[Suy Tư Tin Mừng] Niềm hy vọng của chúng ta

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

            Chúa Thăng Thiên mang lại niềm vui sâu xa và niềm hy vọng lớn lao cho hành trình của mỗi người chúng ta. Nếu có những lúc ta còn hồ nghi về hành trình cuộc đời mình, sẽ ‘đi đâu về đâu,’ thì biến cố Chúa Thăng Thiên trao cho chúng ta lời giải đáp.

            Trước đây, một số các môn đệ đi theo Đức Giêsu cũng với một niềm hy vọng, rằng chính Người là Đấng được sai đến để giải phóng dân tộc họ khỏi ách thống trị nước ngoài. Thế nên, một số người vẫn hỏi Đức Giêsu sau biến cố Phục Sinh: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1,7). Những người này có lẽ đã vỡ mộng khi chứng kiến Đức Giêsu bị chết treo thảm thương trên cây thập tự hôm nào. Tuy vậy, niềm hy vọng ấy được thắp lên sau biến cố Phục Sinh. Đối với họ, đây quả thực là thời điểm thích hợp để được giải phóng, bởi Thầy Giêsu giờ đây có quyền lực vượt trên cả sự chết. Giả như Thầy lên tiếng kêu gọi mọi người đứng lên chống lại bọn ngoại bang, thì chiến thắng chắc chắn nằm trong tay họ, và mọi người sẽ được tự do. Mong ước này của họ cũng thật chính đáng, nhưng mục đích của Đức Giêsu xuống thế là để ban cho chúng ta một vương quốc khác, tốt đẹp hơn gấp bội phần.

            Thật vậy, Đấng Phục Sinh được rước về trời mang lại niềm vui và hy vọng lớn lao cho tất cả chúng ta. Thánh Phaolô đã xin Thần Khí soi sáng để chúng ta luôn thấy rõ “đâu là niềm hy vọng”, “đâu là gia nghiệp vinh quang” của mình (Ep 1,18). Niềm hy vọng và gia nghiệp vinh quang của chúng ta là ở nơi Đức Giêsu Kitô. Biến cố Phục Sinh đã cho chúng ta thêm vững tin nơi Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, đã đến thế gian để giải thoát chúng ta khỏi mọi thế lực ác thần. Chúa Thăng Thiên thêm củng cố cho chúng ta niềm hy vọng một ngày sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời cùng với Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta đang tin, không phải vào điều gì đó hão huyền, nhưng tin vào Đấng có quyền lực trên tất cả mọi sự: “Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (Ep 1,21).

            Chúa Thăng Thiên một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về hành trình hồi hương của mỗi người: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta sẽ chẳng kết thúc nơi thế gian này. Hành trình này có một đích đến đó là nơi Thiên Chúa – Đấng là nguồn gốc và là cùng đích của tất cả mọi sự. Lễ Chúa Thăng Thiên cũng là một dịp tốt để mỗi người chúng ta hồi tâm, định hình lại hành trình của cuộc đời mình. Chúng ta hãy dành ra một khoảng thinh lặng để xem liệu mình đã thấy rõ đích đến của cuộc đời mình chăng. Liệu rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Chúng ta cũng hãy xin Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những quyến luyến lệch lạc bởi những sự thuộc thế gian này. Chúng ta xin cho mình ơn khôn ngoan để nhận ra những sự ấy chỉ là những phương tiện mà chúng ta sử dụng trong hành trình của mình mà thôi. Những thứ ấy chẳng phải là đích đến của mỗi người chúng ta, vì cuối cùng mọi sự ấy sẽ qua đi như một làn gió thoảng. 

            Chúng ta ước mong một ngày nào đó chúng ta cũng được rước về trời đoàn tụ với Đấng đã yêu thương chúng ta hết lòng. Nhưng trong khi chờ đợi ngày hạnh phúc ấy, Chúa Giêsu trao lại cho mỗi người chúng ta một nhiệm vụ: “…phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Chúng ta có thể lo lắng rằng mình làm gì biết ‘loan báo Tin Mừng.’ Một số trong chúng ta cũng hay cho rằng lệnh truyền này chỉ dành cho một số vị đặc biệt như các linh mục hay tu sĩ thôi! Thực ra, đây là lệnh truyền dành cho tất cả mọi người: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Đây là lệnh truyền xuất phát từ kế hoạch yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cũng như Chúa Con đã được Chúa Cha sai đến thế gian, giờ đây Người cũng sai phái chúng ta tiếp tục sứ mạng loan Tin Mừng Cứu Độ. Khi Chúa Thăng Thiên, Người đã hứa ban Đấng Bảo Trợ đến ở cùng chúng ta, và chính Ngài sẽ chỉ dạy cho chúng ta phải loan báo Tin Mừng như thế nào.

            Mỗi người trong những hoàn cảnh khác nhau có thể ‘loan báo Tin Mừng’ theo cách thế khác nhau. Trên hết, cách loan báo Tin Mừng hiệu nghiệm nhất đó là trở nên chứng nhân về những gì chúng ta muốn loan báo cho người khác. Thế nên, để có thể ‘loan báo’ cho người khác, trước hết mỗi người hãy xin cho bản thân mình biết đặt niềm tin và hy vọng nơi Đức Kitô. Chỉ khi có niềm tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa như vậy, chúng ta mới thấy cần thiết để ‘loan báo’ cho người khác biết ‘Tin Mừng’ ấy. Chúng ta không cần phải lo lắng xem mình phải làm gì, vì Chúa Thánh Thần hằng ở với chúng ta sẽ nói cho ta biết. Dấu hiệu đơn giản để nhận biết chúng ta đang ‘loan báo Tin Mừng,’ đó là khi chúng ta thực thi những gì Thánh Thần Chúa chỉ dạy trong tâm hồn mỗi người. Đó là khi ta thấy ‘triều đại Thiên Chúa’ đang hiển trị giữa cuộc đời này: là yêu thương, là giúp đỡ, là hoán cải, là tha thứ, là tin tưởng, là khiêm nhường….

            Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được niềm vui sâu xa và niềm hy vọng thật lớn lao, rằng một ngày nào đó chúng con sẽ được hạnh phúc ở bên Chúa mãi mãi. Xin cho mỗi ngày sẽ có thêm nhiều anh chị em được tin yêu và hy vọng nơi Chúa. Và khi đời sống của chúng con trên dương thế này đến hồi kết thúc, xin Chúa đón nhận chúng con vào Thiên Quốc, như năm nào Chúa đã đón nhận người trộm lành: Hôm nay con sẽ được ở với Ta trong thiên đàng. Amen!

Giuse Hoàng Thanh Phong, SJ

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *