Tại sao nam và nữ lại khó giao tiếp với nhau?

Hẳn là một sai lầm lớn nếu cho rằng nam và nữ suy nghĩ giống nhau. Trong bộ phim My Fair Lady nhân vật Henry Higgins than thở rằng: “Tại sao phụ nữ không thể giống đàn ông hơn nhỉ?”, một lời than phiền không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, sai lầm của ông là không nhận ra rằng khi giao tiếp, nam giới và nữ giới bổ trợ cho nhau chứ không giống nhau.

 

Nam giới và nữ giới có cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Ảnh: Canva

 

Cơ sở sinh học cho sự khác biệt này là callosum, một bó dây thần kinh gồm hàng trăm triệu sợi dây thần kinh. Đây là tập hợp chất trắng lớn nhất trong não và nó đóng vai trò như một cầu nối hoặc đường dẫn kết nối bán cầu não phải và bán cầu não trái. Bằng cách phân tích hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) của 949 người từ 8 đến 22 tuổi, các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania đã phát hiện ra rằng não bộ nam giới có nhiều kết nối hơn trong mỗi bán cầu, trong khi não bộ nữ giới có nhiều kết nối hơn giữa các bán cầu.

 

Điều này có nghĩa là não bộ người nữ sử dụng tốt cả hai bán cầu não nên phụ nữ phù hợp hơn cho làm nhiều việc cùng một lúc. Do đó, nữ giới thường có các trung tâm ngôn ngữ ở cả hai bên não. Não bộ của họ được cho là có tính đối xứng hai bên nhiều hơn so với não bộ của nam giới, những người chỉ có các trung tâm ngôn ngữ ở bán cầu não trái. Nói cách khác, do có ít sợi thần kinh callosum hơn so với não bộ nữ giới, nên não bộ nam giới chuyên biệt hơn và phù hợp hơn với xử lý không gian và tốc độ cảm giác vận động. Trong khi đó, não bộ nữ giới, ngoài khả năng thực hiện nhiều việc cùng một lúc, còn phù hợp hơn với sự chú ý, ghi nhớ từ vựng và khả năng ngôn ngữ. Nói một cách đơn giản, não bộ nam và nữ được cấu tạo khác nhau. Điều này có thể sẽ dẫn đến những khó khăn trong giao tiếp.

 

Do callosum hoạt động khác nhau ở nam và nữ, nên nam giới có xu hướng suy nghĩ mọi thứ từng bước một, trong khi nữ giới, những người liên tục sử dụng cả hai bán cầu não, có thể suy nghĩ nhiều thứ cùng một lúc. Xu hướng này được gọi là “trực giác phụ nữ”. Ngược lại, nam giới thường bị cho là “đãng trí”.

 

Sự khác biệt trong cấu trúc não bộ dẫn tới những khác biệt trong giao tiếp giữa nam và nữ. Ảnh: Canva

 

Sau đây là một ví dụ thú vị của một cặp vợ chồng. Người chồng thường làm vợ thức giấc bởi tiếng ngáy của mình. Thế nên cả hai đã tham khảo ý kiến một chuyên gia trị chứng ngáy ngủ. Người vợ được hướng dẫn là kêu chồng lật người nằm sấp mỗi khi ông ấy bắt đầu ngáy. Chẳng bao lâu sau, khi người chồng bắt đầu ngáy, người vợ nói với chồng “nằm sấp xuống” (turn on your stomach). Bà vợ tưởng rằng, sau tất cả những gì họ đã trải qua, ông chồng sẽ hiểu tín hiệu này và nhanh chóng lật người nằm sấp xuống. Thế nhưng, ông chồng không hiểu ý người vợ. Ông ấy tách hướng dẫn của bà vợ ra khỏi bối cảnh sống của họ và nghĩ rằng bà vợ bảo mình kích hoạt bao tử như cách người ta mở radio (turn on the radio). Bà vợ trở nên giận dữ và không thể tin được rằng chồng mình lại có thể chậm hiểu đến vậy.

 

Tối hôm sau, họ đi dự tiệc. Tại đây, bà vợ hỏi tất cả những người đàn ông có mặt tại đó xem họ hiểu cụm từ “turn on your stomach” nghĩa là gì. Rất ngạc nhiên, họ trả lời giống như ông chồng. Điều này khiến bà nhận ra rằng chồng bà không cố tình ương bướng mà đơn giản là ông ấy đang phản ứng theo cách của đàn ông. Có lẽ, bà bắt đầu hiểu rằng đàn ông và phụ nữ xử lý thông tin theo những cách khác nhau, và điều này dẫn đến những vấn đề trong giao tiếp.

 

Dựa trên dữ liệu sinh học về sự khác biệt giữa bộ não nam và nữ, chúng ta có thể rút ra hai điều. Thứ nhất, đó là ta nên kiên nhẫn và không phán xét người khác. Thứ hai là ta cần hiểu điều người khác nói trong bối cảnh và cách thức xử lý thông tin của họ. 

 

 

Đàn ông có xu hướng suy nghĩ về một thứ tại một thời điểm. Điều này phù hợp với tư duy logic vốn đòi hỏi khả năng tập trung. Phụ nữ có xu hướng thêm một cái gì đó vào những gì họ nghe được. Ví dụ, nếu một người đàn ông hỏi “Tối nay ăn gì?” thì đó là tất cả những gì ông ấy muốn biết. Thế nhưng phụ nữ sẽ nghĩ về câu hỏi của ông ấy và hỏi “Ông có đói không?”, “Ông có muốn ăn ngay bây giờ không?”, “Ông không thấy tôi đang bận à?”, “Sao ông không thử tự làm bữa tối cho mình đi?”. Người chồng tội nghiệp “chết đứng” trước một loạt câu hỏi có vẻ như chẳng liên quan gì với câu hỏi của ông ta. Mặt khác, khi người vợ hỏi người chồng xem ông ta nghĩ gì về giấy dán tường trong căn hộ của người hàng xóm họ mà họ vừa mới đến thăm, ông ấy có thể sẽ nói “Tôi không để ý”. Đàn ông có xu hướng dừng lại trong bán cầu não trái, trong khi đó, phụ nữ lại thoải mái sử dụng cả hai bán cầu não cùng một lúc.

 

Sẽ là vô ích nếu cho rằng những khó khăn trong giao tiếp giữa nam và nữ là do xã hội điều kiện hóa. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên não bộ trẻ sơ sinh khi chưa bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội cho thấy, sự khác biệt về cơ bản là tự nhiên, sinh học và thực tế.

 

Lisa Sergio đã viết một cuốn sách có tựa đề “Jesus and Woman” (tạm dịch: Chúa Giêsu và phụ nữ). Đây là thành quả nghiên cứu về sự khác biệt trong cách Chúa Giêsu đáp lại với phụ nữ và đàn ông. Với phụ nữ, sự đáp lại đó là “trong tầm”, nghĩa là chạm đến trái tim họ và mời gọi họ thực thi sứ mệnh cá nhân. Còn với đàn ông, sự đáp lại đó là “ngoài tầm”, nghĩa là giao phó cho họ một sứ mệnh rộng lớn hơn và mời gọi họ mở rộng sứ mệnh đó đến bốn phương trời. Bằng cách giao phó những sứ mệnh khác nhau cho phụ nữ và đàn ông, Chúa Giêsu khẳng định sự khác biệt cá nhân giữa họ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cách tiếp cận khác nhau của Ngài đối với nam và nữ lại phù hợp với những gì khoa học ngày nay cho chúng ta biết về cấu trúc của não bộ.

 

Tác giả: Dr. Donald Demarco
Người dịch: Lê Minh
Nguồn: Catholic Exchange

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …