Phần V: Sự Hiểu Biết Của Kitô Hữu Về Thiên Chúa (tt)

nss_1369528198

2.      NHỮNG HÌNH ẢNH NƠI TÂN ƯỚC: ABBA, CHA ƠI, VÀ CÁC DỤ NGÔN

Abba, Cha ơi. Đức Giêsu đã dùng từ Abba trong tiếng Aram để nói về Thiên Chúa. Abba là một thuật ngữ đầy yêu thương như “bố” hoặc “ba,” được con cái dùng khi gọi cha của mình. Thuật ngữ này vừa thân mật, vừa kính trọng. Dù từ Abba chỉ được trích dẫn một lần trong Máccô 14: 36, nhưng trong cả bốn Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn nói đến Thiên Chúa như là “Cha” và “Cha tôi”. Ngài cũng mời gọi các môn đệ của Ngài làm tương tự. Thánh Phaolô cũng dùng thuật ngữ này trong các thư của ngài để diễn tả ơn gọi Kitô hữu:

Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!”

Khi gọi Thiên Chúa là “Abba,” “Cha”, các Kitô hữu được nhắc nhở về tình thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và con cái của Ngài. Những bản văn này đôi khi được dùng để dạy rằng Thiên Chúa là một người nam, nhưng không phải thế. Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta về giới tính của Thiên Chúa, nhưng về tình yêu vô điều kiện của Ngài dành cho chúng ta. (Chúng ta sẽ nói thêm về vấn đề này ở chương sau). Chúa Giêsu miêu tả Thiên Chúa là Cha rõ nét nhất trong dụ ngôn người con hoang đàng (có thể có một tựa đề tốt hơn là người cha nhân hậu). Trong dụ ngôn này (Lc 15, 11-31), người con trai đòi chia gia tài trước khi cha của anh chết. Cha của anh bán một nửa gia tài của ông, và người con đi xa, tiêu xài phung phí hết tiền của vào một sống vô luân và bất cần. Chỉ sau khi tự vùi mình dưới nhục nhã ê chề, người con mới quay về để xin cha giúp đỡ và để được thuê như một người làm công trong nông trại của cha. Tuy nhiên, người cha đã không nghe những toan tính của anh. Ông đã chạy đến ôm lấy người con bướng bỉnh và mở tiệc đón anh. Người cha thực sự hạnh phúc khi thấy con trở về an toàn và lành lặn.

 Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 Hình ảnh Thiên Chúa là Cha khác với hình ảnh là mẹ của tiên tri Isaia thế nào? Những hình ảnh này dạy chúng ta về những nét khác biệt của Thiên Chúa như thế nào? Liệu rằng hình ảnh Thiên Chúa là Cha có bị méo mó nếu một người lớn lên trong tương quan thiếu lành mạnh với chính người cha của mình?

             Những hình ảnh trong Dụ Ngôn. Đức Giêsu dùng nhiều hình ảnh để nói về Thiên Chúa và có nhiều hình ảnh khá tinh tế vì được miêu tả trong các dụ ngôn. Đức Giêsu cũng không minh nhiên liên kết Thiên Chúa với bất kỳ hình ảnh nào. Trong các dụ ngôn, Thiên Chúa được so sánh với một số các hình ảnh như sau:

  1. Thiên Chúa như vị mục tử đi tìm chiên lạc (Lc 15, 1-7).
  2. Thiên Chúa như người phụ nữ tìm đồng cắc bị mất (Lc 15, 8-10).
  3. Thiên Chúa như một nông dân gieo hạt giống khắp nơi (Mt 13, 4-9).
  4. Thiên Chúa như một nông dân gieo hạt giống tốt (Mt 13, 24-30).
  5. Thiên Chúa như sức mạnh trong hạt cải mọc thành cây to (Mt 13, 31-32).
  6. Thiên Chúa như men làm cho bột dậy lên (Mt 13, 33).
  7. Thiên Chúa như ông chủ vườn nho trả lương cho các người làm nhiều hơn họ đáng được hưởng (Mt 20, 1-16).

Cần lưu ý rằng một số hình ảnh có liên hệ đến người nam, số khác lại liên hệ đến người nữ, số khác lại liên hệ đến thiên nhiên. Mỗi hình ảnh miêu tả một khía cạnh về Thiên Chúa và tương quan của Ngài vời chúng ta.

 Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 Bạn hãy chọn ba dụ ngôn được liệt kê phía trên và đọc trọn vẹn ba dụ ngôn ấy. Bạn nghĩ mỗi dụ ngôn đang dạy chúng ta điều gì về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa?

 Chúa Giêsu Là Hình Ảnh Của Thiên Chúa

Chúng ta đã lược sơ qua một số hình ảnh Đức Giêsu đã dùng để nói về Thiên Chúa. Tuy nhiên, sau biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, Hội Thánh sơ khai đã nhận ra Đức Giêsu chính là “hình ảnh” đầy đủ và đích thật về Thiên Chúa. Hơn bất kỳ hình ảnh nào khác, chính Đức Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa là ai cho các tín hữu. Tác giả của thơ (thư) gởi tín hữu Côlôsê viết:

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người. (Cl 1, 15-16)

Cùng một chủ đề, tác giả của thư gởi tín hữu Do Thái viết:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. (Do Thái 1, 1-3a)

Và Tin Mừng Thánh Gioan cũng rất nhấn mạnh vào chủ đề này, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).

 Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 Trong số những hình ảnh dưới đây, hình ảnh nào diễn tả sự hiểu biết của bạn về Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, thầy dạy? Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh? Chúa Giêsu Hài Đồng? Chúa Giêsu, bạn của những người tội lỗi? Chúa Giêsu, Đấng chữa lành? Tại sao?

 Chúa Thánh Thần

Hội thánh sơ khai đã khám phá một điều lạ thường nơi Đức Giêsu Kitô: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài qua Đức Giêsu. Tuy nhiên, sau khi Đức Giêsu phục sinh và lên trời, Hội thánh vẫn tiếp tục cảm nghiệm sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa giữa họ. Đức Giêsu đã không bỏ mặc để Hội Thánh tự xoay sở. Thiên Chúa tiếp tục hiện diện với họ trong và qua Chúa Thánh Thần. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ là Ngài sẽ không bỏ rơi các ông:

Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em… Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14, 16-17.26)

Trong đoạn văn trên, Chúa Thánh Thần được mô tả như “đấng bảo trợ” hoặc “đấng an ủi.” Đây là những thuật ngữ pháp lý nhằm diễn tả người đại diện pháp lý của ai đó. Chúa Thánh Thần là vị đại diện của Chúa Cha và Chúa Con.

Luca diễn tả kinh nghiệm đầu tiên về Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần:

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2, 1-4).

Trong trình thuật này, Luca dùng các biểu tượng gió và lửa để mô tả Thánh Thần. Cả hai biểu tượng ấy trong Cựu Ước đều là những biểu tượng cho sự hiện hiện của Thiên Chúa. Gió và lửa là những biểu tượng của tự nhiên diễn tả sức mạnh của Thánh Thần biến đổi các tông đồ. Các ông bỏ lại sợ hãi phía sau và trở thành những chứng nhân ngoan cường của đức tin. Các ông có khả năng rao giảng cho mọi người đến từ các quốc gia với những ngôn ngữ khác nhau.

 Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 Bạn có thể mô tả Chúa Thánh Thần cho những ai chưa bao giờ được nghe biết như thế nào?

(còn nữa)

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *