Người ích kỷ

Trong cuộc sống xã hội giữa người và người, đã có biết bao tấm gương hy sinh, quảng đại cho người khác. Họ quên đi bản thân mình mà sống cho người khác. Họ bao dung với những người nghèo trong khi họ cũng không khá gì. Hay nói đúng hơn, họ sống với phương châm lá lành đùm lá rách, và càng cao quí hơn, lá rách đùm lá nát. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những con người chỉ biết sống cho riêng mình. Họ chỉ biết thu quén cho mình và lấy mình làm trung tâm, đồng thời, giải thích mọi sự miễn sao ích lợi cho bản thân mình. Đó là những con người ích kỷ.

Tinh thần ích kỷ xuất phát từ con người đề cao giá trị của tự do, từ đó, phát sinh khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân. Mẫu người này thường là những người yêu mình quá đáng, nếu không muốn nói là lệch lạc. Có thể nói, họ tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu bản thân mà không cần biết điều đó sẽ vương hại gì đến mình và người khác. Họ chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi, từ đó, vô tình đã tạo nơi mình một không gian biển chết. Họ thích tự sướng và hưởng thụ một mình.

Chúng ta đã từng kinh nghiệm rằng một tình yêu chiếm hữu sẽ không thể tồn tại lâu bền, thế mà chúng ta vẫn ích kỷ trong tình yêu, vô tình chúng ta đã thao túng người khác, biến mình thành kẻ nộ lệ cho tình yêu và tự đào mồ chôn cất trái tim mình. Tình yêu tự nó không biên giới, thế mà, bạn lại nhốt nó trong một đối tượng yêu đương nào đó, quả là một bất hạnh lớn !

Hay lối sống ích kỷ còn biểu hiện qua việc yêu người khác vì mình. Thật vậy, có những người yêu người khác chỉ nhằm để thỏa mãn một con tim đói khát cách nào đó, đến mức cưỡng ép và gây tổn thương cho người mình yêu. Chung cục, họ lại làm tổn thương chính cái tôi bé bỏng của mình.

Cũng có một hình thức khác giúp chúng ta nhận ra mẫu người này khi họ thường tự ái vặt vãnh. Họ dễ dàng nổi máu anh hùng khi có ai dám xúc phạm đến họ dù đó chỉ là cách họ hiểu sai vấn đề. Thật ra, đó chỉ là cách tự vệ của một tâm hồn nhạy cảm dễ bị tổn thương. Một khi đặt mình ở vị trí trung tâm mà không được người khác thừa nhận, chính họ sẽ có cách tự an ủi mình: “chẳng ai hiểu được tôi”, và cuối cùng, đổ lỗi cho người khác. Vì những tự ái cỏn con, họ ví thể đứa bé giận lẫy khi bị dứt đột ngột khỏi dòng sữa mẹ. Chính sự ấu trĩ này khiến họ khó hoàn thành đại sự.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra mẫu người này trong công việc hằng ngày. Họ thường chọn việc nhẹ nhàng để yên thân và tránh đụng chạm với người khác. Hoặc thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Đối với họ, chu toàn trách nhiệm theo đức công bằng đã là khó, huống nữa là sống bác ái với tha nhân.

Từ những biểu hiện đã được trình bày trên đây, giúp chúng ta có một nhãn quan đúng đắn về mẫu người này, nhờ đó, chọn cho mình một hướng sống tích cực hơn.

Tiền nhân đã nói: thương người như thể thương thân. Hay trong nhà đạo vẫn có câu truyền khẩu rằng thương người như mình ta vậy. Qua đó cho thấy, con người chỉ có thể yêu thương người khác khi họ đã biết mình phải yêu thương bản thân thế nào. Tuy nhiên, cũng có người thương mình một cách quá đáng đến nỗi trở thành một người ích kỷ.

Chúng ta sống và có trách nhiệm với cuộc đời này, thế nhưng, chúng ta cũng cần khám phá ra những nhu cầu bản thân: nhu cầu về thể lý, tình cảm và sự an toàn, nhu cầu yêu và được yêu, nhu cầu được tôn trọng và biết tôn trọng, cũng như nhu cầu thể hiện và hoàn thiện bản thân mình. Đó là những nhu cầu chính đáng đã được nhà tâm lý học Maslow đề nghị cho mọi người. Có thể nói, khi đáp ứng đúng đắn những đòi hỏi này trong cuộc sống, chúng ta là những người yêu mình đúng nghĩa. Thế nhưng, một điều khá quan trọng mà chúng ta đôi khi quên sót: cần đặt những nhu cầu này trong chiều kích tương quan. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên những người ích kỷ.

Những gì chúng ta vừa trình bày đang dừng lại ở việc người ích kỷ yêu mình không đúng cách đến mức vương hại bản thân. Và một hệ lụy kéo theo mà chúng ta không thể không bàn đến: vương hại đến tha nhân và tập thể.

Khi xét đến tương quan giữa người với người, chúng ta cần lưu ý đến chiều kích cho nhận. Có thể nói, nơi người ích kỷ chỉ biết nhận lãnh mà chẳng biết cho đi. Đức Bênêdictô XVI không ngần ngại gọi họ là những người nghèo nhất. Quả thật, họ không bao giờ cảm thấy đủ dù đã có rất nhiều, họ có thể giàu có đấy nhưng trái tim họ nghèo nàn, không biết sẻ chia, họ là người nghèo và bất hạnh nhất.

Mặt khác, dưới mắt người ích kỷ, tha nhân có đó chỉ cản bước tiến của họ. Họ cảm thấy người khác như những kẻ chực chờ chộp lấy mọi thứ từ tay họ. Tha nhân như lang sói vồ vập cuộc đời họ. Hay hiện hữu của tha nhân là cơ hội và phương tiện giúp họ mua vui. Hoặc nữa, tha nhân là một thứ hỏa ngục nào đó vì đã lên án và hạ nhục họ. Thật ra, những tư tưởng đó là cặn bã của một tâm hồn bị tổn thương về lòng tự trọng. Một khi quan niệm như thế, họ đã tự đặt mình trên người khác và tách mình ra khỏi cộng đồng. Vô hình trung, họ trở thành người thừa trong xã hội.

Chúng ta không thể liệt kê cách cụ thể hết những gì người ích kỷ làm vương hại đến cộng đoàn. Ở đây, chúng ta ghi nhận một thực trạng: người ích kỷ là một bệnh nhân bị tổn thương, vì thế, cách nào đó, họ làm trì trệ bước tiến của cộng đoàn. Trong khi mọi người phải gánh phần trách nhiệm của họ, đồng thời, phải nâng đỡ họ và chuyên chở những gì họ ky cóp trong thời gian qua. Tắt một lời, họ trở thành gánh nặng cho cộng đoàn.

Tưởng cũng cần nhắc đến một yếu điểm khác của mẫu người này, có thể nói họ là những người đánh mất tâm tình tạ ơn: ghi ơn người khác và tạ ơn Thiên Chúa. Hiện hữu của họ và những gì họ có, là cả một hồng ân. Thế mà, họ khư khư giữ lại cho chính mình. Họ quên rằng cách đáp trả những ân phúc mình đã lãnh nhận là cần cho đi. Họ cũng quên một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống: cần cho đi để đôi bàn tay trắng tiếp tục nhận lãnh những gì cuộc sống mang lại. Có thế, cuộc đời là một cuộc tương tác cho đi và lãnh nhận. Nhờ đó, chúng ta có thể làm giàu cho nhau và làm giàu trước mắt Thiên Chúa.

Trước khi chờ người ích kỷ nhận ra thực trạng của mình, cộng đoàn cần giữ thái độ tôn trọng họ như họ là. Đó là cách chữa lành tổn thương về lòng tự trọng từ bên ngoài. Rồi tìm mọi cách đề cao vai trò của họ trong cộng đoàn như thể họ là người có giá trị. Chính khi đặt họ trong một tác vụ quan trọng, họ dễ dàng thể hiện mình là người hữu ích, nhờ đó, trách nhiệm họ dễ dàng chu toàn với sự hợp tác của nhiều người. Đồng thời, chúng ta cần khêu gợi lòng quảng đại của họ; chính khi đặt họ ở vị trí trên cao mà việc lành được thi thố. Điều này, lúc đầu vẫn mang đậm tình yêu vị kỷ nhưng dần dà, họ tìm được những người bạn chân thành giúp họ cởi mở, và một khi thế giới không còn xoay quanh “tiểu vũ trụ” ấy nữa, họ sẽ dễ dàng đón nhận tha nhân như tha nhân đã từng tôn trọng và yêu thương họ. Và nói như Đức Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017: tha nhân là một quà tặng.

Người ích kỷ thích tự sướng và hưởng thụ một mình như một trẻ nhỏ thích ngắm nghía chú chim quý của mình, cậu giấu nó trong lớp áo của mình, bỗng một ngày nó mổ hết ruột gan trong người cậu. Đó là cái giá trả cho kẻ ích kỷ chỉ biết tìm lợi ích và khoái lạc cho riêng mình. Quả thật, yêu mình không đúng cách sẽ hủy hoại chính mình. Vì thế, cần phải yêu thương bản thân cách đúng đắn và lành mạnh. Đó là cả một nghệ thuật để thoát khỏi cái tôi chật hẹp của chính mình.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *