Ơn gọi Tông Đồ Thánh Kinh và Thánh Thể

Hai cách thể hiện nơi một khuôn mặt và một trái tim,

Đức giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp truyền giáo năm nay dẫn người tín hữu hòa mình vào hành trình của hai môn đệ trên quãng đường từ Giêrusalem tới Emmaus, hơn 12 cây số.

Ở đầu hành trình, Đức Giêsu trong bóng dáng người bộ hành cùng đi với họ, giải thích cho các ông biết những gì liên quan đến Người trong tất cả sách Thánh: lòng các ông bừng cháy.

Ở cuối hành trình là bữa cơm tối: hai môn đệ nhận ra nguời khách lạ chính là Chúa Giêsu, Đấng bẻ bánh và cũng là tấm bánh vừa được bẻ ra: hai ông vội quay lại với đoàn môn đệ,  chân bước nhanh, kể cho mọi người biết Chúa đã phục sinh.

Lòng bừng cháy – chân bước nhanh: hai nhịp của một cuộc gặp gỡ : Thánh Kinh và Thánh Thể

Chuyện diễn ra hai ngàn năm trước, ngay trong buổi sơ khai của Hội Thánh, khởi đầu với một nhóm nhỏ,  khoảng 120 người, chỉ vậy thôi!

Và ngay trong ngày lễ Ngũ tuần đã có thêm 3.000 người: một cộng đoàn các môn đệ quây quần bên nhau để nghe các tông đồ giảng, tham dự lễ bẻ bánh, bàn tiệc  nuôi sống Hội Thánh buổi sơ khai là Thánh Kinh và Thánh Thể.

Hội Thánh qua dòng thời gian cho mãi tới hôm nay vẫn vậy, không ngừng ra khắp các ngả đường: “chia sẻ cho mọi người niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người tới dự một bữa tiệc ngon” (EG 15).

Của ăn nuôi dưỡng Hội Thánh hằng ngày là: chuyên cần nghe các tông đồ giảng – tham dự lễ bẻ bánh – một không gian của Thánh Thần, và ngày sống đầy tràn ân sủng, trở thành lời cầu nguyện không ngừng.

Nghe các tông đồ giảng, nghe kể chuyện Giêsu, nghe giải thích  những gì liên quan đến Giêsu trong tất cả sách Thánh. Cũng chỉ là những câu chuyện đã qua thôi mà?

Thế nhưng đây lại là những câu chuyện về một Giêsu đang sống giữa chúng ta: “…là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

Với Giêsu, chúng ta sẽ không bao giờ còn cô đơn và bị bỏ rơi nữa. Ngay cả khi mọi người bỏ đi, Người sẽ vẫn ở đó, như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người lấp đầy mọi sự bằng sự hiện diện vô hình của Người, và bất cứ nơi nào chúng ta đến, Người sẽ chờ đợi chúng ta ở đó. Bởi vì không những Người đã đến, mà còn đang đến và sẽ tiếp tục đến mỗi ngày để mời ta tiến bước đến một chân trời luôn mới mẻ (Christus vivit).

Việc của chúng ta là chỉ cần luôn sẵn sàng để mình được Chúa Phục Sinh đồng hành, lắng nghe Người giải thích cho chúng ta ý nghĩa của sách Thánh và “Lòng chúng ta bừng cháy”.

Quả thật : “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” . Tuy nhiên nếu không có Chúa soi sáng, chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh một cách sâu sắc.

Nếu hôm nay đây, bạn thấy mình bị dìm ngập trong tăm tối, và đang trông chờ ánh sáng sự sống, coi kìa! bạn có nghe tiếng của những người môn đệ của Đấng Phục Sinh đang mời gọi bạn làm một cuộc vượt qua, thật nhẹ nhàng: “chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống vì chúng ta yêu thương anh em” (1Ga 3,14). Dễ quá, chỉ cần mở rộng con tim và không bao giờ khép lại.

Bạn không làm được chứ gì? Vì cặp mắt bạn không trong sáng, những đam mê đã trở thành lối mòn khó lòng dứt bỏ. Bạn chẳng vui gì khi phải mang cái xác thịt nặng nề này, nhưng sao vẫn cố giữ. Cái tội ham chết sợ sống! Thích mẫu người “chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3,19).

Thực ra, đây chỉ là những điều bạn nghĩ, những câu nói theo thói quen, cho rằng trước mắt bạn chỉ là ngõ cụt.

Bạn quên rằng: Đức Giêsu đang sống, Người đang sống với ta và ta trong người, chắc chắn cuộc sống chúng ta có một nẻo đường hướng về sự thiện, và những vất vả của chúng ta sẽ không ra vô ích.

Vậy thì chúng ta có thể chấm dứt phàn nàn và hướng về phía trước, bởi vì cùng với Người, ta có thể luôn hướng về phía trước.

Bạn thấy mình yếu đuối? Bạn hãy nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh đang thì thầm bên tai: “Anh em là những người mạnh mẽ, lời Thiên Chúa ở lại trong anh em, và anh em đã thắng ác thần” (1Ga 2,14); trong khi Đấng Phục Sinh không ngừng nhắc nhở: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).

Bạn đã thấy sức mạnh của lời Thiên Chúa chưa? Chỉ ít dòng thôi đã mở ra cho bạn một chân trời mới, tràn đấy niềm tin và hy vọng.

Thực ra, Thánh Kinh không chỉ gói gọn trong mấy trang giấy.

Thánh Kinh là một hành trình dài, dài lắm. Hành trình của Thiên Chúa ở với con người qua mọi thời đại, những trang sách được chính Thiên Chúa viết trong dòng lịch sử, làm thành những câu chuyện kể, và tiếp tục được kể trong cảnh đời của mỗi chúng ta hôm nay và mãi về sau:

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1) là Đức Giêsu Kitô. Đấng đã trở thành tấm bánh được bẻ ra, Người đã đi vào tâm hồn các môn đệ, khiến họ càng cháy bỏng hơn.

Việc đón nhận Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể tháp nhập con người chúng ta vào Thân Thể của Chúa Kitô, làm cho cuộc đời của người Kitô hữu là một cuộc hành trình để trở nên giống Chúa Kitô, để “ở lại trong Ngài” và Ngài ở trong chúng ta. Từ đây: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…” (Pl 1,211-24), tôi ở lại trong Chúa Giêsu ThánhThế, sống sứ mệnh tông đồ Thánh Thể.

Đến đây, sau khi đã biết mình là ai, thì việc tiếp theo phải chăng là tự hỏi xem mình phải làm gì chứ?

Khi ngồi kề cận nhà Tạm, điều bạn thấy tận mắt, điều bạn chiêm ngưỡng, và tay bạn đã chạm đến phải chăng chỉ là một tấm bánh trắng tinh hiền lành?

Không, đấy là điều mắt bạn thấy (như các tông đồ đã thấy một Giêsu Nagiaret trong xác phàm, còn điều bạn tin trong lòng là: LỜI sự sống,  là Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, là một Giêsu đã chịu khổ hình, “Thiên Chúa đã làm cho sống lại….đã ra tay uy quyền nâng Người lên,  trao cho Người Thánh Thần đã hứa để Người đổ xuống…” (Cv 2,32-33).

Một con tim biết lắng nghe, bạn nhé, cùng với tiếng xin vâng mọi lúc mọi nơi.

Thánh Thể thấy gì ? Thấy những điều bạn thấy và hơn thế nữa, thấy những  cảnh đời nghèo đói, yếu đau, giận ghét, kiêu ngạo… một thế giới đáng thương, những phận người đang kêu cứu.

Thánh Thể nói gì: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một.”

Thiên Chúa yêu tôi. Vì thế, tôi có thể chiếm một chỗ ngay nơi cung lòng và trong kế hoạch của Người.

Thiên Chúa yêu tôi. Vì thế: “Điều thích hợp và tốt đẹp hơn là tôi lo tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa, tức là để cho chính Đấng Tạo Hóa tự thông truyền chính mình cho linh hồn sốt mến, ấp ủ nó trong tình yêu mến và sự ngợi khen Ngài, và đặt nó vào con đường mà ở đó nó có thể phụng sự Ngài cách tốt đẹp hơn sau này.” (Thánh Inhaxiô)

Thiên Chúa yêu tôi. Tình yêu là gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được gọi là “xuất thần”, vì nó kéo tôi ra khỏi chính mình và nâng tôi lên, đưa tôi vào tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng tôi cũng có thể “xuất thần” khi ra khỏi chính mình để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, phẩm giá của họ, sự vĩ đại của họ trong tư cách như là hình ảnh của Thiên Chúa và người con của Cha trên trời. (Christus Vivit)

Kề cận bên Thánh Thể của Đấng Phục sinh, men theo dòng chảy của Thánh Kinh, càng lúc tôi lại được dẫn sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ con tim của Thánh Thể, nơi bày tỏ tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa, tôi thấy mình được Thiên Chúa ấp ủ trong tình yêu mến, và xác tín rằng: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, vì người ấy biết Thiên Chúa”.

Từ trước tới giờ, tôi cũng như nhiều người cứ bối rối hỏi nhau: làm sao nghe  được tiếng Chúa nói? Dễ quá, Thánh Kinh nói gì ? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng…Và cũng trong lúc này, khi kề cận Thánh Thể, nghe từng nhịp đập nơi con tim của Đấng chịu đóng đinh. Tôi reo lên vui sướng và trong tư cách tông đồ Thánh Thể. Tôi loan báo cho mọi người niềm vui bất tận của con cái Thiên Chúa và của người môn đệ đang bước theo Giêsu:

“Chúng tôi đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng tôi, và đã tin vào tình yêu đó.”

Thật tuyệt vời, Thiên Chúa lên tiếng, không phải đâu đó chốn xa xôi, mà là ngay bên, ngay trên miệng và ngay trong lòng. Tình yêu của Thiên Chúa cũng không ở ngoài kia, mà là ngay trong trái tim này.

Đa-minh Trần Văn Tân, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …