Tại sao các nhà truyền giáo Dòng Tên đến với Đất Việt (8)

Nguyên do cuộc truyền giáo của Dòng Tên tại đất Việt, mà trước hết chỉ tại vương quốc Đàng Trong mà thôi, lý do đầu tiên là do cuộc bắt đạo ở Nhật. Điều này cũng có một hệ quả phụ, là trong suốt thời gian đầu trước khi bị giải thể, tức là Dòng Tên trước năm 1773, công tác truyền giáo trên hai miền nam bắc nước Việt, đều trực thuộc Tỉnh Dòng Nhật Bản, với văn phòng giám tỉnh tại Macao.

Gợi ý đầu tiên xuất phát từ thuyền trưởng người Bồ Đào Nha là ông Fernao da Costa. Ông là người đầu tiên bắt liên hệ buôn bán với Chúa Nguyễn ở miền nam. Đó là năm 1614. Có lẽ lúc đó Chúa Nguyễn muốn giao thương với người Bồ, để xây dựng lực lượng của mình còn non yếu so với Chúa Trịnh ở miền bắc. Ông và các người Bồ đã đưa tin về người Việt tới cha bề trên Dòng Tên lúc đó, rằng đây là miền đất rất tốt, rằng người dân miền đất này rất sẵn lòng đón nhận đức tin. Các vị ghi nhận rằng: người Việt lễ độ, hiếu khách, tin vào lẽ phải và hoàn toàn không bài ngoại. Ở Macao lúc đó có 73 tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật, tất cả các vị ấy đến Macao năm 1614. Ngoài ra có sẵn 48 vị đang ở đó.

Ở Hải Phố, Hội An, có một cộng đoàn người Nhật. Cộng đoàn này được phép tự quản cũng như trực thuộc quyền nhà chúa Nguyễn. Đây là một vùng đất trong thành phố do chính quyền chỉ định dành cho các thương gia ngoại quốc như Nhật, Trung Quốc, về sau cả Bồ Đào Nha nữa khi họ tạm trú trong thời gian chờ đợi tàu. Trong số những người Nhật tại đây, có nhiều tín hữu Kitô, nhất là những người phải chạy trốn cuộc bắt đạo cũng như những người sẵn sàng đón nhận giáo huấn mới và muốn vào đạo. Thế là Hải Phố, Hội An có thể dùng làm đầu cầu để vào Việt Nam.  

Ba thừa sai Dòng Tên đầu tiên được sai tới Đất Việt. Đó là linh mục Francesco Buzomi, linh mục Diego de Carvalho, và tu huynh Antonio Diaz. Cha Buzomi là người Ý, hai vị còn lại là người Bồ. Cả ba vị đều từng ở Nhật. Ngoài ra còn có thêm hai giáo lý viên người Nhật. Sau 12 ngày đêm, các vị tới Cửa Hàn ngày 18.01.1615. Đầu tiên họ trao đổi với người Việt qua trung gian thông ngôn của các tín hữu người Nhật. Nhưng các tín hữu này chỉ hiểu và nói được những câu quan trọng cho việc buôn bán của người Bồ mà thôi.

Xảy ra chuyện thế này. Khi rửa tội cho ai, các linh mục Bồ Đào Nha tin vào các thông dịch viên, nhưng các thông dịch viên này lại hỏi các tân tòng rằng: anh chị có muốn trở thành người Bồ không? Lần kia, cha Buzomi đã chột dạ thức tỉnh về điều này, khi cha xem một lần diễn kịch, người ta kéo một hình người nộm nhỏ từ trong bụng một hình nộm lớn khoác áo người Bồ Đào Nha ra, rồi lại đẩy hình nộm nhỏ ấy trở lại vào bụng hình người nộm lớn. Người ta vừa làm động tác đó vừa hỏi: anh chị có muốn vào trong bụng của người Bồ không? Cha Buzomi tuy chưa thông hiểu tiếng Việt, nhưng sực nhớ đây đúng là câu nói mà người thông dịch vẫn hỏi tân tòng, và từ đó cha cẩn thận nhắc nhở các thông dịch viên hãy dịch cho đúng. Thực ra trước đó, cha Buzomi đã hồ nghi rồi, khi cha nhận thấy các tân tòng chẳng hiểu gì lẽ đạo cả. Và lần ấy, màn hài kịch đã cho ngài hiểu rõ nguyên nhân.

Mục tiêu đầu tiên của các tu sĩ mới tới chỉ là chăm sóc phần thiêng liêng cho các tín hữn Nhật Bản. Họ cũng mang hy vọng là từ Hải Phố, Hội An, có thể tìm được chuyến tàu để trở lại Nhật Bản, chứ từ Macao thì đành chịu. Đồng thời lúc ấy, các vị cũng muốn tìm hiểu tại chỗ về tình hình địa phương, nếu có được cơ hội truyền giáo ở Việt Nam thì càng tốt. Cha Carvalho thì bắt tay ngay vào việc đi thăm mục vụ các tín hữu Nhật trong vùng, vì từ lâu họ đã không có dịp gặp linh mục. Còn cha Buzomi thì quan tâm trước hết tới việc tìm hiểu văn hóa tổng quát và cách sống của người dân địa phương.

Tại Cửa Hàn, họ dựng được một nhà nguyện và rửa tội cho 10 tân tòng vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1615. Trong số này có cậu thiếu niên tên là Augustino, về sau cậu giúp đỡ các linh mục và cậu trở thành thầy giảng đầu tiên. Từ Cửa Hàn, họ đi tới Thanh Chiêm, cách Hội An 7 km về hướng tây, là nơi có dinh quan trấn thủ. Nhờ kiến thức thiên văn của mình, cha Buzomi đã làm quen được với vị quan này. Quan cho phép các cha dựng trong thành phố một nhà thờ, và rồi cho phép dựng nhà riêng nữa. Nhà riêng này do một bà quý tộc giàu có tặng, bà có tên thánh là Gioana. Trong thời gian đầu này, cha Buzomi là linh hồn và động lực của cuộc truyền giáo.

Năm 1651, trong bản tường trình về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong, viết bằng tiếng Latinh, cha Đắc Lộ khen ngợi cha Buzomi rằng: Vì cha ấy là người đầu tiên của Dòng chúng tôi đã đóng góp bao nhiêu công sức khó nhọc cho vườn nho này, và cha ấy dọn đường cho các anh em về sau, những người mà cho tới lúc đó vẫn không ngừng làm việc ở đây. Cha ấy không ngừng lắng lo cho vườn nho, cả khi cha ấy bị lưu đầy phải lang thang lo việc đức tin trong các quốc gia lân cận là Champa và Campuchia. Cha Đắc Lộ cho biết thêm rằng, các chúa hồi đó rất kính nể Buzomi. Mỗi khi nghe cha ấy nói, họ không thể phản bác được các lý lẽ của cha. Các tín hữu hết lòng kính trọng vì các đức tính của cha ấy.

Các phần trước:
Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)
Đàng Ngoài – Đàng Trong, vài nét về văn hóa tôn giáo (7)
Phần tiếp theo:

Người Việt muốn đón nhận đức tin và những thành công bước đầu (9)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *