Thập Giá & Phục Sinh của Đức Giê-su (tt)

jesus-messiah

ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Trong tất cả những điều chúng ta biết về Đức Giêsu, không gì chắc chắn về tính lịch sử hơn là sự kiện Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá. Hình thức hành quyết của Đế quốc Rôma này dành cho những người ngoại bang vì tính tàn ác của nó. (Công dân Rôma bị hành quyết bằng cách chém đầu.) Cả bốn Phúc Âm đều đề cập Đức Giêsu bị quân lính đánh đập và hành hạ trước khi bị đóng đinh (mặc dù trong Lu-ca quân lính một phần thuộc nhóm lính canh của vua Hêrôđê). Vòng gai được đặt trên đầu Đức Giêsu và áo choàng của vua được khoác quanh Ngài nhằm nhạo báng Ngài giống như lời cáo buộc chống lại Ngài: Vua dân Do Thái.

Việc đóng đinh xảy ra phía ngoài thành phố tại nơi được gọi là Gôn-gô-tha (Đồi Sọ). Mặc dù tử tù bị buộc phải vác thập tự nhưng dường như Đức Giêsu đã được ông Simon người xứ Ky-ri-nê giúp đỡ vì sức lực đã cạn kiệt. Có nhiều hình thức đóng đinh thời Đế quốc Rôma, một trong số đó là đóng đinh xuyên qua cổ tay và mắt cá chân. (Chỉ có Phúc Âm Gioan nhắc đến việc dùng đinh.) Các nạn nhân chết vì nghẹt thở do sức nặng của cơ thể sụp xuống. Tiến trình này đôi khi được đẩy nhanh hơn nhờ đánh giập ống chân các tử tù (không nhất thiết áp dụng cho Đức Giêsu) hay đâm ngọn giáo vào cạnh sườn (điều này được đề cập trong Phúc Âm Gioan, để chắc chắn rằng Đức Giêsu đã chết).

Các Phúc Âm khác nhau trong việc truyền tải những lời của Đức Giêsu trên thập giá. Chúng ta rất khó biết chính xác điều gì đã xảy ra hay Đức Giêsu đã nói gì trên thập giá. Có một sự liên hệ mạnh mẽ giữa các sự kiện ở Gôn-gô-tha và Thánh vịnh 22 trong Cựu Ước.

Mát-thêu 27,39-40. 42-43. 45-46

39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”

42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” 43 Hắn cậy dựa vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi nếu Người muốn…

45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Thánh vịnh 22,2-5. 7-9

2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! 3 Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên. 4 Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Ít-ra-en là Ngài. 5 Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì…

7 Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, 8 thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: 9 “Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!”

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thập giá là biểu tượng vừa diễn tả tình yêu Thiên Chúa vừa bộc lộ sự ác tâm của con người. Bằng cách nào thập giá của Đức Giêsu hiện diện trong thế giới chúng ta vừa diễn tả tình yêu Thiên Chúa vừa bộc lộ sự ác tâm của con người?

PHỤC SINH

Qua việc bị đóng đinh, toàn bộ lời dạy cũng như sứ mạng của Đức Giêsu dường như bị vỡ tan. Sách Đệ Nhị Luật quả quyết: “Đáng nguyền rủa thay kẻ bị treo trên cây gỗ.” Việc hành quyết công khai là dấu hiệu cho thấy người đó bị Thiên Chúa nguyền rủa, tất nhiên không được chúc lành. Việc đóng đinh Đức Giêsu hóa ra lại công nhận lời buộc tội của địch thù. Đây là tên ngôn sứ giả, một mêsia giả mạo.

Và thế rồi: điều không ai có thể nghĩ tới, điều không ai có thể tưởng tượng đã xảy ra. Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu chỗi dậy từ trong kẻ chết. Các phụ nữ ra viếng mồ Đức Giêsu để xức dầu cho xác của Ngài đã phát hiện ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống này thoạt đầu chỉ là dấu hiệu gây bối rối và ngạc nhiên. Xác của Đức Giêsu đang ở đâu? Hay xác của Ngài đã bị trộm cắp?

1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả.4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,1-6a).

Không có nhân chứng trực tiếp nào cho sự phục sinh. Các phụ nữ phát hiện ngôi mộ trống. Nhưng ý nghĩa của ngôi mộ trống vượt quá sự hiểu biết của họ và các tông đồ mãi đến khi Chúa phục sinh tự hiện ra với họ. Các mô tả về Chúa phục sinh trong các Phúc Âm được thực hiện dưới hình thức kể chuyện, trong đó các tác giả Phúc Âm cố gắng mô tả điều họ không thể diễn tả. Khi chúng ta xem xét các trình thuật này chúng ta có thể kết luận những điều sau đây về sự phục sinh:

  1. Sự phục sinh của Đức Giêsu là một cuộc biến đổi, không phải chỉ là sự hồi sinh. Đức Giêsu không trở lại với hình dạng con người như Ngài đã có trước khi tử nạn. Ngài không đơn thuần “ngồi dậy” bên trong nấm mồ, và sau đó bước ra khỏi đó, rồi trở lại với cuộc sống như Ngài đã từng biết trước đó. Đây chỉ là sự hồi sinh, cũng giống như sự hồi sinh của Ladarô (x. Gioan 11). Ladarô rồi cũng sẽ lại phải chết. Nhưng Đức Giêsu đã bước vào một cách thế hiện hữu hoàn toàn mới, thoát khỏi mọi ràng buộc trước đây. Chẳng hạn như, Ngài xuất hiện dễ dàng trong căn phòng đã được khóa kín:

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Gioan 20,19).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thánh Phaolô cố gắng diễn tả sự biến đổi này bằng cách sử dụng hình ảnh của hạt giống và cây. Bạn có thể cho biết những hình ảnh khác của thiên nhiên là “dấu chỉ” của sự phục sinh không?

  1. Chúa phục sinh đích thực là Đức Giêsu. Một số người cho rằng Đức Giêsu không thực sự sống lại từ trong kẻ chết. Ngài đơn giản sống nhờ vào ký ức của các môn đệ. Sự phục sinh không phải là câu chuyện đơn giản xảy ra trong tâm hồn các môn đệ. Đức Giêsu đã phục sinh thực sự chứ không chỉ trong ký ức của các ông. Ngài đã chinh phục nấm mồ. Chúa phục sinh thực sự là cùng một Đức Giêsu, Ngài đã từng sống giữa các ông và đã bị đóng đinh vào thập giá. Phúc Âm Gioan làm rõ điểm này khi đề cập đến các vết thương của Đức Giêsu.

24 Chuyện xảy ra là một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,24-27).

Đoạn Phúc Âm trên và các đoạn khác tương tự (x. Lc 4,36-39) đã chỉ rõ Chúa phục sinh vĩ đại hơn nhiều chứ không đơn thuần là linh hồn người chết hay ký ức. Sự phục sinh của Đức Giêsu cách nào đó là cuộc phục sinh “nơi thân xác” thậm chí ngay cả khi thân xác của Đức Giêsu đã được biến đổi hoàn toàn.

  1. Những lần hiện ra của Chúa phục sinh là những trải nghiệm về mặc khải và đức tin. Những người gặp gỡ Chúa phục sinh nhận ra nơi Ngài sự trổi vượt khác hẳn với một người bình thường. Họ hiểu rằng Ngài là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Việc gặp gỡ Chúa phục sinh không giống như việc nhìn thấy một người nào đó: đây là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô nơi tâm hồn và linh hồn. Đây là một kinh nghiệm cá vị đem lại sự biến đổi và niềm tin. Điều này được truyền tải trong các câu chuyện Phúc Âm bằng nhiều cách. Các môn đệ trên đường Em-mau (x. Lc 24,13-29) cùng đi với Chúa phục sinh nhưng không nhận ra Ngài cho đến khi “Ngài bẻ bánh.” Họ đã được biến đổi chứ không chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy Đức Giêsu: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Cũng thế, chị Maria Mađalêna nhìn thấy Chúa phục sinh nhưng lại nghĩ Ngài là người làm vườn cho đến khi Ngài gọi đích danh tên chị: “Maria!” Chính lúc Chúa nói với tâm hồn chị là lúc chị nhận ra Ngài.
  1. Sự phục sinh mặc khải Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là một ý tưởng triết học liên quan đến sự bất tử của linh hồn. Đó là lời khẳng định của Thiên Chúa về Đức Giêsu Nadarét. Trong biến cố phục sinh, Đức Giêsu giờ đây được hiểu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ngỏ lời của Ngài cho thế giới, đó là lời của hy vọng và lời của sự sống. Qua biến cố phục sinh, lời nói, hành động và con người của Đức Giêsu mang đến ý nghĩa duy nhất cho lịch sử nhân loại. Câu trả lời của tông đồ Tôma với Đức Giêsu chính là lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Lời tuyên xưng như thế chỉ có thể thực hiện được sau biến cố phục sinh.

Trong tương lai có lẽ sẽ có những người được xem như những nhà hùng biện vĩ đại, có lòng trắc ẩn và khoan dung thánh thiện, thông minh xuất chúng, sáng suốt hiểu thấu mọi việc, hay người thiết tha yêu mến Thiên Chúa. Có thể sẽ có các bậc thầy vĩ đại, các ngôn sứ và cả các vị thánh. Nhưng trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Nadarét, các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa đã được mặc khải trọn vẹn cho chúng ta, và nhờ đó, Ngài đã ban cho chúng ta ơn cứu độ. Đức Giêsu là Đấng duy nhất trong toàn bộ lịch sử. Đây là lý do tại sao lễ Phục Sinh đối với Kitô hữu là lễ trọng nhất trong tất cả các lễ. Theo nghĩa đen, sự phục sinh là nền tảng đức tin của chúng ta. Như thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Chúng ta đã nghe rất nhiều việc tưởng nhớ lại Đức Kitô trong biến cố Giáng sinh. Vậy việc tưởng nhớ Ngài trong biến cố Phục sinh thì sao? Năm nay, các bạn có thể làm gì để giúp mang lại ý nghĩa đích thực cho các ngày trong Tuần Thánh?

Sự phục sinh của Đức Kitô không chỉ là tuyên bố về Đức Giêsu; nhưng còn là mặc khải những gì Thiên Chúa đã hoạch định cho tất cả những ai tin vào Đấng ấy. Đối với Hội Thánh sơ khai, Đức Giêsu không chỉ chỗi dậy từ trong kẻ chết, nhưng Ngài là nguồn hy vọng cho tất cả những ai tin vào Ngài. Cái chết và phục sinh của Ngài trở nên khuôn mẫu sống cho những ai bước theo Ngài. Theo cách đó, thánh Phaolô viết cho các tín hữu ở Rôma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Đối với Đức Giêsu, con đường dẫn tới sự sống đời đời phải ngang qua sự từ bỏ chính mình, đó chính là tình yêu. Sự phục sinh của Ngài khẳng định cái chết sẽ nối kết chúng ta với Thiên Chúa không nhiều cho bằng khẳng định tình yêu sẽ hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa. Đây là điểm thánh Phaolô muốn nói khi ngài viết cho các tín hữu ở Philiphê:

10 Tôi sao ước được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết (Pl 3,10-11).

 Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn có thể tìm ra bất cứ khuôn mẫu nào về cái chết và phục sinh trong cuộc sống của chính bạn không? Hãy tạo một đường kẻ chỉ thời gian cuộc đời của bạn, liệt kê những kinh nghiệm quan trọng. Trong số các kinh nghiệm này bạn có thể tìm ra thập giá và phục sinh không?

Cuối cùng, thập giá và phục sinh phải được hiểu luôn đi đôi với nhau vì chúng không thể tách rời. Nếu thập giá là biểu tượng của việc từ bỏ chính mình và của tình yêu, thì phục sinh chính là hoa trái và niềm vui của tình yêu đó. Nếu thập giá là biểu tượng cho khả năng hủy diệt điều thiện của con người, thì phục sinh là niềm hy vọng để chống lại mọi sự dữ. Nếu thập giá là cái chết mang đến đau thương, khốn khổ, thì phục sinh mặc khải ý nghĩa của cái chết là để kết hiệp với Thiên Chúa.

Các câu hỏi ôn tập

  1. Người Pharisêu và người Xa-đốc khác nhau thế nào trong cách giải thích về cuộc sống sau khi chết? Đức Giêsu đứng về phía nào?
  2. Tại sao khái niệm của Đức Giêsu về đấng Mêsia gây sốc cho Phêrô?
  3. Đâu là sự liên hệ giữa lời nói và hành động của Đức Giêsu liên quan đến việc chết cho chính mình?
  4. Việc Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem mặc khải kiểu Mêsia nào Ngài sẽ trở thành?
  5. Tại sao người ta lại buôn bán ở khu vực đền thờ? Tại sao điều này làm Đức Giêsu tức giận?
  6. Bữa tiệc cuối cùng báo trước cái chết của Đức Giêsu thế nào?
  7. Đâu là các cáo buộc nhằm chống lại Đức Giêsu của người Do Thái và người Rôma?
  8. Từ lịch sử, bạn biết gì về mối tương quan của quan Philatô với người Do Thái?
  9. Ai đã phát hiện ra ngôi mộ trống? Phản ứng đầu tiên của họ là gì?
  10. Đâu là sự khác biệt giữa phục sinh và hồi sinh?
  11. Bằng cách nào thập giá và phục sinh trở nên khuôn mẫu sống cho các Kitô hữu?

 

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *