Sám hối, tỉnh thức và chờ đợi

Sẽ không xa lạ gì khi nói đến việc tỉnh thức và đợi chờ trong cuộc sống hôm nay. Có người tỉnh thức để chờ xem một trận bóng đá, có người lại thức trắng đêm để “săn sale” nhân ngày giảm giá và mua cho mình những món hàng bổ rẻ, hay có người tỉnh thức để đợi chờ hình bóng của một ai đó quay về. Đây chính là những hiện tượng và tâm lý luôn diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày xung quanh chúng ta. Chúng ta chấp nhận tiêu tốn nhiều giờ đồng hồ, sức khỏe hay tiền bạc để phục vụ cho những mục đích riêng tư của chúng ta.

Vậy đối với chúng ta vốn là những Kitô hữu, chúng ta đợi chờ điều gì? Phải chăng chúng ta đang chờ đợi một vận may, một sự may mắn nào đó đến với mình, như trúng số độc đắc chẳng hạn, hay chúng ta đang chờ đợi những điều viễn vong nào đó. Không phải thế, là những người bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được Chúa yêu thương và được trở nên con cái Chúa. Chúng ta hoàn toàn biết bản thân chúng ta đang đợi ai và đợi chờ điều gì. Mùa Vọng một lần nữa lại về với Giáo Hội. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta mỗi ngày biết ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, làm việc bác ái và chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Vào giờ Chúa đến thì mọi sự sẽ được làm sáng tỏ, tất cả sự thật được phơi bày ra ánh sáng và chính lúc ấy chúng ta sẽ được vào nơi Thiên Quốc và được diện kiến Tôn Nhan Chúa.

Tuy nhiên, để đạt được những sự ấy, Chúng ta không phải cứ ngồi yên một chỗ để ngày ngày ngước mắt lên trời mà chờ đợi Chúa đến, hay chúng ta vẫn ngủ yên trong con người cũ kỹ và đầy những lỗi phạm của chúng ta, mà chẳng làm bất cứ việc gì để tỏ lòng ăn năn sám hối và thay đổi bản thân. Chúa sẽ đến vào những lúc ta không ngờ, những lúc ta thờ ơ. Thử hỏi vào giờ Chúa đến và thấy con người và tâm hồn của chúng ta chẳng thay đổi gì thì sẽ ra sao? Chúa luôn cho chúng ta cơ hội và thời gian như nhau để thay đổi bản thân và hoán cải đời sống. Những đứa trẻ hay chờ đợi mẹ chúng trở về sau mỗi lần đi họp chợ và chúng biết rất rõ là Mẹ của mình sẽ trở về với những món quà trong giỏ sách. Chúng ta cũng thế, Chúng ta biết điều chắc chắn là Chúa sẽ đến. Thế nhưng, Chúa đến giờ nào thì không ai có thể biết được. Cho nên, việc tỉnh thức, chờ đợi và một lòng biết ăn năn thống hối sẽ là điều chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết. Như thế, món quà chúng ta sẽ nhận được từ Chúa sẽ là cuộc sống hạnh phúc trên Thiên Đàng.

Ngày nay, dịch bệnh luôn là nỗi ám ảnh cho nhân loại trên toàn thế giới. Những điều đó luôn là những dấu chỉ thời đại nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mỏng dòn yếu đuối của con người, cũng như sự bất toàn và những bất lực của con người trước những hiện tượng ấy. Quả thật, chúng ta thật nhỏ bé trong vũ trụ bao la rộng lớn này. Cái chết luôn đến bất ngờ cho bất kỳ ai, nó không phân biệt già hay trẻ, lớn hay bé, giàu hay nghèo, sang hay hèn. Như thế, điều chúng ta cần ở đây là gì? Điều chúng ta cần là một tinh thần biết ăn năn sám hối, một tâm hồn sốt sắng và một sự chuẩn bị sẵn sàng cho giờ Chúa đến. Để khi Chúa đến, chúng ta hiên ngang mạnh mẽ và ngẩng cao đầu để tiến ra diện kiến Tôn Nhan Chúa mà lòng không hề sợ hãi chi.

Ước mong rằng mỗi người chúng ta biết ý thức và bắt đầu hành động ngay từ bây giờ. Trong suốt thời gian của Mùa Vọng này sẽ là cơ hội cho chúng ta biết thay đổi đời sống mỗi ngày một tốt hơn. Mặc dù, Mùa Vọng giúp chúng ta hướng đến việc mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh và chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để chờ Chúa Giáng Thế. Thế nhưng, ý nghĩa sâu xa của Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta biết dùng những giây phút hiện tại trong đời để chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng để đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Amen.

Huỳnh Tấn Dũng

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *