Chương 3: Tội Lỗi Và Ơn Cứu Độ
Một trận hỏa hoạn đã xảy ra giữa đêm tối. Những người gây ra hỏa hoạn đã bỏ đi và gia đình bị hỏa hoạn xoay sở để thoát khỏi đám cháy, ngoại trừ đứa con gái nhỏ bốn tuổi bị mắc kẹt trên tầng ba của tòa nhà. Cha của cô bé đứng bên dưới cửa sổ phòng cô bé. Ông gọi cô bé từ cửa sổ và bảo cô bé nhảy xuống. Cô bé kêu lên: “Bố ơi, con không thể nhìn thấy bố.” Người bố trả lời: “Không sao đâu con, bố có thể nhìn thấy con. Nhảy đi con gái!” cô bé đã nhảy và người bố đã đỡ lấy cô an toàn. Cô bé đã thoát khỏi đám cháy xung quanh và lại được đoàn tụ với gia đình cô yêu thương.
Câu chuyện này là một dụ ngôn về những thắc mắc và nhu cầu về ơn cứu độ của con người. Giống như cô bé trong câu chuyên, con người nhận thấy mình đang sống trong tình trạng đổ vỡ và đầy nguy hiểm. Tự sức mình, chúng ta không thể giải quyết được tình trạng này. Nhưng cũng giống như cô bé, chúng ta được chỉ cho một con đường đưa đến sự sống và tình yêu. Ơn cứu độ là một thuật ngữ tôn giáo nhằm mô tả tình trạng đổ vỡ và nguy hiểm của con người, đồng thời thuật ngữ ấy cũng trình bày con đường dẫn tới tự do và hy vọng.
I. Thắc Mắc Của Con Người Về Ý Nghĩa Cuộc Sống
Nếu bạn kiểm tra danh sách các sách tiếng Anh bạn đọc trong năm nay, chắc chắn ít nhiều những sách bạn đọc có liên quan đến chủ đề ơn cứu đô. Chúng có thể không đề cập đến Thiên Chúa hay Đức Giêsu, nhưng rất nhiều trong số ấy nói đến cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Đây là những chủ đề lớn của văn chương vì là những chủ đề lớn của cuộc sống.
Những câu hỏi liên quan đến ơn cứu độ là những câu hỏi vốn đã được con người đã và đang hỏi hàng ngàn năm qua:
– Tại sao lại có thế giới và con người?
– Tại sao tôi được sinh ra? Đâu là mục đích của đời tôi?
– Tại sao có quá nhiều sự dữ trong thế giới này? Có phải con người căn bản là xấu xa?
– Có hy vọng nào cho một sự đổi mới trên trái đất này không?
– Thiên Chúa có quan tâm đến hoàn cảnh của con người không? Nếu có, tại sao Ngài không làm một điều gì đó?
– Tại sao những người vô tội lại chịu đau khổ?
– Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?
– Sống đạo đức có thực sự quan trọng hay không?
Tất cả các tôn giáo cách này hay cách khác đều quan tâm đến những câu hỏi này. Quan tâm chính yếu của tôn giáo là ý nghĩa của cuộc sống. Sống để làm gì? Tại sao chúng ta hiện hữu? Tôn giáo cố gắng đưa ra một giải pháp nào đó cho những câu hỏi này. Có nhiều cách khác nhau để nỗ lực giải đáp những câu hỏi trên. Một trong số đó là triết học. Trong suốt dòng lịch sử đã xuất hiện rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, là những người đã vật lộn với câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Một cách khác không thông qua con đường triết học, nhưng ngang qua những câu chuyện, nghệ thuật và thơ ca. Những cách thức kể trên thường giải quyết cùng một vấn đề nhưng theo những phương thế khác nhau. Triết học nói về phương diện logic của lý trí. Những câu chuyện và nghệ thuật nói nhiều hơn về toàn thể con người, bao gồm cả cảm xúc và trực giác của chúng ta.
Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm thấy những câu chuyện và cả những tư tưởng thần học tìm kiếm về ý nghĩa của ơn cứu độ. Những câu chuyện trong Cựu Ước có thể được tìm thấy trong mười một chương đầu của sách Sáng Thế. Trong những chương này, chúng ta tìm thấy những câu chuyện về sáng tạo, A-đam và E-và sa ngã và trục xuất khỏi vườn Ê-đen, Ca-in và A-ben, Nô-ê và nạn hồng thủy, tháp Ba-ben. Những câu chuyện này không phải là những tường thuật chính xác từng chi tiết về những biến cố đã xảy ra. Đúng hơn chúng là cách thức người Do thái vật lộn với những câu hỏi về cái thiện, cái ác và về ý nghĩa của cuộc đời. Những câu chuyện này trình bày một lịch sử lâu dài của những câu chuyện được kể giữa người Do thái, và cuối cùng, chúng được một kinh sư nào đó gom lại và biên soạn thành một chuỗi các câu chuyện. Nhưng hơn thế nữa, những câu chuyện này là mặc khải được Thiên Chúa linh ứng. Quan tâm chính của chúng ta là tìm xem những câu chuyện này nói với chúng ta điều gì về ý nghĩa của ơn cứu độ.
Câu chuyện thứ nhất trong sách Sáng Thế (1:1-2:4) là câu chuyện mô tả về việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới trong sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Để hiểu câu chuyện này, điều quan trong cần làm là phân biệt hai phạm trù: giải thích khoa học và ý nghĩa tôn giáo. Tác giả của câu chuyện trong Kinh Thánh này biết rất ít về nguồn gốc của vũ trụ theo quan điểm khoa học. (Ngày nay chúng ta biết nhiều hơn, nhưng chúng ta cũng chỉ xới trên bề mặt mà thôi.) Điều quan trọng là ý nghĩa tôn giáo của câu chuyện. Đâu là ý nghĩa đó? Có ba điểm then chốt:
1. Vũ trụ là kết quả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Trong tường thuật sáng tạo này, tác giả nhấn mạnh về quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài phán và lời của Ngài có quyền năng: “Thiên Chúa phán, ‘Phải có ánh sáng,’ và liền có ánh sáng”. Về mặt tôn giáo, Thiên Chúa sáng tạo thế giới trong bảy ngày hay theo một tiến trình tiến hóa sáng tạo là điều không quan trọng. Chính Thiên Chúa là nguồn gốc của quyền năng sáng tạo này mới là điều quan trọng.
2. Việc sáng tạo của Thiên Chúa là tốt đẹp. Tôi đã gặp nhiều người tin rằng thế giới này là hỏa ngục. Tác giả của những câu chuyện sáng tạo này muốn làm rõ một điều: theo ý định của Thiên Chúa, thế giới này là một nơi tốt lành. Sự sáng tạo của Thiên Chúa là tốt đẹp. Điều này được lặp lại từ đầu đến cuối câu chuyện. Sau mỗi ngày, Thiên Chúa nhìn lại công việc tạo dựng của mình và tuyên bố chúng là tốt đẹp. Và sau ngày thứ sáu, ngày kết thúc việc tạo dựng, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.”
3. Con người là kiệt tác của Thiên Chúa và được trao ban trách nhiệm chăm sóc tạo thành. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1,27-28). Con người có vị trí độc nhất trong thế giới tạo thành. Chỉ có con người được tạo nên “theo hình ảnh Thiên Chúa.” Điều này có ý nghĩa gì? Bản văn cho thấy rõ rằng con người chia sẻ hình ảnh của Thiên Chúa nhờ được trao ban trách nhiệm để chia sẻ cộng việc tạo dựng. Họ phải làm cho trái đất sinh sôi nảy nở và chăm sóc bảo dưỡng nó. Điều quan trong nên chú ý ở đây là từ “con người” ở đây nói đến cả đàn ông lẫn đàn bà. Không phải chỉ có đàn ông mới được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Lịch sử cho thấy rằng con người đã và đang khai thác trái đất cũng như bảo dưỡng nó. Chúng ta không thể quên rằng con người là thành phần của thế giới tạo thành. Con người không phải là Thiên Chúa. Bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn đối với những quan tâm về môi trường theo những cách thức nào? Bằng cách nào bạn có thể “yêu mẹ trái đất” của bạn hơn?