Tin mừng Thánh Maccô hôm nay thuật lại bài nói chuyện của Chúa Giêsu dành cho nhóm các kinh sư. Sau khi nghe thấy việc Chúa chữa lành bệnh, trừ quỷ cho nhiều người, và dân chúng đi theo Ngài quá đông, thì các kinh sư cũng từ Giêrusalem theo xuống Galilê với Ngài. Họ đi theo không nhằm mục đích học hỏi, nhưng để theo dõi những việc Ngài làm. Và nhân dịp Chúa chữa một người đàn ông bị quỷ ám (Mt 12,22-32), thì họ cáo buộc Ngài đã thoả thuận với các thần ô uế, và đã dựa thế của ma quỷ mà trừ quỷ!
Chúa Giêsu đã gọi các kinh sư đến và vạch trần ý đồ của họ. Chúng ta hãy cùng lắng nghe và quan sát cách Chúa Giêsu phản biện lại lời cáo buộc của các kinh sư dành cho Ngài.
Thứ nhất, nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền, nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. (Mc 3, 24-25). Ngạn ngữ xưa có câu: đoàn kết là sức mạnh. Kinh nghiệm này vẫn hợp thời để soi chiếu vào thực tế mà các kinh sư đang bày ra để lên án Chúa Giêsu, cho rằng Ngài bị quỷ vương Bêendêbun ám, và Ngài dựa vào thế quỷ vương mà trừ quỷ. Chẳng lẽ ma quỷ lại chống lại chúng, và tự làm suy yếu chính mình? Điều này thật điên rồ và phi lý hết sức. Chúa Giêsu đã rất thẳng thắn dùng lời khôn ngoan để các kinh sư nhận ra tác hại của sự chia rẽ và phân mảnh.
Thứ hai, Xatan đã đến ngày tận số. Chúa Giêsu dùng chính luận điệu cáo buộc mà các kinh sư dành cho Ngài để tiên báo về ngày tận số của Xatan: Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại được. Không những vậy, Chúa còn xác quyết về quyền năng của Thiên Chúa vượt trên năng lực của sự dữ: Xatan hiện hữu và đi vào cuộc sống con người để gieo chia rẽ, giết chóc và huỷ diệt. Chúng là “kẻ mạnh”, làm xáo trộn cuộc sống và tâm hồn con người bằng những cám dỗ và sa ngã. Nhưng chính Chúa cũng chưa bao giờ vắng bóng bên cạnh những ai kêu cầu Ngài. Ngài cũng đi vào cuộc sống con người và làm ngược lại những gì Xatan đang làm: dùng tình yêu, sự hiệp nhất, và quyền năng từ trời mà “trói kẻ mạnh ấy”, quăng chúng ra ngoài, tiêu diệt sự dữ đang hoành hành nơi con cái Ngài.
Và thứ ba, ai nói phạm đến Thánh Thần, thì không được tha, và mắc tội muôn đời. Thế nào là tội phạm đến Thánh Thần? Theo chú giải của nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, thì tội phạm đến Thánh Thần được cắt nghĩa là việc “gán cho thần ô uế một hành động mà Thiên Chúa thực hiện. Cố ý gán ý đồ xấu cho các hành động tốt của người khác, của Giáo Hội hay các nhóm khác là nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần”. Chúa nói rất thẳng và rất mạnh như vậy để thức tỉnh hành động sai trái của các kinh sư. Vì đang khi hành động như vậy, các ông đóng kín tâm trí và cõi lòng mình lại, không còn khả năng sinh hoa trái của Thần Khí, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. Các ông từ chối sống theo sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần. (Gl 5,22-23).
Suy Tư
Trong thế giới chuyển động nhanh như hiện nay, con người dễ dàng tiếp cận những thông tin về người khác một cách mau lẹ và chi tiết. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự hiểu biết đủ và chính xác đòi hỏi sự phân định theo Thần Khí. Ta có thể bắt đầu bằng những câu hỏi:
- Thần Khí nào đang dẫn dắt tôi, làm cho tôi được gần Chúa, gần anh chị em mình? Nếu có, thì đó là Thần Khí thật.
- Còn Thần Khí nào hướng dẫn tôi chống lại Chúa Giêsu, chia rẽ tôi với anh chị em mình? Và nếu có, thì đó là Thần Khí Giả.
- Và đâu là những điều con người đang làm để loại trừ Xatan ra khỏi cuộc sống mình?
- Tôi có chú tâm lắng nghe tiếng Chúa nói hằng ngày với tôi qua lương tâm, và qua Lời của Ngài trong các cử hành phụng vụ và Bí tích không?
Một điều khác cũng đáng để suy tư, đó là tương quan giữa con người ngày hôm nay dường như bị giới hạn rất nhiều. Người với người có khoảng cách khá xa do mỗi người thường tập trung xây những bức tường thay vì những cây cầu. Những bức tường cao sừng sững đó là cái tôi, và những bức tường ấy lại quá chật hẹp vì tâm hồn đóng kín, muốn loại trừ và gây chia rẽ. Như những kinh sư nhắm mắt phớt lờ sự thật Chúa Giêsu là Đấng Mêssia, và cố chấp hiểu sai về Ngài, chúng ta cũng nhiều lần trong cuộc sống cố tình hiểu sai, và giải thích sai về những việc tốt đẹp của anh chị em mình, vì sự ghen tỵ và lòng thù hận. Điều này đi ngược lại với Thần Khí sự thật.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa cho các kinh sư thấy mối nguy hiểm của sự chia rẽ, dù điều đó xảy ra giữa thế lực của ma quỷ: Chia rẽ gây xáo trộn, bất ổn, và làm suy giảm chất lượng trong mọi tương quan và mục tiêu cuộc sống.
Xin cho chúng con luôn biết sống theo Thần Khí sự thật để sinh hoa trái hiệp nhất và yêu thương.
Và xin cho chúng con luôn biết khám phá và thực thi Lời Chúa, Lời Chân Thật, sẽ đẩy lùi bóng tối của những ác ý, huỷ diệt và chết chóc. Lời sẽ liên kết chúng con nên một trong đức tin, lòng cậy trông và yêu mến. Nhờ đó, chúng con không còn ghen tỵ và tranh giành ảnh hưởng của nhau, nhưng sống bằng tình thân với nhau trong Chúa, trong cùng một mái nhà của Ngài. Amen.
Quỳnh Thoại, CĐM