Lc 5, 17-26
Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.”
Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? ” Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà! ” Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ! “
Bài đọc một và bài Tin Mừng trong mùa Vọng có liên hệ chặt chẽ với nhau. Bài đọc một trong sách Isaia là lời loan báo về một niềm hi vọng trong tương lai, và bài Tin Mừng nói lên lời loan báo đó đã thành hiện thực nhờ Chúa Giêsu. Quả vậy, tiên tri Isaia loan báo:
“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.” Is 35, 6
Trong bài Tin Mừng ta thấy anh bại liệt đã vác chõng của mình về nhà. Hơn thế nữa, trong những trang Tin Mừng khác, ta thấy người câm nói được, người mù được thấy, và Chúa ví Chúa là nguồn nước trường sinh.
Như thế, thời mong đợi đã đến và đã đến hơn 2000 năm. Chúng ta đang sống vào một thời mà nhiều người trông đợi. Quả vậy Chúa nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13, 16-17).
Nhưng rồi chúng ta cảm thấy gì? Dường như trong thời này vẫn đầy dẫy những vấn đề, và xem ra không khá hơn những thời trước: Vẫn đói khát, nghèo nàn, bệnh tật, gian dối, mất phương hướng nơi phần đông nhân loại, đạo cũng như đời.
Vấn đề nằm ở đâu?
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta hiểu về “thời hi vọng” như thế nào. Nếu chúng ta hiểu mọi người trong thời hi vọng tự động có một cuộc sống tinh thần cũng như vật chất tốt hơn mà không cần cố gắng hay chọn lựa gì, thì e rằng chúng ta sẽ thất vọng thôi; chỉ cần nhìn ra xã hội chúng ta sẽ thấy, xã hội chúng ta không khá hơn thời tiên tri Isaia!
Nhưng nếu chúng ta hiểu “thời hi vọng” như một con đường mới đã mở ra, và mỗi người cần nhận ra, cần “từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày” để cất bước và dấn thân, chúng ta sẽ không thất vọng. Cỗ bàn đã sẵn mà khách dự tiệc không đến dự thì cũng chịu thôi. Con đường Chúa đã chỉ, mà nhân loại không tin không thực hành thì cũng chịu thôi.
Như vậy, mặc dù Chúa đã giáng sinh hơn 2000 năm, nhưng đối với một số người, chúng ta cũng có có thể nói Chúa vẫn chưa Giáng Sinh, Chúa và đường lối Chúa vẫn còn xa lạ. Nói cách khác, Chúa Giáng Sinh trong lòng mình mới là điều đáng kể, thời hi vọng phải diễn ra trong tâm hồn và trong từng chọn lựa của tôi mới là điều đáng kể.
Mùa đợi trông hay mùa hi vọng đã đến, nhưng không đến giống như mùa đông hay mùa xuân đến. Các mùa đến thì con người tự động ở trong mùa đó. Còn mùa hồng ân đến, mùa đợi trông đến, không tự động như vậy, nếu tôi không biết chủ động và tích cực cộng tác, tôi sẽ vẫn cứ đứng ngoài.
Khi hiểu như thế, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” Mt 6, 33. Chúa đã chỉ ra sự nghịch lý này: Nước Chúa hay mùa hồng ân đã đến nhưng mỗi người phải tìm, và coi việc tìm như một ưu tiên trước nhất. Chỉ khi với một ưu tiên tìm kiếm như thế, chúng ta mới có thể sống trong thời hồng ân mà bao ngôn sứ đã từng mong đợi.
Uyên Thi, SJ.