Suy Tư Chúa Nhật III Mùa Chay: Thiên Chúa và những cuộc lật nhào giá trị

Các bạn thân mến! Thông thường khi chúng ta nói đến Mùa Chay chúng ta hay nghĩ đến tâm tình ăn năn sám hối, cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Đây là những thực hành cụ thể của Mùa Chay. Tuy nhiên điều cần chú ý hơn trong việc sống tâm tình Mùa Chay đó chính là một cuộc hoán cải những giá trị ở chiều sâu. Nói cách khác đây là một lật nhào những giá trị của đức tin và luân lý.

 

Cuộc lật nhào những ngẫu tượng

Đối với người Do Thái cuộc vượt qua và Giao Ước Sinai vẫn là một dấu ấn in đậm và ảnh hưởng đối với đời sống tôn giáo, văn hóa và luân lý của họ.

Hành trình vượt qua của người Do Thái cũng lắm gian nan. Từ một dân tộc được Chúa yêu thương, tuyển chọn họ được Thiên Chúa đưa lên làm dân riêng để rồi lại bị trượt dài trong sự phản bội và quay lưng lại với giao ước. Oái oăm thay, ngay lúc Mô-sê lên núi nhận Giới Luật của Thiên Chúa thì dân Do Thái lại đúc Bò Vàng để tôn thờ chúng. Dường như kinh nghiệm về lòng thương xót và sự giải thoát của Thiên Chúa chưa đủ sâu cho nên họ lại trở về với lối sống cũ. Họ tìm kiếm Bò Vàng, họ tôn thờ ngẫu tượng. Và họ coi đây là vị thần có quyền năng tuyệt đối. Mô-sê đã lật nhào những thứ ngẫu tượng này. Thiên Chúa đã lật nhào niềm tin giả hiệu của họ bằng việc ký kết với họ một giao ước. Mười Điều Răn vừa là dấu chỉ lật nhào những gì trị cũ vừa là con đường sống đối với dân Israel. Đây cũng là dấu chỉ chứng tỏ tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Dẫu con người có nhiều lần gục ngã, Thiên Chúa vẫn chờ đợi con người nhận ra tình yêu, hoán cải trở về với Ngài. Hành trình vượt qua sa mạc là hành trình thử thách đức tin vào lòng trung tín. Ngược lại với sự vô tín và tình trạng bất trung của con người, Thiên Chúa luôn trung tín và Ngài mời gọi bạn và tôi luôn sống trung thành với Ngài qua việc trở về với Giao Ước thuở ban đầu.

 

Cuộc lật nhào giữa cái vinh và cái nhục, khôn ngoan và khờ dại

Trong kinh nghiệm cá nhân của mình, Phao-lô đã bị lật nhào về giá trị, nhận thức và đức tin. Ông là người đã bách hại đạo mới vì quá nhiệt thành với truyền thống của Do Thái Giáo. Biến cố ngã ngựa nơi Damas đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Người mà trước đây ông tìm cách bắt lại là người khai sáng cho ông, giúp cho ông thoát khỏi sự mù lòa và tăm tối. Khởi từ kinh nghiệm hoán cải cá nhân, Phao-lô đã nhận ra một cuộc lật nhào những giá trị. Chính Đức Ki-tô đã thay đổi cái nhìn của bạn và tôi về sự khôn ngoan và khờ dại. “Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”[1] Người Hy Lạp không tin vào sự sống lại. Người Do Thái coi kẻ bị chết trên thập giá là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.[2] Những kẻ được Thiên Chúa kêu gọi tin rằng Đức Ki-tô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Linh Thao, Thánh Ignatius mời gọi mỗi thao viên chiêm niệm sự khôn ngoan và điên rồ của Thiên Chúa. Vì đâu Đấng Tạo Hóa là Chúa tôi lại sẵn sàng chịu chết trên Thập Giá. Suy xét về bản tính Thiên Chúa ẩn mình trong khi chấp nhận để cho nhân tính chịu đau khổ.[3] Phải chăng đây là sự điên rồ của Thiên Chúa. “Ngài chấp nhận trở nên khó nghèo để lấy cái nghèo của anh em và làm cho anh em trở nên giàu có.”[4] Bạn và tôi hãy chọn lựa cái được và cái mất ở đời này làm tiêu chuẩn sống và hạnh phúc. Nếu tôi có được điều này thì tôi sẽ hạnh phúc. Nếu tôi không có được điều này thì tôi sẽ không hạnh phúc. Tuy nhiên Chúa Giê-su không chọn cái được và cái mất như cách bạn và tôi vẫn quen làm nhưng Ngài chỉ cho bạn và tôi thấy rằng hạnh phúc không hệ tại ở cái có và cái được nhưng hệ tại ở sự gắn bó hay tách lìa. Rất may cho bạn và tôi trong khi chúng ta chọn cái được và cái mất theo kiểu thế gian, chọn sự tách lìa làm hạnh phúc thì Đức Ki-tô lại làm ngược lại. Ngài chấp nhận đánh mất chính mình để làm cho bạn và tôi lại được gắn bó với Thiên Chúa.      

 

Cuộc lật nhào trước quyền lực thống trị của cái chết và sự sống

Với người Do Thái, đền thờ là nơi thánh thiêng và là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Thế nhưng giá trị thánh thiêng đó đã bị tục hóa. Thay vì người ta đem những giá trị của đền thờ và tôn giáo vào cuộc sống thì người ta lại đem những giá trị của thế gian vào đền thờ. Người ta lấy giá trị thế tục để thay thế cho sự thánh thiêng. Kết quả là giá trị thánh thiêng và trần thế đã bị đảo lộn. Đền thờ trở thành một nơi “hỗn độn” và vô trật tự. “Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”[5] Nếu bạn để ý bạn sẽ thấy rằng Chúa Giê-su bước vào đền thờ, Ngài thấy tình trạng hỗn độn trong đền thờ. Ngài lật nhào và phán: “Hãy đem tất cả những thứ này khỏi đây.” Đức Giê-su lật nhào những cái mà con người muốn đem vào đền thờ. Vậy nếu bạn thử tượng tượng đền thờ đó là chính cung thánh nội tâm của bạn, khi Ngài bước vào cung thánh nội tâm ấy Ngài sẽ làm gì. Bạn có chấp nhận cho Chúa lật nhào những giá trị đã bén rễ sâu, thâm căn cố đế trong tâm hồn, trong trái tim, trong gia đình, trong giáo xứ, trong đoàn thể của bạn không. Nếu như Lucifer trước kia muốn lật đổ Thiên Chúa, Adam và Eve muốn lật đổ trật tự của Thiên Chúa bằng sự kiêu ngạo và bất tuân phục thì nay Chúa Giê-su lại lật ngược giá trị đó bằng sự vâng phục và sự khiêm nhường thẳm sâu đến độ người ta cho rằng Ngài là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa và bỏ rơi. Chính Chúa Giê-su hôm nay bước vào đền thờ là thế giới này, là tâm hồn mỗi người để lật nhào, để phá hủy, để biến đổi, để trao lại cho thế gian, trao lại cho tâm hồn bạn và tôi bộ mặt mới. Nếu như Adam và Eva bước ra khỏi tình trạng tươi đẹp và trật tự của Vườn Địa Đàng để đi vào sự hỗn mang thì Đức Ki-tô bước từ sự hỗn mang do hậu quả của tội gây ra để thiết lập lại tật tự mới. Đành rằng cuộc lật nhào giá trị của Đức Ki-tô không luôn mang lại sự dễ chịu nhưng lại giúp cho bạn và tôi bước vào tình trạng mới hơn, tự do hơn, bình an hơn.

Các bạn thân mến! Mùa Chay là thời gian trở về với cõi sâu thẳm của lòng mình, là thời gian đổi mới tương quan với Chúa và với nhau, là thời gian chấp nhận những cuộc lật nhào những giá trị cũ kỹ nhờ việc bước đi và tham dự vào tình yêu tự hủy và vô điều kiện của Chúa Ki-tô. Đây chính là điều mà thánh Phao-lô mời gọi: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.”[6]         

Duy Anh, S.J

[1] 1 Cr 1, 22-25

[2] Dnl 21, 23; Gl 3, 13

[3] Lt 196

[4] 2 Cr 8, 9

[5] Ga 2, 13-16

[6] Rm 6, 8

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …