Sống tự do trên đường hướng về cái chết

Tháng 11 là một tháng trầm lặng trong tất cả các nghĩa trang, nhà chờ Phục Sinh Công Giáo. Trầm lặng bởi vì chúng ta đối diện với cái chết: những dạng thức khác nhau của cái chết, thời gian đang đến, việc không tránh khỏi cái chết, và tính dứt khoát của nó. Trên đời này có lẽ không có gì thực và huyền nhiệm như “cái chết.” Nó cho thấy sự miễn cưỡng tự nhiên của con người khi đối diện với cái chết và sự đau khổ của việc tách lìa thể xác và linh hồn. Nó lưu ý sự tiến bộ của kỹ thuật y khoa trong việc kéo dài khoảng thời gian sống và sự bất lực của kỹ thuật ấy trong việc ngăn cản sự chết. Nó cũng chú ý ước muốn không thể thỏa mãn của con người – ước muốn một hạnh phúc hoàn hảo, ước muốn một đời sống kéo dài mãi mãi.

Triết gia người Đức Martin Heidegger (1889-1976) gọi con người là “hiện hữu hướng về cái chết”. Cái chết không phải là một cái đích tĩnh tại nhưng cái chết hiện diện trong mỗi hành vi mở ra của ta, là một lý do cho mọi dự phóng của ta, và là sự ý thức mỗi hành vi của ta đều hướng về một cái đích. Qua đó, ta nhận ra tình trạng khó khăn của mình như một sinh vật bị điều kiện bởi thời gian. Chết là một thực tại và là một thời khắc quyết định. Chỉ có ‘khi nào’ mới cần phải đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người phớt lờ nghĩ suy về sự chết, đặc biệt là người trẻ, những người nghĩ rằng chết thì không dành cho họ, tối thiểu là chưa phải cho họ, trừ khi nó rành rành lộ ra trước mặt họ. Cuộc sống mưu sinh, lo toan cơm áo gạo tiền không chỉ lấy đi thời gian và sức lực nhưng còn khiến con người hôm nay bận rộn với những gì “tạm bợ và trước mắt” và thiếu đi cảm thức về đời sau và những gì vĩnh cửu.

Cứ mỗi lần có ai đó hỏi bố tôi mất năm nào, ngoài việc trả lời năm mất, tôi còn thêm vào là bố tôi đã mất bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng và bao nhiêu ngày rồi. Và họ thường rất ngạc nhiên và hỏi sao tôi nhớ và đếm được nhanh thế. Có lẽ bạn chưa trải qua cảnh mất mát người thân ruột thịt nên chắc là không hiểu. Người ta thường nói “sống kể ngày chết kể năm.” Ngày xưa, tôi cứ ngỡ cha mẹ như ông bụt, bà tiên sống mãi với đời. Hễ khi mình gặp khó khăn là họ hiện lên vỗ về, an ủi. Để rồi một ngày bàng hoàng nhận ra sự thật thì đã muộn mằn. Người đã hóa thành khói sương bay đi không trở lại. Mỗi khi Tết đến hay dịp tụ họp gia đình, bóng người xưa không còn, lòng lại thêm đau nhói; càng lớn tuổi, nỗi nhớ càng dai dẳng, đậm sâu kỳ lạ. Ăn bữa ngon, chạnh lòng nhớ ngày xưa mẹ cũng thích món này, món nọ. Gặp người xa lạ, tự dưng bảo sao nhìn cứ từa tựa như bố mình. Về thăm quê, ra ngõ trước vườn sau, đâu đâu cũng toàn là kỷ niệm. Nhà của bố, vườn của mẹ, bao nhiêu năm cũng chẳng đổi dời. Để rồi mỗi khi bạn bè báo tin không vui, tôi chẳng mong họ bớt buồn, mà bảo ráng giữ gìn sức khỏe để chống chọi với đớn đau vô biên ấy. Đó là lúc bạn đi đến tận cùng giới hạn của nỗi buồn, mấy chuyện bị đuổi việc, người yêu đá, mất mát đống tiền than thở ngày nào cũng chẳng thấm thía vào đâu hết.

Và tôi tự bảo mình: ở cái chết của người thân yêu, luôn luôn là đau buồn, mặc cho sứ điệp của hy vọng và niềm vui vang vọng trong bài giảng cho người ra đi, cũng như trong lời an ủi cho kẻ ở lại. Không có lời nào có thể mô tả đúng nỗi đau thương mất mát này. Người ta phải kinh nghiệm về sự đau đớn và những kỷ niệm không thể thay thế để nắm bắt nó là gì. Có nhà văn nói: “Ta sống, nhờ ngó đàng trước; ta hiểu, nhờ ngó đàng sau; ta cảm, nhờ có sự vắng mặt.” Ngày mà ta thâm cảm được mối tình sâu nặng của mẹ cha, chính lại là ngày hình bóng ấy đã vắng lặng trên cõi đời. Khi mà ta nếm được cái hương vị thần tiên của tình yêu thâm trầm ấy, chính là ngày mà ta cảm thấy đã quá muộn màng, không còn phương gì để đền ơn đáp nghĩa mẹ cha nữa.

Khi tôi nhìn một người đang hấp hối và chứng kiến cái chết của họ, tôi không thể nói về điều đó vì tôi là kẻ ngoài cuộc, cảm giác tôi có chỉ là cảm giác của sự mất mát còn chính trải nghiệm “chết” thì tôi chưa qua. Nhưng tôi cũng chính là đối tượng vì một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi như họ. Điểm quan trọng hiện tại của tôi là tôi có những chọn lựa mãi cho đến giây phút cuối cùng ấy, và tôi có thể thực hiện chúng theo cách tôi sống. Tôi có ý chí tự do để chọn lựa đáp trả tốt hay xấu. Triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre bảo rằng “tôi là sự tự do của tôi.” Tôi đích thực là ở nơi cách thế tôi hành động, cách thế mà tôi chọn để hành động. Chính nhờ tự do mà tôi biểu lộ chính mình, qua những hành vi mà mình nắm phần chủ động. Tuy nhiên, tự do luôn đặt để một thách đố; nó là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc: một tiếng gọi đặt để người khác và Thiên Chúa trước mặt tôi.

Hải Âu

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *