Những rào cản của sự vâng phục trong đời tu

Chúng ta đã biết rằng nếu vâng phục được tuân giữ tốt, nhờ sự nỗ lực của cả bề trên lẫn bề dưới, đời tu và sứ mạng của người tu sĩ sẽ sinh nhiều hoa trái. Điều đáng buồn là trong rất nhiều dòng tu, kiểu hoa trái này vẫn còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là có vị chát chua. Vẫn còn đó những tình trạng bề dưới đón nhận sứ mạng chỉ vì cắn răng chịu đựng, sống cho qua ngày đoạn tháng, chờ cho kỳ hạn qua đi để được chuyển đi chỗ khác. Hay tệ hơn, luôn có những phàn nàn trong nội bộ cộng đoàn và chỉ mong cho bề trên sớm hết nhiệm kỳ để không còn phải chịu đựng. Rồi cũng có những trường hợp bề trên đau đầu vì không biết phải điều chuyển một tu sĩ nào đó đi đâu. Chỗ nào người đó cũng từ chối, đưa ra đủ kiểu lý do để thoái thác. Đôi khi, sai một tu sĩ trẻ mới chập chững bước vào đời tu dễ dàng đối với vị bề trên hơn là một tu sĩ đã sống lâu năm trong dòng. Đây quả là một điều ngược ngạo. Đáng lẽ càng tu lâu, người ta phải càng khiêm nhu hơn, mềm mại hơn. Đàng này, ỷ lại vào phán đoán của mình, cho rằng mình đã có nhiều kinh nghiệm, một số tu sĩ lớn tuổi tỏ ra cứng đầu, bất chấp, chẳng coi bề trên ra gì, vừa làm cho tương quan giữa mình với bề trên thêm căng thẳng, vừa làm gương xấu cho người khác. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này? Đâu là những rào cản khiến cho sự vâng phục trong thể phát huy được hiệu quả của nó?

Nguyên nhân có thể xuất phát từ bề trên. Họ quá lạm dụng quyền, xem quyền là tất cả. Họ quá tin vào phán đoán, quá bám vào ý riêng của mình, chẳng chịu tham khảo ý kiến của các tư vấn và của chuyên gia, hay thậm chí là của chính đương sự. Họ không thấy được hoạt động của Thánh Thần nơi bề dưới, không chịu tiếp cận để hiểu điểm mạnh điểm yếu của bề dưới. Để rồi, khi đưa ra quyết định, họ chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến cá nhân, dựa trên suy nghĩ cá nhân, bất chấp nó có phù hợp với hoàn cảnh thực tế hay không. Đây là một hành vi thiếu đức ái, thiếu tôn trọng. Nó không khuyến khích và cổ võ cho bầu khí cộng tác giữa bề trên với bề dưới và giữa bề dưới với nhau. Rốt cuộc, bề dưới cảm thấy mình bị bỏ rơi, không được cảm thông và thấu hiểu. Thay vì hứng khởi chờ đợi sứ mạng, họ chỉ nơp nớp lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình.

Tốt nhất không nên chọn một người không biết lắng nghe làm bề trên, vì người không có khả năng lắng nghe là người không biết mở lòng. Người đó chỉ chú trọng đến cái tôi, sở thích và phán quyết cá nhân, chứ không đưa ra quyết định dựa trên những yếu tố khách quan và những ý kiến đóng góp của cộng đoàn. Không biết lắng nghe thì cũng sẽ không chịu ngồi đó để nghe bề dưới trải lòng, chia sẻ những khó khăn, những thành công thất bại, không cảm thông được và cũng không biết cách nâng đỡ họ. Người không biết lắng nghe thì chỉ chú trọng đến công việc chứ không quan tâm đến con người. Họ đề cao thành quả lao động, chứ không để ý đến những người đang phải lao động để có được thành quả ấy. Đây là một điều rất tai hại.

Cũng có khi do bề trên quá cứng rắn, quá thẳng thắn, khiến cho bề dưới sợ hãi. Sự sợ hãi có thể làm cho tương quan giữa hai bên có những rạn nứt. Công việc có thể được chạy tốt, nhưng không giúp cho cả hai được thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Hoặc cũng có khi bề trên khá vụng về khi đưa ra mệnh lệnh. Họ quá nhu nhược, sợ mất lòng, sợ đụng chạm, chẳng mạnh mẽ trong các quyết định vì sợ chống đối, sợ khó khăn. Dĩ nhiên, bề trên không nên dùng quyền như một kẻ chuyên chế, nhưng họ là người được trao quyền, họ có quyền và có uy của một người cầm quyền. Nhưng có một số bề trên lại không dám sử dụng đặc ân này. Họ có thể vì quá bác ái, hay quá yếu đuối mà để cho người khác lợi dụng mình như con cờ hoặc bị người khác dùng các áp lực này nọ để khống chế. Quả là điều đáng buồn!

Cũng có một kiểu bề trên thiếu tình yêu dành cho Giáo hội. Họ chẳng có đời sống thiêng liêng, chẳng có mối tương quan thiết thân với Chúa. Có thể ngày trước họ đã từng rất tốt, đáng tin, nên mới được anh chị em bầu chọn. Thế nhưng, từ khi được cất nhắc lên một vị trí cao, họ chẳng còn giữ được những điều tốt mà họ đã từng có. Họ theo đuổi quyền lực, công danh. Họ cố gắng tìm kiếm ảnh hưởng, chỗ đứng. Họ tạo mối tương quan thân thiết với những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng, mang danh nghĩa là để giúp ích cho việc tông đồ, nhưng thực ra là để muốn chứng tỏ mình quan trọng. Họ tự đưa mình vào một đẳng cấp cao hơn các thành viên khác trong dòng. Có người còn cố gắng tìm cách sửa luật dòng để có thể kéo dài nhiệm kỳ làm bề trên. Họ quên mất rằng làm bề trên cũng là một sứ mạng, chứ không phải nơi thụ hưởng quyền lực. Kiểu bề trên như thế này sẽ dần dần mất đi bạn bè, mất đi niềm tin của anh chị em. Chẳng hiểu sau khi không còn là bề trên nữa, liệu có còn ai thật lòng muốn đến với họ!

Nhưng cũng có những nguyên do làm rảo càn cho sự vâng phục đến từ bề dưới. Trước hết, đó cũng là thái độ không thấy Chúa đang hoạt động nơi bề trên, đặc biệt khi thấy bề trên có nhiều sai sót, thua kém mình. Những người đã từng là bề trên, nếu không có đủ khiêm nhường và cảnh giác, hẳn sẽ cảm thấy khó vâng phục một người vốn đã từng là thuộc cấp của mình, thậm chí là học trò của mình, hay người mà năm xưa mình đã nhận vào dòng. Tất cả cũng đến từ sự kiêu ngạo, tự phụ về tài năng hay những thành công mình có được trong quá khứ, cho rằng bề trên hiện tại không bằng mình.

Có một số người có ý riêng quá mạnh, lại luôn dung dưỡng cho những tật xấu như không thích phụ thuộc, hay có thái độ phản đối, cứng đầu, quá tin vào kiến thức và phán đoán của mình. Cũng có thể họ là người đề cao tự do quá đáng, thích đòi quyền lợi. Khi không được như ý, họ lợi dụng tương quan để kéo bè phái chống lại bề trên, cắt nghĩa sai lệch ý muốn của bề trên, cốt để tạo phe ủng hộ cho mình. Họ cũng có thể lạm dụng quyền đối thoại. Nói là đối thoại, nhưng thực chất là thoái thác, chống chế, trốn tránh, thuyết phục bề trên làm theo ý mình, chứ không có một thái độ chân thành để tìm kiếm ý Chúa. Một số khác lợi dụng tài ăn nói của mình hay tương quan tốt giữa mình với bề trên để lươn lẹo, lèo lái bề trên theo ý mình khi bề trên truyền khiến điều gì đó khó chấp nhận, không thuộc sở thích hay sở trường của mình. Nếu không thành công trong việc thay đổi ý bề trên, họ chỉ đón nhận nó cách miễn cưỡng, làm cho có, cho xong để tỏ ý phản đối, chứ không mang lấy một tâm tình vâng phục đúng đắn.

Nơi bản thân đương sự luôn có mâu thuẫn giữa vâng phục Giáo hội và bề trên với nhận định và quyết định cá nhân; mâu thuẫn giữa cố định và di động, giữa sáng kiến và vâng phục, giữa chuyển động nội tâm và trung thành với Giáo Hội. Dù sao thì, người không vâng phục thường là người thiếu nhận định, thiếu ứng trực, thiếu tinh thần cộng tác, thiếu cảm thức thuộc về Giáo hội và về cộng đoàn. Để có thể sống tốt sự vâng phục, tương quan anh chị em hàng ngang với nhau đôi khi cũng là một trợ giúp rất tốt. Một anh em hay chị em nào đó có thể sẽ gặp khó khăn khi nhận được một sứ mạng mới không đúng ý mình, nhưng họ sẽ dễ dàng đón nhận và vượt qua nó khi được những anh em hay chị em khác nâng đỡ, động viên và tạo điều kiện tốt.

Thánh Inhaxio Loyola đã luôn đề cao đức vâng phục trong đời tu, xem đó là yếu tố quan trọng để thực thi sứ mạng. Ngài gọi những ai bất tuân và gây chia rẽ trong cộng đoàn những “ung nhọt” và cần phải bị khai trừ càng sớm sàng tốt trước khi nó gây ra những thiệt hại to hơn. Quả vậy, người luôn bất tuân và không có ý hướng muốn sửa đổi thì chẳng thể nào triển nở được trong đời dâng hiến và cũng là một dấu chỉ cho thấy họ không thể sống trong đời sống này. Tốt nhất, nên giúp giải thoát họ để họ tìm thấy ơn gọi đích thực cho mình, trong tình huynh đệ và lòng bác ái.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Bài tiếp theo: Để có một sự vâng phục tốt hơn trong đời tu

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Biến nỗi đau thành hành động bác ái theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lần tới khi một giáo dân hoặc thành viên trong gia đình làm điều gì …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *