Được gặp gỡ một nhân vật quan trọng là niềm mơ ước của bao người. Được bắt tay một nguyên thủ quốc gia hay trò chuyện với Đức Giáo Hoàng là điều hãnh diện vô cùng. Nhất là được kết bạn với một hoàng đế lại càng hạnh phúc dường nào. Nói chung về mặt tâm lý, con người có nhu cầu được tôn trọng và khẳng định bản thân mình. Ai đó cho rằng bạn nói cho tôi bạn đang chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn là người như thế nào. Nếu bạn đang kết thân với người nổi tiếng, có lẽ bạn cũng là người vị vọng. Nếu bạn có tương quan tốt với hoàng đế nào đó, hẳn là nhiều người cũng cho bạn là người thế giá. Khi đó, bạn cũng được “hưởng lây” hào quang của vị vua ấy.
Chút chia sẻ dưới đây, tôi muốn đề cập đến một vị vua khác, không phải ông vua trần thế. Chắc ai cũng đoán ra, chúng ta đang nói về vị vua Giêsu. Ngài là vua của các vua, vua vũ trụ. Nói như thế vì chính Đức Giêsu là Đấng từ trời xuống. Ngài có toàn quyền trên trời cũng như dưới đất. “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta” (x. Mt 28,16-20). Chúng ta gọi ngài là Vua, vì Ngài nắm quyền sinh tử của mỗi người. Ngài có vương quốc là Thiên Đàng, có ngai vàng là vinh quang bên hữu Chúa Cha, Ngài ban hành luật pháp là những giới luật yêu thương. Nhưng trên hết, chúng ta phải kể đến đặc tính nổi trội của vị vua này: Ngài đã chết và sống lại vì tôi và bạn.
Nếu đọc Tin Mừng Chúa Nhật cuối cùng trong các năm phụng vụ[1], chúng ta sẽ gặp một vị vua như thế. Số là từ tối ngày thứ Năm tuần thánh chịu nhiều đau khổ, Đức Giêsu bị treo lên cây thập giá vào chiều ngày thứ Sáu. Trên cây thập giá nhiều người vẫn ví như là ngai vàng của vua Giêsu. Điều này đúng, vì vua Giêsu luôn gắn liền với thập giá. Bởi nói như Thánh Cyrille ở Giêrusalem: “Thiên Chúa đã giang tay trên thập giá để ôm lấy hết giới hạn của thế giới.” (Youcat 101). Nếu có mặt dưới chân thập giá vào buổi chiều hôm đó, chúng ta cũng bắt gặp những người lính nhạo cười thách thức Giêsu: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi! Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái.” (Lc 23,35-43). Về mặt chính trị, Đức Giêsu hẳn nhiên không phải là vua của người Do Thái; nhưng về mặt đức tin, trong chương trình cứu độ, Đức Giêsu là vua không chỉ của người Do Thái, nhưng là vua của muôn người.
Phân cảnh tiếp theo trong thước phim của buổi chiều thứ Sáu Tuần Thánh là câu chuyện của anh trộm lành. Trộm cướp là xấu xa, chứ sao lại tốt lành? Sở dĩ tốt lành, vì anh trộm này đã sám hối vào phút cuối đời. Anh bắt gặp ánh mắt của vị Vua Giêsu. Nơi tử tù này, anh ta thấy điều gì đó là lạ. Từ trực giác này, anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Đây là lời van nài rất lạ, bởi ông ta làm sao biết được vương quốc của Đức Giêsu. Dẫu sao lời cầu xin này đã rất phổ biến trong thời đại của chúng ta. Thực vậy, nếu ai ưa thích cầu nguyện theo hình thức Taizé, chúng ta gặp được câu này: “Jesus, remember me when you come into your kingdom!” Phải chăng mỗi người chúng ta vẫn cần lời cầu xin này. Lý do là vì Đức Giêsu đã từng nhận lời của anh trộm này, thì Ngài cũng chấp nhận lời cầu xin của tôi: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43).
Chúng ta không biết chính xác Thiên Đàng ở chỗ nào trên hành tinh này! Nhiều người cho rằng: “Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn”. Tôi thích cách định nghĩa của nhiều nhà thần học: “Thiên đàng là nơi có Thiên Chúa, địa ngục là nơi vắng bóng Thiên Chúa.” Theo định nghĩa này, những ai kết thân với vua Giêsu, người ấy cũng đang được chung chia niềm hạnh phúc thiên đàng. Hơn nữa, vua Giêsu luôn ở với con người. Ngài luôn gần gũi và muốn kết bạn với từng người. Vua Giêsu cũng luôn tìm cách để đưa con người vào Nước Thiên Đàng. Hoặc nói như Thánh Gioan Kim Khẩu: “Người ta mất địa đàng, nhưng đã được Thiên đàng, vì vậy được nhiều hơn mất.”
Vua Giêsu đang chờ chúng ta ở trên Thiên Đàng. Nhiều bạn đưa tay hỏi: “vậy Thiên Đàng ở đâu ạ?” Dưới đây là vài định nghĩa giúp chúng ta biết được vua Giêsu đang ở đâu:
Tôi xin trích ở đây vài định nghĩa để chúng ta cùng suy nghĩ và cầu nguyện:
– “Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối cao và vĩnh viễn. Những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên thần và các Thánh.” (Sách Toát yếu Giáo Lý Công giáo, câu 209).
– Thần học gia người Pháp, François Fénelon tin rằng: “Muốn tất cả những gì Chúa muốn, và muốn như thế luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và không ngập ngừng, đó là Nước Trời đang ở trong ta vậy.” (YouCat 283).
– “Nước Trời không là một khái niệm trừu tượng, một học thuyết giáo lý hay một kế hoạch xa rời thực tế, nhưng trước hết và trên hết là một ngôi vị sống động với khuôn mặt và tên gọi là Giêsu Nazarét; đó là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.”[2]
– Hoặc có lần Chúa Giêsu nói: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38). Vậy Thiên Đàng là nơi linh hồn chúng ta sống vĩnh hằng với Thiên Chúa.
Bạn đọc thân mến,
Chúng ta không mất gì khi kết bạn với Đức Giêsu. Chúng ta cũng không phải vất vả quá nhiều khi theo vua Giêsu. Tôi nhớ có lần Đức Giáo Hoàng thay mặt Giáo hội chia sẻ với các bạn trẻ rằng: “Các con hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần, cầu xin Thiên Chúa, mỗi ngày để không ngừng kinh nghiệm một cách mới mẻ sứ điệp cao cả này là: Thiên Chúa yêu thương các con, Đức Kitô là cứu Chúa của các con. Người đang sống. Các con không mất gì cả. Đức Kitô có thể thay đổi cuộc đời các con, Người có thể soi sáng cho các con và ban cho các con một con đường tốt hơn. Người không lấy của các con một điều gì; trái lại, Người giúp các con tìm thấy tất cả những gì các con cần bằng một cách tốt nhất.” (x. Christus Vivit 130-131). Thật may mắn cho chúng ta có được vị vua rất gần gũi và dễ thương như thế! Vua Giêsu yêu bạn và tôi, bởi căn tính của Ngài là tình yêu.
Theo lời mời gọi trên, các bạn trẻ ơi, chúng ta đang có một thần tượng rất tốt, đó là vua Giêsu. Ước gì mỗi người chúng ta cho Thiên Chúa, cho vua Giêsu bước vào cuộc đời của mình. Cứ để cho Ngài tham gia vào những kế hoạch, những quyết định của mỗi người. Đây là sự thật: Thiên Chúa yêu và muốn chúng ta hạnh phúc; nghĩa là chúng ta được vào Nước Trời. Mong thay sau một cuộc đời vất vả bôn ba, chúng ta được Thiên Chúa đón vào miền đất của bình an và không còn đau khổ. Nơi đó vị vua Giêsu vẫn chờ đợi chúng ta. Mặt khác, chính lúc này cũng là lúc vua Giêsu ở cùng bạn và tôi. Ngài muốn kết bạn và muốn mỗi người trẻ nên người môn đệ (x. Ga 15,15), trở nên “người thân” của Chúa Giêsu (Mt 12,46-50). Đó là may mắn và là cơ hội cho mỗi người.
Trong tâm tình đó, chúng ta can đảm thưa với Thiên Chúa rằng[3]:
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu :
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy
trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa. Amen
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
….
[1] Chẳng hạn năm nay C: Lc 23,35-43.
[2] X. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 13-15; Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, [25 -12 2005], 1.
[3] Lời nguyện của Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ, trong Rabbouni.