Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo

NƯỚC MẶN, tên của một vùng đất thuộc giáo phận Qui Nhơn ngày nay, chính là nơi mà cách đây gần 400 năm ba thừa sai Dòng Tên đầu tiên đặt chân đến truyền giáo tại Việt Nam. Trải qua thời gian lịch sử khá dài, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn không còn; tuy nhiên, qua bài viết này của linh mục Gioan Võ Đình Đệ, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn lịch sử của địa danh này cùng những thăng trầm trong hành trình truyền giáo buổi đầu của các thừa sai, cũng như những nỗ lực bảo tồn di tích lịch sử này của giáo phận Qui Nhơn hiện nay. Trong tinh thần Uống nước nhớ nguồn, ước mong mỗi người tín hữu Công Giáo mỗi khi có dịp ghé thăm di tích lịch sử gần 400 năm tuổi này vừa để tri ân các bậc tiền nhân vừa để tiếp thêm lửa nhiệt thành loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam hôm nay.

——————-

Linh mục Gioan Võ Đình Đệ

1. THIÊN NHIÊN MỘT VÙNG ĐẤT :

“Mãn vui Hương Thủy Ngự Bình,
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng kinh đô,
Bình Định không đồng khô cỏ cháy.
Năm dòng sông chảy,
Sáu dãy non cao,
Biển Đông sóng vỗ dạt dào,
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.”

Những lời mộc mạc ấy của người học trò xứ ‘nẫu’ ngỏ lời với người học trò sông Hương núi Ngự đã giới thiệu được khái quát thủy thổ của tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định có bờ biển dài trên 100 km. Từ Nam ra Bắc có nhiều dòng sông lớn nhỏ với dòng nước trong xanh ngoằn ngoèo uốn lượn trong đất Bình Định trước khi ra biển cả hòa mình với đại dương. Năm dòng sông lớn cắt ngang địa hình Bình Định theo hướng Tây – Đông : Sông Hà Thanh, Sông Côn, Sông La Tinh, Sông Lại Giang, Sông Tam Quan.  Năm dòng sông nầy trước khi chảy ra biển quần tụ thành những đầm vịnh, cửa biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu từ vùng biển vào đồng bằng, lên miền núi và ngược lại. Sông Hà Thanh và Sông Côn vào đầm Thị Nại ra cửa biển Thị Nại. Sông La Tinh vào đầm Đề Gi [1] ra cửa biển Đề Gi. Sông Lại Giang chảy ra cửa biển An Giũ [2]. Sông Tam Quan chảy ra cửa biển Kim Bồng.

2. CẢNG THỊ NƯỚC MẶN :

Ngoài năm dòng sông chính ấy còn có những phụ lưu song song hoặc giao nhau với các tỉnh lộ, huyện lộ. Dọc theo các điểm bờ sông giao nhau với đường bộ và tại các cửa biển, các cụm dân cư đã được hình thành. Các làng nghề, các cảng thị sông biển cũng sớm ra đời cùng với các cụm cư dân. Trong số các cảng thị được hình thành tại Bình Định, Nước Mặn là một cảng thị sầm uất được hình thành bên bờ sông Hà Bạc, một chi nhánh của sông Côn.

Cha Borri, một trong các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Nước Mặn đã viết : “ Chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi ”. [3]  Cha Borri không nói đến cảnh buôn bán ở Nước Mặn nhưng đã cho thấy sự rộng lớn của cảng thị nầy.

Vào thế kỷ XVIII, Pierre Poivre đã đến Đàng Trong và viết trong hồi ký của ông : “Tại tỉnh Qui Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn, được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo, lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đi đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường” . [4]

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Bình Định, bản chép thời Tự Đức, mục thị tập có ghi tên 118 chợ lớn nhỏ trong toàn tỉnh Bình Định nhưng không thấy có Nước Mặn dù chỉ là một chợ nhỏ. [5] Như thế, bước sang thế kỷ XIX, cảng thị Nước Mặn vang bóng một thời đã suy tàn, các thương nhân đến các nơi khác hoặc về Qui Nhơn buôn bán, tạo tiền đề phát triển cho thành phố Qui Nhơn ngày nay. [6]

Cho đến nay việc khảo sát cảng thị Nước Mặn chưa được đi sâu. Vào tháng 4 năm 2006, Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã tổ chức khảo sát nhưng không quy mô.

 “Hố khảo sát chỉ có diện tích 6m², lại mới đào khoảng 50cm, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy hàng vài trăm mảnh gốm sứ các loại: gốm Gò Sành (gốm Chăm thế kỷ XIV-XV), gốm Chu Đậu (Việt Nam, thế kỷ XIV-XVIII), Nhật Bản, Trung Quốc (thế kỷ XVII), thậm chí cả gốm vùng Trung Cận Đông, gốm Thái Lan. Nhiều nhất vẫn là gốm Chăm, Trung Quốc và Nhật Bản. Gốm Trung Quốc và Nhật Bản cùng mang màu xanh trắng, nhưng có thể phân biệt khá rõ về sắc độ và sự tinh xảo. Có mặt tại điểm khảo sát, TS Roxana M. Brown (một chuyên gia về gốm Đông Nam Á, hiện là Giám đốc Bảo tàng Gốm Đông Nam Á thuộc Đại học Bang Kok – Thái Lan), nhận xét: “Niên đại của các hiện vật gốm Trung Quốc và Nhật Bản nằm khoảng thời gian từ 1620 đến 1680”.

Còn Tiến sĩ  Đinh Bá Hòa – Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đánh giá: “Sự phong phú các mảnh gốm trên cùng một lớp địa tầng cho thấy sự giao lưu, buôn bán thời kỳ này rất phồn thịnh. Những mảnh gốm Nhật khá nhiều, chứng tỏ các thương gia Nhật đã tìm đến Nước Mặn giao lưu, buôn bán rất nhiều. Những hiện vật này làm sáng tỏ thêm hiểu biết của chúng ta về cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh và cũng chứng tỏ rằng, cảng thị này chỉ tồn tại đến thế kỷ XVII”. [7]

Sự ra đời của một cảng thị, sự hưng thịnh, suy vong, lụi tàn đều có những lý do tất yếu của nó. Cảng thị Nước Mặn ngày xưa bao gồm các thôn An Hòa, thôn Lương Quang, xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay. Trải qua thời gian dài dâu bể và do sự bồi đắp tự nhiên của phù sa, cảng thị ngày càng biến dạng và  suy tàn.

Vào thế kỷ XVII – XVIII, cửa khẩu đi vào Nước Mặn được gọi là Kẻ Thử.[8] Cửa khẩu nầy dẫn vào phía Bắc đầm Thị Nại, phân biệt với cửa Thị Nại ở phía Nam. Cửa Kẻ Thử đã bị bồi lấp, nối liền  núi Bà ở phía Bắc và núi Đơn ở phía Nam tạo nên một trảng cát dài hơn 8km. Ngày nay tại vùng đất nầy vẫn còn tên gọi chợ Kẻ Thử thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Theo truyền tụng dân gian, vào thời Gia Long, trời nổ sấm, mở cửa Qui Nhơn và lấp cửa Kẻ Thử . Theo bản đồ địa chất Nghĩa Bình, từ  Đề Gi qua núi Bà đến Qui Nhơn có mạch đứt gãy hoạt động từ 500 năm nay, mạch đứt gãy chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Cửa Kẻ Thử nằm ngay trên mặt đứt gãy nầy nên đành chịu sự vùi lấp của nó. Cách nay khoảng hơn 200 năm, mạch đứt gãy nầy có sự kiến tạo đột biến ở phía Nam núi Bà làm cho vùng nầy trồi lên cách bất thường. Cửa Kẻ Thử bị lấp. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. [9]

3. CÁC THỪA SAI  DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN ĐẾN ĐÀ NẴNG VÀ NƯỚC MẶN

Đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đà Nẵng vào ngày 18/01/1615 gồm có cha Francesco Buzomi, cha Diogo Carvalho và trợ sĩ Antonio Dias. Đoàn thừa sai đến Đà Nẵng trước nhưng lại lập cư sở tại Hội An. Từ những thập niên cuối thế kỷ 16, Hội An như một đặc khu được chúa Nguyễn Hoàng dành cho người ngoại quốc trú ngụ và buôn bán.[10] Lúc bấy giờ tại Hội An đã có một số kitô hữu Nhật kiều.

Từ Hội An, cha Buzomi tiếp cận đến Thành Chiêm, thủ phủ trấn Quảng Nam. Tại đây, cha được nhà quan đón tiếp tử tế và nhận được nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ của người em gái Quan trấn thủ. “Không mấy chốc người ta đã chỉ cho cha một nơi để dựng nhà thờ. Mọi người đều rất mực chuyên chú bắt tay vào việc, kẻ góp công người góp của cùng làm theo khả năng của mình. Người ta cũng dựng một nhà khá rộng để làm nơi thường trú cho các cha… Tất cả công việc được thực hiện chính yếu là do sự giúp đỡ của một bà quý tộc đã trở lại đạo và lấy tên rửa tội là Gioanna”.[11] Bà Gioanna là em gái của Quan trấn thủ, “Ông (Quan trấn thủ) là anh bà lớn Phanxica, mà theo thói tục gọi tên của xứ đó thì gọi bà là Gioanna, tên thánh của con gái bà. Một cha dòng thánh Phanxicô đã rửa tội cho bà cụ cách đây chừng 30 năm, còn cô con gái của bà do một cha Dòng Thánh Agostinô rửa tội”. [12] Lúc bấy giờ những cơ sở nầy chưa phải là cư sở (residentia) của các thừa sai. Theo báo cáo thường niên được viết ngày 12/12/1621, cha Gaspar Luis xác nhận các thừa sai dòng Tên chỉ có hai cư sở: Hội An và Nước Mặn. [13]

Lúc bấy giờ việc truyền giáo trong vùng tam giác Đà Nẵng – Hội An – Thành Chiêm có kết quả tốt. Đầu năm 1617, từ Macao cha Pina đến Đàng Trong để tiếp sức với cha Buzomi. Tưởng chừng công việc truyền giáo như đang thuận buồm xuôi gió, nhưng gió đã đổi chiều. Mùa thu năm 1617, trời hạn hán. Dân không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Họ cho rằng thần phật nổi giận, không cho mưa vì mấy người ngoại quốc truyền bá một thứ đạo hoàn toàn trái ngược với việc thờ cúng thần phật. Họ yêu cầu chúa Nguyễn phải trục xuất những người ngoại quốc nầy. Dù chúa Nguyễn nhận định được vấn đề, nhưng để hợp lòng dân trong lúc nầy, chúa Nguyễn đành ra lệnh trục xuất các thừa sai. Các thừa sai xuống thuyền nhưng trời ngược gió, không thể nhổ neo, đành lên bờ tá túc trên một cánh đồng xa cách dân chúng. Trong cảnh tạm bợ thiếu thốn mọi bề, cha Buzomi lâm bệnh, kiệt sức.

Trong lúc các thừa sai đang gặp nạn, ông Trần Đức Hòa, quan Tuần phủ khám lý Qui Nhơn, một người thân cận với chúa Nguyễn, đang có mặt tại Đà Nẵng. Ông nghe biết mọi chuyện, ông động lòng thương, ông đưa cha Buzomi xuống thuyền về Qui Nhơn với ông và tìm thầy thuốc chữa bệnh cho cha. Cha Pina và hai thầy người Nhật được các giáo dân Nhật bí mật đưa về Hội An.

Cha Bề trên tại Macao nhận được tin các thừa sai gặp nạn. Nhân chuyến tàu buôn xuất bến từ Macao vào đầu năm 1618, Cha Bề trên cử cha Pedro Marques và cha Christoforo Borri đến Đàng Trong tiếp sức anh em và đưa cha Buzomi về Macao chữa bệnh. Trong khi đó cha Buzomi đã bình phục và trở lại Đà Nẵng cùng với ông Trần Đức Hòa.[14]

Theo lời mời của ông Trần Đức Hòa, vào một ngày trong tháng Bảy năm 1618, các thừa sai Dòng Tên từ Hội An đã đến Nước Mặn. Cha Christoforo Borri, người trong cuộc, kể lại câu chuyện thuở ban đầu ngày xưa ấy:

“Chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha De Pina và tôi, để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến.”

    “Không ngày nào chính ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Ông rất thích trao đổi với chúng tôi, nhất là khi chúng tôi nói về sự cứu rỗi đời đời và về đức tin đạo thánh của chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Ông còn muốn dành cho chúng tôi  cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình.”

    “Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh. Sau tất cả những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón một cách rất trịnh trọng và đặc biệt thường chỉ dành cho các ông hoàng bà chúa. Tám ngày tiệc tùng liên tiếp và cỗ bàn linh đình, ông còn để chúng tôi ngồi ngai của chúa. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Ai cũng đồng thanh quả quyết rằng người ta chỉ dành những danh dự này cho bản thân các chúa mà thôi. Đó là cơ hội cho mấy người nói và đồn thổi khắp xứ này rằng chúng tôi là những bậc đế vương tới xứ này để bàn những việc rất quan trọng. Nghe lời đồn đó, quan trấn thủ rất lấy làm hài lòng và tuyên bố trong cuộc họp chung các quan trong phủ rằng: thật ra các cha là con vua con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại, mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn.”

   “ Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không dễ dàng cho công việc chúng tôi, vì ở xa tỉnh chừng một dặm rưỡi, trong miền thôn quê, theo kiểu ở đây. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi: thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Ông còn thêm, trong tư dinh của ông có tới hơn một trăm nhà, chúng tôi có thể chọn một nhà nào xứng đáng nhất để làm nhà thờ và chúng tôi cứ cho ông biết thì tức khắc ông sẽ định liệu cho đủ sự cần thiết. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho chúng tôi trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi, và sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi.”

“ Ở đây chúng tôi cũng được tiếp đãi với tất cả sự sang trọng, quan trấn đã truyền phải dành cho chúng tôi. Nhưng vì không chịu được vắng mặt lâu hơn, ngay ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận tiện không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết. Thế là ông truyền mỗi tháng người ta đem đến cho chúng tôi một món tiền khá lớn và mỗi ngày người ta đưa tới nào là thịt thà, cá mú, thóc gạo, không phải chỉ đủ cho chúng tôi mà còn cho các người thông ngôn và người làm nữa. Không chỉ có thế, ngày nào ông cũng gửi cho chúng tôi quà bánh, rất đầy đủ, không kể các đồ vật khác để bồi dưỡng chúng tôi một cách hậu hĩ. Để tỏ lòng trọng kính chúng tôi và tạo uy tín cho chúng tôi trước mọi người, một ngày nọ, ông mở một phiên tòa ngay trong sân nhà chúng tôi, theo cách thức được thực hiện ở Đàng Trong như chúng tôi đã nói. Trong phiên tòa này, ông phải xử mấy người phạm trọng tội, mỗi người đều được xử theo tính chất của tội phạm. Trong số các phạm nhân có hai người bị xử tử bằng vũ khí và phải chịu hình tên bắn. Nhưng trong khi người ta trói các người này thì chúng tôi can thiệp để xin ân xá cho họ. Ông liền tha ngay và truyền cho cởi dây trói tức thì. Ông tuyên bố lớn tiếng là chưa bao giờ ông ban ân xá này cho một người nào cả. Nhưng vì những vị nhân đức này, ta không thể khước từ được.”

“Rồi quay về phía chúng tôi, ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi cũng muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào. Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khoẻ mạnh nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan các bạn có thể nghĩ được là như thế nào. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa. Đám người rất đông này tuy được quan trấn trả công hậu hĩ nhưng chúng tôi cũng thấy xấu hổ và bẽ mặt nếu để họ ra đi mà không cho họ chút gì lót dạ. Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và khi đã sẵn sàng họ mở khăn gói ra, trong đó có tất cả dụng cụ nhà bếp gồm có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự mình từ từ nấu nướng. Không ồn ào dức lác. Không xin xỏ gì. Khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng. Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, trái lại hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và trong không bao lâu công việc đã hoàn thành.”

“Để biết rõ về quan trấn đạo hạnh đã tận tâm lo việc của chúng tôi và rất quý trọng công việc đó, thì tôi sẽ kể một việc rất đặc biệt để kết thúc chương này. Số là có những làn gió Nam rất nồng nực thường nổi lên và thổi liên tục vào các tháng sáu, bảy và tám gây nên một sức nóng bức lạ lùng làm cháy, làm khô héo và thiêu huỷ nhà cửa vì chỉ làm bằng gỗ. Do đó chỉ một tia lửa nhỏ vì vô ý hay do cách nào khác rơi vào thì cũng có thể làm lửa bốc lên ngay lập tức như châm diêm đốt vậy. Vì thế, thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn ở khắp lãnh thổ trong ba tháng đó. Một khi lửa đã bén vào một nhà thì trong nháy mắt ngọn lửa từ nhà này sẽ lan sang hết các nhà khác, lần lượt thẳng tắp theo hướng gió thổi và biến tất cả thành tro một cách thảm hại. Để tránh nguy cơ này, nhất là tránh cho nhà thờ chúng tôi ở ngay giữa thành phố và cũng để cho người ta biết chúng tôi được quan trên quý trọng đến mức nào, ông ra sắc lệnh bắt tất cả các nhà ở cùng hàng với nhà chúng tôi, theo hướng luồng gió nóng thổi, phải dỡ mái xuống trong hai tháng đó. Và số nhà phải để trống mái đó nhiều đến độ có thể chiếm một khoảng rộng ít là hai dặm Ý. Và ông đã chủ ý ra lệnh như vậy để nếu lửa bén vào một nhà nào trong những nhà ấy thì dễ ngăn cản không cho nó bén sang nhà chúng tôi. Mọi người đều nghiêm chỉnh thi hành vì danh dự và sự trọng kính họ dành cho ông” [15] .

4. TRUNG TÂM  TRUYỀN GIÁO NƯỚC MẶN

– THỜI CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN

Ngày 18/01/1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân lên cửa biển Đà Nẵng, sau đó không lâu, các cha thành lập cư sở (residentia) Hội An. Nước Mặn là cư sở thứ hai được thành lập vào tháng 7/1618. Cư sở thứ ba được thành lập tại Thành Chiêm vào năm 1623. Cư sở nầy là hai ngôi nhà cha Pina đã mua của mẹ bà Gioanna.[16]

Đây là ba trung tâm truyền giáo được các thừa sai Dòng Tên thiết lập làm nền cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong. [17]

Báo cáo thường niên năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn đã rửa tội được 180 người. Các thừa sai thường xuyên ở tại Nước Mặn trong những năm đầu : Cha Francesco Buzomi (quốc tịch Ý), Cha Cristoforo Borri (Ý), Cha Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha). [18]

Lúc bấy giờ, Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai nghiên cứu và sáng chế chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất (giai đoạn phiên âm).[19] Nói như thế vì theo Linh mục Joaõ ROIZ, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Pina và cha Borri.[20] Trong đó cha Borri chỉ làm việc tại Nước Mặn từ 1618 đến khi ra khỏi Đàng Trong vào năm 1622;[21] Cha Francisco de Pina đến Hội An năm 1617 trong thời kỳ các thừa sai bị chúa Nguyễn trục xuất, cha phải hoàn toàn ẩn trú dưới sự giúp đỡ của các giáo hữu Nhật,[22]  cha chỉ tiếp xúc được nhiều với người Việt khi làm việc tự do tại Nước Mặn từ 1618-1620. Trong khoảng thời gian từ 1620-1623, cha đi về giữa Nước Mặn và Hội An. Năm 1623, cha lập cư sở tại Thành Chiêm. Ngoài ra, Cư sở Nước Mặn cũng là “Trường Quốc Ngữ” đầu tiên cho các thừa sai đến sau như cha Emmanuel Borges (1622) và cha Giovanni di Leira (1622),[23] cha Gaspar Luis (1624),[24] cha Girolamo Majorica (1624) … Trong ký sự truyền giáo của cha Francisco Cardim có viết: “Cha Francisco Buzomi không hề ra khỏi xứ Đàng Trong, vì quan Trấn thủ tỉnh Pulocambi (Qui Nhơn) giữ ngài trong tỉnh mình. Ngài ở đó cho tới khi bề trên sai mấy bạn đồng liêu đến học tiếng với ngài. Bấy giờ lòng giận giữ của vua quan và dân chúng đã nguôi, các giáo sĩ ấy mới đến thăm chúng tôi ở Cacciam (Quảng Nam)…”[25]

– THỜI CÁC THỪA SAI HỘI TRUYỀN GIÁO NGOÀI PARIS (M.E.P)

Trung tâm truyền giáo Nước Mặn được các thừa sai Dòng Tên phụ trách cho đến khoảng tháng 02 năm 1665. Sau khi các thừa sai Dòng Tên không còn làm việc ở vùng nầy, các thừa sai M.E.P. nối tiếp công việc của các thừa sai Dòng Tên.

Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong vào cuối năm 1671 đến đầu năm 1672, Nước Mặn là điểm dừng chân của Đức Cha Lambert de la Motte. Tại Nước Mặn, Đức cha Lambert lâm bệnh, liệt giường suốt 6 tuần lễ, cha Vachet phải ban bí tích xức dầu cho ngài. Ngày 01.11.1671, lễ Các Thánh, Đức cha Lambert de La Motte rời Nước Mặn, lên đường đi Quảng Ngãi, sau đó đi Hội An.

Vì sự nài nĩ chí tình với những lời lẽ rất cảm động của giáo dân Nước Mặn, trên đường từ Hội An trở về Thái Lan, Đức cha Lambert de la Motte đã ghé lại Nước Mặn. Đức cha ở đây 08 ngày, thăm viếng, ban các bí tích và ban 06 bài sai cắt đặt các thầy giảng và một số giáo dân đứng đầu một số nhà thờ. Và để cho niềm vui của giáo dân Nước Mặn được trọn vẹn, Đức cha Lambert de la Motte đặt cha Giuse Trang[26], linh mục người Việt, ở tại Nước mặn, có quyền hạn như một cha sở. Ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, Đức cha còn ban cho cha Giuse quyền cai quản tổng quát toàn vùng (Nước Mặn). Cha Vachet[27] nhận định: “Người thợ đáng kính này là người được vinh dự làm linh mục tiên khởi xứ Đàng Trong. Chắc hẳn, ngài nhận được những hoa quả đầu mùa trong sứ vụ linh mục. Ngài mang trong mình một lòng nhiệt thành cháy bỏng, một sự cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc dẻo dai. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng mọi khiếm khuyết của dân tộc. Tính hiền hòa của ngài khiến cho mọi người dễ cảm mến ngài. Đức khiêm nhường của ngài làm cho ngài rất khổ cực khi phải chấp nhận chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng tuyệt đối các bề trên của ngài ; cho dù nhiều nơi đã tha thiết muốn được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, nhưng ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn Giám mục của ngài”. [28]

Sau cha Giuse Trang, trong khoảng thời gian 1683-1709, một mình Cha Ausiès de Fonbone (MEP) ở Nước Mặn phụ trách từ Bình Định đến Phú Yên.

Trong thống kê của Đức Cha Cuénot Thể năm 1850, Bình Định được chia làm bốn giáo xứ. Nước Mặn thuộc giáo xứ Tam Thuộc: Đại An 71 ; Tân Hội 98 ; Nước Mặn 44 ; Xóm Bắc 327 ; Xóm Nam 280 ; Vườn Vông 50 ; Mi Cang 78 ; Gò Thị 750 ; Gò Dài 442 ; Quán Ngỗng 83 ; Kẻ Thử 45 ; Diêm Điền 193 ;  Xóm Quán 244 ; Làng Sông 265 ; Cây Da 128 ; Sông Cát 175 ; Hội Lộc 40.[29]

– MỘT DẤU TÍCH XƯA

4Ngày Đức cha Phêrô làm phép cho công trình

Trải qua thời gian lịch sử khá dài, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn không còn. Cư sở truyền giáo Nước Mặn được xác định tại vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Sau khi được gia đình ông Võ Cự Anh đồng ý, ngày 17 tháng 9 năm 2009, bằng văn thư số 3170/UBND-NC, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn được xây dựng một hòn non bộ với diện tích 64 m², có dòng chữ kỷ niệm việc các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo. Ngày 09 tháng 04 năm 2010, Sở Tài Nguyên Môi Trường Bình Định cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho Tòa Giám Mục. Ngày 01 tháng 11 năm 2010, Sở Xây Dựng Bình Định đã cấp cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn Giấy Phép Xây Dựng số 215/GPXD để xây dựng ‘hòn non bộ’ nầy.

3Chút móng xưa bằng gạch đất nung. (khi đào móng làm công trình bia kỷ niệm thì gặp nền móng nầy).

nuocman3Đức TGM Leopoldo Girelli viếng Đài kỷ niệm Nước Mặn ngày 08/9/2011

Để dâng công trình xây dựng cho Thánh cả Giuse và cũng để ghi nhớ ngày người con Linh mục đầu lòng của Giáo hội Việt Nam được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte truyền chức tại Thái Lan, Tòa Giám Mục đã khởi công dọn mặt bằng vào ngày 31 tháng 3 năm 2011 và khởi công đào móng vào ngày thứ Tư, ngày 04 tháng 5 năm 2011. Khi đào móng, dưới phần đất tự nhiên khoảng 60 phân, có một phần móng gạch đất nung đã mềm gần như đất tự nhiên. Phải chăng đây là “chút gì để nhớ để thương” của người xưa gởi lại ?. Tại đây còn một giếng xưa, nước rất tốt, trong, mát và ngọt. Trong vùng Nước Mặn, tất cả giếng đều bị nhiễm phèn trừ “giếng xưa” nầy. Từ xưa tới nay, trước khi có hệ thống nước công cộng, bà con trong vùng thường đến lấy nước từ “giếng xưa” nầy về dùng trong những dịp quan hôn tang tế của gia đình.

12

Hai hiện vật nầy tìm được tại nền Cư sở truyền giáo Nước mặn.

Ngày 15 tháng 7 năm 2011, dòng chữ sau đây [30] đã khắc vào đá được đặt vào công trình:

5ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

Tại nơi đây, Nước Mặn

– Ba linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.

– Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị linh mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31-3-1668 tại Juthia, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.

Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011

X Phêrô NGUYỄN SOẠN

Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

          Ngày 31 tháng 7 năm 2011, lễ thánh Inhaxiô Lôyôla, tổ phụ Dòng Tên, công trình đã được hoàn thành.

          Ngày 05 tháng 8 năm 2011, lễ Cung hiến Đền thờ Đức Bà, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã làm phép công trình.

          Tạ ơn Chúa.

——————————————-

 


[1] Đầm Đề Gi còn gọi là đầm Đạm Thủy hay đầm Nước Ngọt, nằm trong hai huyện Phù Mỹ và huyện Phù cát.

[2] Cửa An Giũ còn gọi là cửa An Dụ hay cửa Tà Phù. Thuộc huyện Hoài Nhơn.

[3] CRISTOPHORO BORRI, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, nxb. Tp. HCM 1998, tr. 99.

[4] CORDIER. Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, description de la Cochinchine, REO, T.III, 1887.

[5] Dịch giả NGUYỄN TẠO, Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Bình Định, Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản năm 1964, tr. 84-92.

[6] Trong tấm bia ở đền Quan Thánh thuộc thành phố Qui Nhơn có ghi một người họ Nguyễn, quê Nước Mặn,  cúng năm quan tiền để xây dựng ngôi đền nầy vào năm 1837.

[7] VIẾT THỌ – HOAI THU, Khảo sát cảng thị Nước Mặn, Báo điện tử Bình Định, 8:18’, 28/4/2006.

[8] Cửa Kẻ Thử còn gọi là cửa Cách Thử.

[9] ĐỖ BANG – NGUYỄN TẤN HIỂU, Lịch sử  thành phố Qui Nhơn, nxb Thuận Hóa, 1998, tr. 76-83.

[10] CRISTOPHORO BORRI, Tường Trình về Khu Truyền giáo  Đàng Trong 1631, bản dịch của Hồng Nhuệ, Thăng Long, trang 56.

[11] CRISTOPHORO BORRI, Sđd  trang 63.

[12] BARTOLI, Istoria della Compagnia di Gesu, vol IV, tr.181 (dẫn theo Linh mục Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Sài Gòn 1959, chương II, các thừa sai Dòng Tên 1615-1665).

[13] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ. Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng,  USA 2007, trang  38-39.

[14]  Xem CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 64-71.

[15] CRISTOPHORO BORRI, sđd tr. 72-78

[16] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., sđd, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 68.

[17] Thời điểm Cư sở Nước Mặn được thành lập, biên thùy phía Nam của Đàng Trong là phủ Phú Yên, được giới hạn tại Thạch Bi Sơn ( núi Đá Bia, Đèo Cả ).

[18] ĐỖ QUANG CHINH SJ., sđd, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773,  tr. 66.

[19] Việc sáng chế chữ  Quốc ngữ  có thể được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn phiên âm và giai đoạn cấu tạo.

[20] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Ra Khơi – Sài Gòn 1972, trang 79.

[21]  ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., sđd,  Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 35.

[22] Cristophoro Borri, sđd tr. 69

[23] Lm. BÙI ĐỨC SINH OP., Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Canada 2002, QI, trang 100.

[24] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., sđd , Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, trang 34.

[25] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Minh Đức Vương Thái Phi, Tinh Việt Văn Đoàn 1957, trang 19.

[26] Cha Giuse Trang, nguyên quán Quảng Ngãi,  là linh mục Việt Nam đầu tiên được Đức cha Lambert truyền chức linh mục vào  ngày 31 tháng 3 năm 1668 tại Thái Lan.

[27] Cha Vachet và cha Giuse Trang tháp tùng Đức cha Lambert trong suốt chuyến viếng thăm mục vụ nầy.

[28] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823,  Paris 2000, Tom I, p. 113-114.

[29] Mission de Qui Nhon, Memorial No. 57, 30 Sept. 1909, P. 152.

[30] Dòng chữ gồm các thứ tiếng: Việt Nam, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Anh, La Tinh, Nôm.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *