4.
Những người không dám nhìn lại là những người bị dính chặt bởi một cái nhìn vào những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Không nhìn lại thì người ta vẫn cứ âm thầm chịu đựng sự chi phối của quá khứ, mà không bao giờ biết được đâu là giá trị của những điều đã xảy ra với cuộc đời mình. Những người dám nhìn lại và biết nhìn lại là những người có cơ hội nhìn mọi sự khác đi.
Tuy nhiên, có những nỗi đau dai dẳng đến nỗi chỉ cần nhớ lại nó, người ta như vẫn còn bị tổn thương đến độ chẳng còn chút sức mạnh nào để đi tiếp. Nhiều người sợ nhìn lại, vì họ sợ một lần nữa phải gặm nhấm nỗi đau…
Nhưng không nhìn lại, người ta sẽ không bao giờ tha thứ. Và tiếp tục lao đi trong cái vòng luẩn quẩn…
…
Chúng ta thấy khó tha thứ, dù chỉ là một lần. Điều này không phải vì chúng ta không muốn tha thứ, nhưng vì một con tim bị tổn thương không dễ gì buông nỗi đau của mình ra. Nỗi đau ấy khiến chúng ta thậm chí không thèm nghĩ tới chuyện tha thứ.
Nếu sự tha thứ nằm trong khả năng của chúng ta, sẽ không có điều gì mà chúng ta không thể tha thứ. Nhưng chúng ta thừa nhận rằng mình không thể tha thứ cho một vài người hay một vài điều nào đó, dù chúng ta thật lòng rất muốn tha thứ. Đã bao lần chúng ta cố gắng, nhưng thất bại. Thế là thay vì tha thứ, chúng ta lại tìm quên.
Tha thứ thật sự không phải là từ khước hay là lãng quên quá khứ, nhưng là trở nên tự do khỏi ảnh hưởng của những kinh nghiệm trong quá khứ và không để cho nó tác động đến những tương quan trong hiện tại và tương lai của chúng ta. Khi một người có thể tha thứ, kinh nghiệm trong quá khứ được thanh tẩy khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của nó, và người ấy sẽ không bao giờ còn bị nó chi phối nữa. Đạt được tình trạng này là một điều khó khăn, và không phải chỉ là vấn đề của ý chí.
Một sự tha thứ thật sự là một ân sủng của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao người ta cần phải cầu nguyện để có thể tha thứ.
Một sự tha thứ thật sự đến từ ân sủng của Thiên Chúa khi chúng ta giữ cho ý định tha thứ sống động trong con tim mình. Mở lòng mình ra với sự tha thứ, chúng ta mới có thể được tháo cởi. Đơn giản bởi Thiên Chúa không thể thô bạo can thiệp vào con tim của chúng ta, và đổ vào đó một điều mà chúng ta chưa muốn.
…..
Không có gì quan trọng cho bằng việc chữa lành và tái xây dựng chính cuộc đời của mình. Nếu phá đổ là một biến cố diễn ra tức khắc, thì tái xây dựng là một tiến trình dài. Nếu tổn thương là một biến cố, thì chữa lành là một tiến trình dài hơn. Chúc bạn đủ can đảm và kiên nhẫn để nhìn lại. Nhờ đó bước chân đi tới của bạn sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát hơn, cặp mắt nhìn tới của bạn sẽ trong trẻo và tươi tắn hơn.
Roma 30.01.2009
Cao Gia An, S.J.