Chúa Nhật Tuần XIV – Mùa Thường Niên
Niềm vui của đời sống người môn đệ
Niềm vui đích thực của đời sống người môn đệ bắt nguồn từ việc ý thức được lời mời gọi yêu thương và tin tưởng từ Thiên Chúa. Niềm vui này, dù bị đe dọa bởi những thách thức của thế gian và sự xói mòn đức tin, lại được củng cố khi người môn đệ sống trong mối tương quan mật thiết với Chúa, để từ đó lắng nghe và đáp lại Ngài. Nói khác đi, người môn đệ là người được chọn, được ở lại trong Chúa và với Chúa, để rồi được sai đi vào Vườn Nho của Chúa.
Các bạn thân mến!
Một trong những điều làm nên hạnh phúc của người môn đệ đó là bạn ý thức mình được tin tưởng, chọn gọi và sai đi. Việc thi hành sứ mạng vừa là cách mà bạn đáp lại sự tin tưởng, vừa là cách bạn củng cố mối tương quan của bạn với Chúa. Đứng trước sứ mạng mà bạn được mời gọi, bạn luôn tự hỏi đâu là điều thực sự làm nên ý nghĩa và niềm vui của người môn đệ? Điều đem lại niềm vui thực sự cho bạn không hệ tại ở những điều mà bạn có thể làm nhưng hệ tại ở việc những điều mà bạn làm dẫn bạn đến đâu.
Trước hết, niềm vui của đời người môn đệ xuất phát từ lời mời gọi
Ơn gọi thường được hiểu như là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho một người để họ hoàn toàn tận hiến cho Chúa và cho anh chị em mình. Gọi tên một người là muốn thiết lập tương quan với họ. Lời gọi nói lên ba ý nghĩa: sự yêu thương, việc xây dựng tương quan và sự tin tưởng. Thiên Chúa yêu thương và Ngài gọi. “Ngài không gọi bạn vì bạn xứng đáng nhưng Ngài làm cho người mà Ngài kêu gọi trở nên xứng đáng với tình yêu của Ngài.” Bạn có hoàn toàn tự do đáp lại lời mời gọi đó. Để có thể nhận ra và đáp lại lời gọi, bạn phải là người lắng nghe được lời gọi. Tuy nhiên trong thực tế, lời gọi đó bị đan xen bởi những tiếng gọi khác, bao gồm cả tiếng nói của thần dữ và những thúc đẩy cá nhân. Vì thế, bạn cần đủ lặng và lắng để nghe được tiếng gọi. Cách duy nhất để biết được tiếng gọi là bạn cần đi vào tương quan với Đấng gọi bạn. Nếu bạn không đi vào tương quan, không ở lại, ở trong Ngài, bạn khó có thể hiểu Ngài và biết được tiếng Ngài. Như thế, tiếng gọi và lời gọi không xuất phát từ việc suy luận nhưng xuất phát từ việc đi vào tương quan và sự hiểu biết. Nhờ việc đi vào tương quan với Ngài mà bạn biết ý Ngài, và nhờ biết ý Ngài mà bạn có thể đáp lại Lời Ngài.
Thông thường Thiên Chúa chọn ai thì Ngài cũng giao cho họ một sứ mạng. Mô-sê được Chúa gọi qua thị kiến về bụi gai bốc cháy, Ngài giao cho ông sứ mạng giải phóng dân tộc Do Thái đang bị nô lệ tại Ai Cập. Gioan Tiền Hô được gọi trước khi ngài được thành hình trong lòng mẹ để trở nên sứ giả tiền hô của Đấng Cứu Thế. Nếu bạn là người sống trong bậc sống gia đình, bạn cũng được mời gọi xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và nên thánh giữa đời. Nếu bạn là người sống đời sống thánh hiến, bạn cũng được mời gọi thiết lập giao ước với Chúa và dẫn người khác đi vào mối tương quan giao ước đó. Như thế niềm vui của đời sống ơn gọi xuất phát từ việc bạn được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi để bạn ở với Ngài, và bạn được sai đi.
Thánh Luca cho bạn thấy đặc tính cốt yếu của ơn gọi xuất phát từ việc bạn được kêu gọi, được sai đi để dọn đường cho Chúa: “Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1). Điều này cho bạn thấy rằng ơn gọi của bạn là đi trước dọn đường cho Người sai đi chứ không được thay thế Người sai mình đi. Cũng thế, khi bạn được sai đi, bạn không được sai đi một mình nhưng bạn được sai đi với tư cách là cộng đoàn. Cộng đoàn theo nghĩa rộng hơn là Giáo Hội, còn cộng đoàn theo nghĩa hẹp hơn là cộng đoàn địa phương nơi bạn hiện diện. Tuy nhiên trong thực tế, niềm vui của người môn đệ là niềm vui có thể bị đe dọa.
Thứ đến, niềm vui của đời sống người môn đệ là niềm vui có thể bị đe dọa
Chắc chắn một điều, bạn cảm thấy hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi và sai đi. Thế nhưng niềm vui của bạn luôn bị đe dọa. Tin Mừng diễn tả sự đe dọa đó bằng hình ảnh như “chiên đi vào giữa bầy sói.” Đây là sự đe dọa nằm trong sự đối kháng thuộc về bản chất giữa Tin Mừng và thế gian. Bối cảnh ngày nay đưa ra cho bạn một chọn lựa mà chúng ta thường gọi là “chấp nhận sự vắng bóng của Thiên Chúa.” “Chúng ta phải sống trước mặt Thiên Chúa như thể Thiên Chúa không hiện hữu” (Dietrich Bonhoeffer) xem ra người ta có vẻ quan tâm đến vấn đề kinh tế, thành công và thành tựu hơn là những ngay cảm về mặt thiêng liêng. Việc thiếu nhạy cảm về mặt thiêng liêng sẽ dễ dẫn đến việc thiếu nhạy cảm về mặt luân lý. Bởi vì mọi quan niệm luân lý đều phải gắn với một nền tảng siêu hình.
Thêm vào đó, sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai cũng tác động làm xói mòn đến niềm tin tôn giáo. Giống như dân Israel khi bước vào đất Canaan, văn hóa và tôn giáo ngoại lai cùng với sự thoải mái và sự no đủ làm người ta quên mất Thiên Chúa. Người ta không muốn đả động đến tôn giáo và những giá trị mà Kitô giáo đem đến cho thế giới. Cái mà người ta quan tâm là lợi nhuận và giá trị thặng dư. Phẩm giá con người bị giảm trừ, lược bỏ và thay bằng giá trị lợi ích và những con số.
Ngoài ra, sự phai nhạt những giá trị truyền thống và mối liên kết cộng đồng cũng ảnh hưởng đáng kể đến đời sống đức tin. Thế hệ trước không muốn kể hoặc không truyền lại được cho thế hệ sau giá trị đức tin. Khi cảm thức siêu nhiên bị đánh mất, văn hóa ngoại lai tác động sâu đậm, nền tảng cộng đồng và giá trị truyền thống bị mai một, sự chống đối cùng những bách hại bên ngoài và yếu đuối bên trong sẽ làm cho niềm tin bị xói mòn.
Tắt một lời, khi cảm thức siêu nhiên bị đánh mất, giá trị truyền thống bị mai một, giá trị đức tin bị chôn vùi, mối tương quan cộng đồng và gia đình lỏng lẻo, sự lấn át của văn hóa thế tục sẽ nảy sinh ra tâm lý hoang mang và bất định.
Tính bất an của đời sống sẽ dẫn đến việc thiếu cam kết bền vững. Việc thiếu nền tảng và nhạy cảm siêu nhiên cùng với những khủng hoảng của cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ dẫn đến việc sợ đi vào một cam kết bền vững. Phản ứng ngược lại của những bấp bênh là sự đóng kín, là xây những bức tường thay vì xây những nhịp cầu. “Có phải Kierkegaard đã đúng khi nói rằng mọi nỗi tuyệt vọng về những điều của trần thế này thực ra là – và không nhất thiết là chúng ta phải ý thức được điều ấy – nỗi tuyệt vọng về Vĩnh Cửu?” Phải chăng đây là những dạng thức mà Chúa Giêsu gọi là “chiên đi vào giữa bầy sói.” Sói không chỉ là những đe dọa về mặt thể lý nhưng là những tác động bên ngoài và bên trong làm xói mòn giá trị đức tin, và làm lu mờ hình ảnh của Đức Kitô trong đời sống và trong trái tim con người. Sói là những mối đe dọa làm cho con người mất đi nền tảng siêu nhiên, gốc rễ của mọi sự hiện hữu, giá trị luân lý và phẩm giá làm người. Đây là những “con sói” còn nguy hiểm hơn những “con sói” mà chúng ta có thể thấy được bằng mắt thường.
Cuối cùng, niềm vui của đời sống người môn đệ đến từ niềm vui được thông dự
Một cách tự nhiên, con người cảm thấy vui về những gì mình đóng góp. Sự đóng góp làm thỏa mãn nhu cầu căn bản của con người là nhu cầu được thừa nhận. Tuy nhiên cảm nhận này cho bạn thấy sự tồn lại của 2 loại logic: Logic của con người và logic của Thiên Chúa. Logic của con người đến từ việc sở hữu, chiếm hữu, và chinh phục. Logic của Thiên Chúa đến từ việc trao ban để được lấp đầy. “Các môn đệ không tìm thấy niềm vui của họ nơi tiền bạc, quyền lực hoặc của cải vật chất khác,” mà là nơi “những món quà họ nhận được mỗi ngày từ Thiên Chúa: sự sống, công trình sáng tạo, anh chị em…” “bằng lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo logic của Thiên Chúa.” Niềm vui mà người môn đệ có được không hệ tại ở việc làm những công trình vĩ đại nhưng hệ tại ở việc họ được ở với Chúa, chia sẻ sự sống với Chúa.
Niềm vui của người môn đệ xuất phát từ việc ở lại, ở trong và ở với Thiên Chúa. Họ không có được niềm vui đích thực khi họ ở ngoài mối tương quan với Thiên Chúa. “Bởi vì người môn đệ của Chúa Giêsu luôn là những người vui mừng, với niềm vui phát xuất từ Chúa Giêsu.” Chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định. Niềm vui của người môn đệ xuất phát từ việc tên của họ được ghi trên trời. “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,20).
Việc Chúa Giêsu nói rằng “tên của anh được ghi trên trời” có 4 ý nghĩa: Thứ nhất, quyền năng trừ ma quỷ là một ơn Chúa ban cho Giáo Hội. Thứ hai có hai loại niềm vui, niềm vui sinh ra lòng kiêu hãnh và niềm vui mong muốn làm đẹp lòng Chúa. Thứ ba, việc trừ được quỷ không do công trạng của mình nhưng do ơn Chúa. Thứ tư, việc trừ quỷ có tác động trên người khác nhưng vì lợi ích của chúng ta mà tên chúng ta được ghi trên trời. Việc ghi tên không phải bằng giấy mực nhưng trong ký ức và ân sủng của Thiên Chúa. Như thế, điều làm nên niềm vui thực sự của người môn đệ không hệ tại ở việc bạn có thể làm những điều lớn lao, nhưng kết cục của những điều đó dẫn bạn đến đâu, và điều mà bạn có được có thực sự mang bạn đến hạnh phúc mà Thiên Chúa đang khao khát trao tặng cho bạn hay không.
Lạy Chúa xin cho con cảm nhận được niềm vui thực sự vì con được ở trong Chúa và Chúa ở trong con!
Lm. Gioan Phạm Duy Anh, S.J.