Tháng 11 qua để lại gì trong bạn?

Có người đã từng nói rằng cách để mình có thể bắt đầu sống một cách trọn vẹn nhất là hãy nghĩ đến cái chết, hãy tưởng tượng ngày mai mình sẽ chết. Rồi thì ta sẽ nhận được điều gì là quan trọng trong cuộc đời mình. Tôi vẫn tò mò tự hỏi mình nhiều lần về cảm giác của sự chết ấy. Nó là thứ mà không một người sống nào có thể trả lời được.
Nhưng rồi, dần dà tôi bắt đầu có cảm nhận mới về sự chết. Tình yêu là trải nghiệm duy nhất trong cõi sống cho phép ta nhìn ngắm cái chết của chính mình: một cái chết rực rỡ, ngọt ngào, một cái chết đáng yêu, hay một cái chết bi ai.

Tình yêu đã mang sẵn trong nó mầm sống và sự hủy diệt. Nó tự đến, tự đi. Nó tự do như cánh bướm chim trời hết đậu lại bay. Và ta chỉ như đứa bé bần thần câm lặng ngồi ngắm nhìn những lần bay đậu ấy, những cú va chạm bông lơn vào trái tim ta ấy; có khi là những cái chạm nhẹ, có khi là những cơn địa chấn rung động đậm sâu.

Quả vậy, chứng kiến những cái chết đau đớn, bất chợt, làm cho ai trong chúng ta cũng phải nẩy mình, có phần sợ hãi. “Mẹ ơi, con không thở được” là tin nhắn cuối cùng của một cô gái trên hành trình tìm kiếm cuộc sống mới gửi cho mẹ. Đó là tin nhắn còn lại khi sức sống đã hầu tàn,… dần khép lại một kiếp sống. Cái hành trình tìm cuộc sống mới lại như bị đảo lộn hoàn toàn. Em đi tìm cuộc sống mới ở trần đời nhưng lại phải đi theo một lộ trình khác. Đó là lộ trình của sự chết hiển hiện. Điều con người muốn thì không có được. Cái con người không nghĩ đến lại vô tình ập đến. Sự đời là vậy. Chẳng ai biết trước được điều gì.

Một thoáng nghĩ nhớ về Em, tôi lại liên tưởng đến những linh hồn khác. Họ cũng đang “không thở được”. Họ còn tệ hơn em nữa là: họ chẳng thể ‘nhắn tin’ cho mẹ, hay gọi điện cho ai khác được. Họ trở nên bị cô lập hoàn toàn. Họ ở thế thua trận vì không thể cầu cứu với ai. Trầm luân lửa thiêu đốt cùng cực họ phải chịu. Họ như hết hi vọng nếu như không ai nhớ tới.

Tháng các linh hồn, Vị Cha Chung của chúng ta căn dặn: các con hãy suy tư về sự chết. Phụng vụ Giáo Hội trong năm dành tháng mười một để nhớ tới các đẳng linh hồn. Thật, đây là một cơ hội, một dịp thuận tiện để chúng ta cũng nhớ đến những người “ không thở được”. Họ không ai khác; là ông bà, có thể là cha mẹ, anh chị em, bạn hữu của chúng ta đã ‘đi trước’ chúng ta. Vậy, chúng ta có động lòng thương chăng? Chúng ta nên thương như thế nào cho phải?

Như những nạn nhân (39 nạn nhân) đã từ trần tại nước Anh, họ đã ‘ra đi’ vì “không thở được”. Vì vậy, những dòng tin chia sẻ ngậm ngùi tiếc thương, những lời cầu nguyện, những thánh lễ được dâng để tưởng nhớ, là những cách thức người sống tỏ chút tâm tình với người đã qua đời. Những gì đó là sự tốt đẹp dành cho những người đã qua đời. Nhưng, liệu những hành động đó còn kéo dài được chăng? Bởi họ cần ‘oxi để thở’ mãi mãi. Cần oxi để sống cho tới khi “ sự sống” được phục hồi. Và các linh hồn, những người thân yêu của chúng ta đã tạ thế bấy lâu nay cũng vậy, họ cần oxi để thở, để sống. Chẳng lẽ, chúng ta để người thân của mình giẫy giụa, giằng co giữa sự sống và sự chết đời đời sao?

Cầu nguyện, xin lễ cho những người đã qua đời là chúng ta đang được hưởng thành quả từ công nghiệp chuyển cầu của các đẳng. Sự chuyên cần cầu nguyện cho các đẳng linh hồn làm cho chúng ta càng gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và cuộc sống chúng ta trở nên thánh thiện hơn. Chính Thiên Chúa sẽ dùng tình thương mà chúc phúc cho chúng ta, vì hành động cao đẹp mà chúng ta đã làm. “Mến Chúa và yêu người” là điều răn Ngài muốn chúng ta làm mỗi ngày.

Tháng các linh hồn dần khép lại, những ngày cuối năm phụng vụ cũng dần khép lại với những đoạn Lời Chúa đánh động lòng người sống tâm tình những ngày cánh chung. Cụ thể Tin Mừng theo thánh Luca những chương 15-28 chỉ cho con người ý thức về cách thức sống các dấu chỉ của thời đại. Từ đó, con người biết định lượng chính mình về cuộc sống hệ tại trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân. Để con người nhận ra mình đang sống trong tư thế nào? “Cúi mặt” hay “ ngẩng cao đầu” để đối diện với Ơn Cứu Độ, hướng về nguồn thật.

Cách tốt nhất để bắt đầu sống trọn vẹn hơn là nghĩ đến cái chết. Mình sẽ chuẩn bị cho cái chết của mình như thế nào? Bởi chúng ta không biết ngày nào giờ nào Con Người đến, Thần Chết gõ cửa?

Chúng ta chết đi sẽ để lại được gì cho hậu thế? Danh thơ, tiếng tốt? Hay tiếng ai oán? Và rồi, mình sẽ đi về đâu sau cái chết? Hỏa Ngục, Luyện Ngục, Thiên Đường? Hay chẳng chẳng có nơi đâu để về?

Đời sống KiTô giáo dạy con người sống để hướng về nguồn thật bằng cách sống tốt các mối tương quan với chính mình, với Thiên Chúa và với tha nhân. Cụ thể là sống khiêm nhường, nhẫn nhục, sống thật, sống đẹp, sống hi sinh vì người khác, .. để xây dựng mối tương quan tốt đẹp với mọi người và yêu thương nhau như Chúa dạy. Đó chính là cách sống để hướng về nguồn, hưởng trọn hạnh phúc của Nguồn Thật. Như thế, đời sống hi sinh của con người mới không trở nên vô ích, thiệt thòi, vô nghĩa.

Giáo Hội lữ hành, Giáo Hội chiến đấu và Giáo Hội khải hoàn sống liên đới và bổ trợ cho nhau, để hi vọng mai ngày cùng nhau hiệp đoàn trên Thiên quốc. Để được như vậy, những người lữ hành phải biết sống ý thức xây dựng tình yêu thương và nhớ về nguồn. Nguồn gốc của hiện sinh sáng tạo. Nguồn là nguồn cội các bậc tiền nhân. Những người đã ‘ra đi’ trước chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng bầu khí vui vầy, chẳng có ai “ phải khó thở”, chẳng có ai phải khóc than, cào xé trước sự chết như bên vương quốc Anh tiềm tàng tiền của. Mà, ai ai cũng vui mừng hân hoan trên Vương Quốc Thiên Đường – hạnh phúc bất diệt mai sau.

Anthony Đình Duyệt

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *