“Sư tử dạy đại bàng ăn cỏ để bảo vệ môi trường”

Khi ấy,…

Vào một ngày đẹp trời, trong khu rừng nọ, một chú sư tử ở độ tuổi mới lớn vươn đôi vai dũng mãnh và ngáp một cái đã đời sau giấc ngủ dài. Chú cảm thấy đói! Chú biết rằng việc đầu tiên lúc này là phải đi kiếm cái gì đó lót lạ. Chú rảo qua rảo lại quanh lãnh thổ của mình với cặp mắt tinh anh màu hổ phách. Nhưng tất cả những gì chú thấy chỉ toàn là màu xanh-vàng của cỏ cây hoa lá. Chú ngước mắt lên trời nhìn đám chim kền kền và đại bàng đang đánh võng điên đảo như cũng đang có cùng tâm trạng với mình.

Sau một hồi lùng sục mà chẳng thấy bóng dáng con mồi đâu. Cuối cùng, sư tử cũng thấy một đàn trâu rừng đang nhởn nhơ gặm cỏ bên bờ suối. Than ôi! Một mình chú thì sức mấy mà đụng được vào đàn trâu rừng lực lưỡng như thế. Sư tử buồn bã quay đi. Vừa đi, chú vừa suy nghĩ, giá như mình cũng có thể ăn cỏ như đàn trâu kia thì đâu đến nỗi đói lả như bây giờ. Nghĩ thế rồi chú liền cúi xuống thử nhấm nháp mấy ngọn cỏ non dưới chân. “Ồ, cũng không tệ lắm”, sư tử chép miệng. Ít nhất, mấy ngọn cỏ non ấy cũng làm cho cổ họng chú đỡ rát bỏng phần nào.

Chú nảy ra ý định sẽ dạy cho những loài ăn thịt tập ăn cỏ để bảo vệ môi trường sống, và đại bàng là loài đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chú. Sư tử ta gầm lên một tiếng vang bốn phương trời, dội mười phương đất! Một con đại bàng gần đó như nghe được tiếng gọi, liền hạ cánh vững vàng trên càng cây trước mặt sư tử. Sau khi nghe sư tử thuyết phục, đại bàng đồng ý để cho sư tử dạy mình ăn cỏ thay vì ăn thịt như cả hai vẫn làm.

Sư tử chậm rãi “ăn mẫu” đám cỏ tươi dưới chân như một vị thầy thực thụ. Đại bàng cũng không ngần ngại xà xuống sát chân sư tử để bắt chước thầy mình. Nó mổ từng ngọn, từng ngọn cỏ một, và cũng tóp tép ăn ngon lành như ai. Nào ngờ cách ăn của nó khiến sư tử bực mình rống lên: “Phải ăn cả cụm chứ! Mày chưa nhìn thấy trâu ăn cỏ bao giờ àaa?”. Đại bàng cũng toang toác đáp lại: “Làm sao mà tao ăn cả cụm được! Mắt mày có bị quáng gà không mà không thấy cặp mỏ của tao đã mở hết cỡ rồi àaa?”

Đại bàng chưa dứt lời thì sư tử bỗng chồm mạnh về phía trước trong sự ngỡ ngàng của nó. Chưa đầy một phút sau, sư tử trở lại với một con hươu non lủng lẳng trên bộ răng sắc nhọn. Quẳng con hươu “đánh cái bịch” xuống đám cỏ, vừa cắn xé ngấu nghiến, vừa nói: “Thông cảm nhé, tao đói quá! Mày tiếp tục tập ăn cỏ đi. Lát nữa tao dạy mày tiếp”. Đại bàng tức tối vì sư tử đang dạy mình ăn cỏ thay vì ăn thịt để bảo vệ môi trường, thế mà hắn lại ngang nhiên ăn thịt ngay trước mắt mình. Không phục sự bất nhất của “vị thầy ba trợn”, đại bàng lao tới mổ lòi mắt phải của sử tử rồi bay vụt lên trời.

Sử tử rống lên ầm ầm vì đau đớn và tức giận! Nó gầm to: “Tại sao làm phúc lại phải tội như tôi thế nàyyyy! Sư tử dạy đại bàng ăn cỏ để bảo vệ môi trường thì có gì là sai chứ?”

Thực tại chiến tranh và đau khổ

Câu chuyện trên đã vén mở phần nào về căn nguyên hình thành và trỗi dậy của chiến tranh và đau khổ nơi mỗi cá nhân và trên cả hành tinh này. Tất cả những thực tại đó đều bắt nguồn từ sự đảo lộn trật tự căn bản mà Tạo Hóa đã thiết lập khi dựng nên “bầu trời, mặt đất và con người”.

Sư tử quả thực là một bậc thầy về kỹ năng săn mồi và ăn thịt, thế mà tự nhiên lại nổi hứng mở trường dạy cách ăn cỏ. Đại bàng là ông hoàng của bầu trời, là sát thủ số 1 trong số các loài chim ăn thịt, hà cớ gì nay lại học đòi ăn cỏ như bò. Giả như “thầy” sư tử thực sự biết cách ăn cỏ đúng kỹ thuật, thì sự bất nhất giữa lời dạy và hành động của “vị thầy này” là không thể chấp nhận được. Mặt khác, đại bàng đã tự nguyện nhận sư tử làm thầy, nhưng chỉ vì một sơ sót tức thời của thầy mình mà phản ứng một cách hỗn hào như vậy thì thật chẳng ra làm sao. Ngay cả khi sư tử đã nhân danh một mục đích tốt là “để bảo vệ môi trường” thì việc sử dụng những “phương tiện ngược đời” kể trên chẳng thể tự bào chữa cho thất bại của mình. Đồng thời, sự khác biệt quá lớn giữa sư tử và đại bàng lại càng làm cho mâu thuẫn trở nên nan giải khi có vấn đề nảy sinh. Vì thế, chiến tranh và đau khổ xảy đến là điều khó tránh khỏi!

Điều này lý giải tại sao ngày nay tràn lan trên mạng xã hội những mẩu tin đại loại như: một cô giáo ở Quảng Bình buộc học sinh bị tát 230 cái vì nói tục; cô giáo tại Long An phạt học sinh quỳ gối gần 1 tiết vì vi phạm nội quy; rồi phụ huynh ép giáo viên phải quỳ gối xin lỗi ngay tại trường; nam sinh lớp 11 tỉnh Bình Định đánh thầy giáo nhập viện cấp cứu; phụ huynh tỉnh Quảng Nam đánh giáo viên mầm non thủng màng nhĩ; và muôn vàn các tin tức khác về việc học sinh nam – nữ đánh nhau với đủ các hình thức; cha mẹ ép con cái ăn-học thậm chí đánh đập con chỉ khiến đứa trẻ trở nên lười biếng-chống đối-nổi loạn; anh chị em ruột thịt hãm hại nhau; dân tộc này đánh dân tộc kia; quốc gia này xâm chiếm quốc gia nọ… Đâu đó trong cuộc sống, ta nghe – thấy có xung đột nảy sinh từ những “bàn cờ trà đá” cho đến những tranh luận nảy lửa, chẳng “con dê nào chịu nhường con dê nào” vì mỗi bên đang bám víu vào những nền tảng rất khác nhau và thiếu tinh thần xây dựng. Ai ai cũng tự đặt ra cho mình những “lý lẽ tốt đẹp” để biện minh cho hành vi trái khoáy của mình. Nhưng mục đích tốt đâu thể biện minh cho phương tiện xấu. Ấy là chưa kể những loại mục đích tốt theo kiểu “tấm áo choàng” khoác lên ý hướng ích kỷ của mình. Thật là một sự đảo lộn trật tự trắng trợn!

Cũng vậy, bàn về vấn đề giáo dục, một khi người thầy dạy cho học trò điều mình không muốn làm, điều mình không thể làm, hoặc điều chẳng mang lại ích lợi gì cho cuộc sống của họ, thì hậu quả tương tự như câu chuyện trên xảy ra là điều có thể dự đoán được. Đây cũng có thể coi là một dạng “rối loạn nhận thức – hành vi” vô thức của người thầy. Triệu chứng này có xu hướng “lây lan” sang người học trò, kết quả là họ cũng bị “rối loạn nhận thức – hành vi” không ý thức.

Dưới góc nhìn Tâm Lý Học

Các diễn giải tâm lý học về nguyên nhân dẫn đến bệnh lý của con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sigmund Freud với phân tâm học cổ điển cho rằng: rối nhiễu tâm lý ở tuổi trưởng thành chính là hậu quả của những rối loạn nhu cầu bản năng thời thơ ấu và do bởi những xung đột giữa “cái tôi” thực tại và ước muốn lệch lạc của của “cái nó”. Các nhà tâm lý học hành vi thì khẳng định: cả hành vi thích nghi và không thích nghi đều do học tập mà có; hành vi kém thích nghi gây ra những rối loạn của con người. Aaron Beck, Albert Ellis và các nhà tâm lý học nhận thức lý giải: những suy nghĩ sai lệch là nguyên nhân chính dẫn đến chứng rối loạn nhận thức và đời sống của người bệnh. Còn Carl Rogers và các nhà tâm lý học nhân văn đã kết luận: nguyên nhân gây ra bệnh lý của thân chủ là do thiếu vắng tình yêu giữa con người với nhau, thiếu mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống, hoặc chỉ nghĩ đến quyền lợi mà chẳng ngó ngàng gì đến trách nhiệm, thậm chí chỉ biết chăm chút cho quyền lợi của bản thân mà phớt lờ nhu cầu và quyền lợi của người khác…

Như vậy, tất cả những “bất ổn” nơi chủ thể sẽ dẫn đến những “bất hoà” với tha thể. Ai không sống bình an với chính mình, thì cũng sẽ sống bất an với người khác.

Kết luận

Thông thường, bất cứ ai say cũng nói rằng mình còn tỉnh! Cũng ít người bất ổn mà nhận ra mình đang không bình thường. Hầu hết những rối loạn đều bắt đầu trong vô thức, đến khi ta ý thức được về nó thì cũng là lúc ta nhìn thấy những hậu quả nghiêm trọng rồi. Vậy nên, ngay khi ta cảm nhận một cách nào đó về sự căng thẳng hoặc bất an trong cuộc sống, chắc chắn điều cần thiết nhất khi đó là ta phải nhìn lại cách thức tổ chức đời sống của chính mình. Ta tự hỏi: có điều gì trong cuộc sống của ta đang không ở trong đúng trật tự của nó? Có cái gì đó đang lộn xộn: gia đình, nhà cửa, cơ quan, công việc, các mối tương quan, những phương tiện giải trí, những thói quen hoặc đam mê … hoặc đơn lẻ hoặc tổng thể. Ta chỉ cần gọi đúng tên “cái gì đang lộn xộn” trong cuộc sống của mình, và điều chỉnh, sắp xếp lại cho có trật tự trở lại, thì tức khắc sự bình an và hạnh phúc sẽ tự tìm đến với mình. Đây chính là bí quyết để phòng ngừa những rối loạn ngay từ trong vô thức, đó là liên tục sắp xếp lại cuộc sống một cách có ý thức. Và cũng nên nhớ rằng: đừng bao giờ lấy lý do “bảo vệ môi trường” để biện minh cho “sư tử dạy đại bàng ăn cỏ”!

Hv. Đaminh Nguyễn Văn Tài,S.J.

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *