Tương Phản và Biến Chuyển (Bài chia sẻ Đêm Vọng Phục Sinh 2012)

Franz Peter Schubert, nhà soạn nhạc người Áo sống vào đầu thế kỷ XX, có viết một câu đại ý như sau: “Khi tôi muốn hát về tình yêu thì tình yêu thành đau khổ. Khi tôi muốn hát về đau khổ thì đau khổ biến thành tình yêu đối với tôi”.

Câu đó cho thấy dường như có một mối liên hệ mật thiết giữa tình yêu và đau khổ. Đây là hai thực tại của kinh nghiệm nhân sinh có vẻ tương phản với nhau nhưng lại rất gần nhau và biến chuyển lẫn nhau. Nét đẹp trong sáng của tình yêu dường như không thể thiếu gam sẫm của buồn đau. Những trái tim nhạy cảm dễ yêu thương thì cũng dễ đau. Ngược lại, kinh nghiệm đêm tối của đau khổ nếu được sống với tình yêu thì lại trở nên sáng ngời.

Có thể nói, tương phản và biến chuyển là hai chủ đề của Thánh Lễ Đêm Vọng Phục Sinh hôm nay.

Đêm nay hội tụ cách cao độ sự hiện diện của những tương phản. Trước hết, đó là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, được cử hành cách biểu trưng qua nghi thức thắp nến Phục Sinh. Trong Thánh Lễ đêm nay, lửa được dùng cách đặc biệt hơn bao giờ hết. Nghịch lý thay, đêm này lại là đêm sáng rực rỡ hơn cả ban ngày, như bài Exsultet có ghi:

Này là đêm mà sách thánh đã ghi:
“Là đêm rực rỡ sáng như bình minh:
đêm mà ánh sáng soi cho ta biết bao cảm mến sướng vui.”

Thứ đến, đêm nay còn nêu bật sự tương phản giữa tội của con người và ân phúc của Thiên Chúa.  Cả hai hoà quyện lại trong đêm nay để có thể được gọi tên bằng một khái niệm nghịch lý: “tội hồng phúc”. Cũng là những lời ca của bài Exsultet:

Ôi cần thiết thay,
tội Adam, tội đã được tẩy xóa
chính nhờ sự chết Chúa Ki-tô!
Ôi tội hồng phúc, đã ban cho chúng ta Đấng cứu chuộc rất cao sang

Đêm nay còn là đêm của sự tương phản giữa cái chết và sự sống, giữa tình yêu và đau khổ.

Các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ đêm nay, như một phác thảo về lịch sử toàn nhân loại, lịch sử dân Israel và lịch sử đức tin Kitô giáo, cũng nói lên sự tương phản và biến chuyển. Bài trích sách Sáng Thế (St 1,1-2,2) trình bày sự tương phản và biến chuyển giữa hỗn mang và trật tự, giữa không và có. Bài trích sách Xuất Hành (Xh 14,15-15,1a) kể về sự biến chuyển giữa Ai Cập và Đất Hữa, giữa nô lệ và tự do. Bài trích sách ngôn sứ Êdêkien (Ed 36,16-17a.18-28) loan báo về sự biến chuyển giữa quả tim bằng đá và quả tim bằng thịt. Bài trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (Rm 6,3-11) nói về sự biến chuyển giữa sự chết và sự sống diễn ra nơi nước thanh tẩy của Đức Kitô.

Như thế, lịch sử được kể lại đêm nay là lịch sử của sự biến chuyển giữa các thực tại tương phản. Nhân loại như đã và đang trải nghiệm một cuộc vượt qua toàn diện. Đó là đặc tính của đêm nay, khoảnh khắc qui tóm và kết tinh lịch sử của toàn nhân loại.

Đêm nay, chúng ta hiện diện nơi đây để cử hành mầu nhiệm của sự biến chuyển đó, nơi một Đấng. Chính Đức Kitô mang trong mình những tương phản: Ngài vô tội nhưng bị kết án là tội nhân, Ngài là Chủ Tể sự sống mà lại chết cách tức tưởi, Ngài là Đấng cứu dân, nhưng bị chính dân mình nguyền rủa, khinh khi và nộp cho dân ngoại đem đi giết. Ngài chấp nhận để cho những tương phản đó hiện diện nơi mình để có thể khởi động cuộc Biến Chuyển Lớn – Cuộc Vượt Qua Mới vĩ đại từ tội lỗi và sự chết sang Sự Sống.

Trở lại với ngôn từ của Schubert: Ngài là Đấng đã hát về Tình Yêu, dù phải chịu đau khổ;  Ngài đã chịu đau khổ trong khi vẫn cất cao tiếng hát của Tình Yêu, để biến đau khổ thành hy vọng và cái chết thành Sức Sống mới. Ngài hát về Tình Yêu bằng chính sự vật vã trong Vườn Dầu, bằng chính cái chết trên Thập Giá.

Đêm nay chúng ta hiện diện nơi đây còn là để sống những tương phản và biến chuyển nơi chính cuộc đời mình. Mỗi người chúng ta đều kinh nghiệm những gam màu tối của cuộc sống. Hơn ai hết, mỗi người biết rằng cuộc sống còn đó những ngổn ngang, những đau khổ của kiếp nhân sinh, những chật vật của vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Không ít lần chúng ta tự hỏi Chúa đã phục sinh sao mình còn đau khổ, vất vả.

Nhưng cũng hơn ai hết, mỗi người chúng ta đều ít nhiều cảm nghiệm cách trực giác một thứ ánh sáng diệu kỳ của hy vọng và niềm tin. Đó là lý do chúng ta thức dậy mỗi sáng, làm những việc mình phải làm hay thích làm; đó là lý do chúng ta hiện diện ở đây đêm nay. Cũng vậy, bài Phúc Âm (Mc 16,1-8) có kết cục dường như bi quan: không có cảnh Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra huy hoàng, chỉ là hiện tượng ngôi mộ trống và các bà bỏ chay sợ hãi. Nhưng ngôi mộ trống thực ra đã là dấu chỉ của hy vọng và của sự sống mới. Một cuộc hẹn mới ở Galilê đã diễn ra.

Đức Kitô Phục Sinh đến với chúng ta cũng qua những dấu chỉ và như một cuộc hẹn hò như thế. Đêm nay cho ta thấy Đức Kitô Phục Sinh không đến như trong một câu chuyện cổ tích. Ngài đến giữa những tương phản và như một sự biến chuyển những gam màu tối thành sáng. Từ nay, cuộc sống của chúng ta là hướng về một cuộc Hẹn Hò siêu vượt mọi nơi chốn. Mỗi người đều cảm thấy mình được Đức Kitô hẹn gặp ở đâu đó trong tương lai, dù chưa rõ tương lai đó là gì.

Chúng ta chỉ có thể gặp Đức Kitô Phục Sinh nếu can đảm chấp nhận những gam màu tương phản của cuộc sống và để cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu được diễn ra nơi cuộc đời mình, nếu như Chúa Giêsu, ca sĩ bất hủ, chúng ta biết cất cao tiếng hát tình yêu giữa đau khổ.

Đức Kitô đã Phục Sinh! Chúng ta hãy để niềm vui, sự sống mới của Ngài tràn ngập tâm hồn ta, xua tan những nghi ngại, ghen ghét, hận thù, sợ hãi. Niềm vui của Đức Kitô Phục Sinh không đưa ta vào thế giới cổ tích, hoang tưởng, không cất mọi ngổn ngang khỏi cuộc sống, nhưng cho chúng ta sức mạnh và can đảm, hy vọng và tình yêu để có thể làm biến chuyển những đau khổ thành sự sống mới. Vẫn theo lời của bài ca Exsultet:

Vì thế sự thánh thiện của đêm nay xua đuổi hết tội khiên,
tẩy sạch vết nhơ, người có tội được sạch trong,
kẻ ưu phiền được sướng vui hân hoan;
Này là đêm, phá tan hận thù oán ghét,
mang lại hòa thuận, yêu thương khuất phục mọi quyền bính thế gian.
Amen.

Đêm Vọng Phục Sinh 2012
Lm. Nguyễn Hai Tính, SJ

 

Kiểm tra tương tự

Ngày Lễ Các Thánh: Lời nhắc về niềm hy vọng

Tất cả những tin xấu cũng không thể ngăn cản ân sủng và lòng thương …

Trả lại Halloween cho trẻ em

Hãy trả lại Halloween cho bọn trẻ và giữ ngày này khỏi nỗi sợ hãi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *