Suy Nghĩ Về Tình Bạn

Việc liên lạc tinh bangặp gỡ lại một số bạn bè cũ gợi lên trong tôi vài suy nghĩ về tình bạn. Thủa nhỏ sống chung, chơi chung tôi có những bạn thời thơ ấu; lớn lên học chung trường, chung lớp, cùng giúp nhau học, vui chơi cùng nhau, tôi có thêm bạn học; ra trường làm chung cơ quan, chung công việc, chung mục đích, nên tình đồng nghiệp.

Đôi lúc nhìn lại những tình bạn ấy, tôi thấy nhiều điều thật trớ trêu nhưng cũng có những điều rất thú vị. Có những người vừa gặp đã như thân; có những người gặp hoài vẫn không thân; có những người thân thiết gần gũi đó nhưng rồi tình thân lại nhạt nhòa theo thời gian; cũng có những người tưởng chừng không thể chịu được mỗi lần đụng mặt, nhưng rồi sau đó lại nên thân, thân ơi là thân!

Đang chìm giữa những kỷ niệm ấy, bất chợt, một vài thắc mắc đến trong tâm trí tôi: Vì sao lại có những sự việc như thế? Điều gì khiến con người ta nên bạn nên bè? Điều gì khiến tình bạn kết thúc?

Phải chăng cứ sống chung thì nên thân, học chung nên bạn, chơi chung nên bè và làm chung nên đồng nghiệp? Không hẳn đã là thế, vì thực tế có rất nhiều trường hợp vì sống chung mà đụng, làm chung mà thành ra đối thủ cạnh tranh,… Như thế, “chung” thôi thì chưa đủ. Vậy, nếu họ sống chung, làm chung và biết chia phần lợi ích cho nhau thì sao? Có lẽ nếu cả hai đều đạt được lợi ích thì không đến nỗi đụng độ và thành ra địch thủ của nhau. Và như thế, họ có thể là bạn. Vậy ra, chính sự “chung” và “chia” ấy làm nên tình bạn.

Nhưng liệu một tình bạn chỉ dựa trên sự chung chia có bền lâu? Nó sẽ ra sao khi hết chung chia? Tình bạn tuổi học trò thật vui nhưng cũng thật buồn. Vui vì những giờ học chung, những sinh hoạt chung, những đùa vui chung vốn luôn đi kèm với những sẻ chia rất hồn nhiên, tươi vui, và cả tinh nghịch nữa, vốn đúng kiểu tuổi học trò; buồn vì khi chúng tôi rời mái trường thân yêu cũng là lúc tình bạn cất cánh bay xa. Rất hiếm người trong chúng tôi còn giữ được tình bạn ấy khi mỗi người một ngả đường, một công việc, một môi trường sống riêng.

Lại nữa, nếu tình bạn chỉ dựa trên “ăn đồng chia đều” liệu tình bạn ấy có cần thiết chăng? Thường ta mong có bạn để “chia ngọt sẻ bùi”. Cứ dựa trên chia sẻ lợi ích, liệu người ta có sẵn lòng chia “miếng ngọt” cho người khác, rồi khi gặp phải “miếng bùi” liệu có ai đồng ý san sẻ không? Không lẽ cứ chia hết cho mọi người, ai nhận cũng được, không ai nhận cũng chẳng sao, theo kiểu lên mạng xã hội “trút hết bầu tâm sự” rồi nhấn ‘public’ là xong? Có lẽ điều này ít nhiều cũng giúp ích. Thế nhưng, những chia sẻ kiểu đại trà ấy thường chỉ đạt được bề rộng thôi, hiếm khi đạt đến chiều sâu cần thiết. Niềm vui được nhiều người biết đến, xem ra cũng thú vị chứ! Thế nhưng, nỗi niềm sâu thăm thẳm nơi cõi riêng tư của lòng người thì khác, có lẽ chỉ cần một vài người thực sự hiểu và sẻ chia thì tốt hơn, bớt gánh nặng hơn rất nhiều! Nếu những lúc như thế mà có được một người bạn thân đích thực, sẵn sàng lắng nghe, cảm thông, nâng đỡ … Còn mong gì hơn!

Thế nhưng một người bạn như thế có lẽ chẳng ai mong chờ có được từ những người chỉ muốn “ăn đồng chia đều”. Vậy, đâu là điều làm nên một tình bạn đích thực nếu đó không phải là việc chung chia lợi ích?

Phải chăng là người có cùng tính cách, chung sở thích? Tôi chưa cần nói ra thì đã có người hiểu, cảm thông, khích lệ động viên,…Wa, còn gì thú vị hơn khi có chung suy nghĩ và có cùng ước muốn để rồi hiểu nhau đến thế!

Thế nhưng, nếu cả hai cùng chung suy nghĩ xấu và ước muốn điều xấu như nhau thì sao? Có lẽ họ có thể là bạn, nhưng tình bạn ấy sẽ nghiêng về tận và lợi dụng nhau hơn là cảm thông đỡ nâng, sẽ cùng đưa nhau xuống vực sâu tăm tối hơn là lên những đồi cao sáng tươi. Hóa ra, tình bạn cao đẹp và bền lâu nhờ bởi sự chung chia những lợi ích nơi những người có cùng tính cách và sở thích tốt lành chứ không phải là xấu xa?

Nhưng làm sao tôi có được loại tình bạn ấy khi mà cá tính tôi chưa tốt và ước muốn tôi chưa lành? Tôi không có hy vọng có được tình bạn đích thực hay sao?… Phải chăng một tình bạn tốt và đích thực không tự trên trời rơi xuống, nhưng được hình thành qua thời gian và với thiện chí cùng nỗ lực: khởi đi từ những chung chia thường ngày và cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày?

 

Vinhsơn Phạm Văn Đoàn, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *