Mới ngày nào Đức Giêsu xuống thế làm người, sinh ra trong một hang bò lừa hôi tanh, giữa trời đông lạnh lẽo, sống ba mươi năm âm thầm lặng lẽ, học cách để trở thành một con người thực thụ, rồi dong duổi khắp miền này xứ nọ để truyền giảng Phúc Âm. Cái chết ập đến như một màn đen thình lình bổ xuống với biết bao đau đớn, tủi nhục. Rồi giờ đây, sau khi đã phục sinh, mang lại bình an và trao gửi mọi tâm tình cuối cho các môn đệ, Ngài phải trở về Trời, nơi mà mấy chục năm trước, Ngài từ đó mà xuống.
Cuộc chia tay nào cũng để lại cho chúng ta những nỗi niềm tiếc thương, vì phải xa cách những người ta thương mến. Chẳng ai trong chúng ta muốn chia xa người mình yêu, nhưng đôi khi trong cuộc sống, có những sự biến xảy đến, khiến chúng cứ phải sống trong sự xa cách nhớ nhung. Tuy nhiên, sự xa cách cũng có những giá trị của riêng nó. Nó sẽ giúp cho hai bên hiểu thêm về tình cảm mà họ dành cho nhau, sẽ giúp nhận ra là tình cảm người này dành cho người kia có chân thực, có lâu bền không. Những gì ta trao gửi cho nhau khi sắp sửa đi xa thường là những lời xuất phát từ con tim của mình. Có khi là lời nhắn nhủ, có khi là lời bảo ban; còn trong cuộc chia xa giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, đó là trọn vẹn một sứ mạng cao vời.
Việc Đức Giêsu mời gọi một số người đến với mình để ở với mình, học hỏi những bài học hay rồi được ban cho quyền trừ quỷ… tất cả đều nhắm tới hai chữ “sứ mạng” mà chính các ông sẽ phải tự mình thực thi về sau. Bối cảnh chia xa giữa Đức Giêsu và các môn đệ tuy cũng có nét đượm buồn, nhưng dường như mang chiều kích tích cực hơn là tiêu cực, vui hơn là buồn, làm cho mình mạnh mẽ hơn, chứ không phải đẩy mình vào thế đơn côi hay sầu khổ.
Thông thường, khi nghe đến lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”, ngay lập tức, chúng ta sẽ nghĩ đến các linh mục, tu sĩ, những người được trao cách trực tiếp sứ mạng này. Ít ai trong chúng ta chịu lắng xuống một tí để cảm nghiệm rằng lời mời gọi này của Giêsu là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng những người sống đời dâng hiến. “Anh em hãy ra đi”, đó là điều đầu tiên mà Đức Giêsu muốn gửi đến chúng ta. Hãy ra đi, chứ đừng ở yên một chỗ. Ra đi là một động thái tích cực, là khởi hành, là lên đường, là ra khỏi thế giới cũ kĩ và nhỏ hẹp của mình. Ra đi là dứt bỏ với cái cũ, là hướng về một cái gì đó mới hơn, toàn bích hơn, hoàn thiện hơn. Nhớ lại buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giêsu và Phêrô tại bờ hồ Gienezaret, ông Phêrô muốn nghỉ ngơi vì một đêm đánh cá thất bại, nhưng Đức Giêsu muốn ông hãy chèo thuyền ra một chút, rồi sau đó tiếp tục chèo thêm một chút nữa ra chỗ nước sâu. Ai gắn kết đời mình với Giêsu thì sẽ luôn nghiệm thấy rằng mình luôn được mời gọi để không ngừng “ra đi”, tiếp tục dấn thân tiến bước.
Nhưng ra đi để làm gì? Thưa là dấn thân để làm cho người khác trở thành môn đệ của Giêsu. Nhưng thế nào là môn đệ của Đức Giêsu? Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắn nhủ chúng ta rằng truyền giáo không phải là đi chiêu dụ tín đồ. Chúng ta không được sai đi để ba hoa với người khác về tôn giáo của mình, để rồi khuyên người ta hãy bỏ tôn giáo của họ để trở về với Công Giáo. Chúng ta được sai đi là để khiến mọi người được trở nên môn đệ Đức Giêsu, là để gắn kết yêu thương, chia sẻ tình mến, giúp mọi người sống gắn bó thân tình với nhau. Tin Mừng Gioan đã thuật lại cho chúng ta biết lời chỉ dạy của Đức Giêsu là làm sao để người ta biết anh em là môn đệ Thầy, đó chính là: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (x. Ga 13,35)
Thế nên, hóa ra lời mời gọi ra đi của Đức Giêsu là lời mời gọi chúng ta hãy đi ra khỏi cái ích kỷ của mình để hướng đến người khác, hãy nỗ lực sống một đời chia sẻ để nối kết mọi người chung quanh chúng ta trong tình mến, là cố gắng gạt bỏ đi tất cả những gièm pha, nói xấu – những điều mang đến sự chia rẽ để có thể sống liên đới với nhau. “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” chính là làm cho chính anh em và mọi người yêu thương nhau. Nếu hiểu lệnh truyền của Đức Giêsu theo chiều hướng này thì đích thực đó là lời mời gọi dành cho tất cả chúng ta, chứ không riêng gì những linh mục tu sĩ hay các nhà truyền giáo.
Biết là không dễ để thực thi điều này, nên trước khi về trời, Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết là Ngài đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới đất, Ngài sẽ ban cho chúng ta Thánh Thần sức mạnh và khôn ngoan, và Ngài sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Được Thiên Chúa ở cùng, chắc hẳn là một điều cao quý nhất mà chúng ta luôn mơ ước. Tuy về trời, nhưng Ngài vẫn hiện diện bên chúng ta, trợ giúp chúng ta mỗi khi chúng ta cần đến. Chúng ta hãy luôn xác tín điều này là không bao giờ hành trình của chúng ta đi trên đời là một hành trình đơn côi. Ngài vẫn luôn theo sát ta, đỡ nâng ta. Mỗi khi ta thấy thật khó để yêu một người, ta hãy xin Ngài giúp sức. Mỗi khi ta thấy thật không dễ để trao ban tình thương, ta xin hãy Người đỡ nâng. Chỉ cần ta có lòng tin, ta sẽ làm được. Và nếu chúng ta thực thi được sứ mạng mà Thầy Giêsu trao phó, ta cũng sẽ có ngày được thăng thiên, vui hưởng hạnh phúc với Thầy.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ