Tạo lập mạng lưới nhằm đáp ứng tốt hơn sứ mạng của chúng ta

TẠO LẬP MẠNG LƯỚI NHẰM ĐÁP ỨNG TỐT HƠN

SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA

-CÁC MẠNG LƯỚI TÔNG ĐỒ XÃ HỘI TRONG DÒNG TÊN-

Các Điều phối viên xã hội của các Vùng

Tháng 5-2013

Giới thiệu

Tài liệu này đã được các Điều phối viên xã hội của các Vùng, cùng với Văn phòng Công bình xã hội và Sinh thái (The Secretariat for Social and Ecology), soạn thảo kỹ lưỡng trong suốt thời gian họp thường niên tại Rôma vào tháng Tư năm 2013. Đây là kết quả suy tư chung của chúng ta về những kinh nghiệm đa dạng trong các Vùng, và về một số tài liệu liên quan đến việc tạo lập mạng lưới xuất hiện vào những năm vừa qua.

Tài liệu này đặc biệt nhắm tới tất cả những người và những cơ sở (institutions) hoạt động trong lãnh vực tông đồ xã hội, bao gồm các Giêsu hữu, các giáo dân, những công việc xã hội của Dòng, và những tổ chức cộng tác với chúng ta. Chúng ta tin rằng tài liệu này có thể được dùng trong những buổi hội thảo về huấn luyện, và có thể cũng được đọc bởi những người có trách nhiệm đối với việc tạo lập những mạng lưới ở những cấp độ khác nhau. Hơn nữa, những nhóm khác, bên trong và bên ngoài Dòng, có thể tìm thấy nơi những trang tài liệu này những yếu tố có giá trị để phát triển các mạng lưới.

Bản văn này có mục đích đưa ra những yếu tố suy tư và những đề nghị thực tiễn, những điều sẽ giúp hướng đến sự phát triển các mạng lưới như một phương thế cung cấp một sự đáp ứng tốt hơn cho sứ mạng phổ quát của chúng ta ngày nay. Tài liệu này bắt đầu bằng việc giới thiệu một số tài liệu về việc tạo lập mạng lưới trong thời gian  từ trước đến nay gần đây. Sau đó, tài liệu này giải thích các lý do thúc đẩy chúng ta làm việc trong các mạng lưới, chỉ ra giá trị mà các mạng lưới có thể thêm vào cho các sứ vụ của chúng ta, đề cập đến những dạng mạng lưới khác nhau đã và đang được lập ra. Tài liệu này cũng lưu ý đến một số nhân tố cho sự vận hành của các mạng lưới và bàn về những khó khăn trong việc phát triển các mạng lưới. Tài liệu kết thúc với việc đưa ra một số đề nghị.

Một số dẫn đoạn tham khảo liên quan đến việc tạo lập mạng lưới từ trước đến nay

Tổng Hội 34 của Dòng Tên (năm 1995) đã nhấn mạnh việc cần thiết tạo lập các mạng lưới trong Dòng trong một bản văn rất ý nghĩa: “ Nhằm khai thác đầy đủ hơn những khả thể được trao cho chúng ta nhờ trở thành một thân thể quốc tế, các mạng lưới mở rộng ở cấp độ toàn cầu và khu vực phải được thành lập. Những mạng lưới về nhân sự và tổ chức như thế phải có khả năng nhắm đến những mối quan tâm toàn cầu ngang qua việc hỗ trợ, chia sẻ thông tin, lên kế hoạch và lượng giá, hoặc ngang qua việc thực hiện các dự án thường không dễ được tiến hành bên trong cơ cấu của một tỉnh dòng…Việc có sáng kiến và hỗ trợ cho những dạng mạng lưới khác nhau này phải có mặt ở mọi cấp độ trong Dòng” (Nghị quyết (NQ) 21, số (s) 14).

Kể từ đó, đã có nhiều nỗ lực được thực hiện trong Dòng nhằm tạo lập các mạng lưới này với rất nhiều sự quảng đại và sáng tạo trong những nỗ lực nhằm đáp ứng tốt hơn sứ mạng của chúng ta. Trong giai đoạn những năm này, hơn bao giờ hết, tông đồ xã hội tin rằng phạm vi các vấn đề gắn ở cấp độ địa phương nay thường xuyên được kết nối với những hiện tượng mang tính toàn cầu. Do đó, trong lãnh vực tông đồ này đang gia tăng một nhu cầu về việc phát triển những mạng lưới quốc tế có thể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất công trên thế giới.

Nỗ lực thực tiễn rộng khắp nhằm xây dựng những mạng lưới này được thực hiện song song với nỗ lực suy tư về tiến trình. Vì thế, vào năm 2002, Văn phòng Công bằng Xã hội (The Secretariat for Social Justice) dưới sự điều hành của cha Michael Czerny, SJ đã ấn hành tài liệu “Những chỉ dẫn cho việc tạo lập mạng lưới Tông đồ Xã hội Dòng Tên” (Directives for Networking in the Social Apostolate of the Society of Jesus). Văn bản này đưa ra một loạt các chỉ dẫn và đề xuất nhằm giúp phát triển các mạng lưới, và phần nhiều những chỉ dẫn và đề xuất này cho đến nay vẫn còn hữu ích.

Vài năm sau, vào năm 2008, Tổng Hội 35 đã ban hành một hướng dẫn tương tự: “Chúng ta khuyến khích sự lãnh đạo ở mọi cấp độ trong Dòng nhằm tìm kiếm những phương thế giúp xây dựng mạng lưới hiệu quả hơn giữa mọi việc tông đồ có liên hệ với Dòng Tên” (NQ. 6, s. 29a).New-Security-Networks

Về sau, vào năm 2012, một hội nghị đã được tổ chức ở  trường đại học Boston (Boston College -Hoa Kỳ) về việc tạo lập mạng lưới ở cấp độ quốc tế trong Dòng. Cả những tài liệu chuẩn bị và tài liệu cuối cùng[1] đều đem lại những lợi ích to lớn. Tất cả những tài liệu này đều được đưa ra để góp ý trên trang mạng điện tử cho sự kiện đó.[2]

Lý do phải hoạt động trong các mạng lưới? – Một bối cảnh mới

Tông đồ xã hội được thúc đẩy bởi ước ao chia sẻ cuộc sống của những người kém may mắn nhất, phục vụ và bảo vệ họ. Suốt vài thập niên qua, chúng ta đã học biết rằng sự hiện diện của chúng ta giữa người nghèo phải mong sao khích lệ họ trong tiến trình lớn lên của chính họ. Sự mạnh mẽ và tính khả tín của tông đồ xã hội phần lớn đến từ sự hiện diện tại chỗ và ngay lập tức của chúng ta nơi những khu vùng biên, ở nơi mà chúng ta kinh nghiệm sự loại trừ. Do đó, có một khuynh hướng dứt khoát cho việc dấn thân và dìm sâu trong tông đồ xã hội, vì những điều này cho thấy sự diễn tả về những khao khát của chúng ta để đồng hành với những con người và những cộng đồng cụ thể trong cuộc sống hằng ngày và trong những cuộc đấu tranh xã hội của họ.

Đồng thời, một trong những đích nhắm chủ chốt của chúng ta là thăng tiến công bình xã hội. Đó không chỉ là vấn đề về việc cố gắng cải thiện điều kiện sống của người dân nhưng còn là vấn đề nỗ lực thay đổi những cơ cấu sản sinh sự bất công, hầu cho những con người bị loại trừ có thể sống một cách độc lập và xứng với phẩm giá mà không phải dựa vào của bố thí và trợ giúp bác ái của kẻ khác.

Bối cảnh ngoại tại: toàn cầu hóa

Bối cảnh thăng tiến công bình của chúng ta đang trải qua những thay đổi to lớn trong vài thập niên gần đây. Hiện tượng mà chúng ta gọi là toàn cầu hóa giả thiết một sự kết nối liên tục giữa những năng động về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Giờ đây, những sự kiện địa phương có thể tạo ra tác động tức thì khắp thế giới. Đó là trường hợp của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, bắt đầu tại Hoa Kỳ nhưng dần dần đã ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đồng thời, nhiều hoàn cảnh địa phương chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng mang tính toàn cầu. Cùng những nguyên nhân toàn cầu có thể đưa đến nhiều diễn tả khác nhau ở địa phương. Một hiện tượng sản sinh những kết quả có lợi cho một phần của thế giới hay cho một bộ phận dân chúng có thể gây ra những xung đột và bạo lực ở một vài nơi khác. Có kẻ thắng và người thua. Ví dụ, điện thoại di động cung cấp sự thông tin liên lạc toàn cầu rộng khắp đang sinh lợi cho nhiều cộng đồng nghèo, tuy nhiên, chúng cũng khơi lên những cuộc xung đột ở miền đông nước Congo, nơi là nguồn của COLTAN, một loại quặng kim được sử dụng trong việc chế tạo điện thoại di động.

Những đặc điểm như thế của thời đại chúng ta khiến cho bối cảnh địa phương trở nên thiếu sót trong hiểu biết và đương đầu với những nguyên nhân căn bản của bất công. Chúng ta cần chú ý hơn đến những chiều kích mang tính khu vực và quốc tế rộng lớn hơn. Tông đồ xã hội đang kinh nghiệm thực tế này với một sự khẩn trương đặc biệt, bởi vì cuộc sống hằng ngày của người dân trong những cộng đồng nghèo khổ nhất, nơi chúng ta làm việc, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng mang tính toàn cầu.

Bối cảnh nội tại: sự cộng tác liên lãnh vực và quốc tế

Dòng Tên có trong tay những điều kiện cần thiết để hoạt động trong bối cảnh mới này. Dòng có một sự đa dạng to lớn về những công việc khác nhau tại nhiều nước, tất cả đều chia sẻ cùng một sứ mạng và cùng một cung cách hành xử, dựa trên cùng một linh đạo. Do đó, Dòng Tên là một thân thể, đặc biệt Dòng có nhiều nguồn lực để hoạt động trong bối cảnh toàn cầu hóa mà chúng ta đã nói đến. Dòng Tên có nhiều cơ sở ở cấp địa phương; Dòng nắm giữ các phương tiện truyền thông có khả năng vượt qua những rào cản về địa lý; và Dòng có những lý do tốt đẹp để theo đuổi việc hành động phối hợp ở cấp độ quốc tế. Trong trường hợp của tông đồ xã hội, những động cơ cho việc thực hiện các hoạt động chung đặc biệt có tính thuyết phục.

Chúng ta không chỉ có những điều kiện cho hoạt động chung, nhưng còn có nhu cầu cho hoạt động chung này. Tạo lập mạng lưới là điều cần thiết trước nhất để hiểu đầy đủ hơn về thực tại, vốn là điều có thể hiểu ngang qua những nghiên cứu có tính quốc tế và liên ngành. Chúng ta có thể nói về các hiện tượng như di dân, sinh thái, hoặc khai khoáng và tác động của những hiện tượng này trên những người nghèo nhất, tuy nhiên, ngay lập tức chúng ta ý thức việc giải thích những hiện tượng xảy đến đòi hỏi đi vào thực tế, nghiên cứu học thuật, và tiếp cận từ các ngành khoa học xã hội và kinh tế – và tất cả những điều này được thực hiện từ quan điểm quốc tế. Lý do thứ hai của việc cần tạo lập mạng lưới là vì những thực hành tốt nhất đều bị phân tán. Không phải tất cả mọi cơ sở đều được chuẩn bị như nhau ở mỗi phạm vi, và do đó các cơ sở này có thể học hỏi lẫn nhau. Lý do thứ ba của việc cần cộng tác là nhu cầu biện hộ (advocacy). Thăng tiến công bình liên quan đến việc định hình quan điểm chung và ảnh hưởng  đến lãnh vực quyền lực, là lãnh vực đưa ra những quyết định quan trọng và thường bị tách xa khỏi người dân, những người chịu thiệt hại từ những hậu quả của các quyết định này. Ví dụ, trường hợp những công ty khổng lồ đa quốc gia vi phạm các quyền con người ở những nước phía Nam có thể chỉ chịu tác động ở những nước phía Bắc hay trước các tổ chức quốc tế.

Rõ ràng sự cộng tác liên lãnh vực và quốc tế cần thiết để tiến hành các nghiên cứu, học hỏi về những thực hành tốt nhất, và để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Tông đồ xã hội đã xác định các trường đại học như là những cộng tác viên hoặc những đồng minh một cách đặc biệt thích hợp cho việc thực hiện sứ mạng chung là thăng tiến công bình.

Sự cộng tác liên lãnh vực và quốc tế đến từ đòi hỏi của bối cảnh bên ngoài là toàn cầu hóa và chính bối cảnh bên trong Dòng giờ đây cũng đang được diễn ra nhờ sự phát triển của các mạng lưới. Chúng ta tin rằng các mạng lưới cho phép chúng ta đáp ứng những điều kiện mới của sứ mạng, trong khi đồng thời tôn trọng quyền tự quản của các cơ sở và duy trì mối liên lạc của chúng ta với các thực thể địa phương, một sự liên lạc cung cấp cho chúng ta tính khả tín và sự nuôi dưỡng thiêng liêng cho cam kết của chúng ta dành cho công bình.

BiB-Social-Networking-Articlesocial

Vẫn có những phương cách khác để đáp ứng những điều kiện mới trong sứ mạng của chúng ta. Ví dụ, những yếu tố khác tạo ra những tổ chức theo kiểu thứ bậc phụ thuộc vào các tổ chức địa phương. Điều này cho phép sự sắp xếp dễ dãi hơn về những tổ chức địa phương. Tuy nhiên, chúng ta không nói đến đường lối đó. Chúng ta lựa chọn các mạng lưới bởi vì dường như chúng thích ứng hơn với những điều kiện của Dòng. Vì vậy cho nên chúng ta có thể nói rằng các mạng lưới không phải là một kết thúc bên trong chúng hay chỉ là một sự thích thú nhất thời; đúng hơn, các mạng lưới là một phương tiện thuận lợi cho việc cộng tác mang tính đoàn thể của chúng ta, với tư cách là Dòng Tên.

Quan niệm về việc tạo lập mạng lưới trong Dòng Tên

Cách chung, chúng ta có thể nói rằng một mạng lưới là một cấu trúc tương thông theo chiều ngang, nối kết sự đa dạng của những yếu tố địa phương, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho sự cộng tác giữa các yếu tố địa phương. Định nghĩa mở rộng và phần nào mập mờ này cho phép chúng ta hiểu về hầu hết những sự cộng tác theo chiều ngang trong Dòng.

Cụ thể hơn, việc tạo lập mạng lưới trong Dòng Tên là một cách thế làm việc, sử dụng sự cộng tác có tính khu vực và quốc tế của những tổ chức địa phương – hoặc của những mắc xích – nhằm đưa ra một sự đáp ứng chung trước những thách đố tông đồ có tính khu vực hay quốc tế mà không thể được đáp ứng bởi những tổ chức này khi chúng hành động riêng rẽ. Định nghĩa thứ hai với nhiều hoài bão này nhấn mạnh sự thống nhất về hành động, về khả năng để hoạt động ở cấp độ khu vực và quốc tế, và nhấn mạnh về sự tăng cường mức độ đáp ứng. Chúng ta dành những trang này cho định nghĩa vừa nói đến.

Việc tạo lập mạng lưới trong Dòng và linh đạo I-nhã

Chúng ta có thể quan sát những đặc tính nhất định phù hợp với các mạng lưới được khởi hứng bởi linh đạo I-nhã. Trong bài Chiêm niệm về Nhập thể (trong Linh thao – ND), khi Ba Ngôi Chí Thánh nhìn thấy sự khốn khổ của thế giới và động lòng thương thế giới ấy thì phản ứng của Ba Ngôi là: “Nào chúng ta hãy hành động để cứu thế giới.” Chúng ta được mời gọi tham dự vào trọn vẹn hoạt động cứu độ thế giới đó và mục đích của chúng ta là giúp con người được sống và sống dồi dào.

Nếu chúng ta phải nghiêm túc suy xét về những hậu quả của sự dấn thân này hôm nay, điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải nhìn xa hơn những biên cương hạn hẹp của các công việc của chúng ta và của những bối cảnh địa phương, của tỉnh dòng và quốc gia của chúng ta. Những vấn đề về công bình đang được quyết định ở cấp độ toàn cầu, cấp độ mà chúng ta phải nhắm tạo ảnh hưởng, ngay cả khi chỉ bằng một cách thức giản dị nhất. Các mạng lưới của chúng ta được bén rễ trong viễn tượng phổ quát này, là điều xuyên suốt qua bài Chiêm niệm về Nhập thể, nền tảng của linh đạo I-nhã.

Các mạng lưới đòi buộc chúng ta dấn thân vào việc đối thoại để mở lòng ra trước những  hình thức công việc khác và trước những cách nhận thức về thực tại khác. Các mạng lưới đòi chúng ta phải suy xét về các chân lý người khác đang nắm giữ, thừa nhận những lý lẽ của các chân lý này và biến chúng thành những chân lý của chúng ta. Sự cởi mở với những cái khác này và sự gỡ mình ra khỏi cái tôi là một thực hành mang đậm nét I-nhã.

Các mạng lưới lần lượt đòi chúng ta thực hành sự quảng đạisự tin cậy, bởi vì các trách nhiệm được chung vai gánh vác cùng với những người khác. Các mạng lưới này yêu cầu chúng ta cho đi điều chúng ta có thể không nhất thiết phải thu được bất kỳ lợi ích trực tiếp nào về cho tổ chức. Chương trình làm việc chung được lập ra nhằm phục vụ người khác, và các nguồn lực, nguồn nhân sự, và cả lòng hăng say đều dành cho người khác. Đây là cách thức thực hành sự quảng đại. Các mạng lưới cũng yêu cầu chúng ta tin tưởng vào người dân, những người khác biệt chúng ta về ngôn ngữ, về cách thức làm việc, và về các quan niệm.

Sự tin tưởng như thế giúp chúng ta hiểu rõ hơn nguyên tắc bổ trợ và cho phép mỗi tổ chức nhận định ở cấp độ địa phương làm thế nào để tổ chức mình có thể đóng góp tốt nhất, tùy vào bối cảnh và hoàn cảnh nội bộ của tổ chức đó.

Sự quảng đại và sự tin cậy cũng giúp cho việc gỡ ra khỏi quyền lực và nhận ra rằng quyền lực phải dựa trên sự đồng thuận vào hoạt động theo chiều ngang hơn. Chúng ta không nên đòi hỏi những lợi ích cụ thể hoặc chương trình làm việc tỉ mỉ. Điều phải tìm kiếm trước hết là sức thuyết phục của sự thật và việc theo đuổi công ích.

Trong việc tạo lập mạng lưới, cung cách hành xử luôn có tính tham gia ngang qua việc lắng nghe nhau, qua việc nhận định cầu nguyện chung, và qua việc linh hoạt đón nhận Thần Khí là Đấng khai mở những khoảng không nhờ vào chính mạng lưới được tạo ra. Công việc cùng với nhau tạo lập mạng lưới như thế với sự trợ giúp của Thần Khí là điều phát sinh tinh thần đồng  đội khắp cả mạng lưới, và nhờ đó, điều này hình thành nên một cộng đoàn phục vụ cho một sứ mạng lớn hơn.

Các mạng lưới của Dòng nên tiến hành việc xác định bản chất của mình một cách nghiêm ngặt bằng việc phân tích sâu, rút ra từ việc nghiên cứu học thuật lẫn từ việc suy tư về những kinh nghiệm đồng hành với những cộng đồng bị gạt ra bên lề.

 Do đó, chúng ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiêm túc suy xét các chủ đề về ơn cứu độ, đối thoại và cởi mở, sự quảng đại và tin cậy, việc gỡ ra khỏi quyền lực, sự nhận định, và việc phân tích nghiêm ngặt. Đây là những đặc tính cần thiết cho việc tạo lập mạng lưới, và chúng hình thành nên một phần linh đạo I-nhã, là điều mà Dòng Tên cố gắng thể hiện.

“Giá trị được thêm vào” của những mạng lưới

team_building_activitiesViệc tạo lập mạng lưới cung cấp những giá trị được thêm vào, là những giá trị có thể đạt được dựa vào các phương tiện khác nhưng với ít nhiều khó khăn. Chúng ta liệt kê dưới đây một vài giá trị được tìm thấy trong những phạm vi khác nhau:

a. Đối với những tổ chức địa phương:

i. Mạng lưới cung cấp sự trợ giúp cho những tổ chức yếu hơn, bằng cách mở rộng tầm mức của các tổ chức, củng cố vốn xã hội, và làm giảm đi bất kỳ chiều hướng cô lập nào mà những tổ chức này có thể có.

ii. Liên kết nhằm gia tăng những năng lực của các tổ chức mà không cạnh tranh với quyền tự quyết riêng của những tổ chức này.

iii. Sứ mạng địa phương hoàn thành ở tầm mức phổ quát cũng như ở tầm mức tương đương.

iv. Những tổ chức địa phương đạt được tính minh bạch và uy tín của mình.

b. Những thuận lợi thực tế:

i. Các tổ chức có thể học hỏi lẫn nhau: những thực hành tốt nhất, những phương pháp luận, và những cung cách hành xử.

ii. Tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin thích hợp.

iii. Sự cộng tác liên lãnh vực giúp có thể thực hiện được qua những dự án tông đồ chung.

iv. Các mạng lưới tiếp cận tốt hơn với những cơ quan tài chính.

c. Đối với thân thể tông đồ của Dòng:

i. Các mạng lưới mang lại một cảm thức mới mẻ về việc trở nên thân thể phổ quát.

ii. Các mạng lưới góp phần vào sự phát triển tầm nhìn chiến lược chung của Dòng trong tương lai.

iii. Nhận ra các cấp độ hành động mới, cho phép sự đáp ứng trong khu vực hay trên toàn thế giới trước những thách đố trong việc tông đồ.

iv. Các mạng lưới giúp phối hợp những nỗ lực của các tổ chức khác nhau để đối mặt với những thách đố tông đồ chung.

v. Các mạng lưới giới thiệu cho công chúng một hình ảnh về căn tính chung của Dòng.

vi. Các mạng lưới chú ý đến sự biện hộ ở cấp độ quốc tế.

d. Những lợi ích khác:

i. Các mạng lưới cung cấp những khả thể mới cho việc nghiên cứu và cho những kinh nghiệm học tập chung với nhau, nhờ cho phép việc tiếp cận chất lượng đến nhiều thực tế xã hội.

ii. Các mạng lưới tạo ra sự hiểu biết, vốn không thể thực hiện được khi chỉ dựa vào những phân tích địa phương.

iii. Các mạng lưới giúp cho Dòng hình thành một tầm nhìn chung đối với những vấn đề tông đồ quan trọng.

Các loại mạng lưới

Chúng ta có thể phân loại các mạng lưới theo những tiêu chí khác nhau:

a. Theo phạm vi địa lý các mạng lưới có mặt, chúng ta có thể phân loại các mạng lưới này thành: i) cấp tỉnh; ii) cấp vùng; và iii) cấp toàn cầu. Chúng ta mong đợi khi các Vùng phát triển sẽ quay lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các mạng lưới cấp Vùng, và những mạng lưới này có thể liên kết với nhau ở cấp độ toàn cầu.

b. Theo lãnh vực tông đồ các mạng lưới hoạt động, chúng ta có thể phân loại các mạng lưới này thành: i) các mạng lưới tồn tại chỉ trong lãnh vực xã hội, và ii) các mạng lưới liên lãnh vực

c. Theo kiểu phối hợp và mục tiêu phối hợp[3]:

i. Mạng lưới tương đương (peer network):

Kiểu mạng lưới này là kiểu được thiết lập giữa các tổ chức hoạt động trong cùng các lãnh vực. Sự truyền thông đều đặn giữa những tổ chức này cho phép chúng học hỏi lẫn nhau cũng như trao đổi cho nhau thông tin và các nguồn lực. Đây cũng là nơi chúng ta có thể cùng nhau nhận định và tham vấn.

Kiểu mạng lưới này yêu cầu một sự phối hợp tối thiểu, các nghĩa vụ đối với các tổ chức xây dựng mạng lưới này không bị đòi hỏi khắt khe, và không có nhiều những mục tiêu chung. Trong một giai đoạn nào đó, có thể có việc thực hiện một dự án chung, chẳng hạn như trong lãnh vực tập huấn, nghiên cứu, biện hộ, những thực hành tốt mang lợi ích, và những lãnh vực khác.

Những mạng lưới trong lãnh vực xã hội cách chung theo kiểu mẫu này.

ii. Liên minh biện hộ xuyên quốc gia

Kiểu mạng lưới này được tạo ra vì nhu cầu đáp ứng một vấn đề địa phương cụ thể vốn yêu cầu một sự can thiệp từ một quốc gia khác. Các liên minh được thành lập với những tổ chức ở những đất nước khác nhau có thể góp phần vào việc giải quyết những vấn đề cần bàn.

Kiểu mạng lưới này chỉ tồn tại bao lâu mà vấn đề địa phương vẫn còn cần được giải quyết. Chúng ta không luôn luôn cần một mạng lưới có tính toàn cầu; việc hình thành các liên minh chiến lược với các tổ chức để có thể thực hiện việc biện hộ hiệu quả thì cũng đã đủ.

Đối với kiểu mạng lưới này, điều căn bản là tập trung nỗ lực vào các tổ chức tư nhân hay công cộng có khả năng thay đổi tình thế của những vấn đề địa phương.

iii. Liên minh biện hộ quốc tế:

Kiểu mạng lưới này tập hợp các tổ chức khác nhau lại để góp sức cho những mục tiêu chung. Những mục tiêu chung này có thể được tổ chức xung quanh một chiến dịch quốc tế chung. Đến lượt nó, mạng lưới như thế này có thể tham gia vào các liên minh khác để chia sẻ cùng một mục tiêu chung. Những kết quả được mong đợi nơi các liên minh này phải khá rõ ràng.

Một số mạng lưới đang được phát triển trong lãnh vực tông đồ xã hội

* Tồn tại một số mạng lưới các trung tâm xã hội, và những mạng lưới này đang lớn mạnh ở một số Vùng. Chúng là những mạng lưới tương đương, có mối liên kết với những khuvực khác nhau, nơi mà những trung tâm xã hội có thể cộng tác với nhau. Các mạng lưới này được giới hạn vào lãnh vực xã hội và phát triển trong các Vùng.

* Mạng lưới Xavier tập hợp sự cộng tác quốc tế của các tổ chức phi chính phủ (Non Governmental Organizations – NGOs) và các văn phòng sứ mạng (Mission offices) của châu Âu và Canađa lại với nhau. Đây cũng là một mạng lưới tương đương, liên hệ đến những lãnh vực cộng tác đặc thù. Mạng lưới này giới hạn vào lãnh vực xã hội. Mặc dù đa số các tổ chức này thuộc châu Âu, nhưng lại vươn ra toàn thế giới.

* Mạng lưới Di dân Dòng Tên (The Jesuit Migrant Network) ở châu Mỹ Latinh là một liên minh hành động xuyên quốc gia trong những lãnh vực khác nhau, liên hệ đến lãnh vực cộng tác chung về vấn đề di dân. Đích nhắm của mạng lưới này là phát triển những cấp độ cơ sở mới.

* Fe y Alegría là một mạng lưới khu vực ở châu Mỹ Latinh (hiện diện một vài nơi ở châu Phi và châu Âu). Mạng lưới này hoạt động trong lãnh vực giáo dục và tập trung vào việc giáo dục những học sinh chịu thiệt thòi. Nó cung cấp một mô hình tạo lập mạng lưới nhờ lồng ghép vào cấu trúc quản trị của Dòng, nhờ cách lãnh đạo, nhờ tổ chức có tính tham gia nội bộ, và nhờ đường lối liên hệ đến những mục tiêu chung, là những mục tiêu mà mạng lưới đáp ứng nhờ vào những chương trình được triển khai khắp mạng lưới.

* Mạng lưới AIDS các Giêsu hữu châu Phi (African Jesuits AIDS Network – AJAN) là một mạng lưới của các Giêsu hữu và những cộng sự viên vùng phụ cận Sahara châu Phi, phục vụ người bị mắc bệnh SIĐA bằng nhiều cách thức khác nhau. Mạng lưới này cũng hoạt động trong lãnh vực phòng ngừa HIV.

* Mạng lưới Biện hộ I-nhã Toàn cầu (The Global Ignatian Advocacy Network – GIAN) có phạm vi hoạt động khắp thế giới và dấn thân tham gia vào nhiều lãnh vực khác nhau. Mạng lưới này cũng có mục đích là phát triển những cấp độ mới trong hành động. Mạng lưới này hoạt động trong năm lãnh vực khác nhau: Di dân, Quyền giáo dục, Sinh thái, Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, và Quyền con người. Tạp chí Promotio Iustitiae (Thăng tiến Công bình) số 110 gần đây đã được dành để nói về các mạng lưới này.

* Tổ chức Phục vụ Người tị nạn Dòng Tên (The Jesuit Refugee Service – JRS) về cơ bản là một tổ chức, tuy thế, tổ chức này lại được nhìn từ viễn tượng là một tổ chức toàn cầu, hoạt động về lãnh vực xã hội. Tổ chức này xây dựng những mối quan hệ phong phú với các lãnh vực xã hội khác.

Những yếu tố chủ yếu cho việc tạo lập mạng lưới quốc tế trong Dòng Tên

Ở đây chúng ta kể ra một loạt những yếu tố góp phần cho sự phát triển thành công của việc tạo lập mạng lưới quốc tế. Đây là kết quả của việc học hỏi thu lượm được từ những kinh nghiệm khác nhau. Chúng ta sẽ phân biệt những yếu tố nào thuộc bên trong của cấu trúc mạng lưới, những yếu tố nào thuộc bên ngoài của cấu trúc, và những yếu tố nào liên quan tới các tổ chức hình thành nên một phần của mạng lưới.adnetworks

Những yếu tố thuộc bên trong cấu trúc mạng lưới

a. Người đứng đầu mạng lưới: Người đứng đầu phải có thời gian, khả năng, và sự dấn thân cá nhân. Người đứng đầu phải thúc đẩy sự liên lạc thường xuyên và tạo ra động lực cao. Người đứng đầu phải có tầm nhìn chiến lược và biết cách làm thế nào để gợi hứng cho người khác qua việc đề ra những mục tiêu cao và có sức hấp dẫn.

b. Một nhóm nòng cốt là một lực lượng hoạt động của mạng lưới trong đó người đứng đầu được đưa vào. Trong nhóm này, các quyết định được đưa ra chủ yếu dựa trên sự đồng thuận. Nhóm này nên có một bảng thông tin về mạng lưới để chia sẻ cho các thành viên mới.

c. Một tổ chức hoạt động như một trung tâm thông tin. Sẽ rất hữu ích khi có một tổ chức thực hiện chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin bên trong và bên ngoài, và cung cấp những dịch vụ mà mạng lưới cần, chẳng hạn như duy trì một trang mạng điện tử (web page) hoặc soạn thảo và chứng minh cho các dự án. Những nhiệm vụ này có thể hoặc tập trung hoặc phân chia cho các thành viên của mạng lưới. Mối quan hệ được thiết lập giữa tổ chức này và người đứng đầu phải rõ ràng.

d. Đặc biệt, khi các hoạt động của mạng lưới được các cơ quan bên ngoài hỗ trợ tài chính và những hoạt động này đang được thực hiện bởi những tổ chức khác của mạng lưới thì tổ chức trung tâm này sẽ đóng vai trò chủ yếu. Thất bại khi thực hiện nhiệm vụ này có thể sẽ gây ra những vấn đề.

e. Họp đều đặn: Công nghệ truyền thông cho phép dễ dàng thực hiện những cuộc họp điện tử cần thiết. Tuy nhiên, những cuộc họp thực sự nơi mà các thành viên gặp mặt là điều cần thiết để phát triển sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, và để nuôi dưỡng tình bạn và cảm thức về cộng đoàn trong sứ mạng.

f. Những kế hoạch tông đồ rõ ràng và cụ thể: Khi một mạng lưới không đạt được những kết quả cụ thể có thể trông thấy thì mọi người sẽ dễ nản chí. Nên để cho các thành viên có đủ tự do để họ có thể tham gia vào một số chương trình, cũng như có thể không tham gia vào các chương trình khác. Tuy nhiên, kế hoạch tông đồ này phải được toàn thể mạng lưới tán thành. Cuối cùng, phải có sự cam kết mạnh mẽ đối với những kế hoạch tông đồ này.

g. Việc tồn tại của những kế hoạch tông đồ rõ ràng giúp chúng ta có thể đưa ra một sự giải thích tỉ mỉ về chính mạng lưới và có thể lượng giá hoạt động của mạng lưới.

h. Căn tính I-nhã và Dòng Tên rõ ràng trong các tổ chức, trong các tiến trình, và trong các cấu trúc: Căn tính như thế tạo nên một cảm thức mạnh mẽ thuộc về bên trong mạng lưới và đưa ra cho thế giới một hình ảnh nhất quán. Cũng nên có một biểu tượng (logo) chung của mạng lưới.

i. Truyền thông hiệu quả về những thành tựu của mạng lưới: Việc truyền thông như thế khiến cho mạng lưới trở nên rõ ràng và cho phép người khác thấy giá trị và tầm quan trọng của mạng lưới.

Những yếu tố bên ngoài đối với “những mạng lưới chính thức”[4]

Nhiều mạng lưới không chính thức và không cần có sự chuẩn nhận hay công nhận đặc biệt của các Bề trên. Các mạng lưới khác có thể nhận được sự công nhận đặc biệt từ Bề trên tương ứng bởi vì sự đóng góp đặc biệt mà mạng lưới thực hiện cho kế hoạch chiến lược của thực thể, nơi mà mà các mạng lưới được triển khai. Thực thể ở đây hoặc là tỉnh, hoặc vùng, hoặc thực thể nào đó có tính chất toàn cầu hơn. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét những thực thể toàn cầu.

a. Sẽ là một điều tốt nhất khi những mạng lưới này sáp nhập vào trong cấu trúc quản trị của Dòng, điều đó có nghĩa là:

i. Các mạng lưới phải có sự đóng góp to lớn cho một hoặc nhiều mục tiêu chiến lược, được thiết lập ở cấp độ tỉnh, vùng, hay toàn cầu. Về điều này, việc lên kế hoạch chiến lược ở những cấp độ này là điều hết sức hữu ích để xác định những lãnh vực mà nơi đó, các mạng lưới này có thể thực sự cần thiết. Điều này lại sẽ giúp chúng ta có khả năng thiết lập một trật tự nhất định liên quan đến sự ưu tiên của một số mạng lưới trên những mạng lưới khác.

ii. Những mạng lưới này và những tổ chức xây dựng các mạng lưới yêu cầu một sự ủy nhiệm rõ ràng từ các Bề trên nhằm xác định các mạng lưới thuộc về những ưu tiên cao.

iii. Sứ mạng và kế hoạch của những mạng lưới này, một cách lý tưởng, phải được chuẩn nhận bởi Bề trên tương ứng.

iv. Người đứng đầu mạng lưới và các thành viên trong nhóm, là lực lượng hoạt động của mạng lưới, phải nhận được sự chuẩn nhận của các Bề trên và được các Bề trên trao sứ mạng để thực hiện những nhiệm vụ này.

v. Các điều phối viên xã hội của vùng phải cung cấp những điều cần bổ sung, hướng dẫn, và hỗ trợ cho các mạng lưới, và họ cũng phải giúp sắp xếp sao cho có trật tự những sáng kiến khác nhau của vùng khi các sáng kiến này ngày càng nhiều.

b. Nếu các mạng lưới nhận được sự chuẩn nhận của Bề trên thì các mạng lưới này phải có một số phương tiện cho việc tiếp cận những nguồn kinh tế cần thiết cho cấu trúc và hoạt động của các mạng lưới.

Những nhân tố liên quan đến các tổ chức hình thành nên một phần của mạng lưới

a. Các tổ chức gia nhập vào mạng lưới phải cung cấp nguồn nhân lực và tài chính cần thiết để duy trì sự tham gia của họ và để thực hiện những hoạt động đang được tiến hành.

b. Những hoạt động của các mạng lưới cuối cùng phải được tháp nhập chặt chẽ với các kế hoạch tông đồ của các mạng lưới và với lịch trình thường niên của các mạng lưới.

Những trở ngại và giới hạn hiện diện ngay trong việc tạo lập mạng lưới

tree

a. Ý thức yếu kém về sứ mạng phổ quát: Khó khăn đầu tiên hệ ở sự thiếu ý thức về việc Dòng được kêu gọi để đóng góp cho một sứ mạng vượt ra ngoài sứ vụ địa phương. Khi không có ý thức về một sứ mạng rộng lớn hơn này thì chúng ta chỉ nhấn mạnh hành động của mình vào phạm vi của một địa phương, trong khi tầm quan trọng của cấp độ toàn cầu lại bị phớt lờ. Do đó, những thách đố quan trọng có tính toàn cầu khi xuất hiện lại cạnh tranh với những nhu cầu khẩn cấp địa phương.

b. Chủ nghĩa cá nhân: Những thái độ vô ích nào đó có thể nảy nở trong các tổ chức, như thái độ tự mãn và cá nhân chủ nghĩa. Cũng vậy, sự thất bại trong việc hoàn thành những cam kết đã được thừa nhận có thể gây nguy hiểm cho sự sống còn của mạng lưới, bởi vì khi ấy sự tin cậy đã bị đổ vỡ.

c. Thiếu các nguồn lực đầy đủ: Những trở ngại thực tế cũng tồn tại; đây có thể bao gồm việc thiếu nguồn nhân lực và tài lực dành cho mạng lưới, thiếu nguồn lực cho việc thông tin liên lạc tốt, hoặc không có khả năng để sử dụng những nguồn lực như thế. Thông thường, chúng ta có nhiều thiện chí nhưng lại thiếu khả năng sử dụng tham gia chiều ngang (horizontal participation) để xác định các tầm nhìn và mục tiêu cho mạng lưới; điều này dẫn đến một mạng lưới trống rỗng về nội dung.

d. Chúng ta không quen với việc lãnh đạo chiều ngang (horizontal leadership). Đôi lúc, não trạng của chúng ta hiện nay cũng là một trở ngại. Chúng ta không quen với kiểu lãnh đạo chiều ngang, nơi mà các quyết định được đưa ra dựa trên sự đồng thuận và chúng ta đáp lại cam kết một cách tập thể. Kiểu lãnh đạo như thế đòi hỏi về khả năng giải trình, và thông thường chúng ta chưa được chuẩn bị cho điều đó.

e. Văn hóa tổ chức: Đôi khi việc thiết lập mạng lưới liên lãnh vực và liên tỉnh dòng không nhận được sự ưu ái từ cấu trúc tổ chức của Dòng, một cấu trúc đòi hỏi sự hiểu biết nhất định về thẩm quyền và về thủ tục, cũng như cách xử lý mà thẩm quyền yêu cầu. Sự đa dạng là một phần tiềm năng của Dòng và sự đa dạng này được biểu lộ qua nhiều lãnh vực xã hội, qua các tỉnh dòng, ngôn ngữ, văn hóa, v.v. Đồng thời, sự đa dạng cũng có thể trở nên một trở ngại chính trong việc đạt đến các kế hoạch và chương trình làm việc chung.

Một số kiến nghị và đề xuất

Dưới đây là các kiến nghị ngắn gọn cho việc tạo lập mạng lưới trong lãnh vực xã hội, có thể được suy xét cùng với yếu tố then chốt như đã được đề cập ở phần 6:

a. Tạo ra một số mạng lưới liên lãnh vực ở cấp độ tỉnh dòng (hoặc giữa một vài tỉnh dòng) nhằm đáp ứng một thách đố tông đồ quan trọng nào đó. Điều này có thể cung cấp một cơ hội cho việc thử nghiệm và học hỏi và sẽ cho phép sự phát triển của những mạng lưới phức tạp hơn.

b. Các chương trình huấn luyện có thể được thiết lập sẽ giúp phát triển những khả năng cần thiết cho việc tạo lập mạng lưới.

c. Nâng cao ý thức của các Giám tỉnh và các Chủ tịch Vùng về lợi ích của những mạng lưới hiện nay, coi chúng như là những khí cụ sẽ giúp họ đáp ứng tốt hơn sứ mạng tông đồ của Dòng; khuyến khích các vị này cung cấp nguồn nhân lực và những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các mạng lưới. Mỗi sáu tháng, những điều phối viên xã hội tương ứng phải báo cáo với các Giám tỉnh và các Chủ tịch Vùng về tiến trình của những mạng lưới mà họ tham gia.

d. Nỗ lực truyền thông chính yếu phải được thực hiện trong phạm vi chính thức của lãnh vực xã hội nhằm mục đích gia tăng nhận thức nơi những người hình thành nên việc tông đồ xã hội.

e. Đưa vào việc lập kế hoạch chiến lược của những trung tâm xã hội một vài kiểu tham gia vào các mạng lưới.

ihs

(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J, chuyển ngữ từ tài liệu “Networking in order to respond better to our mission – Networks of the social apostolate in the Society of Jesus trích trong tạp chí Promotio Iustitiae, n0113, 2013/4)

***

[1] International Networking in the Society of Jesus. Challenges from a Universal Mission (Tạo lập mạng lưới quốc tế trong Dòng Tên. Thách đố từ sứ mạng phổ quát)-Hội nghị tại Boston College, 28-30/4/2012, tại http://jesuitnetworking.org/wp-noidung/uploads/2013/10/2012_Conference_International_Jesuit_Networking.pdf, được truy cập vào tháng 7/2013.

[2] http://jesuitnetworking.org, được truy cập vào tháng 7/2013.

[3] Phần này dựa vào sự trình bày về các mạng lưới do Christina Kheng thực hiện cho các người đứng đầu các mạng lưới GIAN (Global Ignatian Advocacy Network) vào năm 2011.

[4] Khái niệm những mạng lưới chính thức được đề cập trong tài liệu International Networking in the Society of Jesus (Tạo lập mạng lưới quốc tế trong Dòng Tên) (2002), là tài liệu chúng ta đã dẫn ra trước đó.

Kiểm tra tương tự

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *