Sự hồn nhiên lạc lõng

Trời đã chập choạng tối, lác đác từng ánh đèn đã được bật lên ở từng khu nhà trong Cô Nhi Viện. Lúc đó, các em cũng đã tản ra lo vệ sinh cá nhân và tắm rửa vì cả một ngày các em đã vui chơi thỏa thích. Bầu không khí tĩnh mịch như thể đã được trả lại với canh thâu. Tưởng rằng khoảng không tĩnh mịch đó sẽ kéo dài, nào ngờ, đâu đó có tiếng gọi lớn cất lên: “Các em lớn đâu! Mau dẫn các em nhỏ ra khu nhà phía sau xếp hàng. Có một phái đoàn đang đến để tặng quà bánh cho các em.”

Tôi cũng dõi theo tiếng gọi đó và đi cùng với một vài em nhỏ đang lang thang ngoài sân tiến về khu nhà phía sau. Khoảng mười lăm phút sau, các em đã có mặt gần như đông đủ. Số lượng các em lớn không nhiều. Một vài em đã tốt nghiệp lớp 12, xấp xỉ khoảng ba chục em chia đều từ lớp 6 đến lớp 10; số còn lại là các em nhỏ, trong đó, các em mới biết đi và chưa đến tuổi đi học chiếm số lượng khá đông. Nhìn các em lớn đứng ra điều khiển xếp hàng cho các em nhỏ, tôi thấy ngạc nhiên vô cùng. Các em nhỏ nghe lời và xếp hàng rất nhanh, đặc biệt là các em từ ba đến năm tuổi.

Sau khi ổn định hàng ngũ – cả thảy là năm hàng, các em được yêu cầu ngồi xuống theo hàng của mình. Vì vốn là trẻ nhỏ, nên tính khí tinh nghịch, quậy phá là lẽ đương nhiên, vậy mà khi các em ngồi xuống, tuy có trò chuyện và chọc phá, nhưng không gian vẫn mang một nét tĩnh mịch nào đó. Tôi ngồi bên hiên, dõi mắt nhìn các em và tôi cảm nhận một điều gì đó rất thánh thiêng nơi này. Một sức sống! Nơi các em toát lên một sức sống mãnh liệt. Một tình thương! Tôi thấy hình ảnh của một đại gia đình. Một gia đình có rất nhiều người là anh chị em với nhau. Thay vì là một gia đình theo truyền thống với hai thế hệ: cha mẹ và các con; tình thương cha mẹ bao bọc và ấp ủ các con, thì nơi đây, tình thương như chảy trào nghiêng theo một thế hệ. Chính các em đùm bọc và nuôi sống nhau. Nuôi sống ở đây tôi không đề cập về khía cạnh vật chất, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh tinh thần: tình thương. Nhìn một em lớn ẵm một em bé còn nằm nôi, tôi đã nhìn thấy tình mẫu tử hiện hình nơi đây.

Đang đong đưa với những rung động của tâm hồn, tôi như mình tỉnh giấc khi nghe tiếng vỗ tay của các em. Một anh lớn đã yêu cầu các em vỗ tay để đón chào phái đoàn đang đến. Phái đoàn đó, họ đến với trang phục rất đẹp, lịch sự và mang theo nhiều thùng quà to. Khi cả phái đoàn đã đến đầy đủ và được chào đón, giới thiệu xong, họ bắt đầu phát quà cho các em. Tay họ ôm những món quà nhỏ, bước đến, cúi mình và trao cho các em kèm theo một nụ cười thân thương tỏa rạng. Khi phát quà xong, một vài người trong phái đoàn đến ngồi kề bên các em để chuyện trò, một số khác thì đứng ở phía trên trong một khoảng cách gần.

Tôi thật sự khâm phục những người đang trò chuyện với các em. Họ như thể hóa mình trẻ lại ngang qua những cử chỉ, điệu bộ của tuổi thơ để đối đáp cùng với các em trong từng câu nói. Còn những người đang đứng ở xa, dường như trong tâm hồn họ có một điều gì đó cản ngăn. Không phải là họ không muốn đến gần mà có lẽ là họ còn e ngại, e ngại một điều gì đó. Tôi nghĩ thế, vì lần đầu tiên tôi đến nơi này, tôi cũng từng trải qua cùng một tâm trạng ngại ấy.

Thật vậy, để có được một tương quan thông hiểu đâu chỉ bởi sự kiến tạo của một phía mà đòi hỏi cả hai phía, đâu chỉ là một khoảnh khắc mà là cả một hành trình. Do đó, mà cả những người đang chuyện trò cởi mở kia, dù họ rất muốn cuộc trò chuyện kéo dài, nhưng dường như chỉ được vài ba câu đối đáp, thì sự im lặng lại bao trùm không gian. Để xua tan khoảng không im lặng, họ quay sang hỏi những em khác, và có lẽ, cũng lặp lại phần nào trong điệp khúc câu hỏi: Em tên gì? Em mấy tuổi rồi? Em học lớp mấy?…

Thời gian càng trôi, tôi càng thấy cuộc trò chuyện của họ, xuất hiện rõ hơn sự lạc lõng giữa những điều hồn nhiên. Hồn nhiên ngây ngô của tuổi thơ và hồn nhiên trẻ lại của người lớn. Thực sự, giữa những hồn nhiên ấy, vốn đã có một khoảng cách rồi, sở dĩ chúng được chung chia là bởi vì giữa chúng có một mối tương quan gắn kết, và tương quan đó được kết dệt bởi tình thương và sự thông hiểu. Trong bối cảnh này, làm sao có thể có được một mối tương quan gắn kết như vậy. Như một em nhỏ đã thì thầm với tôi: “Em không thích quà của họ, em chỉ muốn họ đến chia sẻ, cùng sống và vui chơi với chúng em trong một khoảng thời gian nào đó. Vì những món quà mà họ trao cho chúng em như thể là họ đang ban ơn cho em vậy. Em đâu có cần sự ban ơn đó.”

Tôi nhìn đến phái đoàn, những người đến tặng quà nơi trung tâm này, tôi thiết nghĩ họ rất chân thành và đầy nhiệt huyết, nhưng có lẽ cách diễn tả của họ đã mang đến sự hiểu lầm nơi các em. Chính sự rạn nứt đó, mà những cử chỉ gần gũi, những câu nói chuyện trò, những nụ cười chân thật mà họ muốn trao gởi cho các em đã trở nên lạc điệu, bơ vơ trong khung trời này; chúng đã không tìm được điểm đến nơi tâm hồn các em. Họ muốn được sống lại những giây phút hồn nhiên với các em, nhưng sự hồn nhiên của họ lại không tìm được lối vào. Như thể một áng mây trắng ngời và chân tình nhưng lại trôi qua trên bầu trời trong đêm tối.

Nhìn ngắm và suy tư những điều này, tôi thấy bản thân tôi có nhiều đụng chạm. Tôi cũng thường nhắc nhớ chính tôi trong những lần đến và gặp gỡ các em: “Hãy đến với các em trong thân phận con người, đừng mang theo một chức danh hay giai cấp xã hội nào áp đặt lên tương quan tình thân ấy. Để sự hồn nhiên của tôi không trở nên lạc lõng và sự hồn nhiên của các em không phai nhạt hoặc vô tình làm thương tổn tâm hồn tôi khi tương quan chưa được một bề sâu của sự thông hiểu bao bọc.”

Tâm Gia, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …