Không cần phải nói nhiều về tầm quan trọng của việc nhận định, tuy nhiên thực tế việc nhận định đã không thường xuyên được thực hiện. Bởi vì chỉ có thể làm việc nhận định để đi vào chiều sâu của tâm hồn, khi chúng ta biết đặt mình trong ánh sáng của niềm tin cậy nơi Thiên Chúa. Trên hết, nhận định là một ơn, và cũng là một khả năng mà không nhiều người có được. Thánh Tông đồ Phaolo nói: nhận định là một ơn của Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cần khiêm nhường bền bỉ cầu xin, và cố gắng theo gương của Chúa Giêsu trong cuộc sống.
Mục đích của việc nhận định chính là nhận biết ý muốn của Thiên Chúa và đem ra thực hành. Vì thế, cần có lòng khao khát phục vụ Chúa mọi lúc và không quản ngại chi. Để đạt được việc nhận định quan trọng nhất, tức là nhận định về chọn lựa bậc sống (đi tu, lập gia đình, độc thân giữa đời, dành cả đời phục vụ với sự dấn thân chuyên biệt…) để có thể phục vụ Chúa, thì việc cần thiết là học nhìn nhận và lượng giá những động lực thúc đẩy trong các hoàn cảnh cuộc sống, cả cuộc sống thường ngày cũng như trong những dịp đặc biệt. Quá trình này thường lâu dài và tốn nhiều công sức, nhưng điều ấy sẽ luôn mang lại nhiều ánh sáng và nhiều thành quả. Như thế, bạn hiểu được rằng, việc nhận định không phải là việc ưu tiên cho những ý tưởng hoặc dự án. Việc nhận định cũng không dựa trên những lý do thông thường, nghĩa là thông thường, người ta cân nhắc các khả thể dựa trên mức độ phù hợp hoặc ít phù hợp hơn với mục đích được đề xuất.
Ví dụ sau đây, sẽ làm rõ những gì đang được nói với bạn.
Khi người bệnh được kê đơn thuốc với vị thuốc vô cùng khó uống. Lúc uống thuốc, bệnh nhân không hề nghi ngờ về hiệu quả chữa lành và phục hồi mà thuốc đem lại, và do đó, bệnh nhân nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, mặc dù bệnh nhân không cần phải tự thuyết phục chính mình về những hiệu quả tốt mà thuốc mang lại, thì trong khi đó, bệnh nhân vẫn cảm thấy thật khó chịu và ghê tởm bởi vị thuốc kinh khủng ấy. Bạn thấy đó, cho dù ngay cả khi tâm trí tuân theo biện pháp điều trị, thì vị giác vẫn bị tổn thương nghiêm trọng, và vị giác sẽ có muôn vàn lý do để từ chối việc uống thuốc, hoặc ít nhất là từ chối bao nhiêu có thể để ít phải uống thuốc bao nhiêu có thể.
Bạn sẽ dễ dàng áp dụng điều tương tự vào đời sống thiêng liêng. Bất cứ ai muốn từ bỏ con đường tội lỗi, mặc dù biết rõ mục đích mình hướng tới, nhưng sẽ rất khó khăn và cảm thấy khó chịu để hành động. Một cách tự nhiên, những gì phải thay đổi, những gì phải bỏ đi, sẽ tạo nên cảm giác buồn chán, và khi đó cảm giác ấy sẽ gợi ra muôn vàn lý do để chống lại ý định tốt lành ban đầu.
Vì lý do đó, bạn có thể hiểu rõ, ngay cả trước khi dừng lại suy nghĩ hoặc muốn thay đổi suy nghĩ, thì điều quan trọng là xem xét các chuyển động của tư tưởng, dòng chuyển động của suy nghĩ, để biết được các chuyển động ấy bắt đầu từ đâu, diễn ra thế nào, và dẫn tới đâu. Bởi vì ẩn sâu trong tâm hồn mình, các cội rễ của tội lỗi vẫn nằm đó, ẩn đi, và luôn chờ thời cơ để mọc lên các mầm non ngay khi có cơ hội. Và đừng ngạc nhiên, khi làm việc nhận định, bạn nhận thấy những điều ấy trong tâm hồn mình. Cho nên, hãy chuẩn bị tâm hồn: đam mê tật xấu sẽ không cho ta nghỉ ngơi cho đến khi chúng được xóa bỏ hoàn toàn. Đối với đam mê tật xấu, việc cắt tỉa hoặc nhổ bỏ cây, là không đủ. Cần phải nhổ rễ chúng và để chúng thật lâu trong ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa, để chúng được tôi luyện, bị khô héo, và đó là lúc điều ác bị thổi bay, và đó cũng là lúc bùng lên ngọn lửa nhân đức.
Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết SJ
Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore,
Introduzione di Daniele Libanori, (San Paolo 2020).
Trong tuần tĩnh tâm mùa chay (từ chiều chúa nhật 21/2/2021 đến trưa thứ sáu 26/2/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo triều Roma và các tín hữu tìm về cùng Thiên Chúa, kín múc nghị lực để đương đầu với những thách đố mới. Vì đại dịch Covid, các vị không tĩnh tâm chung như mọi năm, nhưng mỗi vị tĩnh tâm riêng tại nơi thích hợp. Đức Thánh Cha gửi tặng mỗi vị cuốn sách thiêng liêng giúp suy niệm với tựa đề “Abbi a cuore il Signore” (Hãy có Chúa trong lòng). Sách dầy 320 trang gồm các thủ bản cũ do một đan sĩ thuộc Đan viện thánh Bartolo biên soạn hồi thế kỷ 17, trên từng tờ rời, dường như để hướng dẫn các môn đệ.
Cám ơn các bạn đã đọc và theo dõi 7 bài nối tiếp nhau. Xin được hệ thống lại nơi đây, để thuận tiện cho các bạn muốn đọc liên tục 7 bài cùng lúc. Thực tế, cuốn sách rất hay và dày 320 trang, người dịch chỉ chọn một số đoạn hữu ích cho mọi người trong đời sống thiêng liêng và đời sống thường ngày, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid hiện tại.
Mùa 1: “Hãy có Chúa ở trong lòng” – Yếu đuối, tật xấu, nỗi đau và cô đơn
2- Chúa đến gặp bạn ngay trong tâm hồn giữa những yếu đuối
3- Cuộc sống là người thầy đích thực của khôn ngoan
4- Cách chiến thắng đam mê tật xấu
5- Khi nỗi đau cần được chữa lành
6- Những nguy hiểm ta đối diện khi cô đơn
7- Nhận định là ơn cần xin và là khả năng cần tập luyện
Mùa 2: “Hãy có Chúa ở trong lòng” – Cuộc chiến đấu nội tâm
1- Đời sống thiêng liêng là gì đây?