[Mở lòng]-Thứ Ba sau Chúa Nhật IV mùa Chay

 

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày” (Ga 2, 1-12).

 

Hôm qua chúng ta đã suy niệm về cuộc gặp gỡ của Đức Kitô với người phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cóp, qua đó Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết, Ngài chính là nguồn nước trường sinh. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục chiêm ngắm Đức Kitô. Cụ thể, chúng ta đọc câu truyện về tiệc cưới Ca-na. Đầu tiên chúng ta đọc đoạn kinh thánh trên cách chậm rãi.

 

Bối cảnh của câu truyện là bữa tiệc cưới trong một gia đình tư nhân ở Ca-na. Thời gian thánh Gio-an “gắn vào” cho câu truyện là ngày thứ ba. Theo Đức Benedicto XVI, trong Cựu Ước, ngày thứ ba mang tính cách biểu tượng là thời gian Thiên Chúa hiển linh và hiện ra cho dân Ít-ra-en. Ngoài ra, ngày thứ ba trong câu chuyện cũng hướng về biến cố Đức Kitô phục sinh trong ngày thứ ba sau khi chết. Như vậy, một cách nào đó Gio-an chỉ ra sự liên kết của hai giao ước và cả hai giao ước được hoàn tất trong cuộc phục sinh của Đức Kitô. (x. Joseph Ratzinger, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth, t.293).

 

Trong câu truyện có sự hiện diện của rất nhiều nhân vật: Đức Giê-su và các môn đệ, thân mẫu Đức Giê-su, gia nhân, ông quản tiệc, đôi tân hôn và khách dự tiệc cưới. Một biến cố xảy ra trong bữa tiệc. “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  Lời của Mẹ Maria đã “dẫn” Đức Kitô đi vào câu truyện với dấu lạ Ngài làm.

 

Dấu lạ mang tính cách “tràn đầy và dư thừa” của Chúa Giê-su, hóa nước đầy tràn tới miệng trong sáu chum đá (mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước) thành rượu ngon cho bữa tiệc cưới tại một tư gia. Qua đó chúng ta nhận ra được dấu chỉ của Thiên Chúa thật “đầy tràn”. Tính cách đầy tràn này cũng được tỏ bày trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều, và đặc biệt trong trung tâm của các câu truyện Thiên Chúa cứu độ và giải thoát. Tính cách đầy tràn này cũng diễn tả vinh quang tuyệt vời của Thiên Chúa. Vì thế, sự đầy tràn trong dấu lạ ở bữa tiệc cưới tại Ca-na là một dấu hiệu nói rằng, bữa tiệc mừng vui của Thiên Chúa với nhân loại đã được bắt đầu, tại bữa tiệc đó Thiên Chúa ban phát chính Ngài cho chúng ta, để nhờ đó niềm vui của Thiên Chúa được tỏ lộ và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn trong niềm vui của Chúa. Bữa tiệc tân hôn của Thiên Chúa với dân Ngài đã được bắt đầu trong chính Đức Kitô; lời hứa cứu rỗi trong tương lai đã bước vào trong giây phút hiện tại.

Hôm nay, khi cầu nguyện với câu truyện bữa tiệc cưới Ca-na, chúng ta có thể mường tượng mình đang hiện diện trong bữa tiệc đó như là những vị khách. Chúng ta phản ứng thế nào trước dấu lạ tràn đầy rượu đem lại niềm vui mà Đức Kitô đã làm? Trong cuộc sống của chúng ta, có khi nào chúng ta đã thấy sự tỏ bày của Thiên Chúa cách tràn đầy chưa? Sự tỏ bày tràn đầy của Ngài có thể qua chính ân sủng Ngài ban tặng, có thể qua chính những hoa quả tốt lành trong cuộc sống Ngài ban cho…

 

Khi cầu nguyện với đoạn phúc âm này, chúng ta cầu nguyện nhưng không chỉ là tâm tình cầu nguyện cá nhân của chúng ta với Chúa, mà trong vị trí của là những người thuộc về cộng đồng nhân loại. Vậy, chúng ta cảm nghiệm như thế nào về bữa tiệc tân hôn của Thiên Chúa với nhân loại chúng ta, những người con cái được Chúa thương yêu?

 

Tôi nhớ lại bài tập sống trong tuần: tập sống hy sinh một điều gì đó.

 

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *