Vô tình đọc được câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng khi viết rằng:
“Mình ơi! tôi gọi bằng nhà
Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi”[1]
Đồng thời liên kết với thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho giới trẻ Việt Nam[2], cách riêng trong ngày lễ thánh Gia Thất, chữ “NHÀ” được gợi lên trong tâm trí tôi cách sâu sắc.
Ngôi nhà đối với người Việt Nam quan trọng lắm, vì quan trọng nên từ xa xưa ông bà xưa đã quan niệm: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hay “an cư, lạc nghiệp”, nghĩa là phải ổn định chỗ ở rồi mới tính tới việc ổn định nghề nghiệp. Hiểu theo nghĩa đơn giản thì nhà là nơi dung thân, nghỉ ngơi, quy tụ sau những giờ lao động vất vả, nơi gặp gỡ những con người thân quen nhất. Hay có người còn nói nhà là nơi họ sống thật với chính mình nhất. Vì sao vậy? Thực ra vì văn hóa Việt Nam đậm nét quy tụ, nên người Việt, dù bất cứ nơi nào, vẫn cần một nơi để sum họp với nhau, nếu không sum họp được hàng ngày thì chí ít những dịp lễ và dịp tết. Có lẽ vì thấy được tầm quan trọng của cái nhà, nên người Việt cũng hay gọi vợ hoặc chồng mình là “nhà tôi!”, phải chăng đó cũng là gợi hứng cho bài thơ, nhất là hai câu thơ độc đáo của thi sĩ Bùi Giáng.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định với các bạn giới trẻ Việt Nam rằng: “Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở.”[3] Vâng! Ai mà không có một căn nhà trong cuộc đời này. Những gia đình tự lập có nhà riêng cho mình; các em bé mồ côi, cụ già neo đơn, bệnh nhân cũng được đưa về chăm sóc dưới những mái nhà tình thương; nơi thờ phượng các vị thần thánh thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo cũng được gọi là nhà (nhà thờ, nhà chùa, nhà tổ…). Như thế, ngôi nhà khá quen thuộc với mỗi người đúng như Đức Thánh Cha đã khẳng định. Cũng nên hiểu rằng nhà khác với công ty, văn phòng làm việc, trường học hay trụ sở, vì những nơi ấy chỉ mang tính quy tụ tạm thời, người ta đến vì mục đích công việc, học tập rồi rời đi. Thế thì đâu là những lãnh vực mà ngôi nhà dung chứa?
Phải thừa nhận rằng, ngôi nhà là nơi dung chứa hết mọi lãnh vực của cuộc sống. Giáo dục, gia đình, đời sống, công việc, mẹo vặt, kinh tế, chính trị… Tất cả đều được mang về nhà. Công việc ở công ty chưa làm hết thì đưa về nhà làm để tranh thủ thời gian hoàn tất; trên bàn cơm cũng có nhiều cơ hội bàn luận về chuyện thời sự; là nơi dạy dỗ con cái nên người; là nơi chia sẻ vui buồn trong đời sống vợ chồng. Nhưng thiết nghĩ cũng phải trả lại cho ngôi nhà căn nhà mục đích nguyên thủy của nó, là nơi để yêu thương và chia sẻ của vợ chồng và con cái. Vô tình, trong cuộc sống xô bồ ngày hôm nay, người ta biến ngôi nhà thành “thùng rác công cộng”. Nghĩa là sao? Rất dễ nhận ra việc chúng ta đưa lên bàn cơm chuyện công sở không cần thiết, rồi gây ra cãi vã; hay về nhà mà chỉ lo làm việc, thậm chí xem thành viên trong gia đình là nơi để xả “stress” gặp phải ở công sở… Như thế, phải chăng chúng ta đang sử dụng sai mục đích của căn nhà. Hơn nữa, với ngôi nhà của các gia đình Kitô hữu, Đức Thánh Cha có nhắc tới thư phúc trình của cha Đắc Lộ gửi về Rôma rằng: “Những người Công Giáo là những người yêu thương nhau. Và Đạo Công giáo là Đạo của Tình Yêu”[4]. Đúng vậy ngôi nhà đâu chỉ được xây nên từ gạch, cát, đá, xi măng, sơn hay gỗ…; mà nó còn được làm nên bởi tình cảm của những con người trong ngôi nhà ấy. Nếu chỉ dựa trên vật chất, tôi có thể xây nên hàng trăm ngôi nhà lớn nhỏ trong cuộc đời mình, có thể xem bất cứ đâu cũng là nhà của tôi. Nhưng trên thực tế thì không thể, vì tình cảm con người có giới hạn, và chỉ quy hướng về điều ưu tiên nhất, đó là giới hạn của con người. Nếu chia san tình cảm ấy ra nhiều lãnh vực, thì ít nhiều căn nhà sẽ tan vỡ.
Nhà cũng là nơi để trở về. Sau những chuyến đi dài của cuộc đời, chúng ta cần một nơi thực sự dung chứa con người mình. Có câu hát rằng: “Đi thật xa để trở về”. Đúng vậy! Đi xa để học hỏi, mở mang tầm mắt, để kiếm tiền, để sống thỏa chí tang bồng. Nhưng có một thực tế mà ai cũng phải chấp nhận là những nơi xa xôi, thú vị đó chỉ hợp với chúng ta một thời gian ngắn. Thích du ngoạn đây đó để khám phá thế giới, nhưng cũng chỉ lúc còn trẻ, còn sức khỏe; thích kiếm nhiều tiền nhưng chỉ lúc còn sức khỏe; thích sưu tầm nhiều cổ vật giá trị nhưng chỉ lúc còn khả năng… Và đến lúc nào đó mọi thứ ấy sẽ biến mất. Chúng ta lại trở về với con người thật của mình, với những học hằn, khó chịu, gánh nặng bệnh tật, mệt mỏi sau những bương chải quá sức… lúc đó, chỉ còn căn nhà, nơi có những con người thân yêu đón nhận chúng ta mà thôi. Nhà là nơi duy nhất mở cửa 24/24 chờ ta trở về mọi lúc, là nơi chịu đựng những cằn nhằn, lẩm cẩm của tuổi tác. Xã hội cứ luôn bảo nhau: “Chấp nhận nhau mà sống!”, nhưng thực chất có nơi nào chấp nhận chúng ta như ngôi nhà chúng ta đâu!
Nhớ có lần xem một vở hài kịch, diễn viên hài Nhật Cường có đọc một câu thơ ví von so sánh như sau: “Bồ là lều, Vợ là nhà. Gió lớn lều sập, cái nhà còn nguyên”. Nghe thì bật cười nhưng ngẫm thì đúng và rất đúng. Nhà dù cho có xấu xí, cũ kỹ, nóng nực, khó chịu hay bức bối, nhưng vẫn luôn kiến cố, bền vững. Còn cái lều thì có đẹp đẽ, hoa văn, họa tiết bắt mắt mấy đi nữa, nhưng gió thổi vài cơn cũng đủ cuốn phăng tất cả. Từ đó, ngẫm tới điều mà thi sĩ Bùi Giáng đã viết, quả là thấm lắm! Cảm thức thuộc về căn nhà khiến chúng ta dù rong ruổi bất cứ nơi nào vẫn mong quay về với những gì gần gũi và thân yêu nhất dù nó có ra sao đi nữa. Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”. Từ chữ “nhà” này đã sản sinh ra văn hoá của các con, vốn diễn tả truyền thống gia đình, cổ võ tình yêu thương dành cho những người thân cận, khuôn đúc nên nhân đức thảo kính cha mẹ, và nuôi dưỡng một sự kính trọng đặc biệt dành cho những bậc cao niên.”[5]
Thực vậy, cần đánh thức trở về ngôi nhà thân yêu của con người trong xã hội ngày nay, như một gợi nhắc về nét đẹp văn hóa, cơ hội tìm về nguồn. Muốn được như thế, những người chủ của căn nhà, là ông bà cha mẹ và con cái, cần nỗ lực rất nhiều cho công cuộc trở về này. Bằng mọi hy sinh và cố gắng nhỏ nhoi để khơi lên tinh thần trở về và thuộc về của từng thành viên trong gia đình. Những bữa cơm gia đình, những kỳ nghỉ bên nhau, những dịp hội tụ để chia sẻ vui buồn. Nhân cơ hội ấy, ông bà và cha mẹ trao ban những lời khuyên nhủ, hướng dẫn cho con cháu; đồng thời, con cháu được tận tai, tận mắt thấy những nét đẹp của cha ông từ ngàn đời. Đừng bao giờ biến căn nhà thành “thùng rác công cộng”, vì nó là nơi để chia sẻ, yêu thương, cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Từ những góp nhặt nhỏ bé nơi gia đình, sẽ dần tạo nên những nhân tố hữu ích cho xã hội, đất nước và Giáo Hội. Xin mượn lời của Đức Thánh Cha để kết thúc cho những suy tư nhỏ trên đây: “Các con thân mến! Cha cầu chúc cho kỳ Đại hội Giới trẻ lần này trở nên như một cuộc hành hương giúp các con tìm về cội nguồn văn hoá và tôn giáo, giúp cho kinh nghiệm đức tin của các con nên vững mạnh, và giúp cho nhiệt huyết truyền giáo của các con được canh tân. Các con hãy yêu nhà của các con! Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc.”[6]
Lễ Gia Thất 2020
Little Stream
[1] Bùi Giáng, Về Buôn Bán, Mưa nguồn, NXB Hội nhà văn, 1993.
[2] Xem thông điệp tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html
[3] Xem thông điệp tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html
[4] Xem thông điệp tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html
[5] Xem thông điệp tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html
[6] Xem thông điệp tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html