Người khiêm tốn

Trở thành người khiêm nhường, không nhất thiết phải che giấu hết các tài năng, không cần phải giả vờ ngu dốt, không buộc phải sống trong một căn nhà nhỏ hẹp cũ kỹ, ăn mặc rách nát. Cũng không cần phải lúc nào cũng cúi đầu “vâng vâng, dạ dạ”, đi đứng khom lưng, vẻ mặt đăm chiêu như đang chìm sâu vào miền vô cực nào đấy. Cũng không nhất thiết phải đi tu, đến nhà thờ, đi lễ chùa, quỳ gối chắp tay thành khẩn, làm biết bao việc hãm mình khổ chế, không ăn ngon mặc đẹp, không đi dự tiệc sang, không dám tiêu xài. Cũng đừng bao giờ sợ được khen, sợ chìm vào hư danh mà cố tình không cống hiến, không bộc lộ hết sức mình vì lợi ích chung của tập thể.

Tất cả những điều này chỉ là bề ngoài. Việc sống một đời sống kham khổ, chịu sỉ nhục, khinh miệt… có thể là một trợ giúp để có sự khiêm nhường nhưng tự bản thân nó không phải là sự khiêm nhường vì người ta nhiều lúc phải chịu như thế bởi không thể làm gì khác hơn, đành phải cắn răn chịu đựng. Ngược lại, ăn mặc lịch lãm, được người khác ca tụng, lớn tiếng sửa dạy người khác có thể là những dấu chỉ của sự kiêu căng, nhưng cũng có khi là điều mà người đó cần phải làm vì một lợi ích gì đó hoặc họ xứng đáng được điều đó vì những hy sinh của mình. Điều quan trọng hơn cả là nội tâm của một con người.

Sự khiêm tốn là một cái gì đó rất ngược ngạo, vì người nào tự cho rằng mình khiêm tốn, dù có nói ra hay không, người đó đã trở nên kiêu căng rồi. Người nào càng ý thức tìm kiếm sự khiêm tốn, người đó càng không bao giờ tìm thấy. Cứ như một trò đùa, sự khiêm tốn sẽ bỏ người ta mà đi khi nó phát hiện có ai đang tìm cách để có nó. Trên hành trình của đời sống thiêng liêng, có một thời người ta phải nỗ lực và dùng hết sức để đi tìm, nhưng đến một lúc nào đó, người ta tự thấy không thể làm gì hơn, ngoài việc buông lỏng chính mình để chân lý tự tìm đến. Càng gồng mình với những cố gắng và mục tiêu, người ta càng thấy hụt hẫng và bế tắt, như đi vào ngõ cụt. Cố nắm bắt sự khiêm tốn cũng như cố bắt lấy bóng trăng. Cứ tưởng là có được, nhưng nó cứ mãi vuột khỏi tầm tay.

Sự khiêm tốn là đỉnh cao của đời sống thiêng liêng. Nó là cái mà khi người ta đã có được nó mà chẳng hề hay biết. Nó không màu không sắc, không mùi không vị. Nó hệt như cái VÔ bao trùm lấy người ta khi họ đã đạt tới cảnh giới vượt qua mọi bám víu của hồng trần. Người khiêm tốn thì chẳng biết khiêm tốn là gì, ở đâu. Người ấy thậm chí còn không ý thức đến sự tồn tại của nó. Họ chỉ sống như cái bản tính tự nhiên của mình. Họ hành xử như thế vì đối với họ nó phải là như thế. Họ bộc lộ ra bên ngoài trọn vẹn cái bản chân của mình, cái “chính mình”, cái làm nên họ trong sự tròn đầy nhất. Bởi vậy, cảnh giới của sự khiêm nhường là khi người ta đã vượt lên trên sự ý thức, vươn đến cái vô thức. Vô thức ở đây không có nghĩa là hời hợt, không để ý gì cả theo kiểu tiêu cực, nhưng là một kiểu để mình được chiếm trọn, biến mọi cái chân thiện mỹ trong mình bộc phát một cách tự nhiên như người ta tự nhiên hít thở mà không để ý gì đến nó.

Người khiêm tốn là những thánh nhân thật sự, vì họ luôn chan chứa một sự bình an lớn lao trong lòng. Họ không đeo trên mình những chiếc mặt nạ. Họ đón nhận mọi sự xảy đến với mình với một sự biết ơn, cả điều tốt lẫn điều xấu. Họ luôn thấy hài lòng với tất cả mọi sự chung quanh, dù những điều đó có diễn ra theo ý họ hay không. Họ chấp nhận mọi thất bại, điểm yếu, khiếm khuyết, lỗi lầm của mình một cách chân thành, và xem nó như hồng ân. Họ không chạy theo những phù hoa bóng mây, không cầu toàn, cầu an, không để mình lệ thuộc vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai. Đây không phải là một kiểu ngông nghênh, bất cần đời, xem thường luật lệ. Nhưng là một thái độ mềm mỏng như con nước, hay như chiếc bình khoét rỗng chính mình, mở ra cho ân sủng đổ vào. Kiểu bình an như thế là kết quả của một quá trình dài bỏ mình, rèn luyện mình, gọt dũa mình với biết bao đớn đau, vết thương và nước mắt.

Người khiêm tốn cũng là con người rất đẹp. Họ đẹp một nét đẹp của Thiên Đường, chứ không phải bằng những hình thể của thân xác. Họ luôn có sức thu hút người khác, khiến người khác cứ tuôn đến tiếp cận với họ. Ở gần bên người khiêm tốn, ta tự thấy mình như được hưởng lây cái dịu mát của ngọn gió nhân đức, ta thấy dễ chịu như được sưởi ấm giữa trời đông, không một chút kháng cự hay đề phòng. Có một hương thơm lạ kỳ và cuốn hút nào đấy phát ra từ nơi họ hệt như cánh hoa thơm không cần phải hô vang để gây sự chú ý. Có thể nói, họ đã hoà quyện mình vào với tự nhiên, vào cái Đạo của vũ trụ. Họ thật sự trở thành những con người “sống ở thế gian, nhưng đã vào cõi Thiên Đàng.”

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *