Khi muốn biết về ai đó, chúng ta tìm đến lý lịch, giao phả và những điều liên quan đến cuộc sống của người ấy. Những thông tin về cá nhân sẽ vén mở cho ta biết, người ấy là ai. Các thánh sử Tin Mừng dùng những chương mở đầu để giới thiệu, và đề cập đến những điều liên quan đến gốc gác và giao phả của Đức Giê-su.
Một cách độc đáo, truyền thống của Giáo Hội cử hành Mừng Chúa Giáng Sinh với ba thánh lễ, và muốn giới thiệu cho chúng ta mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh với ba bài Tin Mừng.[1]
Thánh sử Luca kể một câu chuyện cảm động và gần gũi, mô tả chi tiết về cuộc hạ sinh Chúa Con tại Bê-lem.[2] Ngài hiện thân trong một hài nhi yếu đuối, mong manh, không có khả năng tự vệ, và có hoàn cảnh nghèo nàn, lệ thuộc vào Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Qua Hài Nhi này, Thiên Chúa đến gần con người. Ngài trở thành một người trong chúng ta. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng vẻ ngoài của Hài Nhi Giê-su, chúng ta có thể bị cám dỗ chỉ dừng lại ở đây và hài lòng với những đụng chạm cảm xúc bên ngoài của mầu nhiệm Giáng Sinh!
Không chỉ dừng lại ở đó, trong bài Tin Mừng hôm nay,[3] thánh sử Gio-an mời gọi chúng ta ngước nhìn lên Chúa Con, Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng đã có từ lúc khởi đầu – Ngôi Lời đến từ Chúa Cha. Ngài là Ánh Sáng đầy tràn ân sủng và sự thật.
Những lời mở đầu này của thánh Gio-an giúp chúng ta hiểu biết về Đức Giê-su một cách sâu sắc hơn. Thánh sử Gio-an nói về nguồn gốc bất diệt sâu xa của Đức Giê-su, và giới thiệu chủ đề bao trùm của Tin Mừng này, là Ngôi Lời: Đấng “từ khởi đầu là Thiên Chúa… đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”[4]
Ngôi Lời đã trở nên người phàm[5]. Đây là một tuyên bố gây sốc. Theo cái nhìn nhị nguyên của người Hy Lạp, họ cho rằng mọi vật chất đều xấu xa. Từ xác phàm là một từ tiêu cực, nó mô tả một thực tế phàm tục. Từ này nhấn mạnh đến những điều về xác thịt, hơn là điều thiêng liêng. Trong Tân Ước, từ này thường được dùng để đối lập với từ thánh thiêng. Cho nên, người Hy Lạp không dám nghĩ đến và không thể chấp nhận việc Thiên Chúa nhập thể, trở thành người như chúng ta.
Nhưng Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con yêu dấu của Ngài trở nên người phàm, và cư ngụ[6] giữa chúng ta. Khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người lớn đến nỗi không thể bắc cầu.[7] Tuy nhiên, Thiên Chúa bắc cầu với thế giới này trong tình yêu, để đối thoại với con người. Người đã trở nên nên một với chúng ta, và tự nguyện chịu chết trên thập giá, để „bất cứ ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ngài đã biến chính mình thành chiếc cầu nối. Nếu xưa kia, Thiên Chúa đã cư ngụ giữa dân của Ngài trong đền thờ và lều tạm,[8] thì giờ đây, Ngài ở giữa chúng ta, trong thân thể Đức Giê-su.
Bài Tin Mừng hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta chiêm ngắm Ngôi Lời hằng hữu, mà còn tỏ lộ cho chúng ta bí mật: „Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”(câu 12). Những lời này là tin vui cho chúng ta: Ngôi Lời sẽ „sinh ra” trong tâm hồn những ai mở lòng ra đón nhận Người. Nói một cách khác, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên „mẹ” của Ngôi Lời, để Chúa Con được sinh ra trong tâm hồn mình.
Thông điệp trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Ngài muốn gặp chúng ta. Ngài muốn đối thoại với chúng ta. Ngài muốn bước vào cuộc sống của chúng ta. Cho nên, Ngôi Lời đã tự nguyện trở nên xác phàm, để Thiên Chúa đến gần con người, và cho con người được nhận biết Ngài.
Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ đơn sơ và nhận ra tình yêu thiêng liêng, mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Những tia sáng chiếu soi trong đêm Giáng Sinh sưởi ấm tâm hồn và mời gọi chúng ta lên đường bước đi với Con Thiên Chúa trên những nẻo đường bình an. Chúng ta cần phải học cách đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh với Mẹ Ma-ri-a, trong tinh thần khiêm tốn, quảng đại, tin tưởng và đối thoại với Thiên Chúa – để mầu nhiệm nhập thể tiếp tục diễn ra trong mỗi ngày sống của mình. Cụ thể, qua mỗi chọn lựa và quyết định, hãy để Ý của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc đời tôi.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Thứ nhất, thánh lễ ban đêm ngày 24/12 (Lc 2,1-14); thứ hai, thánh lễ rạng đông ngày 25/12 (Lc 2,15-20); và thứ ba, thánh lễ ban ngày 25/12 (Ga 1,1-18). Theo truyền thống từ thời Trung Cổ, mừng Chúa Giáng Sinh với ba thánh lễ (lễ đêm, lễ rạng đông và lễ ban ngày), tượng trưng cho ba lần sinh ra của Ngôi Lời. Lần thứ nhất, Ngôi Lời được sinh ra từ Cha. Lần thứ hai, Ngôi Lời được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Lần thứ ba, là lần sinh ra trong tâm hồn các tín hữu – những người tin và đón nhận Ngôi Lời.
[2] Đức Giê-su ra đời. Những người chăn chiên đến viếng thăm (Lc 2,1-20).
[3] Tin Mừng Thánh Lễ Giáng Sinh Ban Ngày (Ga 1,1-18).
[4] Trong phần mở đầu của Tin Mừng theo thánh Gio-an, câu 14 là câu trọng tâm. Những câu trước đó, từ câu 1 đến câu13, là những câu chuẩn bị và dẫn dắt đến điều muốn nói; những câu sau đó từ câu 15 đến câu 18), là phần mở rộng thêm về điều quan trọng trước đó.
[5] tiếng Hy Lạp σὰρξ (sarx) = xác phàm, xác thịt.
[6] động từ tiếng Hy Lạp ἐσκήνωσεν (eskénosen) = cư ngụ, dựng lều.
[7] Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được. (Lc 16,26)
[8] Từ eskénosen = cư ngụ, dựng lều. Từ này người Do Thái thường sử dụng, nhất là trong thời gian họ lang thang trong đồng vắng, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho dân Israel xây dựng nhà tạm – một chiếc lều đẹp đẽ được dùng làm biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa họ (Xh 25-27) – và là tiền thân của đền thờ ở Giê-ru-sa-lem.