Người Chứng Thứ Nhất – Chương II: Tin Mừng đưa đến Phú Yên

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG II: TIN MỪNG ĐƯA ĐẾN PHÚ YÊN

Anre PhuYen 3Ở vào địa thế hiểm trở, núi lớn sông dài, tỉnh Phú Yên trong buổi sơ khai, giao thông với bên ngoài phần lớn nhờ đường thuỷ. Đó là lý do giải thích vị trí dinh Trấn Biên, lập ngay trên bờ sông Cái, cách cửa Tiên Châu chừng ba bốn cây số, trong vũng Xuân Đài.

Vũng này khá rộng lớn, nước êm sóng lặng nhờ có núi bao vây phía Bắc, mấy cù lao chấn trước mặt (hòn Yến, hòn Mái Nhà…). Vào thời kỳ việc tiếp tế Phú Yên chỉ có thể thực hiện bằng đường bể, chính vũng này xưa kia đã tiếp đón những tàu bè khá lớn1 đến buôn bán hoặc vận lương cho binh sĩ. Gần cửa bể Tiên Châu, tại Vũng Lắm, có làng Minh Hương, xưa là một thương cảng thịnh vượng, mà người Pháp còn được chứng kiến khi họ đến đó lập tòa Công Sứ đầu tiên năm 1887 2. Đến sau, Sông Cầu và Tuy Hòa được mở mang, Vũng Lắm mới mất dần địa vị của nó. Ngày nay mặc dầu bị tàn phá, làng Minh Hương còn đó để làm chứng cho quá khứ: Một tiểu Hội An trong tỉnh Phú Yên ngày xưa.3

Chính do cửa bể này, vào khoảng tiền bán thể kỳ XVII, Tin Mừng đã được đem đến cho dân Phú Yên, do các tông đồ Chúa Cứu Thế, cũng như cửa bể Hội An, Đà Nẵng đã nhận Tin Mừng ấy cho dân Quảng Nam Thuận Hóa.

Giáo đoàn sơ khởi

Đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên năm thứ hai, ngày 18 tháng giêng 1615, nhằm lễ kỷ niệm thánh Phêrô lập Tòa ở La Mã, hai giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng: Francesco Buzomi người Ý, và Diego Carvalho, người Bồ Đào Nha. Giáo sĩ thứ hai này chỉ ở ít lâu, rồi được phái qua Nhật Bản và tử đạo ở đó năm 1624. Cha Bề trên Buzomi ở lại điều khiển việc truyền giáo trong 24 năm liền, đáng gọi là nhà sáng lập Giáo đoàn Đàng Trong.

Hai giáo sĩ cất một ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng; ngày Phục Sinh năm ấy (1615) các ngài cử hành Thánh lễ đầu tiên và rửa tội cho mười giáo hữu tiên khởi. Ít lâu sau, cũng trong năm 1615, cha Buzomi lại xây ngôi nhà thờ thứ hai tại ngay thủ phủ dinh Quảng Nam4 với sự giúp đỡ của các giáo hữu tân tòng ở đấy, nhất là bà quý phái Gioanna. Tổng cộng một năm đầu đã có ba trăm tín hữu.5

Mười năm sau, khi thầy giảng Anrê Phú Yên chào đời (1625) thì đạo Thiên Chúa đã có ở các thị trấn lớn trong xứ, do mười giáo sĩ kế tiếp nhau đến truyền giáo6. Tại Quy Nhơn, nhà thờ và họ giáo lập tại Nước Mặn 7 từ năm 1618 do sự ủng hộ nhiệt thành của quan Tri phủ sở tại, mỗi ngày một tiến triển, nhất là từ sau cuộc lễ rửa tội (1620) của vợ chồng ông sứ thần đầu tiên được chúa Sãi cử sang vương triều Miên quốc: ông Inhaxô và bà Ursula8. Tại Thuận Hóa phong trào tòng giáo cũng lan rộng nhờ gương sáng và hành động tông đồ của bà tiết phụ chúa Nguyễn Hoàng, tước hiệu Minh Đức Vương thái phi, rửa tội năm 1625 với tên thánh Maria Mađalêna. Bà lập nhà thờ công cộng ngay tại dinh con trai bà, ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, phò tá Công thượng vương, được truy phong tước Nghĩa hưng Quận vương. Từ đấy cho đến khi từ trần (1648-1649), bà thực hành mọi nhân đức, nhiệt thành với việc truyền giáo, giúp đỡ giáo sĩ, bênh vực giáo dân, làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa, trong đó có nhiều người trong hoàng tộc.9

Giáo sĩ Đắc Lộ

Cũng năm sinh của thầy giảng Anrê Phú Yên (1625) còn đem đến cho Việt Nam một giáo sĩ trứ danh lưu lại một sự nghiệp lừng lẫy về cả hai phương diện tôn giáo và văn hóa: giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes).

Ông vốn thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, cha Bernardin de Rhodes đến lập nghiệp ở Avignon (Pháp) từ cuối thế kỷ XV10. Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591 tại Avignon, với tư cách “công dân của Đức Giáo hoàng” (sujet du Pape), vì Avignon thuộc địa hạt Comtat Venaissin, nhượng địa của Tòa thánh La Mã. Năm 1612 ông gia nhập Dòng Tên ở La Mã. Sau khi xin được cử sang Viễn Đông truyền giáo, ông rời thủ đô Giáo hội qua Lịchbôn (Lisbonne) đáp tàu ngày 4 tháng 4 năm 1619 đi Goa, Malacca rồi đến Ao Môn ngày 29 tháng 5 năm 1623, định vào giảng đạo ở Nhật Bản. Nhưng lúc ấy cửa ngõ nước Nhật đã đóng kín, giáo sĩ được cử đến xứ Nam. Ông lên bộ tại Đà Nẵng vào cuối tháng chạp 1624, bắt đầu học tiếng, chỉ trong sáu tháng đã giảng được bằng tiếng Việt Nam. Chính ông đã chứng kiến lễ rửa tội của bà Minh Đức Vương thái phi ở Thuận Hóa năm 1625. Sau 18 tháng hoạt động, giáo sĩ được gọi về Ao Môn rồi được phái sang giảng đạo ở xứ Bắc (1627).

Giữa kinh đô Hà Nội (Kẻ Chợ), chúa Trịnh Tráng cấp cho giáo sĩ một căn nhà để làm nhà thờ và nhà ở. Nhờ biết nói thông thạo Việt ngữ, am hiểu phong tục và tính tình ngừơi Việt, lại đầy lòng tận tâm bác ái, giáo sĩ Đắc Lộ hoạt động rất có kết quả, xứng đáng là vị Sáng lập Giáo hội Đàng Ngoài. Với sự hiệp tác của các thầy giảng Việt Nam trong ba năm đầu, giáo sĩ đã rửa tội được 6.700 người, trong đó có nhiều thân hào, nhiều nhà sư và cả một người em gái chúa Trịnh Tráng tới 17 gia nhân.11

So sánh với Giáo hội Trung Hoa sơ khởi, nhận thấy 25 hoạt động (1584-1609) của nhà truyền giáo thời danh Lợi Mã Đậu (Mateo Ricci), với 11 vị đồng liêu Dòng Tên, chỉ đem lại được 2.500 giáo hữu12, ta càng hiểu rõ ơn lạ lùng dành cho dân Việt, và lòng đại lượng của dân này hưởng ứng ơn kia.

Bị trục xuất hồi tháng 5 năm 1630, giáo sĩ về dạy học ở Ao Môn mười năm, rồi được cử đến Đàng Trong lần thứ hai vào đầu năm 1640 để thay thế cha Buzomi từ trần năm trước. Sau khi yết kiến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, giáo sĩ hoạt động trong xứ được 7 tháng thì bị trục xuất do lên ông quan ở Quảng Nam mà giáo sĩ ghi tên là Onghebo: Ông Nghè Bộ.13

Lần thứ ba, giáo sĩ Đắc Lộ đến Đàng Trong vào ngày 24 tháng 12 năm 1640, trứơc lễ Giáng Sinh. Sau khi cùng với ba đồng sự là giáo sĩ Benoit de Mattos hoạt động ít lâu ở Quảng Nam, hai người chia tay: de Mattos lên phía bắc: Thuận Hóa, Quảng Bình; Đắc Lộ xuống miền nam: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, và Phú Yên, giáp giới Chiêm Thành (1641).

Cuộc hành trình này suýt làm cho giáo sĩ Đắc Lộ bỏ mình dưới làn sóng bạc biển Đông, nhưng lại dành cho giáo sĩ, khi tới Phú Yên, nhiều ngạc nhiên và thỏa mãn về tinh thần.

Họ giáo Phú Yên

Quả thực, lúc ấy Phú Yên đã có một họ giáo tuy ít ỏi nhưng rất nhiệt thành, gồm cả một số người trong giới quan chức. Đó có thể là những giáo hữu cũ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn theo cơ quan quân, chính, hoặc trào lưu di dân, vào khai thác đất Phú Yên. Đó cũng có thể là những giáo hữu đã được rửa tội ngay tại chỗ, từ đời cha bề trên Buzomi14. Dầu sao những bổn đạo ấy, từ lâu lắm, đã không được gặp linh mục, và cuộc viếng thăm của cha Đắc Lộ là một tin mừng lớn cho họ.

Trong số những giáo hữu này, đáng chú ý hơn hết là bà Maria Mađalêna, thuộc vương tộc và là vợ quan trấn thủ dinh Trấn Biên. Cuộc tòng giáo của bà được sử liệu ghi chép như sau:

“Tại tỉnh Phú Yên lúc ấy xảy ra một cuộc cãi lý giữa một giáo hữu sốt sắng tên là Hiêrônimô, và một nho sĩ ngoại giáo trước mặt quan trấn thủ… Nho sĩ này phải đuối lý không trả lời được câu nào… Quan trấn thủ rất mộ mến đạo ta, song ông không theo, vì ông không thể bỏ được các vợ bé của ông; tuy vậy ông cho phép bà vợ cả theo đạo, nếu bà muốn. Bà này liền tòng giáo và chúng tôi hy vọng bà sẽ làm cho chồng bà trở lại”.15

Giáo sĩ Cardim tường thuật việc này, không ghi rõ năm nào, song phúc trình của giáo sĩ Mathias da Maya cho biết đích xác là năm 163616. Vì bà này là người họ hàng chúa Nguyễn, người ta không thể nghĩ đến tấm gương của bà Minh Đức Vương thái phi, tiết phụ chúa Nguyễn Hoàng, đã rửa tội từ năm 1625. Cũng như bà Minh Đức, sau khi tòng giáo, bà Maria Mađalêna Phú Yên giữ đạo rất sốt sắng, nhiệt thành với việc tông đồ. Ngoài việc lập một nhà nguyện công cộng ngay trong dinh quan trấn thủ, bà Maria Phú Yên còn là thuỷ tổ công cuộc xã hội công giáo tại Việt Nam, vì bà đã sáng lập ngôi nhà thương đầu tiên, để săn sóc, cứu chữa các bệnh nhân, đồng thời lo việc cứu giúp các linh hồn. Hằng ngày nhiều bổn đạo cũ đến tham gia công cuộc bác ái và truyền giáo này, làm cho nhiều người trở lại cùng Thiên Chúa.17

Không kể bà trấn thủ, còn có vợ chồng ông quan coi cửa bể (có lẽ đóng ở Trại Thuỷ hoặc Vũng Lắm) cũng giữ đạo sốt sắng. Hai ông bà đều lấy tên thánh là Biển Đức (Benoit và Benoiste)18. Ngoài ra, có ông Emmanuel, một thầy thuốc danh sư ở ngay trấn lỵ (làng Hội Phú) cũng nổi tiếng nhân đức. Ông hằng sốt sắng cứu giúp người đồng đạo cũng như người khác đạo, phần xác và phần hồn, làm cho nhiều người trở lại đạo. Ít lâu trước khi giáo sĩ Đắc Lộ đến Phú Yên, ông ngọa bệnh rất trầm trọng. Tất cả giáo hữu lo sợ mất một bó đuốc sáng trong Giáo hội. Họ đến quây quần bên giường ông, khóc lóc thảm thiết như ông đã tắt thở. Mà thực ông đã ngất đi đến mấy tiếng đồng hồ, nhưng sau đó ông tỉnh lại, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông cho biết rằng, trong lúc ngất trí, Đức Chúa Trời đã cho ông thấy cảnh thiên đàng, tốt đẹp vô cùng, không miệng lưỡi nào tả xiết, và ông cũng được thấy nhiều giáo hữu ông quen biết, xưa đã sống một đời thánh thiện, nay được hưởng phúc thiên đàng. Một điều làm cho mọi người càng tin lời ông mà không nghĩ rằng đó là giấc mộng: Ngay lúc đó, ông khỏi hết bệnh tật, lành mạnh như không hề đau ốm gì, mặc dầu trước đó mấy giờ, bệnh tình ông nặng đến nỗi không ai tin rằng ông qua khỏi. Tuy nhiên từ đó ông không thiết ăn uống gì nữa, ngày đêm chỉ mơ tưởng và nói đến nước thiên đàng. Mấy tháng sau ông từ trần êm ái và hoan lạc, khác hẳn thường tình.19

Bà Gioanna, thân mẫu của thầy giảng Anrê mai sau, cũng là một giáo hữu “rất nhân đức”20 của họ Phú Yên. “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”21. Quả thực, mặc dầu góa bụa và đông con “bà đã lo cho cậu, ngay từ những năm đầu, được học chữ nghĩa, kinh sử”22. Nhưng có một điều khiến bà ngày đêm lo lắng không yên: con út của bà đã khôn lớn mà chưa được chịu phép rửa tội. Hơn mọi người khác, bà hằng cầu mong cho có giáo sĩ đến để rửa tội cho con bà.

Phần cậu thiếu niên, được mẹ hiền ngày đêm dạy dỗ, lại được thấy những tấm gương sáng lạn kia, lẽ nào không mong ước ơn tái sinh phần hồn để được cùng đi một đường với mẹ?

Thì đây, ngày mong chờ đã đến.

“Từ nay con sẽ gọi là Anrê”

Trên con đường nam tiến truyền giáo, sau khi rời Đà Nẵng, Hội An, giáo sĩ Đắc Lộ lần lượt qua thăm các họ giáo thuộc Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, rồi đến thứ sáu Tuần thánh, tức 29 tháng 3 năm 1641, ông xuống tàu đi Phú Yên23. Ngày hôm sau, giáo sĩ bị một trận bão dữ dội, tưởng chừng không sống sót, nhưng, theo giáo sĩ nói, Đức Chúa Trời đã cứu giáo sĩ, vì sáng ngày lễ Phục Sinh (31-3-1641) giáo sĩ bỗng thấy mình ở trong một vụng êm lặng song không biết là ở đâu. Giáo sĩ làm lễ sốt sắng cho mọi người trong tàu dự. Sau đó, nhận được phương hướng, tàu trực chỉ cửa bể Bà Đài, tức vụng Xuân Đài ngày nay.24

Ông quan coi cửa bể này và vợ, là ông bà Biển Đức, nghe tin có giáo sĩ đến, liền sai người đi đón về nhà và tiếp đãi rất trọng hậu. Tại đây, giáo sĩ cử hành thánh lễ đầu tiên, mở đầu kỳ “đại phúc” ở Phú Yên.

Theo nhiệm vụ, quan coi cửa bể làm báo cáo lên quan trấn thủ dinh Trấn Biên25 về việc có giáo sĩ Tây phương đến Bà Đài. Quan trấn là người lương, nhưng có bà vợ là người Công giáo, bà Maria Mađalêna, lúc ấy đang ở phủ chúa tại Thuận Hóa26. Nhận được báo cáo, biết giáo sĩ là người đồng đạo với vợ mình, ông trấn thủ vội vàng sai hai thuộc viên đi đón và đưa cha Đắc Lộ vào dinh của ông. Dọc đường, nhiều bổn đạo ra gặp giáo sĩ rất niềm nở.

Đến dinh Trấn Biên, giáo sĩ được quan trấn thủ tiếp đãi rất tử tế và tỏ ra nhiều thiện cảm. Đến tối, ông cho giáo sĩ ở một ngôi nhà rất thuận tiện, và cáo lỗi vì trong nhà riêng của ông không có chỗ xứng đáng để mời giáo sĩ nghỉ.

Giáo sĩ bắt đầu thi hành nhiệm vụ hằng ngày theo luật Dòng. Làng Hội Phú, nơi đặt dinh trấn, đã trở nên căn cứ truyền giáo của cha Đắc Lộ. Từ căn cứ đó, trong hai tháng liền, giáo sĩ đi thăm viếng tất cả các làng lân cận như Long Uyên, Phú Hội, Diêm Điền v.v… trong cánh đồng Tuy An.

Trong khi đó, bà trấn thủ Mađalêna đã từ phủ chúa về đến Phú Yên. Vì lúc ấy người ta đồn rằng chúa Thượng ra lệnh cấm đạo, bà liền vào nhà thờ trước hết, để tạ ơn Thiên Chúa đã cho bà đi về bằng an, và để khuyến khích các đồng đạo. Bà nói: “Hỡi anh chị em, anh chị em há chẳng biết rằng quân lính anh dũng thì phải can đảm hy sinh vì vua chúa mình sao?… Ta cũng vậy, ta phải can đảm hy sinh để chiến chiến đấu cho Thiên Chúa, bên vực lề luật của Chúa chúng ta…” Bà còn nói nhiều điều rất sốt sắng, khiến chính cha Đắc Lộ cũng cảm thấy mạnh sức và thêm lòng hăng hái bênh vực thánh danh Chúa Giêsu.

Bà đạo đức ấy cầu nguyện rồi, liền về tư dinh của bà. Ngày hôm sau, bà mời cha Đắc Lộ vào làm lễ tại nhà nguyện trong dinh trấn, có tất cả các giáo hữu trong họ hàng bà đến dự. Giáo sĩ đến, được quan trấn thủ ra đón từ cổng dinh. Giáo hữu tựu hợp rất đông, nên lễ xong, giáo sĩ phải ở lại trong dinh bốn ngày liền. Trong những ngày ấy, giáo sĩ dạy giáo lý và rửa tội cho chín mươi (90) người trong số đó có cả em gái quan trấn thủ. Quan trấn rất hài lòng, và tuyên bố rằng ông muốn cho cả nhân dân trong trấn được rửa tội. “Cho đến bây giờ, lời giáo sĩ Đắc Lộ ghi chép, Thiên Chúa chưa đánh động lòng ông để ông được nhận ơn phúc mà ông cầu mong cho kẻ khác. Nhưng Chúa đã dùng ông để làm gia tăng cách lạ lùng đoàn chiên của Chúa. Sau đó ít lâu, tôi cáo từ ông cùng bà Maria và cả bổn đạo nơi này, để trở về Đà Nẵng”.

Đoạn trên đây tường thuật theo một bức thư của giáo sĩ Đắc Lộ viết năm 1641, báo cáo cùng cha Bê trên Cả dòng Tên, được giáo sĩ Cardim ghi lại trong ký sự của ông27. Giáo sĩ không nói gì đến cuộc tòng giáo của Anrê, vì lúc ấy, Anrê chỉ là một thiếu niên thường như mọi thiếu niên khác, nào có gì đáng kể. Nhưng sau này, khi tường thuật cuộc “tử đạo oanh liệt” của thầy giảng Anrê, giáo sĩ xác nhận rằng: “Đúng ba năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy”.28

Anrê được rửa tội ba năm trước khi chết, tức là năm 1641. Năm này, giáo sĩ Đắc Lộ đến Phú Yên lần đầu và chỉ đến mở tuần đại phúc ở đó có một lần, trong hai tháng (tháng tư và tháng năm dương lịch) từ lễ Phục Sinh đến khoảng lễ Chúa Ba Ngôi, rồi ông trở về Quảng Nam và đến ngày 2 tháng 7 thì đáp tàu đi Maní, Ao Môn29. Như vậy, cậu thiếu niên Anrê chính là một trong số 90 giáo hữu tân tòng được giáo sĩ Đắc Lộ rửa tội trong kỳ tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna trong dinh trấn thủ.

Để chuẩn bị lễ rửa tội lớn lao đó, giáo sĩ đã phải dành phần lớn thì giờ trong hai tháng lưu trú ở Phú Yên: nào thăm viếng khuyên bảo, nào dạy dỗ tập tành… Vậy cuộc rửa tội chắc đã cử hành vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, hoặc trong tuần chín ngày trước, hoặc trong tuần tám ngày sau: thật không còn cơ hội nào tốt đẹp và thuận lợi hơn để kéo ơn Thánh Linh xuống cho những môn đệ mới của Chúa. Nhiều nhà truyền giáo học đã sánh buổi khai nguyên Công giáo Việt Nam với thời kỳ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh tông đồ tại nhà Tiệc biệt ly30. Cuộc lễ này ở Phú Yên minh chứng một cách cụ thể cho ý nghĩ đó vậy.

Như vậy, làng Hội Phú, nơi lập dinh trấn xưa kia, nay là “thôn Thành cũ”, thuộc xã An Ninh, địa sở Mằng Lăng, quận Tuy An, chính là quê tái sinh phần hồn của vị tử đạo tiên khởi Việt Nam.

Lúc bà Gioanna dẫn đứa con 16 tuổi31 đến cho cha Đắc Lộ rửa tội, giáo sĩ có ngờ đâu thiếu niên ấy, “ngoài ơn thánh tẩy bằng nước, lại được Đức Chúa Trời ban ơn thánh tẩy bằng máu” theo một câu nói của giáo sĩ32. Khi lấy tên Anrê đặt cho thiếu niên, giáo sĩ tuy thầm mong cho thiếu niên ấy theo gương thánh bổn mạng, nhưng không ngờ rằng người ấy sẽ tái diễn hoàn toàn cuộc đời vị Tông đồ xưa.

Còn bà trấn thủ Maria Mađalêna, nếu không phải là mẹ đỡ đầu riêng của Anrê, thì cũng là ân nhân chung của toàn thể nhóm tân tòng, và riêng của Anrê vậy. Gương sáng đạo đức và tinh thần tông đồ của bà chắc hẳn đã gây một ảnh hưởng quyết định trong tâm hồn trong trắng của thiếu niên. Chẳng những thế, ông trấn thủ chồng bà cũng đã có công lớn trong cuộc tòng giáo của Anrê. Vậy ông trấn thủ Phú Yên lúc đó và bà Maria Mađalêna là ai?

Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh và Ngọc Liên công chúa.

Như trên đã nói, quan trấn thủ đầu tiên được chúa Nguyễn cử vào giữ dinh Trấn Biên từ năm 1629 là quan phó tướng Nguyễn Phúc Vinh. Nếu sử liệu cho biết thêm một chi tiết nhỏ: ông trấn thủ ấy còn trị nhậm ở Phú Yên cho đến năm 1641, thì chúng ta biết ngay được bà vợ ông, mà sử liệu truyền giáo ghi là Maria Mađalêna, chính là Ngọc Liên công chúa, trưởng nữ Sãi vương, theo sử liệu nhà Nguyễn33, đương thời gọi là bà Quận Thanh, do tước của chồng là Thanh Lộc hầu, theo gia phả giữ ở làng Cổ Trai, tỉnh Quảng Trị.34

Tiếc thay, tất cả các sử liệu cũ mà chúng tôi tra cứu đều không nói gì đến hậu vận của ông trấn thủ này. Nhưng sử học còn nhiều đường khác để tìm sự thật.

Trước hết, xét về thân thế ông, ta nhận thấy ông là một võ quan cao cấp, có công dẹp giặc an dân, sáng lập dinh Trấn Biên, làm trấn thủ đầu tiên ở Phú Yên, lại là con rể của vị chúa đương thời, nên càng được tín nhiệm.

Trong hoàn cảnh đất chúa Nguyễn thời ấy, ông là một trong vài ba lãnh tụ quan trọng nhất. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, nối nghiệp Tiên vương Nguyễn Hoàng, lúc ấy đóng dinh tại Phước Yên, cách Huế 10 cây số về phía Bắc35. Năm bính dần 1629, Sãi vương đặt em (cùng cha khác mẹ) là Nguyễn Phúc Khê, con bà thái phi Minh Đức, làm Tổng trấn tức như Tổng tư lệnh ngày nay. Tại dinh Quảng Nam, thủ phủ quan trọng nhất, chúa đặt con trai cả là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ (1614). Hoàng tử Kỳ chết sớm (1631), con thứ ba của chúa là Anh được lên thay, còn Nguyễn Phúc Lan, con trai thứ hai, được chúa giữ tại Thuận Hóa để phụ lực với chúa và sau này kế vị.

Trong nước lúc ấy còn hai dinh khác, Trấn Biên dinh và Quảng Bình dinh, thì chúa giao cho hai con rể làm trấn thủ: phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, chồng của Ngọc Liên công chúa, và phó tướng Nguyễn Cửu Kiều (nguyên họ Lê) được ban “Quốc tính” (họ vua) từ ngày cưới Ngọc Đỉnh công chúa.36

Vợ chồng Nguyễn Phúc Vinh vào Phú Yên được năm năm, thì chúa Sãi từ trần (1635). Xét trong năm năm ấy, trong xứ không có biến cố gì quan trọng khiến phải đặt ra vấn đề thuyên chuyển, hoặc phải đảo lộn các cơ sở hành chánh; vả lại thời gian ấy cũng vừa mới đủ để hoàn thành việc xây dựng đồn luỹ và thiết lập cơ sở cho dinh Trấn Biên, nên chắc chắn chúa Sãi đã không đổi con rể ông đi nơi khác.

Đến khi Công Thượng vương Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp chúa vào năm 1635, liền xảy ra cuộc nổi loạn của em ruột là Anh, trấn thủ Quảng Nam. Nhà vương liền sai bọn ông Bùi Hùng Lương, Tống Triều Phương, Tôn Thất An, Tống Văn Hùng, Tôn Thất Tuyên v.v… đem quân từ Thuận Hóa vào dẹp loạn 37. Như vậy, giữa một hoàn cảnh xáo trộn, ông Nguyễn Phúc Vinh vẫn không bị điều động: sự hiện diện của ông ở dinh Trấn Biên vẫn còn là sự cần thiết không thể thiếu được.

Trong khi đất Quảng Nam nổi giông tố vì em trai, xứ Phú Yên ở tận biên giới vẫn được bình trị: chúa Thượng tất cũng hài lòng đối với người anh rể trấn ở đó. Vả lại từ năm 1635 đến năm 1641, mới có sáu năm, mà lúc đó là thời kỳ chúa Thượng đang cần ổn định tình thế, thì không có lẽ gì lại thay đổi một vị tư lệnh vừa trung thành vừa đắc lực như thế ở chốn biên thuỳ.

Mặt khác, theo lệ thường ở các chế độ chuyên chế và bảo thủ xưa kia, thời gian trị nhậm của một vị quan to ở một địa phương thường kéo dài không hạn định. Riêng trong hoàn cảnh chúa Nguyễn lúc đó, các chức vụ lớn còn ít ỏi, mà người tín nhiệm để trao phó chức vụ (thường là họ hàng nhà vương) cũng không có nhiều, thì việc thuyên chuyển lại càng ít xảy ra. Chứng cớ là phó tướng Nguyễn Cửu Kiều, trấn thủ dinh Quảng Bình từ năm quý dậu 1633, đến lúc chết là năm bính thân 1656: trong 23 năm liền. Lại như Nguyễn Phúc Kỳ cũng làm trấn thủ Quảng Nam 17 năm (1614-1631).

Vì thế ta có thể luận rằng ông trấn thủ mà giáo sĩ Đắc Lộ gặp ở Phú Yên năm 1641, chính là quan phó tướng Nguyễn Phúc Vinh. Quả thực, giáo sĩ tả ông là “một trong những ông quan lớn nhất trong nước”38 – có “tất cả chức tước sang trọng trong triều”39 – “một ông quan lớn” 40… “rất được nhà vương yêu chuộng”41. Lúc giáo sĩ làm quen với ông, thì ông đang làm “trấn thủ” hay “tổng trấn”42 tỉnh “Ranran”, “Ranran” hay “Daran” hay “d’Aran” – tức Phú Yên. Giáo sĩ còn cho biết ông là một quan võ, điều khiển quân đội của nhà vua43. Thật là xứng hợp hoàn toàn với chức tước và nhiệm vụ ông Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh trong sử Việt. Nhiều chi tiết cụ thể khác xác nhận điều đó.

Bản phúc trình của giáo sĩ Mathias da Maya mà chúng tôi đã nói ở trên chứng minh rằng ông trấn thủ mà giáo sĩ Đắc Lộ gặp ở Phú Yên năm 1641, chính là ông trấn thủ có bà vợ là Maria (Mađalêna) tòng giáo năm 1636 trong khi ông bà đang ở Phú Yên. Thế nghĩa là từ 1641 trở ngược lên 1636, dưới đời chúa Thượng, không hề có sự thuyên chuyển trấn thủ. Còn lại giai đoạn từ 1636 lên đến 1629, là năm ông Nguyễn Phúc Vinh vào đánh Văn Phong lập dinh Trấn Biên, người ta lại càng không thấy lý do nào khiến chúa Sãi, mới có bảy năm, đã đổi người con rể tài ba và tín nhiệm ấy đi nơi khác, như chúng tôi đã nói. Thế là ông trấn thủ Phú Yên năm 1629 với ông trấn thủ Phú Yên năm 1641 vẫn chỉ là một: phó tướng Nguyễn Phúc Vinh.

Theo tài liệu của giáo sĩ Đắc Lộ, thì đến cuối năm 1643 đầu năm 1644 mới có cuộc thuyên chuyển vị trấn thủ dinh Trấn Biên: Ông trấn thủ có bà vợ công giáo đã tiếp đón giáo sĩ hai năm trước, không còn ở Phú Yên nữa và đã có người khác để thay thế 44. Chính sự kiện này cũng chứng minh thêm việc ông Nguyễn Phúc Vinh còn ở Phú Yên năm 1641, vì không lẽ trong có mấy năm mà chúa Thượng thay đổi vị tư lệnh ở biên giới tới hai lần.

Sau ông Nguyễn Phúc Vinh, ta biết tên một vị trấn thủ khác ở Phú Yên là phó tướng Tôn Thất An (Yên, Yến) mà trên đây ta đã thấy từ Thuận Hóa đem binh vào Quảng Nam lập công trận trong cuộc tiễu loạn năm 1635. Quả thực sử có ghi: Đời Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế, tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, năm thứ 11, mậu tuất (1658), quan phó tướng dinh Trấn Biên là Tôn Thất An tước An Võ hầu, được cử đem quân vào đánh Chân Lạp, bắt sống được vua xứ ấy là Nặc Ông Chân45. Rất có thể rằng, sau chiến công ở Quảng Nam năm 1635 và một thời gian phục vụ ở đó, chính ông là người đã được bổ nhiệm trấn thủ Phú Yên năm 1644 thay Nguyễn Phúc Vinh rồi đến năm 1658, uy thế và kinh nghiệm có thừa, ông được cử trọng trách lịch sử mở đường nam tiến vào tận Gia Định lần thứ nhất. An Võ hầu chính là con trai thứ năm của chúa Sãi, em cha khác mẹ với bà Ngọc Liên.

Trong các ký sự, giáo sĩ Đắc Lộ phân biệt rõ ràng, trong hai ông bà thì riêng bà là “có họ gần (proche parente) với nhà Vương”46, “bà ở trong phủ chúa”47, “bà từ phủ chúa mà về”48. Quả thực, mặc dầu mang họ Nguyễn Phúc, ông Nguyễn Phúc Vinh không có họ hàng gì với chúa Nguyễn – trái với Tôn Thất An là người vương tộc. Ông vốn họ Mạc, con Mạc Cảnh Huống, gọi Khiêm vương Mạc Kính Điển (cha vợ chúa Sãi) bằng bác ruột. Khi ông Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, cha ông đi theo phò tá, làm đến chúc Thống binh; đến đời ông làm phó tướng, được chúa Sãi gả cho con gái đầu lòng, chị của chúa Thượng, và ban “quốc tính” tức họ nhà vương (Nguyễn Phúc), đến đời con mới cải là Nguyễn Hữu.49

Giáo sĩ Đắc Lộ còn cho biết ông cựu trấn thủ Phú Yên, khi đã về Quảng Nam, trạc khoảng 80 tuổi vào năm 164450. Về bà Maria thì một nguồn sử liệu công giáo khác cho biết, vào năm 1665, nghĩa là 21 năm sau, bà vẫn còn sống51. Như vậy ta có cảm giác bà trẻ tuổi hơn ông khá nhiều.

Xét nguồn sử ta, không biết ông Nguyễn Phúc Vinh tuổi tác bao nhiêu, chỉ biết sơ lược rằng cha ông, Mạc Cảnh Huống, là người đồng thế hệ với Nguyễn Hoàng52, còn ông là người đồng thế hệ với Sãi vương và là em họ của vợ Sãi vương, mà lại lấy con gái Sãi vương. Như vậy tất là ông nhiều tuổi hơn vợ.

Bà Ngọc Liên tuổi bao nhiêu? Người ta được biết bà là con đầu lòng Sãi vương, cùng một mẹ với hoàng tử Kỳ và Công thượng vương53. Sãi vương sinh năm giáp thìn 1563, chết năm ất hợi 1635, thọ 73 tuổi. Vợ tên là Giai, họ Mạc đổi ra Nguyễn, tước Hy tôn Hiếu văn. Hoàng hậu, sinh năm mậu dần 1578, chết năm canh ngọ 1630, thọ 53 tuổi54. Được biết Công thượng vương (em hoàng tử Kỳ) sinh năm tân sửu 160155, vậy thì bà chị cả Ngọc Liên ít nhất phải ra đời khoảng 4-5 năm về trước tức là năm 1596-1597: lúc ấy Hiếu văn Hoàng hậu, mẹ bà, mới khoảng 18, 19 tuổi xuân mà thôi, nghĩa là mới về nhà chồng.

Nếu ta nhận bà Ngọc Liên sinh vào khoảng năm 1596, và kết bạn với ông Nguyễn Phúc Vinh lúc mới đến tuổi cập kê, tức là khoảng năm 1614, thì điều ấy rất hợp với sử liệu, vì sách Liệt truyện56 cho biết cuộc hôn nhân này xảy ra dứơi triều chúa Sãi (1613-1635), hiểu cho đúng là đầu đời chúa Sãi.

Nếu bà Ngọc Liên quả là bà Maria Mađalêna thì năm 1643-1644, lúc chồng bà là Nguyễn Phúc Vinh từ Phú Yên đổi về Quảng Nam, bà được 47 tuổi, và năm 1665, lúc bà phải bắt vị đạo dưới đời chúa Hiền57 bà thọ 69 tuổi, và chồng bà hình như đã từ trần lâu rồi, vì lúc ấy các giáo sĩ không nói gì đến chồng bà nữa.

Nếu ông Nguyễn Phúc Vinh quả là ông trấn thủ mà giáo sĩ Đắc Lộ đã gặp, thì vào năm 1644, ông trạc khoảng 80 tuổi như đã nói trên: cái tuổi hơi quá chênh lệch đối với bà Ngọc Liên, song sự chênh lệch đó cũng thường có trong nhiều gia đình và càng không đáng lấy làm lạ đối với một võ quan ở vào một thời “biến” (di cư từ Bắc vào Trung, Trịnh Nguyễn tranh hùng v.v…). Ngay như Hiếu văn Hoàng đế chẳng hơn bà Hoàng hậu đến 15 tuổi là gì? Điều đáng chú ý là ngay trong sự chênh lệch về tuổi tác này, hai nguồn sử liệu Au Việt cũng tỏ ra tương hợp. Sự chênh lệch ấy là 32 năm theo nguồn Au, tức non một “thế hệ” theo nguồn Việt (mỗi thế hệ trung bình 35 năm).

Đi tới tận cùng việc đối chiếu, ta chỉ nhận thấy một điểm dị đồng nhỏ: theo gia phả dòng họ Hiếu văn Hoàng hậu, vợ chúa Sãi, thì ông bà Nguyễn Phúc Vinh và Ngọc Liên có người con trai là Nguyễn Phúc Khuê làm chức nội đội trưởng58. Phần giáo sĩ Đắc Lộ có chép rằng: hồi năm 1645, nhân dịp bốn nữ tu dòng kín Clara Y Pha Nho đi ngang qua Quảng Nam, bà Maria Mađalêna vợ quan cựu trấn thủ Phú Yên, “cho con gái duy nhất của bà”, 13 tuổi, đến ở chung với các nữ tu kia trong mấy ngày, và cô ấy đòi đi tu luôn với các bà tại Phi Luật Tân, nếu người ta không hết sức giữ lại59. Hai tài liệu xem có vẻ mâu thuẫn, nhưng rất có thể chỉ là bổ túc cho nhau: Một đàng, đối với bà Ngọc Liên là ngành con gái, hệ thứ ba tính từ Mạc Khiêm vương, gia phả chỉ cốt ghi người con trai thừa kế, có khi không phải con đẻ mà chỉ là con “lập tự” được mang họ cha; một đàng giáo sĩ Đắc Lộ chỉ có dịp nói đến người con gái (có lẽ là duy nhất trong hàng con gái?) mà không có dịp nói đến con trai, hoặc con trai lập tự của gia đình này. Dẫu sao thì nguyên một điểm dị đồng nhỏ này không làm lệch được cán cân bao nhiêu yếu tố tương hợp quan trọng trên kia.

Do tất cả các lý luận trên đây, và trừ phi có tài liệu cụ thể nào minh chứng trái ngược, ta có thể nhận ông trấn thủ Phú Yên năm 1641, chính là ông phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, và do đó, bà Maria Mađalêna, người đã tổ chức lễ rửa tội cho Anrê chính là Ngọc Liên công chúa vậy.60

Rồi đây ta còn gặp bà nhiều lần trong lịch sử thầy giảng Anrê, mối liên hệ giữa hai linh hồn thật là rõ rệt. Có lẽ nhờ đó mà sau này bà đã được ơn thống hối sau một phút lỗi lầm, và nếu bà không được phúc tử đạo, bà là người đã góp công đào tạo vị tử đạo tiên khởi vậy.61

Chú thích

(1) A.Laborde, La province de Phu Yen, trong B.A.V.H 1929, tr.199

(2) A.Laborde, sách đã kể

(3) Xưa kia Hội An phồn thịnh, phần lớn cũng do sự buôn bán của phường Minh Hương với người Tây Phương và Nhật Bản.

(4) Các giáo sĩ Tây phương hồi ấy gọi tên dinh Quảng Nam và cả nơi thủ phủ là Cacciam, Cacham, Cachan, Province de Cham (tiếng Pháp) hoặc Cachao (tiếng Bồ Đào Nha). Chúng tôi đã tìm thấy địa điểm và di tích thủ phủ ấy ngày nay tại thôn Thanh Chiêm, xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn, chương VII sẽ nói rõ.

(5) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.83.

(6) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.90

(7) Danh từ Nước Mặn nay còn dùng để chỉ một cửa sông nhỏ ở phía Bắc vinh Thị Nại (Quy Nhơn) thộc làng Tân Giảng, quận Tuy Phước. Bản đồ 1/100.000 của sở địa dư Đông Dương cũ ghi cửa đó là “Port d’Eglise” (cửa Nhà thờ). Theo ông Nguyễn Lê Thọ, nguyên quán Bình Định, quận trưởng Quế Sơn (Quảng Nam) thì ngôi nhà thờ Nước Mặn xưa có lẽ cất lại làng Hòa Quang, xã Phước Quang, quận Tuy Phước ngày nay, vì ở đó có một di tích cũ gọi là “nền nhà thờ” (xem Việt tiến, bài “Đốt đuốc xem gương tiền bối” của tôi số 19, tháng 10-1958.)

(8) Relation Borri trong B.A.V.H (1931) tr.362-372. Hoặc xem Việt tiến, bài “Đốt đuốc xem gương tiền bối” của tôi từ số 15 đến số 19, năm 1958.

(9) Xem: Cadière, Princesse chrétienne – và Minh Đức Vương Thái phi của chúng tôi.

(10) Gaide, Quelques renseignements sur la famille de Rhodes, trong B.A.V.H, 1927 từ trang 225.

(11) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.114

(12) Về nguồn gốc giáo hội Trung Hoa, xin xem tài liệu Pasquale M.D’Elia S.J, Fonti Ricciane, hoặc cuốn truyện ký: Jos.Cronin, Le Sage venu de l’Occident.

(13) Chương VI sau đây sẽ nói rõ về ông quan này.

(14) Chappoulie: Rome et les Missions d’Indochine au XVIIè siècle, tr.171, nói cha Buzomi có giảng đạo ở Phú Yên (Ranran) song không cho biết vào thời kỳ nào.

(15) Relation Cardim, tr.160. Kể trong L.Cadière: Princesse chrétienne, tr.114.

(16) Relacao, chương 9 (số trang ở microfilm của chúng tôi bị mờ, nên về tài liệu này, chúng tôi xin miễn kể trang).

(17) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.169-179, và Relation Cardim, kể trên.

(18) Relation Cardim, đã kể

(19) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.167-169

(20) A.R, Glorieuse mort tr.75.

(21) và (22) A.R, Glorieuse mort tr.75. Ph.Bỉnh, truyện Đàng Trão, tr.46.

(23) Relation Cardim. Kể trong: Cadière, Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.114-115. Ở đây, Cardim kể lại một bức thơ của De Rhodes viết năm 1641, cho biết nhiều chi tiết tỉ mỉ: “Chúng tôi đến Hà Lam ngày lễ Đức Mẹ dâng Con trong đền thờ (2 tháng 2, 1641) tôi làm phép nến… Chúng tôi đến Caitlam(?) gặp kỳ tết Nguyên Đán, đầu tháng hai dương lịch… từ đó tôi xuống thuyền đi Ciomoy (?) theo đường bể… khi tôi ở đó, thì giáo hữu ở Baobam (?) cử ba viên chức đến rước tôi về thị trấn của họ… Tôi ở đấy 18 ngày… Tôi cho chép lại 20 quyển sách về đạo, mà các cha Dòng ta đã in ở Đàng Ngoài và mới gởi cho tôi… Từ đó, tôi đi Bedda (?)… Tôi ở lại đây mười ngày… Tôi làm Tuần thánh với bổn đạo ở đây, cử hành đủ các lễ nghi Hội thánh và giảng sự Thương khó Chúa… Ngày thứ sáu Tuần thánh sau lễ nghi, tôi xuống thuyền đi Phú Yên (Ranran) – Năm 1641, lễ Phục Sinh nhằm ngày 31 tháng 3 (P.Hoàng: De Calendario sinnico), vậy thứ sáu Tuần thánh là 29 tháng 3.

(24) Giáo sĩ Đắc Lộ ghi là Bađay. Nhờ sách Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi nhận được là Bà Đài, tên cũ do người Chàm đặt, sau người Việt đổi là Xuân Đài.

(25) Giáo sĩ Đắc Lộ chép là: “gouverneur de toute la province” (Cardim, đã kể) Ta biết Phú Yên lúc ấy vừa có dinh Trấn Biên, vừa là một Phủ hành chánh. Nhiều chi tiết ở các tài liệu khác cho biết ông này là võ quan và có quyền hành lớn nhất trong “tỉnh” nên ta nhận được ông là quan trấn thủ dinh Trấn Biên chứ không phải là quan tri phủ Phú Yên. Dưới đây sẽ nói rõ.

(26) Cardim, nơi đã kể, ghi là “Cour du Roy”, tức phú chúa Nguyễn ở Thuận Hóa, lúc ấy là Kim Long, ngoại ô Huế ngày nay.

(27) Relation Cardim tr.108-115, kể trong: Cadière, Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.114-115.

(28) A.R, Glorieuse mort tr.75. Đối chiếu A.R, Voyages et Missions (1854), tr.235.

(29) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.174

(30) James E.Walsh, bài Harvest Time, trong Mission Bulletin, Hongkong, tháng 6.1954

(31) A.R, Glorieuse mort tr.75, nói rõ Anrê rửa tội lúc 15 tuổi, song lại ghi thêm “chính là ba năm trước khi chết”. Voy et.Mis (1854) tr.235 cũng xác nhận “ba năm trước khi chết”. Anrê chết năm 1644, thọ 19 tuổi, vậy “ba năm trước” là 16 tuổi mới đúng. Vả lại năm 15 tuổi, tức 1640, giáo sĩ Đắc Lộ chưa có đến Phú Yên lần nào.

(32) A.R, Glorieuse mort tr.3

(33) Thực lục quyển II tờ 14 – Liệt truyện quyển II tờ 38 và quyển III tờ 9.

(34) Cadière, Généalogie de l’Epouse de Sãi vương, trong B.A.V.H. 1943 tr.390, 403.

(35) Thoạt đầu (1558) ông Nguyễn Hoàng đóng dinh tại Ai Tử (Quảng Trị) sau ít lâu đi đến Trà Bát. Mùa xuân năm 1626 Sãi vương dời dinh về Phước Yên. Đến năm 1636, con là Công thượng vương lại dời về Kim Long, ngoại ô Huế ngày nay.

(36) Liệt truyện, quyển II, tờ 38. Ngọc Liên còn hai người em gái khác nữa: Ngọc Vạn (lấy vua Chân Lạp) và Ngọc Khoa (lấy vua Chiêm Thành) – xem bài diễn văn: Từ Đồng Nai đến đèo Cả, hay là: Theo dấu hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, của Thái Văn Kiểm, và: Từ đèo Cả đến sông Gianh, hay là: Theo dấu hai bà Ngọc Liên, Ngọc Đỉnh của chúng tôi trong Văn hóa Nguyệt san, tháng 9.1959.

(37) Thực lục quyển III, tờ 3. Về Tôn Thất An, có chỗ chép là Yên, có chỗ chép Yến. Chúng tôi cho chữ An đúng hơn cả, vì ông có tước là An Võ hầu, cũng như Nguyễn Cửu Vân: Vân Trường hầu, Nguyễn Văn Thoại: Thoại Ngọc hầu…

(38) và (39) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.226

(40) và (41) Relation Evesques francois, kể trong Cadière: Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.122-123.

(42) xem ở trên

(43) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.228.

(44) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.1194-195, giáo sĩ Đắc Lộ còn cho biết ông trấn thủ Phú Yên được “nhà vương gọi về cai trị đất Quảng Nam” (Relation Progrès Foi, tr.7-8) – Voyages et Missions (1854), tr.289-290, cũng cho biết vợ chồng bà Maria Mađalêna có mặt ở Quảng Nam vào đầu năm 1645. Ta biết lúc ấy thế dử Dũng lễ hầu làm trấn thủ Quảng Nam, ông Nghè Bộ đứng đầu hành chánh, thuế má (xem chương VI). Vậy chồng bà Maria Mađalêna không phải về đó làm trấn thủ, cai bạ hay ký lục. Lúc ấy ông đã ngoài 80 tuổi (Voy et Mis tr.227) và đã tới đỉnh danh vọng; vậy hoặc là ông về hưu trí ở Quảng Nam, hoặc chỉ giữ một nhiệm vụ nào tương tự như cố vấn cho cháu là Dũng lễ hầu Nguyễn Phúc Tần.

(45) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thông chí. Thành trì chí. Trần Kinh Hòa chú thích, Nam dương học báo (chữ hán) quyển 12 tập II – Aubaret, Histoire et descriptions de la Basse-Cochinchine, 1ère partie, p.2 – Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, có nói việc này song không kể tên (tr.329).

(46) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.195

(47 và (48) Relation Cardim, nơi đã kể

(49) Thực lục quyển II tờ 15, Liệt truyện, quyển II tờ 38.

(50) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.227

(51) Relation Evesques Francois. Kể trong Cadière: Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.123.

(52) Liệt truyện, quyển III tờ 9

(53) Liệt truyện, quyển III tờ 38, chép bà cùng mẹ với Hoàng tử Kỳ, và là chị. Bà đứng đầu hàng con gái, Kỳ đứng đầu hàng con trai: vậy bà là con đầu lòng.

(54) và (55) Tôn Thất Hàn: Généalogie des Nguyễn avant Gia Long, B.A.V.H.1920.

(56) Liệt truyện, quyển III tờ 9

(57) Relation Evesques Francois, nơi đã kể

(58) L.Cadière. Généalogie de l’épouse de Sãi vương, trong B.A.V.H. 1943 tr.390. Chính tập gia phả này cũng có đôi chỗ dị biệt với chính phủ nhà Nguyễn. Thí dụ: Nguyễn Phúc Vinh (trong gia phả nhà Nguyễn), ở đây chép là Nguyễn Phúc Ban; gia phả nhà Nguyễn nói đời con Nguyễn Phúc Vinh phải đổi họ là Nguyễn Hữu; ở đây chép tên con là Nguyễn Phúc Khuê.

(59) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.290

(60) Trong tài liệu Princesse Chrétienne (B.A.V.H 1939) giáo sĩ Cadière đã có công thu thập nhiều mẫu tài liệu đầu tay về bà Maria Mađalêna Phú Yên, song giáo sĩ không luận ra bà ấy là ai. Giáo sĩ có nói sơ qua đến ông Nguyễn Phúc Vinh, song không đi sâu vào vấn đề và không nghiên cứu về Ngọc Liên Công chúa, để đem đối chiếu với Maria Mađalêna. Giáo sĩ đặt ra giả thuyết bà Maria Mađalêna 75 tuổi lúc ông trấn thủ 80 tuổi, đó là một phỏng đoán rất dễ sai thực tế vì sự chênh lệch tuổi giữa vợ chồng (chồng già vợ trẻ) không phải là điều hãn hữu trong xã hội Việt Nam.

(61) Sau khi chồng bà rời Phú Yên, bà bị ông quan kế tiếp làm khó vì việc giữ đạo, khoảng năm 1643-1644. Sau bà về ở Quảng Nam, lập một nhà thờ ở cách Hội An nửa dặm, làm nhiều việc đạo đức, từ thiện, giúp nhiều người trở lại đạo. Trong cuốn cấm đạo đời chúa Hiền năm 1665, mặc dầu tuổi tác và dòng dõi quý phái, bà cũng bị bắt, bị hành hạ cực khổ đến nỗi, trong một phút yếu hèn, bà trót chối đạo; song khi về tới nhà, bà thống hối, ăn năn, khóc lóc, tìm ngay đến giáo sĩ để xưng tội, được cha bề trên Louis Chevreuil giải tội cho. Người ta không biết bà chết bao giờ và trong hoàn cảnh nào. (Relation Progrès Foi, Rhodes tr.39 – Relation Evesques Francois tr.86-90 kể trong Cadière: Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.121-123.)

Người ta có thể nêu vấn nạn: nếu bà Maria Mađalêna là em ruộc Công thượng vương tất giáo sĩ Đắc Lộ phải đặc biệt chú ý đến địa vị đó của bà, và ghi rõ bà là “em chúa đương thời” cũng như giáo sĩ đã nói về bà Catarina, em ruột chúa Trịnh ở ngoài Bắc – thay vì chỉ nói mơ hồ: bà có họ gần với nhà Vương. Câu vấn nạn nghe như có lý, nhưng không phải không giải đáp được. Giáo sĩ biết rõ bà Catarina là em chúa Trịnh, vì bà ở ngay trong phủ chúa và hình như không xuất giá. Bà Mađalêna, trái lại, đã xuất giá từ ba chục năm trước khi giáo sĩ Đắc Lộ gặp bà ở Phú Yên: nam nội, nữ ngoại, có lẽ vì thế mà ở tỉnh xa xôi này người ta thường biết bà có họ gần với nhà Vương, song không rõ họ như thế nào. Một thí dụ khác: bà vợ ông trấn thủ Nguyễn Cửu Kiều, cũng là em gái chúa Thượng, mà giáo sĩ không hề biết, và cũng không biết cả đến việc bà ấy “có họ” với chúa nữa, mặc dầu giáo sĩ đã được ông bà này tiếp đón ân cần ở Quảng Bình, và giáo sĩ rất chú ý đến việc ông trấn thủ hiểu biết lẽ đạo. Còn như nếu ai ngạc nhiên vì lẽ một bà em ruột chúa mà tòng giáo, thì ta nên gợi lại cái gương của bà Minh Đức, thứ phi chúa Nguyễn Hoàng, lúc ấy, hoặc của Nguyễn Phúc Lễ, cháu nội chúa Hiền sau này (J.B.Roux: Le petit prince chrétien de Dinh Cát trong B.A.V.H 1915, tập 4).

Kiểm tra tương tự

Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

    Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có …

Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình yêu

Chúa Nhật Tuần XXXI – Mùa Thường Niên “Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *