Phận người …

23a1Người ta vẫn thường nhủ bảo nhau về cái vắn gọn của kiếp nhân sinh, rằng đời người mau qua lắm, chỉ như bông hoa dại ngoài đồng hay như vờn mây trôi tan nhanh trong gió. Ừ thì đúng thế, so với cái lịch sử dài đằng đẳng của vũ trụ rộng lớn có tuổi thọ đã mấy chục tỷ năm kia, thì một cuộc đời trên dưới một trăm có thấm thía gì. Vèo một cái, con người từ đâu hiện hữu giữa dòng đời đã nhanh chóng trở về lòng đất. Hãy cứ hỏi những người cao niên, họ sẽ cho ta biết rằng họ chẳng thể nào tưởng tượng nỗi cái vô thường của thời gian. Thời thanh niên của họ, dẫu đã là quá khứ của mấy chục năm trước, nhưng cứ hệt như mới hôm qua. Nhanh lắm, lẹ lắm! Quay qua quay lại là đã thấy chẳng còn gì! Người thân lần lượt bỏ ta ra đi. Mái tóc đen giờ đây cũng lấm tấm bạc. Lưng thẳng bỗng hoá còng, bước chân bất chợt trở nên yếu ớt. Chỗ ta nằm xuống cũng xanh cỏ lúc nào chẳng hay.

Vâng, đúng thế, đời người ngắn lắm. Nhưng cũng có khi ta thấy nó chẳng ngắn chút nào. Trong vài chục năm tồn tại đấy, đã có biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Chẳng ai có thể liệt kê hết được mình đã gặp bao nhiêu người, thấy bao nhiêu sự, đối diện bao nhiêu vấn đề kể từ khi mình cất tiếng khóc đầu tiên đến khi trút hơi thở sau cùng. Người già nhìn lại, thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Còn người trẻ nhìn tới, lại thấy thời gian trôi chậm rãi lạ thường. Từ lúc ta một tuổi, cho đến khi bảy mươi tuổi, khoảng thời gian đó đâu phải là ngắn! Mặt trời lên rồi lại lặn, hết ngày này rồi tới ngày kia, năm này qua năm nọ, xuân về rồi đến đông sang. Nhịp sống đều đặn trôi, và ta không hiện diện chỉ để ngồi đó. Ta cũng không thể chỉ nằm im mà tồn tại. Sinh vào đời, ta bị chi phối bởi rất nhiều thứ, có tự do mà cũng không có nó hoàn toàn, là loài sinh vật nằm ở đỉnh cao của tạo hoá nhưng cũng không phải là chúa tể toàn năng. Vào đời, ta mang một chữ “phận”. Phần người của ta, tuy chỉ kéo dài vài chục năm thôi, nhưng cũng không phải dễ dàng gánh vác nó.

Tất cả cũng vì cái mưu sinh. Chào đời chỉ là khoảnh khắc bắt đầu, mà dường tiếng khóc oa oa như đã báo trước cho điều gì đó không ưng ý. Chẳng biết từ đâu mà ra cái quy luật này, nhưng khi đã hiện hữu rồi thì chẳng ai muốn mình chết cả. Bản năng phải gượng dậy và giành giật nhau sự sống đã nằm sẵn trong người. Là con người, ta không tự nhiên lớn lên, không tự nhiên khoẻ mạnh, không tự nhiên giỏi giang. Ta phải ăn phải uống, phải hít thở. Ai cũng phải như thế, không có ngoại lệ. Cái bụng ta, khi không có thức ăn cho vào để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, thì nó sẽ kêu đói, bất kể nắng hay mưa, đêm hay ngày, đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, kẻ khốn khổ hay người giàu có. Cái đói không miễn trừ cho kẻ mồ côi hay người tàn tật. Chính cái bản năng sinh tồn này đã khiến cho bao người phải vất vả lao lực để kiếm miếng cơm. Ta có điều kiện làm việc thì chẳng nói làm gì. Già rồi, chẳng còn chút sức nào cả, cũng phải ra sông mò cua bắt cá, vì nếu không làm thì lấy gì để ăn. Mới nhỏ xíu thôi, chưa biết gì là cuộc sống, vẫn phải đội mưa đội gió lượm ve chai, năn nỉ người ta mua tờ vé số, vì nếu không cố gắng thì ai cho hạt cơm mà bỏ bụng. Một cuộc sống cứ lây lất như cọng cỏ trước bão tố như thế, mà kéo dài mấy chục mấy mươi năm thì thử hỏi kiếp người này có thật sự ngắn?

Trong cái kiếp nhân sinh này, có biết bao nhiêu lần ta khóc, có biết bao lúc ta cười. Có đôi khi, ta ngỡ mình như trái bóng lăn tròn trên sân cỏ. Ta tới đâu, gặp ai, làm gì, chịu đựng những gì… dường như không nằm trong tầm kiểm soát của ta, mà cứ do có cái gì đó đưa đẩy. Trên người ta hẳn là có nhiều vết sẹo lắm. Do những va vấp của cuộc đời để lại, do những đụng chạm trong cuộc sống khắc lên. Ban đầu ta có phần hoảng sợ, nhưng rồi ta cũng trở nên chai sạn và cứng cáp đến lạ thường. Hãy cứ nghiệm lại mà xem, từ bé đến giờ, ta thật sự đã đi qua rất nhiều đoạn đường, đã nếm trải không ít những chua cay, đã đương đầu với không ít những phong sương lạnh giá. Cũng nhiều lắm chứ, đâu có ít ỏi gì! Và cứ mỗi lần như thế, ta thấy mình như trở nên khác đi một chút, bản lĩnh hơn một chút. Ta cho đi nhiều thứ mà cũng nhận lại được bao điều. Mặt trời hôm nay mọc lên, dường như với ta có khác hôm qua một chút. Ấy là bởi vì ta không luôn là ta ở mỗi thời điểm khác nhau. Từng biến cố của cuộc đời dội vào ta những nắm đấm, như người thợ làm bánh mạnh tay giã cục bột của mình. Ta phải oằn người, móp mép, đớn đau… nhưng rốt cuộc lại trở nên miếng bánh ngon cho người ta thưởng dùng.

Nhìn trong cái tổng thể, đời người quả thực là ngắn, rất ngắn là đằng khác. Nhưng nhìn lại bản thân mình, ta thấy nó cũng không hẳn là ngắn đâu. Vài chục năm thôi, nhưng ta phải trải qua rất nhiều thứ. Một em bé lúc sinh ra thì khác hẳn với người đó khi đã ở tuổi xa trời gần đất, mặc dù cả hai chỉ là một. Có cái gì đó lớn lên, có cái gì đó lụi tàn. Hành trình từ thuở bình minh của sự sống đến lúc xế chiều là đoạn đường mà người ta được thể hiện mình nhiều nhất. Tạo Hoá ban cho mỗi người một khoảng thời gian để bồi bổ mình, để làm cho những tiềm năng trong mình được bộc phát ra và đi đến chỗ thành tựu. Và cái thành tựu lớn nhất làm cho con người trở nên “là mình” cách hoàn hảo là một lối sống biết mở ra với vạn vật và lan toả tình yêu thương. Mấy mươi năm sống trên đời, đủ dài để bạn làm được cái gì đó đóng dấu cho sự hiện hữu của mình, đủ lớn để ta không chỉ sinh ra rồi chờ chết như bông hoa nhỏ hay ánh mây buồn.

Phải, ta đủ thời gian để chịu những đắng cay và để sống một cuộc đời thật ý nghĩa, bất cứ ai!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *