Người Thầy trong trái tim tôi


Ai trong chúng ta cũng có những kí ức vui buồn của cuộc đời. Có những kí ức vui ta luôn nhớ mãi nhưng cũng có những kí ức buồn ta muốn quên đi. Đối với tôi, kí ức khiến tôi nhớ mãi là thời còn đi học giáo lý trong những tháng hè của tôi. Thú thật, tôi không thích học giáo lý cho lắm. Nếu không muốn nói là ghét. Nói trắng ra, tôi không giỏi môn này cho lắm và cũng chẳng có hứng thú gì với môn này. Những thứ gì liên quan đến chuyện “luyện ngón” trên bàn phím thì tôi rành hơn nhiều hay nói cách khác tôi là một “game thủ”. Tôi tự nhận mình là một học sinh “hết thuốc chữa”. Tất cả các thầy cô giáo lý đã dạy tôi đều nhận xét như thế. Chưa có thầy cô nào thích thú khi tôi bước vào lớp. Mẹ tôi buồn, bố tôi thở dài: thằng này sau này lớn lên chắc phá làng phá xóm. Tôi không biết tôi có tự hào về cái “thương hiệu” mà bố tôi đặt cho tôi hay không.

Nhưng mọi chuyện đã đổi khác, từ khi cha xứ thông báo: giáo xứ chúng ta sẽ có thầy về giúp năm. Tôi cũng chưa hình dung được thầy giúp năm như thế nào. Vì từ trước tới nay, giáo xứ của tôi chưa có thầy nào về cả. Tôi vừa tò mò, vừa tự nhủ: chắc thầy xứ cũng chẳng có thích thú gì khi gặp mình cả. Chẳng ai vui khi mình vào học, mà mình cũng không muốn học nữa. Cuối cùng, tôi cũng được vinh dự vào học lớp của thầy. Ngày đầu tiên đi học, tôi lén quan sát “thầy xứ” của mình. Thầy tên Dũng, người mập mạp, không quá cao, mang cặp kính gọng đen trông có vẻ thư sinh. Và ngay lập tức, cặp mắt của thầy nhìn thẳng vào mặt tôi:

-“Nam này, con lên đầu bàn ngồi học cho thầy”.

Cái gì đây, tôi chán ghét việc ngồi ở đầu bàn rồi, mà còn ngồi chung với tụi con gái nữa. Giờ biết làm thế nào? Thế là xong, tôi đành ngậm ngùi lên đầu bàn và tỏ vẻ khó chịu. Biết tôi không thích, thầy xứ đến gần tôi và nói:

-“Con ngồi ở đây là hạnh phúc rồi đó, biết bao nhiêu bạn muốn được ngồi ở đây mà chẳng được. Ngồi trên này con sẽ nghe bài tốt hơn và học tốt giáo lý hơn.” Ngày tháng trôi qua mau, tôi được thầy xứ quan tâm một cách đặc biệt. Từng cử chỉ, hành động của tôi đều được thầy để ý đến từng centimet. Tôi là đứa thích quậy phá, thế mà bây giờ phải “bế quan tỏa cảng” ở cái chỗ này thì thật là khó chịu. Ngày hôm đó, tôi cố tình không thuộc bài, kiểm tra đầu giờ thì nộp giấy trắng, chọc hết người này đến người kia trong lớp và còn vẩy mực lên áo của một bạn nữ trong lớp nữa. Tôi muốn xem thử thầy có la, có mắng tôi như bao thầy cô giáo lý khác không, nhưng tôi đã sai.

-“Thầy biết tại sao con làm như vậy. Con muốn chọc tức thầy để thầy tỏ ra giận dữ chứ gì?”

Tôi tự hỏi: Sao thầy lại biết nhỉ? Mình có nói với ai gì đâu? Trước đây, mỗi lần tôi làm như vậy, các cô đều hỏi lý do, các thầy thì ngay lập tức bắt đứng cả buổi. Vậy mà hôm nay thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhẹ nhàng bảo tôi: Lần sau con nhớ học bài trước khi đến lớp nhé, thầy biết con không phải là người như thế đâu” Chưa hết, có lần trong lúc chọc các bạn khác, tôi vô tình làm bể cái chậu hoa yêu quý của cha xứ. Cha xứ vội vàng chạy ra xem chuyện gi vừa xảy ra.

-“Có chuyện gì ngoài đó vậy? Chết, Ai? Ai làm bể cái chậu của cah đó? Nói mau?

Lúc đó, tôi lạnh hết cả người, tim thì đập, chân thì run như cày sấy. Trong lúc đang loay hoay tìm chỗ nấp, bỗng thầy xứ bước ra:

-“Dạ, thưa cha, con lỡ làm bể cái chậu, con xin lỗi cha”.

Khí đó, tôi nhẹ cả người, phần thì thoát được nạn, phần thì thấy áy náy trong lòng, không biết thầy có làm sao không? Sau đó, tôi mới biết cái chậu đó là của một ân nhân tặng cho cha xứ và tôi còn nghe nói cái chậu đó rất quý hiếm vì nó đã có từ rất lâu rồi. Thế là thầy phải chịu một trận oan uổng vì cái tính nghịch ngợm của tôi. Sáng hôm sau, thầy gọi tôi lên nhà xứ, vừa thấy tôi, thầy đã hỏi:

-“Có phải chuyện hôm qua là do con làm không?”

Tối xấu hổ định quay mặt đi để tránh ánh mắt của thầy, tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi chọc phá các thầy cô khác. Vậy mà hôm nay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Tôi lấy hết can đảm ngước mặt lên nhìn thầy, tôi lí nhí:

-“Lần sau con không làm thế nữa”

Thầy chỉ mỉm cười và bảo:

-“Con ngoan lắm”.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được người lớn khen ngoan. Về nhà, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Từ nay mình sẽ ngoan hơn để người khác khen và không bị la mắng nữa. Cuối năm, tôi phải thi để được lên lớp. Quả thật, tôi bắn bi, chơi game thì giỏi, nhưng cứ ngồi vào bàn học là tôi thấy chán. Không biết phải làm thế nào, tôi đã thấy chiếc xe của thầy dựng ngay trước cổng nhà mình. Thầy đến gặp bố mẹ tôi, không biết bàn chuyện gì hay mình có làm gì sai không, nhưng tôi thấy thầy đứng nói chuyện với bố mẹ tôi lâu lắm. Sau đó, tôi mới biết thầy sẽ đến kèm riêng giáo lý cho tôi vì ngày thi đã gần đến. Tôi không ngại gì việc thầy đến nhà, nhưng tôi chỉ sợ liệu mình có vượt qua được kì thi này hay không. Mỗi ngày một buổi, thầy bắt tôi học thuộc một câu giáo lý ngắn sau mỗi bài học. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi:

-“Thầy biết con sẽ làm được việc này, việc học giáo lý sẽ giúp con lớn mạnh trong đức tin, con hãy chứng minh mình là một đức con ngoan của gia đình, thầy tin con sẽ làm được”

Nghe lời thầy, tôi quyết tâm sẽ đậu cho được kì thi này. Thầy còn dạy tôi nhiều điều lắm, không chỉ về mặt kiến thức mà còn cả con người của thầy nữa, tôi nhận thấy nơi thầy một tấm lòng hy sinh, quảng đại, một tình yêu thương phục vụ vô vị lợi. Hiểu được tấm lòng của thầy, tôi cố gắng, cố gắng hơn nữa và dần dần kiến thức giáo lý đến với tôi lúc nào không biết. Và rồi, lần đầu tiên cầm tờ giấy khen trên tay, tôi đã khóc, khóc to lắm. Năm học qua đi nhanh chóng và cũng là lúc tôi được tin thầy sẽ rời xa giáo xứ để về lại chủng viện. Tôi buồn lắm và hối hận lắm vì những việc làm mà tôi đã gây ra cho thầy. Chính thầy là người đã làm tôi thay đổi, đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Ngày tiễn thầy, không biết vì sao tôi lại khóc, tôi khóc nhiều lắm vì không biết có còn gặp lại thầy nữa không. Hôm đó, tôi lấy hết can đảm đứng trước mặt thầy để nói lời cảm ơn. Thầy chỉ mỉm cười và nhắn nhủ tôi rằng:

-“Thầy mong con cố gắng nên người, con luôn là trò ngoan của thầy”

Năm tháng qua đi, tôi mới hiểu được những gì thầy đã làm cho tôi. Hôm nay, ngày 20/11 cũng chính là ngày nhà giáo việt nam, ngày tôn vinh những con người thầm lặng mải miết chèo đò giữa dòng đời ngược xuôi để đưa đò sang sông. Một nghề được xem như là cao quý hơn mọi nghề. Ngày hôm nay cũng làm cho tôi nhớ đến thầy, người thầy đã đến trong cuộc đời tôi và đã mang lại cho tôi nhiều nghị lực và nhiều niềm vui trong cuộc sống. Tôi thầm tạ ơn Chúa và nguyện cầu cho thầy thêm vững bước trên con đường ơn gọi. Vì nếu như không có thầy thì sẽ không có tôi như ngày hôm nay. Quả thật, ông cha ta nói không sai: một chữ cũng là thầy mà nữa chữ cũng là thầy. Đối với tôi, thầy mãi mãi là người thầy yêu quý trong trái tim tôi.

Huỳnh Tấn Dũng

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *