Tâm sự với cha I-nhã


5 – Paris và nhóm thân hữu (1528-1535)

Tôi hỏi tiếp:  “Thế là cha đi Paris. Cha bắt đầu có ý lập cộng đoàn từ lúc nào?”           

Cha I-nhã trả lời: “Hồi ở Barcelona, khi suy xét có nên học hành và học trong thời gian bao lâu, cha cũng nghĩ đến vấn đề là sau khi học xong, cha nên đi tu hay đi khắp thiên hạ?  Lúc suy tư về đời tu, cha thường nghĩ đến một dòng nào suy đồi, chưa cải tổ để được gặp nhiều thử thách.  Cha nhất mực tin rằng Chúa cũng sẽ cho cha đủ nghị lực để chịu đựng mọi sỉ nhục và xúc phạm sẽ gặp phải.  Suốt thời gian tại Salamanca, cha vẫn ao ước giúp đỡ các linh hồn. Và để làm việc đó, cha phải để tâm vào việc học hành đầy đủ hơn, đồng thời qui tụ thêm một số bạn bè cùng chí hướng.

Cha đến Paris và đi học tại trường Montague để học lại chương trình trung học, vì hồi trước cha đã học quá vội, thiếu căn bản.  Cha học chung với trẻ em theo phương pháp và chương trình áp dụng tại Paris.  Nửa năm sau, hết tiền cha phải ăn xin và rời nhà trọ.  Vừa đi ăn xin, vừa đi học, cha chẳng tiến bộ được trong việc học hành.  Khi bắt đầu đi học, cha lại bị thử thách như khi còn học tiểu học tại Barcelona.  Mỗi lần nghe giảng bài cha không thể tập trung được vì bị lo ra bởi các tư tưởng đạo đức.  Biết học như thế không có lợi ích bao nhiêu, cha tới gặp giáo sư và hứa sẽ không bao giờ bỏ một giờ học nào bao lâu còn kiếm được bánh mì ăn và nước uống đủ sống. Thấy cần phải có điều kiện tốt hơn, cha cố gắng hết sức đi tìm việc làm, chạy vạy nhờ vả khắp nơi.  Sau cùng, vì không tìm được việc gì, một tu sĩ góp ý kiến cho cha là mỗi năm đi tới xứ Flandres, ở lại đó hai tháng hoặc ít hơn, để quyên tiền sống suốt niên học.  Sau khi cầu nguyện, cha thấy giải pháp này hay.  Cha đi và mỗi năm đem về được một số tiền đủ để sống thanh bần.  Có năm cha đi sang Luân đôn và đem về được một số tiền kha khá.

Có đời sống tương đối ổn định, cha lại tiếp tục các cuộc đối thoại thiêng liêng hăng hái hơn trước.  Ðồng thời hướng dẫn linh thao cho các người bạn sinh viên ở trường Saint Barbe.  Về những người bạn ở Salamanca, cha cũng đã cố gắng tìm cách để đưa họ sang Paris, nhưng cuối cùng việc cũng không thành.  Lúc đó cha có ý duy trì nhóm người đã quyết tâm phụng vụ Thiên Chúa, nhưng không muốn tìm thêm người để tiện việc học hành.  Cha không hề kêu gọi lập một nhóm rồi mời người này người kia gia nhập.  Cha kết thân với từng người riêng rẽ và tiếp tục đều đặn gặp gỡ riêng từng người.  Mỗi sáng Chúa Nhật, cha và các bạn dự lễ chung.  Sau đó thì gặp gỡ chia sẻ.  Dần dần, có người bỏ, có người giữ.  Khoảng đầu năm 1534, cha và 6 người bạn cùng chí hướng liên kết với nhau thành một nhóm “bạn trong Chúa”: Phêrô Favre, Phanxicô Javier, Diego Laínez, Alfonso Salmerón, Nicholas Bobadilla, và Simão Rodrigues.”

Tôi hỏi người:  “Làm sao cha kết thân với họ?” 

Cha I-nhã trả lời: “Mỗi người Chúa gửi đến cho cha trong những hoàn cảnh khác nhau.  Năm 1529 cha đến ở trọ với hai bạn trẻ là Phêrô Favre và Phanxicô Javier, và hay nói chuyện thiêng liêng với họ.  Favre gốc nông dân ở Savoie nên đơn sơ và dễ mến.  Anh ta dạy kèm cho cha môn triết học.  Nhưng anh ta hay bị bệnh bối rối lương tâm, lần hồi cha từ từ giúp cho anh tìm được bình an.  Javier con nhà quý tộc lại giỏi nên cũng không thích tiếp cận với một anh sinh viên vừa già, tàn tật, lại hay bệnh hoạn.  Mấy năm sau, qua linh thao cha thuyết phục được hai bạn này quyết tâm phục vụ Thiên Chúa.  Trong các anh em đã làm linh thao, Javier cứng đầu nhất, nhưng khi đã mở lòng thì cũng là người nhiệt thành nhất.”

Tôi ngắt lời: “Con nghe nói lúc đầu Phanxicô Javier có nhiều thành kiến với cha.  Làm sao cha chinh phục được anh ta?” 

Cha I-nhã gật gù: “Thật ra cũng không trách anh ta được.  Dòng họ Loyola đã từng đem quân chiếm Navarra cho triều đình Castile, còn dòng họ Javier thì là quý tộc của Navarra.  Trong trận đánh ở Pamplona, dòng họ Javier đứng về phe người Pháp.  Người anh trai và mấy anh em họ của Phanxicô đã từng chạm trán với cha trong cuộc chiến.  Mấy tháng sau, quân Tây Ban Nha phản công, và gia đình Javier bị thất sủng ở Navarra.  Làm sao anh ta có cảm tình với cha được?

Thêm nữa, Phanxicô nuôi mộng công hầu khanh tướng.  Giao du với anh sinh viên già này thì có ích lợi gì.

Sau khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ, Phanxicô được bổ nhiệm làm phụ giảng ở đại học Beauvais, lại thêm cái mác quý tộc, nên phải chi tiêu nhiều.  Lương lậu không đủ nên đôi lúc túng thiếu, cha lại ngầm giúp đỡ.  Cha cũng hay nhắc nhở Phanxicô phải cẩn thận trong vấn đề giao du kẻo gặp những người “bề ngoài đạo đức trong lòng tà tâm” lường gạt.  Có lẽ vì cảm động trước chân tình của cha, hay bị mấy vố với các đồng nghiệp ở đại học, nên từ từ anh ta mở lòng.

Tôi hỏi tiếp:  “Còn những người khác, cha gặp họ trong hoàn cảnh nào?” 

Người trả lời:  “Năm 1533, sau khi cha tốt nghiệp triết học và có thể đi dạy kèm thì gặp hai bạn trẻ đến từ Acalá: Diego Laínez quê ở Almazán và Alfonso Salmerón quê ở Toledo.  Mấy người này có lẽ đã nghe biết về cha ở Acalá nên làm quen không khó khăn gì.  Laínez rất thông minh, còn Salmerón thì vui tươi hoạt bát, hai người là một cặp bài trùng. Mùa thu năm đó, Nicolás de Bobadilla quê ở Palencia lên Paris học.  Vì không bà con thân nhân, cha giúp anh ta kiếm được một chân dậy kèm để đủ tiền ăn học.  Rồi anh ta cũng đi họp nhóm vào Chủ Nhật.  Bobadilla tính tình bộc trực hay thích tranh cãi nên có nhiều người không ưa.  Còn Simão Rodrigues người Bồ Đào Nha thì đã lên Paris từ lâu, nhưng mãi về sau mới ghé vào nhóm. Anh chàng này thì im ỉm, nhưng cũng cứng đầu ra phết.

Lần lượt cha hướng dẫn từng người tập linh thao, khởi đầu là Phêrô Favre vào đầu năm 1534.  Còn Phanxicô Javier thì mãi đến cuối cùng mới chịu làm linh thao vào tháng 9.  Kết quả tất cả đều muốn theo Đức Kitô trong thanh bần và tận hiến để phục vụ tha nhân.  Trong những ngày được nghỉ học, nhóm trao đổi với nhau về Hội Thánh, về tương lai.  Dần dần một dự tính chung thành hình: tất cả sẽ làm linh mục và đi hành hương Giêrusalem.  Nhóm dự định sau khi các anh em hoàn tất việc học khoảng 3 năm sau (1537) sẽ cùng nhau đi Venezia và từ đó sẽ đến Giêrusalem, để làm việc ở Đất Thánh.  Nếu không đi được Giêrusalem nhóm sẽ chờ đợi một năm, rồi sẽ trở về Roma trình diện vị đại diện Chúa Kitô để Người sai chúng tôi làm việc những nơi Người nhận thấy Thiên Chúa sẽ được vinh quang hơn và các linh hồn được lợi ích hơn.

Quyết tâm và dự tính ấy được diễn tả qua lời cam kết tại Montmartre lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8.  Lúc đó nhóm chỉ mới có Favre là linh mục.  Nhóm “bạn trong Chúa”của cha có 7 người, kể cả cha, cam kết sống đơn sơ khó nghèo, khiết tịnh và đi hành hương Đất Thánh.  Năm đó (1534) cha được 43 tuổi, Favre và Javier 28, Bobadilla 25, Rodrigues 24, Laínez 22, và Salmerón mới 19 tuổi.   Mấy người bạn của cha, mỗi người một cá tính, thế nhưng tất cả đều có lòng nhiệt thành, hăng hái.”

Tôi hỏi tiếp:  “Sau đó thì sao?  Nhóm có thực hiện được ao ước của mình không?”   

Cha I-nhã kể tiếp:  “Hồi ở Paris, cha bị đau dạ dày trở lại.  Cứ mười lăm ngày cha lại đau và kéo dài suốt hơn một tiếng.  Có lần cha đau suốt mười sáu, mười bảy tiếng.  Bệnh tình trở nên càng ngày càng trầm trọng, không tìm được cách nào chữa trị, mặc dù đã thử nhiều cách.  Các y sĩ nói rằng chỉ có khí hậu ở quê nhà mới có thể giúp cha khỏi bệnh.  Các bạn cũng bảo như thế và khuyên cha về quê.  Cuối cùng cha chiều ý các bạn.  Vì có một số bạn gốc Tây Ban Nha cần giải quyết một số vấn đề gia đình nên cha tình nguyện về quê lo giùm và hẹn gặp các bạn ở Venezia để cùng đi Giêrusalem.  Cha rời Paris năm 1535, một mình cỡi ngựa về Tây Ban Nha.  Lo xong việc, cha tìm đường lên Venezia họp mặt với nhóm.  Đến Venezia, cha lo học cho xong thần học.

Sau khi cha rời Paris, Phêrô Favre làm trưởng nhóm.  Các bạn vẫn tiếp tục gặp thường xuyên và mỗi năm lập lại lời cam kết.  Lúc này nhóm có thêm ba người mới, tất cả là người Pháp.  Favre đã giúp họ làm linh thao và đưa họ vào nhóm: có hai linh mục là Claude Jay 30 tuổi người cùng quê Savoie và Paschase Bröet 35 tuổi quê ở Picardy.  Ngoài ra còn một chủng sinh quê ở Provence tên là Jean Codure 28 tuổi.

Vì có chiến tranh giữa Pháp và Tây Ban Nha, nên các bạn phải bắt đầu đi sớm hơn dự định.  Các bạn rời Paris, chia làm hai nhóm nhỏ về Venezia.  Để an toàn, khi đi qua vùng người Pháp thì các bạn nói tiếng Pháp sẽ trả lời dùm cho nhóm nếu có ai hỏi nhóm đi đâu, và khi qua vùng Tây Ban Nha kiểm soát thì những anh em nói tiếng Tây Ban Nha sẽ dẫn đường.  Nhờ vậy nên họ đến Venezia bình an vô sự.

Chúng tôi đã gặp lại nhau tại Venezia vào đầu năm 1537 và chia nhau giúp việc tại các nhà thương trong khi chờ đợi tàu đi Đất Thánh.  Hai tháng sau cha gửi các anh em lên đường đi Roma xin phép lành của Ðức Thánh Cha để đi Giêrusalem.  Sau khi trở về, ai chưa làm linh mục thì được chịu chức thánh.  Lễ thánh Gioan Tẩy Giả, ngày 24 tháng 7, cha được chịu chức linh mục cùng với Javier, Rodrigues, Bobadilla và Codure (Salmerón chưa đủ tuổi nên chịu chức sau). Mùa thu năm đó các bạn lần lượt dâng lễ mở tay.  Còn cha thì cha đợi.”

 

 

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *