Người Công Giáo trong dịp cúng tất niên cuối năm âm lịch

 

Từ giữa cuối tháng chạp là lúc mọi người mọi nhà chộn rộn chuẩn bị đón xuân. Đây là lúc các công ty, đoàn thể, thôn xóm… cúng tất niên. Hình thức cúng tất niên là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt được lưu truyền từ nhiều đời nay và phổ biến rộng rãi khắp mọi miền đất nước.

Theo tín ngưỡng dân gian, nơi ở, nơi làm việc đều có một vị thần canh giữ để mọi người cư ngụ sinh sống và làm việc ở đó được bình an. Cuối năm là dịp tạ ơn trời đất đã gìn giữ thôn xóm, nơi ở, chỗ làm ăn… được bình yên trong một năm qua. Dù nghèo hay giàu, dù vất vả hay sung túc thì tất cả đều phải cúng. Đó là một niềm tin đã ăn sâu trong tiềm thức của con Rồng cháu Tiên. Có những nơi cúng tất niên đơn sơ nhưng cũng có những nơi cúng rất hoành tráng, họ còn mời cả các thầy cúng, các sư về niệm kinh… Có những thôn xóm hay công ty, ngoài việc bày biện ra cúng, họ còn nhờ một người Kitô hữu trong đó xin lễ tạ ơn. Tất cả trong tâm linh của mỗi người Việt đều cầu xin ơn trên để được phù hộ và được bình an.

Người công giáo chúng ta là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng đó. Chắc rằng các hộ gia đình, các nhân viên hay thành viên người công giáo trong tập để đó đều được mời gọi đóng góp, tham gia và có trách nhiệm cụ thể trong việc cúng tất niên.

Trong niềm tin Kitô giáo, các giáo hữu chỉ được phép tôn thờ một Chúa, là Đấng Duy Nhất, là Chủ Thể Trời Đất, mà một cách nào đó người lương dân hay gọi là Trời, ông Trời. Việc thờ cúng các thần linh khác thì không được phép và trái với luật Chúa dạy.

Vậy, chúng ta phải làm gì và có thái độ thế nào đây!? Mỗi người Kitô hữu phải hòa nhập với cộng đồng, phải giao tiếp và chung sống chan hòa với những người xung quanh chứ không phải là “người ngoài cuộc”. Chúng ta không được trực tiếp chủ động cúng bái cầu xin các thần linh nhưng phải có trách nhiệm đóng góp, vẫn có thể phụ giúp dọn dẹp và cùng ăn uống chung vui với mọi người trong cộng đồng mình sinh hoạt. Đấy là tình làng nghĩa xóm, tình đồng nghiệp và tình bạn bè thân hữu mà cuối năm mới có dịp ngồi lại tâm tình để cái tình ấy thêm nồng nàn, thêm gắn chặt hơn nữa.

Nét đẹp trong văn hóa và trong lối sống cộng đồng Việt Nam chính là “biết ơn” và “biết tạ ơn”. Là người công giáo Việt Nam, chúng ta luôn biết trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Như trong Văn Kiện Hướng Dẫn Thờ Cúng Tổ Tiên của Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã đề cập trong Lời Kết: “Con đường hội nhập văn hóa bao giờ cũng đầy chông gai nhưng trước bất cứ khó khăn nào, Giáo Hội Việt Nam vẫn không bỏ cuộc hay dừng bước vì đức tin không trở nên văn hóa sẽ là đức tin không được đón nhận trọn vẹn, không được suy nghĩ thấu đáo và không được sống cách trung thành”.

Mỗi gia đình công giáo vẫn có cách thức riêng là xin lễ tạ ơn cuối năm ngay tại giáo xứ mình để cùng hiệp lời với cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa đã giữ gìn bình an, sức khỏe cho gia đình trong suốt một năm qua.

Nguyện xin Thiên Chúa luôn che chở và gìn giữ mỗi gia đình Kitô hữu chúng con hạnh phúc và bình an trong cuộc sống hàng ngày. Xin cho chúng con luôn thân thiện, luôn biết tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu Đức Kitô với hàng xóm và những người xung quanh.

Andre Phong 

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *