Suy tư Chúa Nhật 30TNA: Cứ yêu trước đi rồi hãy làm gì thì làm

Nhiều bạn trẻ than phiền với tôi rằng: “Cha ơi, sao con thấy ở trong Giáo hội nhiều luật lệ quá. Giáo hội cấm đoán điều này, ngăn chặn điều kia. Nhiều lúc con cảm thấy mệt mỏi quá.” Tôi chia sẻ nỗi lòng với những bạn cảm thấy luật lệ như là gánh nặng. Tuy nhiên tôi xin bảo vệ Giáo hội một chút.

Mẹ Giáo hội luôn muốn con cái mình được hạnh phúc và bình an. Mục đích của luật lệ không phải ràng buộc con người vào một khối đá nặng nề. Ngược lại, luật giúp chúng ta tự do và là phương tiện để chúng ta đặt được hạnh phúc. Ví dụ không được giết người, không được ăn cắp, hoặc không được bỏ lễ ngày Chúa Nhật, vốn hướng bạn trở nên người tốt và nên con cái của Chúa.

Nếu bạn cảm thấy nhiều lệ luật quá, thì Giáo hội chỉ xin bạn giữ duy chỉ một luật lệ này thôi: tình yêu.

Nếu mở Tin mừng Chúa nhật 30 thường niên A hôm nay, bạn thấy Thiên Chúa duy chỉ mời gọi chúng ta chu toàn luật của tình yêu. Số là các giới chức Do Thái muốn hỏi quan điểm của Đức Giêsu về giới răn nào là trọng nhất? Đạo Do Thái có đến 613 điều răn khác nhau, trong đó có 365 điều luật cấm. Trong núi luật lệ như thế, thử hỏi đâu là điều răn quan trọng nhất. Đức Giêsu trả lời rất rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” Đó là điều răn quan trọng nhất. Tuy nhiên, điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Thực ra hai điều răn này tóm lại trong luật của tình yêu.

Tình yêu cũng là đề tài muôn thuở gây cho chúng ta đau đầu nhức óc để sống và để hiểu. Đừng quên chúng ta không thể sống nếu không có tình yêu. Đó là nguồn năng lượng, là sức mạnh nội tại để chúng ta tồn tại trên cõi đời này. Nếu bạn không yêu chính mình, hẳn nhiên bạn không muốn sống. Nếu cha mẹ không yêu thương con cái, hẳn nhiên gia đình sẽ không tồn tại. Nếu bạn bè không yêu thương nhau, chắc chắn tương quan sẽ gây rạn nứt. Quốc gia không thể hiện tình bằng hữu, tương quan trong tình hữu nghị, chiến tranh luôn chực chờ. Trong lãnh vực tôn giáo thì sao?

Nếu bạn ở trong tình yêu, nghĩa là bạn được ở trong Thiên Chúa. Lý do đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Theo luận lý của thánh Gioan: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình.” (1 Ga 4,21). Chúng ta tin điều này: “Ai vì lòng yêu mến mà tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, người ấy cảm thấy luật lệ là món quà.” Trong trạng thái này, người ấy không cảm thấy sức nặng của luật lệ. Nếu để ý, chúng ta cũng thấy chính Đức Giêsu đã tóm gọn Mười Điều Răn vào tình yêu hoặc đức mến: mến Chúa, yêu người (Mc 12,30-31). Đây là điều răn mới mà Tân ước nói đến: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Giả như bạn nhớ và sống điều răn này, thì những luật lệ khác tự nhiên được thành toàn. Hoặc nói vui như Anthony de Mello, S.J:

  • Tu viện có những luật lệ, nhưng Minh Sư luôn luôn cảnh cáo đệ tử về sự câu nệ của luật lệ.
  • Ngài thường bảo: “Đức vâng lời giúp ta giữ luật. Tình yêu giúp ta biết rõ lúc nào phải phá luật.”

Có thể giải thích lời của Minh sư trên đây bằng câu danh ngôn của thánh Augustinô khuyên chúng ta: “Cứ yêu trước đi rồi hãy làm gì thì làm.” (ama et fac quod vis). Hẳn nhiên thánh Augustinô không khuyến khích chúng ta làm những điều lăng nhăng, phạm pháp. Tình yêu đích thực bao giờ cũng hướng về những điều cao cả. Chẳng hạn như  thánh Phaolô giải thích thật hay về tình yêu: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,4-7)

Luật tình yêu mà chúng ta đang bàn ở đây đã trở nên hình hài trong Đức Giêsu Kitô. Nếu theo tình yêu, nghĩa là chúng ta theo Đức Giêsu. Vì điều này mà Đức Bênêđictô XVI nhắn với mỗi người:  “Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa. Người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát.” (Deus caritas est số 1).

Để kết thúc chủ đề này, tôi mời gọi các bạn tiếp tục gặp gỡ Đức Giêsu. Cứ mạnh dạn hỏi Ngài về tình yêu. Không ai giải thích tình yêu hay và chính xác bằng Đức Giêsu. Ngài là tình yêu và là luật lệ quan trọng nhất, xứng đáng để ta tuân theo.

Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,

xin ban cho con

một thời để yêu và một thời để sống ;

để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,

để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

 Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý

và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.

Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,

và dám chết vì những điều mình ghét.

 

 Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống

để mỗi giây phút sống

con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.

Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu

để từng giây phút yêu,

con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.

 

 Cuối cùng,

xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một :

để sống là yêu và yêu là sống,

vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống

cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen[1].

  Lm Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Trích lại từ RABBOUNI, Lời nguyện 041

Kiểm tra tương tự

Nhân văn, Cơ hội, Đam mê, Đồng cảm

  Xin chúc mừng người bạn của Thinking Faith, Christine Allen của CAFOD, người đã …

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …