào là con người từ chối chính mình, chính yếu tính của mình, vì yếu tính con người là một kế hoạch của Tình Thương Tuyệt Đối. Chính vì thế sau khi phạm tội, con người mới “mở mắt ra, thấy mình trần truồng”: thấy mình không còn là mình.

b. Thiên Chúa khẳng định bằng mầu nhiệm Nhập thể.

Trong mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa đã khẳng định lại rằng Con Người là một kế hoạch của Tình Thương Tuyệt Đối muốn thông chia, chứ không phải là một kế hoạch lừa bịp. Bằng chứng là chính Con Thiên Chúa đã thành người, đã làm người: “Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài sinh làm con một người đàn bà” (Ga 4,4). Hơn thế nữa, Thiên Chúa đã đặt một căn bản vững chắc cho sự thành tựu tuyệt vời của con người, vì “Ngài đã gửi Thánh Thần của Con Ngài vào lòng của chúng ta để Thánh Thần kêu lên: Abba, Cha” (Gl 4,6). Thiên Chúa đã khẳng định ngược lại với Satan rằng: sự việc con người là một kế hoạch của Thiên Chúa thì không phải là điều ô nhục cho con người, nhưng là thành tựu duy nhất của con người. Thiên Chúa cũng dứt khoát làm cho con người là hình ảnh của Ngài, giống như Ngài và, một cách nào đó, bằng Ngài nữa, vì được thông dự vào chính cuộc sống của Ngài trong tư thế là con, là kẻ đồng thừa tự với Con Một Yêu Dấu của Ngài (x. Rm 8,17). Hai tiếng kêu xuất thần của thánh Gioan giải thích điều ấy: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban con Một của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16). “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”(1Ga 3,1-2). Nhờ mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chúng ta có CON NGƯỜI đang ngự bên hữu Thiên Chúa, đang thi hành quyền năng Thiên Chúa, và tất cả những ai tin vào Ngài, đến với Ngài thì cũng sẽ tới đó với Ngài, vì Ngài ở đâu thì những kẻ phụng sự Ngài cũng được ở đó (x. Ga 12,26). Thế là con người muốn bằng Thiên Chúa nhưng tự mình không vươn lên được, thì Thiên Chúa đã “giáng sinh” làm người để nâng con người lên cho bằng Ngài. Thiên Chúa làm người đã cứu chuộc con người, đã cho lại tôi “địa vị con người”, vì Ngài cho lại tôi kế hoạch yêu thương của Ngài về tôi, cho tôi lại được là hình ảnh của Ngài để làm chủ và vươn tới quyền làm chủ tuyệt đối mà Ngài đang thi hành.

 

Kiểm tra tương tự

3 điều người trẻ đúng và 3 điều phụ huynh biết sẽ tốt hơn

Đừng đối xử với người trẻ như thể chúng luôn sai. Nhưng cũng đừng đối …

Ba câu hỏi của Đức Thánh Cha về Thiên Đàng

  Mỏ neo của chúng ta đã ở trên Thiên Đàng. Bám vào sợi dây, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *