Paul Oberholzer, S.J.
Ngày 07 tháng 8 năm 1814, Đức Giáo Hoàng Piô VII khôi phục Dòng Tên với trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum (Chăm sóc toàn Giáo Hội). Lúc đó, có khoảng 600 tu sĩ Dòng Tên sống ở Nga, Vương quốc Napoli, Sicily, Mỹ, Anh và Pháp. Đâu là thời gian đích thực cho sự phục hồi của Dòng Tên? Việc làm của Đức Piô VII có tầm quan trọng như thế nào trong việc hiểu về sự khôi phục Dòng Tên?
Việc giải thể bắt đầu ngày từ ngày 21 tháng 7 năm 1773. Đức Clêmentê XIV đã thực hiện việc này bởi vì các triều đình Công giáo, đặc biệt là triều đình Tây Ban Nha, đã gây những áp lực lớn trên ngài. Nhưng đó là một hành động mà ngài không bao giờ bằng lòng. Việc giải thể đã xảy ra vì mối liên hệ chặt chẽ giữa các thế lực thần quyền và thế quyền ở châu Âu thời bấy giờ: xu hướng tục hóa của thời đại ánh sáng đang thịnh hành. Đức giáo hoàng khẳng quyết rằng rằng xu hướng này có thể xác định tất cả các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo vốn đang bị thử thách vào lúc này. Các nhà lãnh đạo và các vua chúa lúc đó tuyên bố thẩm quyền trên mọi khía cạnh của xã hội phải nằm dưới sự kiểm soát của họ, bao gồm những khía cạnh của Giáo hội.
Tại thời điểm giải thể, Dòng Tên chỉ có thể tồn tại trong những nơi mà nhà lãnh đạo cấm giám mục địa phương ban hành tự sắc giải thể. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong trường hợp của Nữ hoàng Catherine II, Nữ hoàng Chính Thống Giáo của nước Nga. Được gợi hứng từ một chế độ chuyên chế, bà muốn xây dựng đế chế của mình đang tiều tụy vì kém phát triển. Vùng thiểu số Công giáo ở Bạch Nga theo chính sách này của bà, một chính sách trong đó bao gồm việc nhấn mạnh về sự độc lập hơn khỏi Tòa Thánh. Chính sách này trở nên rất thích hợp khi Nga sở hữu một phần Đông Ba Lan trước đây, với 800.000 người Công giáo và 201 tu sĩ Dòng Tên. Trong năm 1773, khu vực này đang ở trong tình trạng hỗn loạn vì sự thay đổi chính quyền. Các giám mục địa phương đã phải cư ngụ bên ngoài giáo phận của mình và nhận thức được rằng họ sẽ mất nhiều phần trong các giáo phận của mình ở Bạch Nga. Vì vậy, vào lúc đó, họ ra lệnh cho tu sĩ Dòng Tên chờ đợi và kiên nhẫn, chắc chắn rằng các giám mục địa phương mới sẽ ban hành tự sắc giải thể. Chính trong bối cảnh này mà tỉnh Dòng Ba Lan, có trụ sở tại Warsaw, chỉ định viện trưởng trường Dòng Tên ở Połock, là Stanisław Czerniewicz, làm phó giám tỉnh ở Bạch Nga. Bức thư không tỏ dấu hiệu của sự thất vọng; ngược lại, nội dung nói lên niềm hy vọng về sự phục hồi của cả Giáo Hội Công Giáo và Dòng Tên.
Trong những năm sau năm 1773, nhiều người cố gắng làm cho Dòng Tên có thể tồn tại được ở Bạch Nga. Trước hết, một số tu sĩ Dòng Tên đã quyết định tiếp tục đời sống tu sĩ của mình, chứ không từ bỏ. Họ tin rằng làm như vậy, họ đồng cảm với ý định có lẽ không nói ra của Đức Giáo Hoàng. Họ cũng mong đợi tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
Thứ hai, Nữ hoàng Catherine thấy các tu sĩ Dòng Tên là những người yêu nước trung thành và là những giáo viên giỏi. Bằng cách bảo vệ họ, bà nhấn mạnh chủ quyền và sự độc lập của mình khỏi những quyền lực nước ngoài, đặc biệt là từ Giáo triều. Bà nghiêm khắc cấm bất kỳ việc công bố tự sắc của Đức Giáo Hoàng trong đất nước mình.
Thứ ba, Stanisław Siestrzencewicz là một thành viên của giới quý tộc Lithuania đã trở lại đức tin Công Giáo. Catherina đề cử ông làm giám mục Công giáo cho Đế chế Sa hoàng Nga. Nhiệm vụ của ông là phải thuyết phục giáo triều công nhận giáo phận (và sau này là tổng giáo phận) Mohylew, mà Catherine đang lên chuẩn bị thiết lập. Theo tiến trình bình thường, nhiệm vụ của ngài sẽ bao gồm việc ban hành tự sắc giải thể Dòng Tên. Nhưng Siestrzencewicz biết rằng ngài sẽ bị Catherine loại bỏ khỏi chức vụ nếu ngài ban hành tự sắc. Vì thế, ngài đã quyết định đi con đường riêng của mình bằng cách kết hợp những lời khuyên của Sứ thần ở Warsaw và các mệnh lệnh của Catherine từ St Petersburg.
Sứ thần, là đại diện của Tòa Thánh, theo dõi cẩn thận sự phát triển của các tổ chức giáo hội ở Bạch Nga. Ông biết rõ rằng ông không nên gây nguy hiểm cho sự phát triển này bằng cách tuyên bố thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng ở Nga. Mặt khác, trong nhiều dịp, ông cảm thấy rằng mình phải khuyên Siestrzencewicz ban hành tự sắc, nhưng ông cũng biết rõ là vị giám mục này không dễ gì nghe theo lời khuyên vì các lý do chính trị. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: khi hành động theo cách này, có phải ngài thực sự muốn xóa bỏ sứ mạng của Dòng ở Bạch Nga hay đơn thuần chỉ muốn xoa dịu dòng họ Bourbons? Luôn luôn có một ý kiến cho rằng ngài là một người bạn bí mật của Dòng Tên.
Đức Giáo Hoàng lẽ ra đã phải ra lệnh cho Dòng Tên phải tuân phục tự sắc giải thể. Cả Đức Clêmentê XIV và Đức Piô VI đã không làm như thế. Nhưng vì lý do chính trị, việc chấp nhận Dòng trở lại một cách chính thức là điều không thể. Và như vậy, Đức Giáo Hoàng và Thư ký của Giáo Triều tránh tiếp xúc trực tiếp với Dòng Tên ở Bạch Nga. Nhiệm vụ này đặt trên vai Siestrzencewicz, vị trung gian của họ. Sứ thần nhất quyết từ chối lời đề nghị từ chức của Siestrzencewicz, khi Siestrzencewicz đưa ra đề nghị đó vì lý do mệt mỏi và làm việc quá sức.
Dòng Tên ở Bạch Nga nhiều lần thông báo cho Đức Giáo Hoàng về sự tồn tại và các hoạt động của họ. Sự im lặng đáng lưu tâm của ngài năm 1775, và sự công nhận bằng miệng nhưng rõ ràng của ngài làm cho họ hiểu như là những dấu chỉ tích cực của sự đồng cảm. Cách hợp tác tinh tế này dẫn đến kết luận rằng Dòng Tên và Tòa Thánh đang đi theo một chiến lược kép: thứ nhất, không để đánh mất tính hợp pháp việc giải thể như đã trình bày trong tự sắc; và thứ hai, tìm những khẽ hở cho phép một cách hợp pháp Dòng Tên tiếp tục tồn tại.
Ngay từ mùa thu năm 1773, Czerniewicz xin Catherine được phép tuân phục tự sắc giải thể, để ý muốn của Đức Giáo Hoàng được tôn trọng. Đồng thời, ngài tái tổ chức hoạt động của trường học tại Połock vốn đang hoạt động trong bất ổn về tài chính. Ngài cũng đã nói chuyện với thống đốc Bạch Nga về việc củng cố nội bộ của cộng đoàn Dòng Tên vẫn còn ở Nga. Ngài biết rất rõ rằng Catherine sẽ không chấp nhận thỉnh nguyện của mình. Vì lòng nhiệt thành với lời khấn vâng phục Đức Giáo Hoàng, ngài đưa vấn đề này ra khỏi kế hoạch chính trị, và vì thế ngài tránh bị tiếng là ngài đã không tuân theo lệnh của Đức Giáo Hoàng. Kết quả là, ngài được Giám mục Siestrzencewicz chỉ định làm giám tỉnh, tất nhiên là bởi lệnh của Nữ hoàng Catherine.
Ngay từ năm 1774, các tu sĩ Dòng Tên kêu gọi sự chú ý đến chuyện họ không có nhà Tập: thành lập nhà Tập là kết quả của một kế hoạch theo hai hướng. Vào đầu năm 1778, Siestrzencewicz đề nghị Sứ thần trao cho ngài thẩm quyền đối với tất cả các dòng tu ở Nga, trong khoảng thời gian ba năm. Ngài xin điều này để ngài có thể hành động dứt khoát hơn đối với Dòng Tên. Lúc đầu, Đức Piô VI đã phản ứng lại đề nghị này với thái độ khó chịu, tuy nhiên ngài đã ban đặc quyền này vào tháng 8 năm 1778. Vào tháng 7 năm 1779, Siestrzencewicz đã cho phép tu sĩ Dòng Tên mở một tập viện. Phản ứng lại, Sứ thần đã nổi giận; trong lần trao đổi với các các triều đình thuộc dòng họ Bourbon, Ban thư ký của Tòa Thánh biện minh điều này bằng cách nói rằng Siestrzencewicz đã thi hành nhiệm vụ của mình một cách độc đoán, bởi vì ngạo mạn, ông ta sẽ không bao giờ được bổ nhiệm làm Hồng Y. Trong phần này, hai bên thân Dòng Tên đã chơi một nước cờ rất khéo: Czerniewicz và Catherine một bên, và Tòa Thánh một bên. Năm 1782, các tu sĩ Dòng Tên triệu tập một Đại Hội bất thường và bầu Czerniewicz làm Tổng Đại Diện, cũng như ba phụ tá, một cố vấn và một giám tỉnh. Trong một bức thư gửi cho giám mục, họ nói rằng họ có quyền tự do bầu cử các bề trên của mình. Dòng cho thấy rõ rằng trong cấu trúc này mình đang quay lại lại với các quy tắc như đã được áp dụng trước năm 1773. Tình hình bấy giờ là Dòng không được thiết lập tất cả các cơ quan quản trị của mình. Tại thời điểm đó, Dòng Tên gồm có 172 thành viên, số lượng tương đương với một tỉnh nhỏ. Nhưng thông điệp rất rõ ràng: mục tiêu là phục hồi Dòng trong toàn thể Giáo Hội. Và những sự kiện này đã diễn ra chỉ chín năm sau tự sắc giải thể. Trong những năm sau đó, các cựu tu sĩ Dòng Tên từ khắp châu Âu đến Nga để gia nhập Dòng Tên một lần nữa. Nhiều người khác vẫn ở lại nước mình, riêng tư làm mới lại lời khấn. Nếu bao giờ Dòng Tên được trở lại, ngay lập tức họ sẽ trở thành thành viên của Dòng.
Trong những năm 1792-1793, Công tước xứ Parma cho phép cựu tu sĩ Dòng Tên một lần nữa sống trong các cộng đoàn. Họ đã thiết lập liên lạc với Nga, từ đây, năm 1794, ba tu sĩ Dòng Tên đã thành lập một tập viện. Đức Giáo Hoàng không dám công khai phê duyệt điều này: ý của ngài rằng sẽ là tốt hơn nếu ngài không biết việc này một cách chính thức. Năm 1779, lần đầu tiên sau khi vắng mặt mười ba năm, một Sứ thần đến Nga, ở lại trong một trường học Dòng Tên, dùng bữa chung với cộng đoàn, và xưng tội với một linh mục Dòng Tên. Ý nghĩa của điều này rất rõ ràng: Tòa Thánh đã tán thành sự tồn tại của Dòng Tên, và đánh giá cao các thừa tác vụ mục vụ và bí tích của Dòng.
Vào ngày 07 tháng 3 năm 1801, chỉ một năm sau khi đắc cử, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã chuẩn nhận Dòng Tên trong địa phận của Nga. Sau đó, khá đông thanh niên đã đến Bạch Nga để gia nhập Dòng Tên ở đó.
Vì vậy, chúng ta có thể hỏi: tại thời điểm nào Dòng Tên thực sự đã được phục hồi? Chắc chắn không phải chỉ trong năm 1814. Những bước cần thiết hướng đến việc phục hồi đã được thực hiện nhiều năm trước đó.
Tuy nhiên, việc chuẩn nhận phục hồi của Đức giáo hoàng năm 1814 mới là tâm điểm cho căn tính của Dòng vì ba lý do.
Kể từ năm 1773, một nhóm quan trọng các tu sĩ Dòng Tên ở Bạch Nga đã duy trì Dòng Tên như là một đoàn thể công khai. Tuy nhiên, đoàn thể này đã tự thành lập ở đó, trên nền tảng thánh Inhã Loyola, đã không được xem như là Dòng Tên. Vì lý do đó, các tu sĩ Dòng Tên nhận thấy rằng họ đã không đạt được đích điểm cuối cùng của việc khôi phục ở Tổng Hội bất thường năm 1782. Về sự phục hồi đầy đủ Dòng Tên, sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng là cần thiết; như khi Dòng được thành lập năm 1540, với trọng sắc Regimini Ecclesiae Militantis của Đức Giáo Hoàng Phaolô III.
Đã có một xác nhận vào năm 1801, nhưng nó không có tính phổ quát cần thiết, và như vậy là không đầy đủ.
Dòng Tên chỉ có thể được coi là hoàn toàn khôi phục khi Đức Giáo Hoàng, trong chức vụ như là vị Đại Diện của Chúa Kitô, một lần nữa trao cho Dòng Tên nhiệm vụ để đi đến mọi biên cương của hoàn cầu để loan báo Tin Mừng.