Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

 

Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta chiêm ngắm cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và Phi-la-tô [1]. Ngài đã bị bắt và bị điệu đến trước quan tổng trấn của Rô-ma, là người đại diện cho quyền lực thế gian. Mặc dù, Đức Giê-su đang bị tổn thương nhưng vẫn ngẩng cao đầu, khi đứng trước quan tổng trấn Phi-la-tô. Thật ngạc nhiên khi thấy sự bình thản, ung dung và tự tại ở nơi Đức Giê-su. Chắc hẳn, cái phong thái ấy đã gây ấn tượng sâu sắc đối với người quyền thế như Phi-la-tô.

 

Bên cạnh đó, vào những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội luôn mời gọi chúng ta suy ngẫm về mục đích sau cùng của thế giới này. Thế giới được tạo dựng, nhưng không phát triển một cách ngẫu nhiên, mà luôn có một đích nhắm tới. Mục đích tối hậu của thế giới là đạt đến ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói một cách, thời khắc cuối cùng của lịch sử sẽ là vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Và trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su sẽ nói cho chúng ta biết về vương quốc ấy.

 

Thứ nhất, vương quốc của Thiên Chúa không thuộc về thế gian này. 

Khi Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su có phải là vua dân Do thái hay không. Đức Giê-su trả lời rõ ràng Ngài là Vua, nhưng vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này. Vậy vương quốc của Ngài ở đâu?

 

Về cơ bản, Nước Thiên Chúa không giống như các vương quốc của người cai trị. Trong vương quốc của những người cai trị, họ thường dùng sức mạnh để đàn áp người khác, trong khi đó, Đức Giê-su đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người [2]. Bên cạnh đó, nhiều người mong muốn Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a theo kiểu chính trị. Họ hy vọng Ngài sẽ giúp người Do-thái thoát khỏi sự áp bức của ngoại bang và dùng sức mạnh để đáp trả bạo lực [3]. Ngược lại, Đức Giê-su lại tự nguyện chấp nhận đau khổ và chịu đóng đinh [4]. Khi người ta nghĩ rằng sự giàu có, quyền lực và sự nổi tiếng sẽ làm cho một người trở nên vĩ đại, thì Đức Giê-su lại dạy và sống theo tinh thần nghèo khó của các mối phúc, và lấy tình yêu làm nền tảng cho luật pháp của Nước mình. Ngài nhấn mạnh vương quốc của Thiên Chúa lấy tình yêu, lòng thương xót và sự phục vụ làm tiêu chuẩn. 

 

Như vậy, chúng ta thấy rõ vương quốc của Thiên Chúa không cạnh tranh với chính quyền La-mã, hay bất cứ chính quyền dân sự nào khác. Cho nên, qua câu trả lời của Đức Giê-su, Phi-la-tô hiểu rõ Đức Giê-su không có ý định lật đổ chính quyền La-mã. 

 

Thực vậy, trong suốt cuộc đời của mình, Đức Giê-su không có tham vọng làm chính trị. Sau khi thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tuyên xưng Ngài là vua, và hy vọng Ngài sẽ giúp họ lật đổ quyền lực của người La-mã và khôi phục vương quốc Is-ra-el. Tuy nhiên, Đức Giê-su biết rõ vương quốc của Ngài không thể đạt được bằng sự nổi loạn, bạo lực hay vũ lực. Đó là lý do tại sao Người đã rút lui, một mình lên núi để cầu nguyện với Chúa Cha [5]. Và giờ đây, khi trả lời Phi-la-tô, Ngài thẳng thắn nói rõ:

 

Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

 

Thứ hai, vương quốc của Thiên Chúa khởi đầu từ con tim.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn chúng ta hiểu rằng có một sức mạnh lớn hơn quyền lực chính trị. Đức Giê-su nói với Phi-la-tô: Tôi đến thế gian này để làm chứng cho sự thật. Sự thật ấy cũng là thông điệp cốt lõi của Tin Mừng: “Thiên Chúa là tình yêu.” [6] Thiên Chúa muốn thiết lập vương quốc của mình dựa trên tình yêu, hòa bình và công lý. 

 

Trong vương quốc ấy Đức Giê-su là Vua, và Nước của Ngài tồn tại mãi. Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng những vương quốc dựa trên sức mạnh bạo lực và gieo rắc lòng hận thù, thì các vương quốc ấy đều mong manh và đã bị sụp đổ. Còn vương quốc của Thiên Chúa dựa trên tình yêu, hòa bình và công lý, nó sẽ tồn tại mãi và bén rễ sâu trong trái tim con người. Tất cả những ai mở lòng đón nhận Nước Thiên Chúa, thì trái tim họ sẽ đầy ắp bình an, tự do và sự sống vĩnh cửu.

 

Thứ ba, khao khát xin cho Nước Cha trị đến. Đây là lời cầu nguyện mà Đức Giê-su đã dạy trong Kinh Lạy Cha.

Nếu chúng ta tuyên xưng Chúa Ki-tô là Vua, thì cần phải để cho Ngài là Vua trong đời sống cá nhân, trong gia đình và trong cộng đoàn của mình. Chúng ta hãy thành thật và tự hỏi chính mình: Chúa Ki-tô có thực sự là Vua của tôi hay không? Tôi đã để cho Ngài ngự trị trong tâm hồn, để cho Ngài bước vào và hướng dẫn cuộc sống của tôi hay chưa? Thực vậy, Đức Ki-tô chỉ thực sự là Vua của chúng ta, nếu mỗi người chúng ta để cho Ngài hướng dẫn mọi ước muốn, suy nghĩ và hành động của mình. 

 

Nước của Thiên Chúa sẽ mau trị đến trên thế gian này, nếu trước tiên, Nước Thiên Chúa được phát triển trong tâm hồn và ý chí của mỗi người. Tiếp đến, vương quốc của Thiên Chúa sẽ được lan tỏa đến mọi khía cạnh trong cuộc sống xã hội. Lúc ấy, mọi điều chúng ta suy nghĩ và hành động đều theo ý muốn của Thiên Chúa. Và trong tất cả mọi việc chúng ta làm, Thiên Chúa thực sự là Vua, Ngài điều khiển và hướng dẫn mọi sự.

 

Hôm nay, khi mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, chúng ta được nhắc nhớ về lời cầu nguyện: xin cho Nước Cha mau trị đến. Chúng ta cũng được mời gọi dành thời gian để duyệt xét lại đời sống của mình:

 

  1. Điều gì hay ai đang cai trị trái tim tôi?
  2. Tôi cần thay đổi điều gì để Đức Giê-su thực sự trở thành Vua, trở thành trung tâm của đời sống tôi, của cộng đoàn tôi và của gia đình tôi?
  3. Tôi cần phải làm gì để cộng tác hơn vào việc mở rộng Nước Thiên Chúa?

 

Lm Giuse Trần Văn Ngữ, S.J.

 

 

[1] Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ (Ga 18,33b-37).

[2] Xem Mt 20, 24-28.

[3] Xem Mt 26,51; Lc 9,54; Ga 18,10-11; Cv 1,6.

[4] Xem Mc 8,31; Mt 26,52; Lc 9,55-56.

[5] Xem Ga 6, 5-15.

[6] Xem 1 Ga 4,8.

Kiểm tra tương tự

Manna: Từ phương Đông phương Tây (Thứ Hai Tuần 1 Mùa Vọng – Mt 8,5-11)

Lời Chúa: Mt 8, 5-11 5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên …

Thầy Phó tế Giuse Bùi Huy Đạt, S.J. – Hành trình ơn gọi bắt đầu từ bài học cầu nguyện của bà ngoại

  Trong tâm tình chuẩn bị lãnh nhận thiên chức Linh mục vào ngày 3/12/2024 …