Nhận định Ý Chúa-Cầu nguyện với Thánh Inhã (12)

St.-Ignatius-5

Chủ đề: Với trực giác luôn muốn điều hơn, I-nhã đã học cách đọc những chuyển biến trong tâm hồn, những chuyển biến thúc đẩy ngài đến với Đức Ki-tô và những chuyển biến lôi kéo ngài xa rời mục đích thực sự của mình.

Nhập nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, con cầu Thần Khí Ngài, sức mạnh thần thiêng đã biến đổi tính cách nhiều con người, làm cho họ có khả năng sống và làm việc phi thường. Xin ban cho con Thần Khí đó từ nơi Chúa và đến với Chúa, là Thánh Thần – Đấng thánh thiện vô cùng (Pedro Arupe, “Thách Đố Trong Đời Sống Thánh Hiến Ngày Nay”, trang 295)

Đôi Nét về Thánh I-nhã

Nhiều người đã viết thư cho thánh I-nhã để xin ngài hướng dẫn. Bức thư mà thánh I-nhã gởi cho nữ tu Teresa Rejadell đã đưa ra những diễn giải rất giá trị trong việc nhận định ý Chúa. Cộng đoàn của chị Teresa đang trải qua thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, và chị thấy rất lo lắng. Chị đã xin thánh I-nhã hướng dẫn. Trong thư đáp trả, thánh I-nhã đã viết một cách bao quát mô tả những cách thức trong việc nhận định ý Chúa. Sau đây là một vài trích dẫn của bức thư đặc biệt này:

Venezia, ngày 18.06.1536

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta che chở và ở cùng chúng ta luôn mãi (tr. 18)

… Tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn mối bận tâm của chị qua hai bài học mà Thiên Chúa thường ban cho hoặc cho phép. Một điều là Ngài ban cho và điều kia là Ngài cho phép. Thứ nhất, đó là ơn an ủi bên trong giúp loại bỏ mọi băn khoăn lo lắng và thúc đẩy ta đến một tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa chúng ta… Khi có sự an ủi thiêng liêng hiện hữu thì mọi thử thách đều nhẹ nhàng và tất cả mọi mệt nhọc đều được xoa dịu.

Sự an ủi này nhắm đến và mở ra phương cách mà chúng ta phải tuân theo và chỉ ra cách thức mà chúng ta cần phải tránh…

Nhưng khi có an ủi thiêng liêng thì bài học thứ hai đến để soi sáng. Kẻ thù cũ của ta sẽ gây ra mọi trở ngại có thể để lôi kéo ta đi xa đường lối mà chúng ta đã vào. Nó sử dụng mọi cách thức nhằm gây rối ta, và tất cả mọi điều trong bài học thứ nhất bị đảo lộn hết. Chúng ta cảm thấy trong mình nỗi buồn sầu mà không rõ nguyên do. Chúng ta không thể cầu nguyện với lòng sốt mến nữa và cũng không chiêm niệm được, thậm chí cũng không nói hoặc nghe được những điều Chúa nói bằng cảm nếm bên trong hay niềm sốt mến nào nữa. Không những thế, nhưng nếu nó thấy ta mềm yếu và quá nhu nhược bởi những ý nghĩ tai hại đó, nó sẽ tiếp tục gợi lên rằng chúng ta bị Thiên Chúa là Chúa chúng ta quên lãng, và dẫn ta đến ý nghĩ rằng ta hoàn toàn bị tách lìa khỏi Ngài, và mọi điều mọi thứ ta ao ước và đã thực hiện đều trở nên hoàn toàn vô dụng. Do đó, nó ra sức lôi chúng ta đến tình trạng chung của sự chán nản. Vì thế, ta có thể thấy rằng đâu là nguyên nhân khiến ta lo sợ và yếu nhược. Đây là một quá trình lâu dài nhắm vào lúc chúng ta bị sầu khổ. Bằng sự khêu gợi của ma quỷ, chúng ta để cho mình bị rơi vào tình thế kém cỏi. Vì lý do này, điều cần thiết là chúng ta phải nhận ra được kẻ thù của mình. Nếu chúng ta đang ở trong niềm vui an ủi thì chúng ta cần hạ mình khiêm tốn và suy nghĩ về những cám dỗ sẽ xảy đến. Và khi cơn cám dỗ, bóng tối hay sự sầu khổ xuất hiện, chúng ta cần phải chống lại nó mà không cho phép mình chú ý đến những tác động khó chịu nào gây ra trong mình, và kiên trì trông cậy vào ơn an ủi của Thiên Chúa chúng ta, niềm an ủi đó sẽ loại bỏ mọi ưu tư lo lắng của ta và xua tan đi những bóng tối mây mù trong ta…

Để kết thúc, tôi nài xin ba ngôi chí thánh tuôn đổ trên chúng ta mọi ân sủng tràn đầy để chúng ta nhận biết thánh ý cao cả và thực thi thánh ý Ngài cách toàn vẹn. (Young, Letters, tr. 21-24)

Điểm dừng: Hãy suy nghĩ về một kinh nghiệm vừa mới xảy ra và trong đó bạn cảm thấy nội tâm mình bị giằng co giữa hai thế lực đối nghịch.

Trích Lời Thánh I-nhã

Trong cuốn Linh Thao của mình, thánh I-nhã đã phác thảo hai cách thức để làm một cuộc chọn lựa tốt lành. Đây là những quy tắc mô tả cách thứ hai:

Quy tắc I: Lòng yêu mến đánh động tôi và làm tôi lựa chọn điều nào đó, phải từ trên mà xuống, bởi tình yêu mến Thiên Chúa, đến nỗi người lựa chọn trước hết phải cảm thấy trong lòng rằng tình yêu mến nhiều hay ít mà họ có đối với điều họ lựa chọn, duy chỉ vì Đấng Tạo Hóa và Chúa họ mà thôi.

Quy tắc II: Tưởng tượng ra một người mà tôi chưa bao giờ gặp thấy, và cũng chẳng quen biết, và với lòng ước ao cho họ được mọi sự hoàn thiện, suy xét điều tôi sẽ khen họ làm và lựa chọn để sáng danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta hơn và làm cho linh hồn họ được hoàn thiện hơn; và tôi một khi làm như vậy cho tôi, tôi tuân theo quy tắc mà chính tôi đã đề nghị cho người khác.

Quy tắc III: Xét coi như thể tôi đang ở vào lúc nguy tử, thì hình thức và quy tắc mà lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình tuân theo trong cách thức lựa chọn hiện bây giờ như thế nào, và một khi khuôn theo đó, tôi thực hiện toàn bộ quyết định của mình.

Quy tắc IV: Bằng việc ngắm nhìn và suy xét tình trạng của tôi trong ngày phán xét thế nào, hãy nghĩ xem lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; quy tắc mà lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình đã tuân theo, tôi nhận lấy ngay bây giờ, để lúc ấy tôi được hạnh phúc và vui mừng trọn vẹn. (Tetlow, Linh Thao, Tr. 60)

Suy gẫm

Đối với I-nhã: “cuộc sống là một chiến trường và chi phí cho cuộc chiến đó thật khổng lồ… chiếm lợi phẩm của cuộc chiến là những con tim và khối óc của con người”. (William A. Barry, Nhận Định Thần Loại của thánh I-nhã Loyola. Human Development, Tr. 6)

Mỗi chúng ta đều có thể xác định căn tính của mình với lời tuyên bố này: căn lều của ta cũng được cắm trên chiến trường đó. Đôi khi chúng ta bị đẩy vào sự hỗn loạn trong khi ta cố gắng để phân loại những tình cảm, những thúc đẩy vào lòng ao ước của mình trong quyết định mà chúng ta đối mặt mỗi ngày. Chúng ta do dự với một cuộc đối thoại nội tâm mà có thể làm ta chần chừ: “tôi phải làm gì?” “tôi muốn gì?” “Chúa muốn gì nơi tôi?” “nếu tôi thất bại thì sao?”. Những câu hỏi cứ cuộn xoáy như cơn lốc.

Trong thư gởi chị Teresa, thánh I-nhã đã khuyến khích chị và chúng ta suy xét về những thúc đẩy xảy ra trong tâm hồn, nhạy cảm với những thúc đẩy đó xem chung đến từ Thần Khí Chúa hay từ ma quỷ và thần tăm tối. I-nhã nhắc nhở ta rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng để kể ra sự khác biệt đó. Ngài dạy rằng nếu ta muốn lớn lên trong mọi sự và trong tự do thì việc nhận định những biến động của Thần Khí là điều tất yếu.

Đối với thánh I-nhã, việc nhận định quan trọng đến nỗi ngài đã đòi hỏi các bạn của ngài phải làm việc xét mình hằng ngày. Nào là tĩnh tâm mỗi năm, nào là cầu nguyện mỗi ngày.

  • Đọc lại những trích đoạn trong thư gởi nữ tu Teresa trong phần “Đôi nét về thánh I-nhã” khi bạn thấy đoạn đánh động và quan trọng đối với bản thân, thì hãy dành thời gian để suy niệm về điểm đó. Hãy đọc đi đọc lại bản văn cách chậm rãi, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.
  • Đọc lại “trích lời thánh I-nhã”. Sau đó, hãy suy nghĩ về những câu hỏi này:
    • Những quy tắc của thánh I-nhã có giúp ích cho tôi quyết định ngay lúc này không?
    • Liệu cuộc sống của tôi có mục đích và ý nghĩa hơn nếu tôi nhận định những quyết định với phương pháp giống như phương pháp của thánh I-nhã đưa ra không?
    • Linh hướng có giúp cho việc nhận định những tác động của Thần Khí Chúa trong đời sống của tôi không?
  • Hãy nhớ lại ba quyết định quan trọng mà bạn đã thực hiện trong quá khứ: đối với mỗi quyết định đó, hãy xem xét lại những biến động trong bạn khi bạn nhớ lại những vấn đề, những việc lựa chọn, những chiến đấu, những quyết định và những hệ quả của quyết định đó. Những suy nghĩ của bạn nói cho bạn biết điều gì về những loại chuyển động của Thần Khí trong bạn? Điều đó có thể giúp ích gì cho bạn sau này?
  • Dùng lời nguyện sau đây dựa trên những đề nghị của thánh I-nhã, hãy làm việc xét mình hằng ngày cho riêng bạn:

Lạy Thiên Chúa, Đấng tạo hóa của con, con hoàn toàn thuộc về Ngài. Mọi sự đều là ân huệ của Chúa. Tất cả đều là hồng ân. Con xin cảm tạ và tán dương Ngài vì những ân huệ Ngài ban cho con hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, con tin Ngài hoạt động xuyên suốt và đúng lúc để con biết rõ chính mình. Xin cho con nhận ra cách thức mà Ngài hướng dẫn và định hướng đời con, và cũng giúp con nhạy bén hơn để nhận ra những chướng ngại mà con đã cản trở bước đường của Ngài.

Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của con hôm nay. Xin hãy ở gần bên con, ngay bây giờ, khi con suy gẫm về những điều này.

  • Sự hiện diện của Ngài trong những biến cố hôm nay.
  • Sự hiện diện của Ngài trong những cảm xúc mà con kinh qua mỗi ngày.
  • Trong tiếng Ngài gọi con.
  • Trong sự đáp trả của con với Ngài.

Lạy Chúa, xin yêu thương tha thứ và chữa lành con. Biến cố cụ thể của ngày hôm nay mà con muốn khẩn thiết xin Ngài chữa lành đó là………

Xin tuôn đổ tràn đầy niềm cậy trông và niềm xác tín trong tình yêu và sức mạnh của Ngài. Con xin phó thác chính mình trong sự chăm sóc và xác chuẩn mạnh mẽ của Chúa ………….. [Hãy kể ra ân huệ mà bạn ước ao nhất, cần thiết nhất, hãy tin rằng Thiên Chúa cũng ước ao ban cho bạn ân huệ đó]..

Lời Chúa

1 Anh em thân mến,

anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin,

nhưng hãy cân nhắc các thần khí

xem có phải bởi Thiên Chúa hay không,

vì đã có nhiều ngôn sứ giả

lan tràn khắp thế gian.

2 Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa:

thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô

là Đấng đã đến và trở nên người phàm,

thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa;

3 còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su,

thì không bởi Thiên Chúa;

đó là thần khí của tên phản Ki-tô.

Anh em đã nghe nói là nó đang tới,

và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. (1 Ga 4,1-3)

Kết nguyện:

Lạy Chúa Ki-tô, xin ban cho con đức tin can đảm. Xin hãy như thanh gươm hai lưỡi đâm thủng những ẩn kín sâu thẳm trong tâm hồn con. Xin ban cho con ánh sáng thuần khiết của Ngài để soi dẫn lương tâm của con. Xin ban cho con tình yêu làm con say mến trong cõi riêng tư của trái tim yếu đuối của con.

Thiếu tình yêu đó của Ngài, con không thể nhận biết Chúa là Chúa muôn loài, Chúa của muôn tinh tú và các vì sao, Chúa của toàn thể nhân loại và thế giới thần linh. Và như thế, thật hạnh phúc cho con khi ở trong Ngài, lúc ấy con sẽ có lòng khát khao nhận ra mục đích về sự hiện hữu của mình trong Ngài. (lời cầu nguyện của Hugo Rahner, tại Castle, Christian Prayers, Tr. 40).

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *