Tu sĩ Dòng Tên từ 62 quốc gia đã chọn “một con người cầu nguyện sâu xa” và “người không sợ hãi” khi bầu cha Arturo Sosa Abascal người Venezuela làm Bề trên Tổng quyền mới của Dòng mình, cha Timothy P. Kesicki, chủ tịch liên hiệp tỉnh Canada và Hoa Kỳ đã chia sẻ như thế sau khi kết quả bầu Bề Trên Cả được công bố vào thứ Sáu.
Cha Kesicki chia sẻ về hai phẩm chất thiết yếu đối với người đứng đầu Dòng Tên: Bề trên Tổng quyền “trước hết và trên hết” phải là một con người cầu nguyện, vì ngài phải đưa ra những quyết định của mình trong sự phân định cầu nguyện.
Hơn nữa, Cha Kesicki nói: ngài phải có “một sự táo bạo thánh, một sự hăng hái tông đồ”, “bởi vì chúng tôi là Dòng truyền giáo được mời gọi để đi đến các hang cùng ngõ hẻm trên trái đất mà không sợ hãi.”
Cha gợi nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến điều này bằng một lối diễn đạt khác khi ngỏ lời với các tu sĩ Dòng Tên vào dịp lễ phong thánh cho chân phước Phêrô Favre: “Chúng ta phải tự hỏi mình, liệu chúng ta có có được tầm nhìn và động lực vĩ đại chăng? Chúng ta có đang dám dấn thân? Những ước mơ của chúng ta có bay cao? Lòng nhiệt huyết có đang thiêu đốt chúng ta? Hay chúng ta chỉ tầm thường và hài lòng với những lập trình tông đồ ‘trong phòng thí nghiệm’? “Trong việc lựa chọn cha Sosa, một nhà khoa học chính trị và là nguyên giám tỉnh tỉnh Dòng Venezuela, các tu sĩ Dòng Tên đã nhận thấy nơi ngài những phẩm chất này.
Cha Sosa là vị kế nhiệm thứ 31 của thánh Inhaxiô Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên vào năm 1540. Ngài là vị đầu tiên không phải người châu Âu và là người Mỹ Latinh đầu tiên trở thành Bề Trên Cả, đứng đầu dòng tu nam lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo.
Cha Kesicki nói: “Là người đến từ Thế Giới Mới, ngài mang đến sự phong phú của Giáo Hội Mỹ Latinh và ngài cũng am hiểu những thách thức. Với kinh nghiệm về giao thoa văn hóa, ngài nghiên cứu tại Đại học Gregorian ở Rome cũng như tại các đại học ở quê nhà. Hơn nữa, bên cạnh tiếng Tây Ban Nha, ngài còn thông thạo tiếng Anh và tiếng Ý, và hiểu được tiếng Pháp. Vì thế, ngài có thể liên hệ và giao thiệp với các thành viên của Dòng đến từ các vùng miền khác nhau.”
Hơn nữa, “đến từ Venezuela, ngài có kinh nghiệm trực tiếp về một số thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trong đất Hoa Kỳ. Đặc biệt, ngài nhận thức được những khó khăn mà người nhập cư từ châu Mỹ Latinh phải đối diện,” cha Kesicki nói.
Vị lãnh đạo Dòng Tên mới sẽ mừng sinh nhật thứ 68 vào ngày 12 tháng 11 tới. Khi được hỏi, liệu với độ tuổi đó, các đại cử tri có hình dung Bề Trên Cả mới cũng sẽ từ chức như ba vị tiền nhiệm của ngài đã làm không, cha Kesicki trả lời rằng Hiến Pháp Dòng Tên đòi hỏi người được bầu không nên quá trẻ, vì ngài có thể thiếu khôn ngoan và kinh nghiệm, nhưng cũng không quá già để ngài có đủ năng lượng thực hiện công việc.
Sau thánh lễ đồng tế kính Chúa Thánh Thần tại nhà thờ gần đó, 9 giờ sáng, các đại biểu bước vào hội trường nơi tổ chức Tổng Hội 36. Trước khi bỏ phiếu, họ nghe một lời khích lệ và thinh lặng cầu nguyện gần một giờ. Sau khi Cha Sosa đạt đa số phiếu được đòi hỏi trong tổng số 212 phiếu bầu, tiến trình bầu cử kết thúc sau chưa đầy 90 phút. Tương tự cuộc bầu chọn giáo hoàng, kết quả lượt phiếu cuối cùng không được tiết lộ, nhưng việc chọn ngài được các đại biểu chào mừng với tràng pháo tay dài nồng nhiệt.
Ngay sau cuộc bầu cử, theo truyền thống, Cha Antonio Spadaro, giám đốc của La Civilità Cattolica và một trong các đại cử tri nhân danh Tổng Hội 36 gọi điện cho Đức Thánh Cha Phanxicô để thông báo kết quả. Sau đó, tin tức mới bắt đầu được công bố ra ngoài.
Đức Phanxicô đã biết cha Sosa nhiều năm trước kể từ những cuộc gặp gỡ ở Mỹ Latinh. Theo tin được biết, khi ngài gặp lại cha Sosa ở Rome sau khi trở thành giáo hoàng, ngài đã đùa rằng: “Lần đầu tiên cha biết con như một con ngựa nhỏ!” Sau đó cha Sosa trở thành thụ ủy của cha Bề Trên Cả Adolfo Nicolás, đặc trách các nhà Dòng Tên quốc tế tại Rome, tức là Đại học Gregorian, viện Biblicum, Orientale và Đài quan sát Vatican.
Khi được hỏi liệu quyết định chọn một người Mỹ Latinh có bị ảnh hưởng bởi việc Giáo Hội đã có một vị giáo hoàng Mỹ Latinh, Cha Kesicki không tin có chuyện này. Ngài nói: “Không bao giờ có một tính toán chính trị công khai [như thế].” Mặt khác, ngài thừa nhận rằng “chẳng phải là một bất ngờ lớn khi Bề trên Tổng quyền mới đến từ Nam bán cầu vì 59% đại biểu Tổng Hội 36 đến từ đó.” Cha nhận ra rằng đó là “một lựa chọn lịch sử” và “nhãn quan” của vị lãnh đạo mới sẽ “khác với nhãn quan của cha Nicolás, một người với kinh nghiệm châu Á.”
Đây là lần thứ tư cha Sosa tham dự Tổng Hội. Ngài nhớ rằng ngài đã là vị “đại biểu trẻ nhất” tại Tổng Hội 33, Tổng Hội đã bầu cha Peter Hans Kolvenbach làm Bề trên Tổng quyền. Ngài cũng đã có mặt tại Tổng Hội 34, Tổng Hội tiếp nối các công việc dở dang của Tổng Hội trước, trong đó có việc sửa đổi Hiến Pháp để thích ứng với các luật mới của Bộ Giáo Luật. Và một lần nữa ngài là đại cử tri tại Tổng Hội 35, Tổng Hội đã chọn cha Adolfo Nicolás làm vị lãnh đạo Dòng.
Bề trên Tổng quyền mới sẽ tiếp tục tham dự phần còn lại của Tổng Hội, cơ quan tối cao của quản trị Dòng Tên. Các tham dự viên sẽ thảo luận những thách thức mà Dòng phải đối mặt và quyết định con đường tốt nhất phía trước.
Cha Sosa sẽ sớm được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và cha sẽ thưa lên lời khấn của mình với ngài. Khi cho biết cả hai vị đều là những người nói tiếng Tây Ban Nha bản địa và có rất nhiều lưu tâm chung đối với lịch sử của châu Mỹ Latinh và của Giáo Hội tại đó, cha Kesicki tin rằng “việc giao thiệp sẽ thật dễ dàng.” Cha cũng nói thêm: “Điểm tương đồng này cũng sẽ giúp ngài dễ liên hệ với Vatican và với Hội Thánh tại Rome.
Minh Vương S.J. chuyển ngữ
Nguồn: American Magazine (Oct 14, 2016)
www.americamagazine.org/content/dispatches/holy-boldness-seen-new-superior-general