[Suy niệm Chúa Nhật] Chúa Chịu Phép Rửa: Gương Sáng hay Nhu Cầu?

Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: « Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. »

21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: « Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”

 Khi con người mọi thời chịu phép rửa, điều này sẽ chẳng gây ra sự ngạc nhiên thắc mắc nào, vì con người có tội nên cần làm thế. Thế nhưng, khi con Thiên Chúa làm người, “Đấng giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi”, chịu phép rửa, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao Chúa vô tội mà cần rửa tội, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì qua sự kiện này?

Điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là Chúa làm gương cho chúng ta noi theo: gương khiêm nhường, gương hạ mình, gương cầu nguyện. Có cả một quyển sách nổi tiếng “Gương Chúa Giêsu” cơ mà. Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, Đấng vô tội mà khiêm nhường hạ mình đến thế; còn tôi, tội lỗi ngập tràn, cớ sao còn băn khoăn do dự chưa hết lòng hạ mình và sám hối ăn năn. Thế nên điều Chúa dạy là hãy noi gương Chúa và làm như vậy.

Tuy nhiên chúng ta tự hỏi, Chúa chịu phép rửa chỉ để làm gương thôi sao? Giả như có người hỏi “tại sao bề trên tu viện đi đọc kinh cầu nguyện?”, nếu chúng ta trả lời, “để làm gương cho bề dưới”, chắc hẳn bề trên tu viện không hài lòng lắm, vì ngài cầu nguyện xuất phát từ nhu cầu cần cầu nguyện, còn việc làm gương tuy có nhưng không phải là chính yếu, vì  khi không cần làm gương thì ngài vẫn cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, để trung thành với ơn gọi, để đẹp lòng Chúa.

Vấn đề là, điều tương tự có thể nói về Chúa Giêsu không? Câu trả lời là có thể, lý do là vì Giáo Hội dạy Chúa Giêsu làm người “giống chúng ta mọi đàng” nên cũng giống bề trên tu viện mọi đàng, nên điều có thể nói về bề trên tu viện cũng có thể nói về Chúa Giêsu. Nghĩa là Chúa Giêsu chịu phép rửa và cầu nguyện chính yếu không phải để làm gương nhưng để Người khỏi sa chước cám dỗ, để trung thành với ơn gọi, để sống đẹp lòng Chúa.

Thế nhưng Chúa thì vô tội, còn bề trên tu viện và chúng ta thì tội lỗi ngập tràn, làm sao có thể so sánh hay đồng hóa sự việc được?

Khi nhấn mạnh đến tội và vô tội, chúng ta nhấn mạnh đến kết quả của một tiến trình: trải qua một quãng thời gian sống, hay một cuộc thử thách, chúng ta nhận thấy người này vô tội, người kia phạm tội, và kết luận họ khác nhau. Nhưng nếu chúng ta tập trung vào chính quãng thời gian sống, đi vào chính thử thách của cả hai, chúng ta sẽ thấy họ giống nhau.

Cũng thế, khi đi vào chính cuộc sống và thử thách của con Thiên Chúa làm người, Giáo Hội đã dạy là Người “giống chúng ta mọi đàng”, theo nghĩa Người cũng yếu đuối, sợ hãi, chịu thử thách. Vì thế Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, Chúa Giêsu hay lên núi cầu nguyện, chắc chắn không chỉ để nêu gương, nhưng chính yếu là chuẩn bị cho Người được vững vàng trước cám dỗ và thử thách của kiếp người.

Thế còn việc chịu phép rửa thì sao? Việc chịu phép rửa thì có liên quan gì đến người không có tội? Khi nói như vậy chúng ta quá nhấn mạnh đến vai trò thanh tẩy tội lỗi của phép rửa tội mà quên đi vài trò “trợ giúp để khỏi phạm tội” của phép thanh tẩy. Chúa Giêsu cần sự trợ giúp này, và chính vì những sự trợ giúp như thế mà Ngài chiến thắng hết cám dỗ này đến cám dỗ khác; và vì chiến thắng nên Ngài mới có danh hiệu “vô tội”. Thế nên chúng ta không nên vội vã gán cho Chúa “vô tội” ngay từ đầu, rồi suy ra Chúa vô tội nên chẳng cần phải làm gì theo nghĩa chuẩn bị để khỏi phạm tội.

Khi chịu phép rửa Chúa cũng cầu nguyện, và chúng ta có thể xem hành vi Chúa xếp hàng đi chịu phép rửa là một hành vi cầu nguyện theo nghĩa rộng, một việc chuẩn bị cho chính Chúa được vững vàng khi nhận lãnh và thi hành sứ mạng.

Khi hiểu như thế, Đấng vô tội vẫn có thể hết lòng đi chịu phép rửa trong tâm tình cầu nguyện, với ý hướng chuẩn bị cho mình được vững vàng trước sóng gió của kiếp người. Và về phần chúng ta chúng ta cũng không phải lấy việc “làm gương” ra như một lý giải chính yếu cho việc Đấng vô tội mà đi chịu phép rửa. Khi thấy rằng chính Chúa Giêsu cũng thực sự cần ơn Chúa qua việc chịu phép rửa và cầu nguyện, chúng ta thấy mình lơ đễnh và chểnh mảng biết bao trong việc phòng bị thiêng thiêng.

Qua việc chính Chúa Giêsu muốn tận dụng cho mình sự trợ giúp của phép rửa của Gioan và sự cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta ý thức cách sâu xa thân phận mỏng giòn của kiếp người và noi gương Chúa biết tận dụng mọi phương thế mà Giáo Hội dạy để chuẩn bị cho mình được vững mạnh, hầu có thể trung thành với ơn gọi làm con cái của Chúa, những người con đẹp lòng Chúa.

Uyên Thi, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *