Nhật ký KAKUMA (2): Khám phá

Chiều thứ bảy, nghỉ cuối tuần, ba người (1 anh Croat, 1 anh VN và 1 cô gái Mỹ) đi dạo và leo lên một ngọn đồi nhỏ. Ở đó có khoảng 10-15 đứa trẻ tị nạn cũng đang chạy chơi quanh ngọn đồi. Ba người dừng lại ở một tảng đá lớn trên đỉnh đồi.

Đang chạy chơi, thấy ba người lạ, đám trẻ chạy tới nhìn. Lúc đầu chúng đứng xa khoảng 30 mét và nhìn với những cặp mắt lạ lẫm. Ba người lạ giơ tay vẫy vẫy, cùng nhịp với tiếng “H.E..L..L…O…” và một vài câu chào hỏi bằng tiếng địa phương mới học được. Tụi nhỏ đáp lại bằng một vài câu tiếng Anh học được ở trường. Từ từ một vài đứa nhè nhẹ tiến lại gần hơn một chút và ngồi trên một tảng đá nhỏ để nhìn rõ ba người lạ. Những đứa khác cũng chạy đến ngồi theo. Khoảng 10-15 phút nhìn và lặp lại những câu chào hỏi đơn giản bằng tiếng Anh, chúng tiến tới gần 3 người. Dĩ nhiên, 3 người đều biết là tụi nhỏ muốn đến để bắt tay! Cả 3 người đều rất phấn khởi bắt tay từng đứa một. Với tụi nhỏ, được bắt tay với người lạ kiểu này là một niềm vui lớn. Không chỉ trẻ em, hầu hết người lớn cũng muốn đến bắt tay như thế. Đây là bài học đầu tiên về tương giao tại môi trường này.

Một vài hình ảnh về tụi nhỏ vẫn lưu lại nơi tôi: những chiếc đầu trần, những đôi chân đất chạy quanh vùng đất gần như sa mạc, những làn da đen không còn khả năng cháy nắng, những cặp giò thẳng tắp như của những chú chim chích choè, không thấy thịt và cơ bắp đâu cả. Ngoài những chỗ khớp nhô ra, người ta có thể thấy được từng rảnh xương. Không biết trong ngôn ngữ của chúng, có từ nào để diễn tả bắp vế hay trái chân không! Dĩ nhiên là tụi nhỏ chạy nhảy rất nhanh, vì những đôi chân nhỏ ấy cũng chẳng phải đỡ lấy cơ thể nặng nề gì.

Lúc đầu tôi tự hỏi, tương lai tụi nhỏ rồi sẽ ra sao. Nhưng sao đó tôi thấy câu hỏi này thật xa xỉ. Nhìn cánh trại hơn 150.000 người tị nạn đang ở đó, tốt hơn nên đặt câu hỏi: hiện tại của họ thế nào?

Ở đây, mỗi ngày tôi đều được ăn thịt. Thường chỉ có thịt dê và cừu, vì đây là con vật phổ biến, và cũng gần như duy nhất mà họ có thể nuôi được (nhưng một vài ngày cũng có thịt gà). Oh, sướng thế, được ăn thịt dê mỗi ngày. Đúng vậy! Nhưng cũng cần phân biệt thịt dê ở đây và thịt dê ở nhà hàng thường thấy. Ở vùng đất gần như sa mạc này, cây cối có một nét chung: để tồn tại được, chúng phải có gai, không phải gai nhỏ như gai mắc cỡ để trang trí, nhưng là những cộng gai có thể đâm thấu tới xương. Đây là thức ăn của những đàn dê. Vì thế, khi một con dê đi qua, một người nhanh mắt có thể đếm được nó có mấy xương sườn. Bữa ăn thường cũng được vài miếng sườn dê, dùng một con dao thật bén thì lóc cũng được vài miếng thịt nhỏ. Đó là khẩu phần mà chỉ có nhân viên mới có được. Còn người tị nạn thì sao? Họ nhận lương thực mỗi tháng 2 lần. Nếu họ ăn chắc bóp mỗi ngày một bữa thì có thể đủ đến đợt lãnh tiếp theo. Họ không còn gì để mất. Quê hương của họ đang bị “chiến tranh” mượn tạm vài chục năm. Đất họ đang ở với mật độ không thể chật hơn cũng chẳng phải là của họ. Kiến thức mà họ có là những kinh nghiệm truyền lại từ đời này sang đời khác để tồn tại. Con cái họ được đến trường với 80-100 em/lớp ở tiểu học, và được học với những thầy cô giáo trường làng hiểu biết hơn chúng đôi chút.

Giả như bạn đặt câu hỏi: Thế giới hiện đại đang ở đâu mà để họ như vậy? Đó cũng là câu hỏi của nhiều người đang sống chết ở đây với những người tị nạn này. Hai từ “thế giới” có vẻ mơ hồ và rộng lớn quá. Bao nhiêu người trong thế giới này, trong đó có bạn và tôi, vẫn còn nghĩ đến hai chữ “đồng loại” trong cuộc sống của họ? Nói đến những người tị nạn này, có vẻ họ xa vời quá, làm sao có thể giúp họ được. Đúng vậy, không dễ để giúp họ dù là trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng tình trạng của họ không đơn giản chỉ do chiến tranh trên đất nước của họ; để nhìn rõ hơn, hãy đặt họ vào trong tổng thể của thế giới. Thế giới này chẳng phải được xây dựng bởi một số người có vai trò lớn lao nào đó. Nhưng mỗi người đều có phần của mình trong đó, dù nhỏ bé lắm!

Thử tính xem, mỗi ngày bạn dùng bao nhiêu túi nylông mà lẽ ra không đáng dùng? Quá trình phân huỷ những túi nylông này cũng góp phần không nhỏ làm biến đổi khí hậu, làm cho trái đất nóng lên; những vùng đất xưa kia màu mỡ nay trở thành sa mạc. Đây chỉ là một điều rất nhỏ của một vấn đề rất lớn: bảo vệ hoặc huỷ hoại hệ môi trường sinh thái. Có bao giờ câu hỏi nhỏ này đã xuất hiện trong suy nghĩ của bạn? Hoặc bàn về vấn đề hoà bình thế giới: có vẻ lớn lao quá. Mỗi ngày bạn nói bao nhiêu lời yêu thương và bao nhiêu lời gây sự chia rẽ. Nếu nhìn riêng rẽ những lời nói này thì nó chẳng đáng là bao. Nhưng hãy nhìn xem đại dương, nó được hình thành từ những mạch nước rất nhỏ. Dù muốn hay không, bạn đã rót vào thế giới này lời nói, hành vi của bạn và nó được truyền lại cho thế hệ sau. Từ đó có thể làm cho thế giới thêm hoà bình hoặc ngược lại, thêm sự gây hấn để trở thành chiến tranh. Một xã hội hiền hoà hay một xã hội hận thù đều được tích tụ từ sự hiền lành hay gây hấn rất nhỏ của từng người. Tương tự thế với sự chân thành hay mánh khoé kém chân thành. Thế giới sẽ nhận được đóng góp này của bạn.

Khi bước vào chia sẻ cuộc sống với những người khốn khổ ở đây, tôi không thấy mình có đủ khả năng làm gì đó lớn lao cho họ, nhưng tôi nhận ra mình cần làm gì để không đẩy thêm những người khác vào tình trạng này.

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *