Nhân chuyện ‘đặc khu kinh tế’: đặt lại câu hỏi về khái niệm ‘phát triển’

Những tháng ngày vừa qua quả là đáng nhớ đối với người Việt: chúng ta bức xúc vì những sai phạm, như vụ đất đai Thủ Thiêm; chúng ta trăn trở, lo âu trước những dự án lớn của nước nhà do Quốc Hội thảo luận, như dự án ‘các đặc khu kinh tế’. Dù được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hầu như ai cũng đau đáu một mối bận tâm chung: làm sao cho đất nước phát triển trong yên bình, tránh được giặc nội xâm và ngoại xâm. Chung trong mối bận tâm đó, tôi viết bài này để chia sẻ góc nhìn của mình.

Bài này không bàn trực tiếp đến bản thân các vụ việc hay các dự án. Tôi cũng sẽ tạm bỏ qua những nghi ngờ về các mưu đồ phía sau các chính sách; không đề cập các khía cạnh kinh tế, hay an ninh quốc phòng, vì đã có nhiều bài của các chuyên gia, và bản thân không có chuyên môn về những lãnh vực trên. Mục tiêu của tôi là xem xét lại chính khái niệm được dùng để biện minh, về mặt lý thuyết, cho tất cả các dự án như thế: khái niệm ‘phát triển’. Chúng ta đang hiểu thế nào về ‘phát triển’? Cách hiểu đó có thực sự hoàn toàn hợp lý hay không?

Có lẽ khái niệm phát triển là một trong những khái niệm nền tảng ăn sâu trong tâm thức, mang tính định hình thái độ sống của cá nhân, lẫn các chính sách chung của xã hội. Nhưng thật lạ là nội dung của khái niệm này rất ít được để tâm nghiên cứu. Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng trọng tâm của phát triển chính là con người. Về mặt lý thuyết, chúng ta tạm xét theo định nghĩa về ‘phát triển con người’ của Chương trình Phát Triển Liên Hợp Quốc: “là tiến trình mở rộng khả thể lựa chọn cũng như nâng cao mức sống của con người.”[1]

Về mặt thực tiễn, chúng ta có hình dung gì trong đầu khi nói về ‘phát triển’? Cá nhân chúng ta thường nghĩ ngay đến một cuộc sống sung túc về vật chất: có nhà cao cửa rộng, công việc lương cao, con cái học hành đàng hoàng,… Còn các nhà hoạch định chính sách, như khi vẽ ra dự án Thủ Thiêm hay các đặc khu kinh tế, hẳn đã mặc định ám chỉ đến những khu đô thị sầm uất, hiện đại, với các nhà máy công nghiệp, các khu thương mại lớn, các cao ốc, các công trình xi măng cốt thép,… Tóm lại, người ta hy vọng sẽ tạo ra các khu phố sầm uất và hiện đại, mang lại điều kiện vật chất sung túc cho người dân, và như thế gọi là phát triển.

Thiết tưởng, cách hiểu ‘phát triển’ như thế không hẳn sai, nhưng lại có nhiều bất cập; thậm chí, ngay cả định nghĩa nói trên của Chương trình Phát Triển Liên Hợp Quốc cũng không hoàn toàn thoả đáng. Lý do là quan niệm ‘phát triển’ đó gây nên những vấn đề đi ngược lại sự phát triển toàn diện của bản chất con người, và như thế, nó tạo nên những ‘phản-phát triển’.

Theo một số quan điểm triết học đang thịnh hành[2], khi xét đến bản chất con người, ít nhất có hai chiều kích lớn, gắn liền với nhau: tính tự khám phá căn tính (disclosure of self-understanding) và tính tương quan (relational dimension). Cách hiểu về ‘phát triển’ nói trên gây ra vấn đề với cả hai chiều kích này, như tôi sẽ phân tích sau đây:

Trước hết, các khu phố ‘sầm uất – hiện đại’ (xét theo các mô hình phổ biến lâu nay) khiến cho đời sống con người bị cắt đứt phần lớn khỏi sự gắn bó với môi trường tự nhiên. Quả thật, một môi trường ‘bê tông hoá’ đã khiến họ ít có dịp đặt chân xuống mặt đất (theo nghĩa đen); cơ thể họ cũng chẳng mấy khi được đụng vào cây cỏ, hay được ngâm dưới ao hồ tự nhiên. Lồng ngực họ cũng hiếm khi được đón bầu khí thơm tho của ruộng đồng, của hoa lá. Họ càng chẳng có điều kiện để gieo trồng và chăm sóc thiên nhiên. Sự thiếu thốn này càng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em: vì đời sống công nghiệp của bố mẹ và lối sống công nghệ của xã hội, ngoài môi trường học tập, trẻ em hầu như chỉ còn làm bạn với các trò chơi điện tử. Chúng chẳng có điều kiện để tiếp xúc, làm bạn, hoà mình vào thiên nhiên; và cũng không có môi trường để chơi những trò chơi truyền thống với bè bạn.

Việc trở nên xa lạ, bị chia cắt với môi trường tự nhiên như thế ngấm ngầm gây nên những hậu quả tai hại. Nếu xét theo lối nói triết học, nó khiến ta bị đóng khung nhỏ hẹp trong sự hiểu biết chân thực về thế giới; và điều đó cũng có nghĩa là ta bị giới hạn trong hành trình tự khám phá căn tính của chính mình.[3] Còn nói một cách gần gũi, nó khiến thiện tâm của ta bị phai mờ dần. Quả vậy, tôi tin rằng thiên nhiên là món quà vô giá mà Thượng Đế ban cho ta, để không chỉ cung cấp môi trường và các sản vật nuôi sống cơ thể ta, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự tốt lành, thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng.

Vấn đề thứ hai là tạo ra khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch ‘đẳng cấp’ ngay trong ý thức của cá nhân. Thật vậy, người nghèo không dám tới những thành phố/khu phố ‘sang trọng’, và nếu có tới thì cũng chỉ vì một mục đích bất đắc dĩ nào đó, trong tâm thế rụt rè, e ngại. Còn cư dân giàu có của thành phố hiện đại thì tự hào cho mình thuộc đẳng cấp trên, như lời của một đại gia: “phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu.”[4] Sự khác biệt trong ý thức đó gây nên một ngăn cách vời vợi, khiến người ta mất luôn khả năng sống tương quan cách chân thật với tha nhân; mất luôn những tinh thần trách nhiệm tự nhiên nhất giữa người với người. Mà như đã nói, tương quan chính là một trong những chiều kích căn bản nhất của con người. Chúng ta chỉ có thể thật sự biết mình và trở nên người hơn nhờ sống tương quan với tha nhân. Khi các tương quan không chân thật, bị bó hẹp vào trong những hình thức hời hợt của tinh thần duy lợi, ta chẳng thể phát triển thật sự.

Cuối cùng, lối sống ‘công nghiệp – hiện đại’ đang khiến đời sống trở nên nghèo nàn và bị thu bé lại. Quả thế, lối sống này khiến chúng ta ‘đóng khuôn’ đời người trên căn bản của ‘thành công – thất bại’; và căn bản này lại lấy ‘tiền bạc – danh tiếng’ làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống kiểu ‘thành thị hiện đại’ bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt theo các yếu tố: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Vì vậy, điều lớn nhất chi phối tâm trí những cư dân này chính là hai chữ ‘cạnh tranh’. Lối sống đó khiến chúng ta đánh mất bao nhiêu điều, như niềm vui lao động chân tay, niềm vui của việc trao ban/phục vụ /đón nhận; đánh mất khả năng mở ra với người khác; khả năng liên hệ gần gũi với quá khứ, với văn hoá, lịch sử. Chúng ta cũng đánh mất sự ngạc nhiên, sự nhạy bén trước bao nhiêu điều lớn lao khác: những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Trong viễn tượng đó, không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người bị trầm cảm, và số người tự tử mỗi năm một tăng. Người ta thấy mình sống không khác gì mấy một cái máy, và càng ngày càng thấy mỏi mệt. Người ta thấy trống rỗng mà không biết do đâu.

Nếu cuộc đời được hạch toán theo kiểu một ‘bản thu-chi’, nó quả là tẻ nhạt, nghèo nàn! Trong khi đó, cuộc sống tự nó lớn lao hơn nhiều so với cái khung nhỏ hẹp đó. Vì thế, nhiều người mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời. Con người đâu thể sống như một cái máy! Do đó, có nhiều người bất chợt thấy nổi lên nhu cầu tìm lại một thực tại quen thuộc nào đó, mặc dù chính họ cũng chưa xác định rõ nó là gì. Nhu cầu này lớn tới nỗi khiến người ta có khi ‘nổi đoá’ với cuộc sống hiện tại, muốn làm những gì đó khác đời, vượt qua mọi ‘rào chắn’, mọi nguyên tắc của xã hội. Có người lại lao vào tìm kiếm những điều kỳ bí, những hiện tượng lạ, vv. Nhưng dường như họ càng tìm thì lại càng thấy mọi thứ rối tung và mất phương hướng.

Tóm lại, tôi thiết nghĩ, cách hiểu khá giản lược của chúng ta về khái niệm ‘phát triển’ đang thật sự gây ra nhiều vấn đề. Nó có nguy cơ dẫn cuộc sống con người đi theo một hướng đơn cực: quy tất cả về phát triển vật chất; và kiểu phát triển lệch lạc đó thật ra là ‘phản-phát triển’ đối với những chiều kích cơ bản của con người, thậm chí khiến đời sống con người rơi vào khủng hoảng. Con người đâu phải chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần nữa! Vì thế, chúng ta cần định hình lại chính khái niệm này, để có sự phát triển đích thật, để trở nên người hơn. Sự định hình đó phải giúp ta nhìn cuộc sống trong tính toàn thể lớn lao của nó, với bao khía cạnh phong phú khác ngoài tiền bạc.

Đó cũng là tiền đề cần có trong bài toán của các nhà hoạch định chính sách. Ví dụ, khi nhìn thấy một vùng đất có phong cảnh rất đẹp, nếu họ chỉ chăm chăm tìm cách biến đổi nó hoàn toàn, như tạo nên một khu phức hợp bê tông cốt thép, nhằm phục vụ các trò giải trí, bài bạc của những người nhiều tiền lắm của, thì e rằng đó không phải là phát triển thật sự. Thiết tưởng, trước hết họ cần nhìn nhận nó như một món quà Thượng Đế trao tặng, và như một gia sản của tiền nhân để lại cho toàn dân tộc. Cách nhìn đó giúp họ có thái độ đón nhận trân trọng và trách nhiệm, thay vì thái độ tuỳ tiện sử dụng nó theo ý muốn chủ quan của mình. Cụ thể, họ sẽ phải suy nghĩ đến nhiều khả thể trong việc đối xử với món quà đó, như: việc cố gắng bảo tồn nét đẹp tự nhiên của nó, để mọi người có cơ hội chiêm ngắm nét đẹp thiên nhiên; tạo sự hài hoà giữa phát triển những ngành nghề hiện đại cần thiết, trong khi vẫn có chỗ cho lao động chân tay; nếu cần xây dựng những nhà máy công nghiệp, thì phải nghĩ tới giữ gìn những không gian tự nhiên giúp mọi người có thể tự do tiếp cận. Nếu phải xây các khu thương mại, thì phải quy hoạch sao cho không biến khu phố thành những ốc đảo biệt lập, đến mức không có chỗ cho người nghèo. Họ cũng cần xét đến những điều kiện khác của đời sống con người, như tâm linh (chùa chiền, nhà thờ), phục vụ (bệnh viện, các trung tâm xã hội), vv.; và sau hết, họ phải luôn để tâm đến câu hỏi, như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô từng đề cập: “chúng ta muốn để lại cho con em, cho hậu thế loại thế giới nào?”[5] Nếu có một nền kinh tế phát triển, nhưng người dân lại đánh mất những căn cốt văn hoá nguồn cội và đánh mất ký ức dân tộc, thì đó không thể được xem là phát triển. Vì thế, họ phải thao thức việc giữ gìn vùng đất đó thế nào để thế hệ tương lai có thể dễ dàng cảm nhận được mối liên hệ mật thiết với lịch sử hào hùng dựng và giữ nước của cha ông mình.

Khắc Bá, S.J.

[1] Human Development Report 1997, p. 15 <http://hdr.undp.org/sites/default/files/reports/258/hdr_1997_en_complete_nostats.pdf>.

[2] Như trong các trào lưu triết học Hiện tượng và Nhân vị (personalistic and phenomenological philosophies), với các nhân vật lớn như Heidegger, Buber, Levinas,…

[3] Như phê bình của Heidegger về não trạng duy kỹ thuật thời Hiện Đại. Xem: Martin Heidegger, The Question Concerning Technology and other Essays, trans. William Lovitt (New York: Garland Publishing; 1977). pp. 30-33.

[4] https://www.webtretho.com/forum/f26/dai-gia-bds-nguyen-van-duc-phai-cach-ly-nguoi-ngheo-ra-khoi-nguoi-giau-2144444/.

[5] Pope Francis, Laudato Sì, 160.

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *