Nuôi chim dưới góc nhìn văn hóa thống trị

Một trong những vấn đề quan trọng của việc “hoán cải môi sinh”, để chung tay xây dựng “ngôi nhà chung” của chúng ta được thông điệp Laudato Si’ đề cập hết sức cấp bách mà mỗi người chúng ta ít lưu tâm là văn hóa “thống trị” thiên nhiên. Đức thánh cha Phanxicô, từ tầm nhìn của Tin Mừng, ngài đã tha thiết kêu gọi con người thời đại chúng ta “hoán cải” từ trong chính mối tương quan với mọi loài thụ tạo, hầu loại bỏ thái độ thống trị thiên nhiên và trả lại cho trái đất một không gian thân thiện, một trật tự hài hòa.

Hiểu được tầm quan trọng ấy và sống Tin mừng “hoán cải môi sinh” mà Đức thánh cha mong đợi, một cộng đoàn dòng tu kia, đã có một hành động hết sức thiết thực khi “trả tự do” cho những chú chim được yêu quý và chăm sóc kỹ lưỡng trong lồng của những anh em đã dành nhiều thời gian và công sức bấy lâu. Quyết định ấy tạo nên một bầu khí khó chấp nhận, nhưng sự vâng phục như là thái độ đầu tiên của việc sống tinh thần Laudato Si’; trả tự do cho những cánh chim thuộc về bầu trời, nơi môi trường sống của chính nó, và cũng “giải thoát” những “anh em yêu quý chim” khỏi một lối sống chiếm hữu cái tự do của thụ tạo để thỏa mãn cho sự đam mê của mình.

Ngày nay việc nuôi chim trở nên hết sức phổ biến. Đó như là một thú tiêu khiển giải trí. Hơn nữa, những người có đầu óc kinh doanh, nghĩ ngay đến lợi tức khi nhận thấy thị trường chim kiểng là một mối lợi. Cả hai nhu cầu ấy, giải trí và kinh doanh, đều phục vụ cho sự hưởng thụ của con người. Xét một mặt nào đó, việc nuôi chim kiểng cũng đáng hoan nghênh, vì đem lại niềm vui nào đó cho con người. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự chiếm hữu và lệ thuộc, sự thống trị và hưởng thụ một cách thái quá, khi lấy việc chăm sóc và tận hưởng thú vui ấy như là mục tiêu mà bỏ bê trách nhiệm của mình với đời sống chung, thiếu bác ái huynh đệ với tha nhân.

Trong cuộc sống thường nhật người ta hay nói: “chim trời cá nước”. Kinh nghiệm ấy trở thành một câu cửa miệng của nhiều người, hầu mong muốn nhìn nhận sự tự do của nhau, ngay cả các loài thụ tạo cũng có sự tự do của nó, con người cần tôn trọng. Thiên Chúa ban cho con người cai quản trái đất và muôn loài thụ tạo (x. St 1,28) không có nghĩa là con người có toàn quyền thống trị chúng, nhưng cần tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc và nhìn nhận giá trị của vạn hữu trong mối tương quan với Thiên Chúa và với con người (x. St 3,17-19), để lôi kéo mọi loài thụ tạo hiệp thông ca tụng tạ ơn Thiên Chúa.

Thật vậy, qua thông điệp Laudato Si’, Đức thánh cha Phanxicô đã cảnh báo thái độ chiếm hữu của chúng ta: “Nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên và môi trường mà không mở lòng cho sự thán phục và ngưỡng mộ, nếu chúng ta không còn nói ngôn ngữ của tình huynh đệ và vẻ đẹp trong các mối tương quan với thế giới nữa, thái độ của chúng ta sẽ là những người chủ, những người tiêu thụ, những người khai thác không biết mỏi mệt, không có giới hạn cho những nhu cầu tức thời của chúng ta”[1]. Bởi đó, khi nuôi chim kiểng đừng để chúng ta rơi vào “hành vi biến thực tại thành một đối tượng để lợi dụng và kiểm soát”[2].

Chúng ta chứng kiến nhiều người Phật tử đã có hành động phóng sinh, giải thoát và cứu sống những sinh vật như chim, cá…khỏi những nguy hại từ con người. Hành động ấy chúng ta không bàn đến giáo lý sâu xa của Phật giáo về luân hồi. Tuy nhiên, trên thực tế người ta vẫn mong muốn một sự hài hòa của trật tự thiên nhiên. Trong Kitô giáo, chúng ta nhìn “toàn thể vũ trụ, trong tất cả các mối tương quan đa dạng của nó, cho thấy sự giàu có không bao giờ vơi cạn của Thiên Chúa”[3]. Bởi thế, nét độc đáo của Kitô giáo đối với công trình tạo dựng là sự hiệp thông sâu xa của mọi loài thụ tạo để bày tỏ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Không một thụ nào nào phô diễn hết điều thiện hảo của Thiên Chúa, mà chính sự đa dạng và khác nhau trong sự hiệp thông, sẽ trình bày cho chúng ta một niềm kính phục chân nhận Thiên Chúa hiện hữu. Đức thánh cha Phanxicô đã khẳng định rằng: “Điều gì nơi một thụ tạo còn thiếu để bày tỏ sự thánh thiêng thì sẽ được bổ sung bởi một thụ tạo khác. Như vậy, sự thiện hảo của Thiên Chúa không thể có bất kỳ một thụ tạo nào đại diện bày tỏ hết được… Chúng ta hiểu hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của mỗi thụ tạo nếu chúng ta chiêm ngắm nó trong toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.”[4]

Lật từng trang Kinh thánh, chúng ta thấy điều kỳ diệu và sự tôn trọng các thụ tạo được đề cập rất chân thành và đáng để chúng ta thi hành lời Chúa dạy trong trách nhiệm và nuôi dưỡng các loài thụ tạo. Sách Đệ nhị luật đã dạy con cái Itrael rằng: “Nếu trên đường đi, anh em gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh em không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 22,6). Hơn nữa, trong Tân ước, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nhiều lần mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha luôn luôn chăm sóc và quan phòng những chú chim bé nhỏ, những bông huệ mong manh ngoài đồng. Ngài nhắc đến chúng với lòng trìu mến cảm thông vì mỗi loài đều quan trọng trong mắt của Thiên  Chúa[5]: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6,26). “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29).

Rõ ràng Kinh thánh không có chỗ cho chủ nghĩa nhân chủng tàn bạo không quan tâm gì đến các loài thụ sinh khác.[6] Lời Chúa luôn mời gọi chúng ta, nhất là những người tu sĩ tận hiến cho Thiên Chúa, sống Tin mừng triệt để với việc tuyên khấn tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Chúng ta có thể say mê dấn thân cho sứ vụ, khi chúng ta sẵn sàng dành tất cả thời gian cho Thiên Chúa, và không chiếm hữu một thực tại nào như là sở hữu riêng cả về mặt tinh thần cũng như thể chất. Cái đáng sợ nhất trong đời sống tu trì là chúng ta chiếm hữu cái không thuộc về mình; và chúng ta dành quá nhiều thời gian cho điều chúng ta đang chiếm hữu. Đó là thái độ thống trị, dù ngẫu nhiên hay đam mê, có thể dẫn chúng ta đến một định mệnh…tự liệt mình vào hạng thượng lưu, dân biết thưởng thức cuộc sống và lấy đó làm thú vui trong đời tận hiến.

Mỗi kinh nghiệm nội tâm của chúng ta đều được tương tác với Thiên Chúa, Đấng luôn bao trùm trên mọi thực tại và bảo toàn tất cả mọi loài. Bởi đó, chúng ta không có đủ khả năng để thống trị muôn vật trong cái gọi là vô biên của thực tại, dù là chú chim được chăm sóc kỹ lưỡng trong lồng bởi sự cưng chiều của chúng ta. Các loài vật tô điểm vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và đem lại cho con người niềm vui trong trật tự tự do và hài hòa của toàn thể vũ trụ. Thành thử, để sống đơn giản với cuộc “trở về” trong tương quan với muôn tạo vật, chúng ta từng bước từ chối sự giản lược văn hóa thống trị thiên nhiên qua những lý luận “đúng” mà không “thật” của trào lưu chiếm hữu được bao bọc bởi những hình thức mĩ miều và hợp lý.

Kết thúc những tâm tình trên, chúng ta lắng nghe lời dặn dò đầy thao thức của Đức thánh cha Phanxicô, giúp chúng ta phân định và hành động, để chung tay xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta trong cuộc sống thường nhật: “Trở về với sự giản dị giúp chúng ta biết dừng lại và trân quý những điều nhỏ bé, biết ơn vì những cơ hội cuộc sống mang lại cho chúng ta, không dính bén với những thứ chúng ta đang sở hữu, và không đau buồn vì những điều chúng ta không có. Nó đòi hỏi phải xa tránh khuynh hướng thống trị và tích lũy các thú vui”.[7]

Francisco

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[1] Laudato Si’, số 11.

[2] Laudato Si’, số 11.

[3] Laudato Si’, số 86.

[4] Laudato Si’, số 86.

[5] Laudato Si’, số 96.

[6] x. Ladtato Si’, số 68.

[7] Laudato S’, số 222.

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …