Người ta thường muốn kịch tính hóa cuộc thương khó của Đức Giêsu để đánh động lòng người, để những tâm hồn vô cảm được mềm ra và dễ cảm nếm được những gì Ngài đã thực hiện cho con người. Một mặt, nó giúp chúng ta dễ thương cảm Đức Giêsu hơn, một cách nôm na, nó giúp tôi dễ “tội nghiệp” Ngài hơn. Mặt khác, nó cũng giúp chúng ta nhận ra thế nào là hậu quả của tội, của sự dữ, của bất công, ganh ghét, hận thù… mà chính Đức Giêsu đã phải gánh chịu thay cho con người, để rồi nhìn lại chính mình và nhận ra việc cần phải sám hối, cần biến đổi cuộc sống, để có thái độ sống đúng đắn hơn. Tuy nhiên, điều cốt lõi khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu không chỉ là chú tâm vào “kịch tính” nhưng còn là sự thật về đức tin. Đức Giêsu đã chịu khổ hình, chết và đã được mai táng trong mồ. Đây là những chi tiết trong Kinh Tin Kính mà các tín hữu tuyên xưng các ngày chủ nhật và lễ trọng. Người ta có thể hỏi: đâu là nguyên nhân gây ra cái chết của Đức Giêsu? Tôi cũng cần tự hỏi lòng mình, cái chết ấy có giá trị gì trong đời sống đức tin của bản thân tôi?
Những câu hỏi trên gợi lên hai điều căn bản của đức tin Ki-tô giáo. Thứ nhất, Thiên Chúa yêu thương con người và tình yêu ấy được bộc lộ cách trọn hảo qua mầu nhiệm làm người, chết và sống lại của Đức Giêsu. Thứ hai, vì con người đã phạm tội, phải chịu hệ lụy của tội là đau khổ và sự chết nên chính Con Thiên Chúa đã chịu khổ hình, đã chết để cứu mọi người. Thiên Chúa đã dựng nên từng người cách cá vị và độc đáo, không ai giống ai. Mỗi người có linh hồn và thể xác của riêng mình. Hơn nữa, mỗi người đều có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Khi con người phạm tội thì theo điều Đức Giêsu tỏ lộ, “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Thế nên, cho dù tôi chẳng là gì trong số bảy tỉ người, cho dù tội của tôi chỉ như hạt muốn trong biển tội trần gian, Thiên Chúa vẫn không muốn tôi “phải hư mất”. Ngài vẫn dành cho tôi có đủ chỗ trong trái tim Ngài. Như thế, mỗi khi tôi lầm lạc, mỗi khi tôi phạm tội, Đức Giêsu có lý do để chết và để cứu tôi. Ngài đã chết để chúng ta được sống. Ngài đã hy sinh tự hiến để khôi phục khả năng yêu thương trong tâm hồn chúng ta. Ngài đã phục sinh để chúng ta được có niềm hy vọng. Ngài đã thực hiện tất cả những điều ấy trong cuộc đời làm người của mình, để chúng ta nhận ra cách cụ thể ý muốn của Thiên Chúa dành cho con người, để chúng ta thêm vững tin vào Thiên Chúa. Đức Ki-tô Phục Sinh đang khôi phục lại sức sống Tin, Cậy, Mến cho con người. Sức sống ấy đã bị suy yếu, đôi khi bị giết chết do tội lỗi, thì nay nó được khôi phục nhờ ơn Phục Sinh.
Đỉnh cao của phụng vụ là Tam Nhật Thánh và đại lễ Phục Sinh. Trong những ngày này, tôi được nhắc nhở về cùng đích của đời mình: tôi được Thiên Chúa dựng nên, được chăm sóc và cứu chuộc khỏi cái chết của tội. Đó là điều căn bản của đức tin. Chiều sâu của đức tin ấy là tình yêu. Chính Thiên Chúa yêu tôi trước và mời gọi tôi đáp lại tình yêu ấy cũng bằng tình yêu, dù cho tình yêu của tôi còn chưa vẹn toàn. Ngay từ ban đầu, điều răn cao trọng nhất Thiên Chúa dạy con người là: “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu thương anh chị em đồng loại như chính mình” (Mt 22:37-39). Tương tự, điều răn duy nhất Đức Giêsu dạy các môn đệ và những ai muốn theo Ngài là: “yêu thương nhau như chính Thầy yêu thương anh em” (Ga 13:34). Ngài chết vì yêu tôi nên cái chết ấy chính là sức mạnh để tôi sống yêu thương. Ngài cũng đã sống lại và mời gọi tôi: hãy để cho sự Phục Sinh của Ngài khôi phục lại sức sống yêu thương trong tôi.
Giuse Phạm Đình Cư, SJ