THÁNH I-NHÃ: QUID AGENDUM?


Chương 5:

HÀNH HƯƠNG CON TIM

(Tìm gặp Đức Giêsu trong Giáo Hội của Ngài)

54 1Sau khi đến Barcelona, ông ta tỏ bày ý hướng phải đi học cho bà Isabel  Roser và một thầy giáo là Ardevol, người dạy văn phạm. 2Đối với cả hai người thì điều đó dường như là quyết định đúng; và ông này sẵn lòng dạy ông học miễn phí, còn bà kia sẵn lòng chu cấp cho ông những điều cần thiết để sinh sống. 3Vị khách hành hương đã biết một tu sĩ ở Manresa – tôi tin rằng vị ấy thuộc Dòng thánh Bênađô -, một người rất thuần thiêng. 4Ông ta muốn được ở với vị này để học hỏi và để trau dồi cách thích hợp hơn về đời sống thiêng liêng và cả đến việc giúp đỡ các linh hồn.5Vì thế ông ta trả lời với họ rằng ông ta sẽ nhận lãnh sự giúp đỡ này nếu ông ta không tìm được điều mong ước mà ông ta hy vọng ở Manresa. 6Nhưng, một khi đi đến đó, ông ta biết được rằng vị tu sĩ này đã qua đời rồi. 7Thế rồi, sau khi đến Barcelona, ông ta bắt đầu học tập một cách chăm chỉ. 8Nhưng một sự việc đã ngăn cản ông ta rất nhiều; đó là mỗi khi ông ta bắt đầu học thuộc lòng, như  là điều cần thiết trong những bước đầu học văn phạm, thì những hiểu biết mới về đời sống thiêng liêng và những hương vị mới lại cứ chợt đến với ông; 9và những điều ấy đến làm cho ông ta không có thể học thuộc lòng và cũng không có thể xua đuổi chúng đi được, dù ông ta phải chiến đấu rất nhiều để chống lại chúng.

55 1Thế rồi, khi thường xuyên phản tỉnh về điều ấy, ông ta tự nhủ rằng: “Cả khi tôi đặt mình vào cầu nguyện lẫn khi tôi đi tham dự thánh lễ tôi cũng không có được những sự hiểu biết quá sống động như thế”; và thế là dần dần ông nhận biết rằng đó là một cơn cám dỗ. 2Và sau khi cầu nguyện, ông ta đi đến nhà thờ Đức Mẹ Biển Khơi, gần nhà của vị giáo sư để xin vị ấy đến nghe ông ta tâm sự một chút trong nhà thờ đó. 3Sau khi đã ngồi xuống, ông ta kể cho vị ấy một cách trung thành mọi sự diễn ra trong tâm hồn ông ta và giải thích lý do tại sao ông không có tiến bộ trong việc học hành; rồi ông hứa với vị thầy của mình những lời này: “ Tôi xin hứa với thầy sẽ không bao giờ bỏ học trong hai năm trời, bao lâu ở tại Barcelona này tôi còn tìm được bánh mì và nước lã để sinh sống.” 4Và vì ông ta thực hiện lời hứa với xác tín mãnh liệt như thế, không bao giờ ông còn gặp những cám dỗ này nữa.

5Chứng đau bao tử vốn đã hành hạ ông ta ở Manresa và vì nó mà ông ta phải đi giầy, nay đã khỏi hẳn; và ông ta không còn chịu những cơn đau này nữa từ lúc ông ta khởi hành đi Giêrusalem. 6Và vì lý do này, trong khi ông học ở Barcelona, lòng khao khát làm việc hãm mình đền tội lại đến với ông. 7Và rồi ông ta bắt đầu đục một lỗ thủng dưới những đế giầy. 8Và dần dà ông còn khoét rộng những lỗ ấy ra đến nỗi, khi giá lạnh của mùa đông đến, ông ta không còn gì để mang trừ phần trên của đôi giầy.

56 1Đến khi kết thúc hai năm học tập, và theo như người ta nói, ông ta đã có sự tiến bộ rất đáng kể, giáo sư của ông ta nói rằng từ nay ông có thể theo những khoá học triết lý và khuyên ông nên đi học ở Alcala. 2Tuy nhiên ông ta tự ý xin với vị tiến sĩ thần học để được kiểm tra và vị này cũng khuyên ông cùng một điều như thế. 3Thế rồi ông khởi hành một mình đi Alcala, mặc dù ông ta đã có một số bạn đồng chí hướng, tôi tin như vậy.

4Sau khi về đến Alcala, ông ta bắt đầu đi xin ăn và sống bằng của bố thí. 5Và ông ta đã sống bằng cách này khoảng mười hay mười hai ngày cho đến khi, vào một ngày kia, có một vị giáo sĩ và vài người khác cùng đi với vị ấy, nhìn thấy ông ta đang xin của bố thí thì bắt đầu chê cười ông và thốt ra những lời khinh bỉ, như người ta vẫn thường làm với những người xin ăn trong khi còn khoẻ mạnh. 6Ngay lúc đó, người phụ trách bịnh viện mới ở Antezana đi ngang qua: ông này tỏ ra buồn bực về cách xử sự đó, nên gọi ông ta đến và dẫn ông ta về nhà thương nơi đó ông cho ông ta một căn phòng và mọi sự cần thiết.

57 1Ông ta theo học ở Alcala vào khoảng gần một năm rưỡi. 2Vào mùa chay năm 1524, ông ta đến Barcelona và học tập ở đó hai năm, và rồi cho đến năm 1526 ông đặt chân đến Alcala. 3Ở đó ông theo học môn Luận lý học của Soto, môn Vật Lý của Albertô và về Tôn sư các Luạn Đề.

4Khi đang ở Alcala, ông ta thực tập cho các bài Linh Thao và giải thích giáo lý: và bằng cách này, ông ta đã thu hoạch được hoa trái để  làm vinh danh Thiên Chúa. 5Và có rất nhiều người đã đạt đến một sự nhận biết rất sâu rộng về những điều thiêng liêng và đạt đến một sự cảm nghiệm rất mãnh liệt về những điều này. 6Những kẻ khác lại có những cám dỗ khác nhau. 7Thí dụ, chính một người trong số họ, muốn làm việc đền tội lại không thể làm được, như thể có người cầm giữ tay mình lại; và những điều khác tương tự làm phát sinh ra những lời đồn thổi trong dân chúng, nhất là vì cuộc tụ họp nhiều người từ khắp nơi lại để ông ta giải thích giáo lý cho.

Tôi phải nhớ lại nỗi sợ hãi mà vào một đêm kia chính cha đã cảm nghiệm thấy.

8Ngay khi ông ta đi tới Alcala, ông biết đến Don Diego de Eguia kẻ đang ở nhà anh mình, làm nghề in ở Alcala và khá giầu có. 9Cả hai anh em người này đã giúp ông ta bằng cách cho ông ta của bố thí để ông nuôi sống những người nghèo đói; và người anh lớn cũng còn cho ba người bạn cùng chí hướng của ông trú ngụ nhà mình. 10Một lần kia, vì chính ông ta đến xin người anh đó của bố thí để thực hiện một số việc cần thiết, Don Diego nói với ông ta rằng anh ta không có tiền; nhưng anh ta mở một cái tráp ra mà trong đó có nhiều thứ khác nhau; thế rồi anh ta lấy cho ông ấy những chiếc khăn trải giường với nhiều mầu sắc, những chân nến và những thứ khác tương tự. 11Sau khi đã gói tất cả vào một tấm khăn trải giường, vị khách hành hương đeo những thứ ấy trên vai và ra đi giúp đỡ những người nghèo.

58 1Như ông ta đã nói ở trên, đã có tiếng đồn thổi lan rộng khắp cả miền liên quan đến những điều xảy ra ở Alcala và về điều này thì mỗi người nói một cách khác nhau, kẻ này cách này, kẻ khác cách khác. 2Sự việc đồn thổi đến tận Toledo, đến tai những nhân viên Toà An Giáo Lý. 3Trong khi những người này đến Alcala, vị khách hành hương được chủ nhà báo cho biết; chủ nhà nói với ông ta rằng người ta gọi các ông là”bọn mặc vải bố” và, tôi nghĩ là “nhóm thần khải”, và người ta sẽ làm thịt họ. 4Ngay tức khắc những nhân viên Toà An Giáo Lý bắt đầu những công việc khảo sát và điều tra về đời sống họ; sau cùng, họ trở về Toledo như thể là không đến vì mục đích đó vì đã không triệu tập họ 5Họ trao  cuộc tra khảo lại vào tay Cha Đại Diện Figueroa, hiện nay đang ở trong triều đình của Hoàng Đế.

6Ít ngày sau đó, Cha Đại Diện triệu tập họ lại và nói với họ lý do tại sao có những cuộc khảo sát và điều tra đã được các nhân viên Toà Án Giáo Lý thực hiện liên quan đến đời sống của họ; cha ấy nói rằng mình không tìm thấy bất cứ một sai lầm nào trong giáo lý và trong đời sống của họ, vì thế họ có thể tiếp tục làm những điều mà họ đã làm mà không gặp bất cứ một ngăn cản nào. 7Nhưng vì họ không phải là những tu sĩ,  tốt hơn họ không nên mặc đồng phục; và cha này ra lệnh cho các người này rằng tốt hơn hai người – cha xác định vị khách hành hương và Arteaga – đem quần áo đi nhuộm ra màu đen và hai người khác, Calixto và Caceres, nhuộm ra màu nâu; còn về Juanico, vốn là người thanh niên Pháp, có thể giữ nguyên như cũ.

59 1Vị khách hành hương nói rằng họ sẽ làm điều mà người ta ra lệnh cho họ. 2Rồi ông ta nói” “Nhưng con không biết người ta tìm được gì trong cuộc điều tra này. 3Một bữa nọ, một vị linh mục không cho một người trong nhóm rước lễ vì anh ta rước lễ mỗi tám ngày và về phần con, người ta gây những khó khăn cho con. 4Chúng con muốn biết xem họ đã tìm thấy điều rối đạo nào nơi chúng con không.” –5“Không, cha Figueroa nói; nếu họ tìm thấy thì họ sẽ thiêu sống các anh.” –6“Họ cũng sẽ thiêu sống cha, cả cha nữa, vị khách hành hương nói, nếu họ tìm thấy nơi cha có một điều rối đạo nào.” 7Họ đi nhuộm quần áo của họ như người ta đã ra lệnh cho họ; và khoảng mười lăm hay hai mươi ngày sau, Figueroa đã ra lệnh cho vị khách hành hương không được đi chân không, nhưng phải mang giầy. 8Và ông ta đã lặng thinh làm như thế, như đối với mọi điều tương tự mà người ta ra lệnh cho mình.

9Bốn tháng sau, chính cha Figueroa cho làm những cuộc điều tra về họ một lần nữa. 10Ngoài những câu hỏi thường lệ, tôi tin rằng cũng còn một lý do khác nào đó về một phụ nữ đã kết hôn và có thế giá đã có lòng mộ mến đặc biệt đối với vị khách hành hương11Để không ai nhận ra, vào buổi sáng bà ấy thường trùm khăn đến nhà thương, theo phong tục ở Alcala. 12Khi tới nơi, bà ta tháo khăn ra và đi thẳng vào phòng vị khách hành hương. 13Nhưng cả lần này nữa, người ta cũng chẳng làm gì họ; người ta không triệu tập họ cả sau khi việc điều tra đã kết thúc và cũng chẳng thèm đả động đến họ một điều gì.

Tôi nhớ lại những điều cha Bustamante đã kể cho tôi.

60 1Ông ta cư ngụ trong một căn nhà nhỏ bên ngoài nhà thương được bốn tháng, vào một ngày kia một cảnh sát đến cửa nhà ông, gọi ông ta ra và nói: “ Hãy đi với tôi một chút.” 2Và, trong khi ném ông vào nhà tù, viên cảnh sát nói với ông: “Không được rời khỏi đây cho đến khi có lệnh mới.”3Điều đó xảy ra vào mùa hè; và ông lại không được canh gác một cách cẩn thận: và cũng có nhiều người đến thăm ông.

Miona là một trong những người ấy: đó là cha giải tội của ông ta.

4Và ông ta làm cùng một công việc như khi ông được tự do: dạy giáo lý và cho các bài Linh Thao.5Ông ta không bao giờ muốn nại vào luật sư cũng như đến tham tá toà án, dù cho nhiều người tình nguyện giúp ông. 6Ông ta nhớ cách đặc biệt Dona Teresa de Cardenas, người đã cho người đến thăm viếng ông và nhiều lần đề nghị với ông cách thức đưa ông ra khỏi nơi đó; nhưng ông ta không chấp nhận điều gì, và luôn nói: “ Tôi vào đây vì lòng yêu mến ai thì Đấng ấy sẽ kéo tôi ra, nếu điều ấy phụng sự Ngài.”

61 1Ông ta ở trong tù trong vòng mười bảy ngày mà không một ai đến thẩm tra và ông ta cũng chẳng biết nguyên nhân tại sao mình bị bắt. 2Cuối cùng, cha Figueroa đến nhà tù và thẩm tra ông ta về nhiều điều, cả đến việc tra hỏi xem ông ta có dạy người ta tuân giữ ngày sabbat không. 3Và cha ấy hỏi ông ta có biết hai người phụ nữ, mẹ con với nhau không; và ông ta trả lời rằng có. 4Và cha ấy hỏi xem ông ta có biết đến cuộc ra đi của họ trước khi họ lên đường không; và ông ta trả lời không, vì ông ta đã hứa với họ như thế. 5Và Cha Đại Diện, khi đặt tay lên vai để bày tỏ niềm vui mừng đã nói: “Chính đây là nguyên cớ  mà con phải vào chốn này.” 6Trong số nhiều người đi theovị khách hành hương, có một người mẹ và một người con gái, cả hai đều goá chồng – và người con gái còn rất trẻ và rất xinh đẹp – họ đã tiến sâu trong những điều thuộc về thiêng liêng, nhất là người con gái; và họ tiến xa đến nỗi, cho dù họ thuộc hàng quí phái, họ vẫn đi chân không chỉ hai mẹ con với nhau đến viếng đền thờ Veronica ở Jean – và tôi không biết họ có đi xin ăn hay không7Và điều đó gây náo động ở Alcala. 8Và vị tiến sĩ  Ciruelo, phần nào như người bảo trợ của họ, đã nghĩ rằng tên tù nhân này đã xúi giục họ và vị ấy cho bắt tên này vì tội ấy. 9Vậy, khi nghe điều cha Đại Diện nói cho ông, tên tù nhân nói với cha: “Cha có muốn con nói nhiều hơn chút ít về điều này không?” 10Cha nói “được”. 11Vì thế, tên tù nhân nói: “Cha phải biết rằng hai người phụ nữ này đã nhiều lần nài nỉ con, vì họ muốn đi khắp thế gian để phục vụ những người nghèo khổ, từ nhà thương này sang nhà thương khác. 12Và con đã luôn luôn buộc họ từ bỏ ý định này, lý do vì người con gái còn quá trẻ và quá xinh đẹp, v.v… 13Và con đã nói với họ rằng, vì họ muốn thăm viếng người nghèo khổ, họ có thể làm điều đó ở Alcala và đi theo cha trao Mình Thánh Chúa.” 14Một khi việc trao đổi kết thúc, cha Figueroa rút lui với viên kiểm sát, kẻ viết biên bản trên và mang đi theo.

62 1Vào lúc này, Calixto đang ở Segovia. 2Khi anh ta biết vị khách hành hương bị bỏ tù, anh ta đến ngay tức khắc, mặc dù vừa mới bình phục từ một cơn bịnh nặng, rồi tự mình anh ta vào tù ở với ông ta. 3Nhưng về phần mình, vị khách hành hương nói với anh ta rằng tốt hơn là phải đi trình bày với cha Tổng Đại Diện. Vị này đối xử tử tế với anh ta và nói rằng sở dĩ phải nhốt ông ta vào tù vì ông ta phải ở trong đó cho đến khi những người phụ nữ đó trở về để xem họ có xác nhận đúng như lời ông ấy khai báo hay không. 4Calixto ở lại trong tù một ít ngày; nhưng vì vị khách hành hương thấy rằng điều đó gây nguy hại cho sức khoẻ anh ta vì anh ta chưa hoàn toàn bình phục, nên ông nhờ một vị tiến sĩ, một người bạn thân thiết của ông, đem anh ta ra khỏi tù.

5Bốn mươi hai ngày trôi qua từ ngày vị khách hành hương đi vào tù cho đến ngày ông ta được kéo ra khỏi đó; sau cùng hai người phụ nữ sốt mến trở về, viên kiểm sát đến nhà tù và đọc bản án cho ông ta: ông được tự do, nhưng họ phải ăn mặc như mọi người sinh viên khác và không được nói những điều thuộc về đức tin trong vòng bốn năm cho đến khi họ học hành xa hơn, vì họ chưa đủ kiến thức. 6Thực ra, vị khách hành hương là người học biết nhiều hơn, nhưng không có nền tảng bao nhiêu; đây chính là điều mà ông ta thường khai ra ngay khi người ta thẩm vấn ông.

63 1Sau bản án này, ông ta có chút do dự không biết phải làm gì: thật vậy, dường như người ta đóng cửa lại mà không cho phép ông giúp đỡ các linh hồn khi không đưa ra bất cứ một lý do nào khác mà chỉ vì ông ta chưa học hành đầy đủ. 2Và sau cùng, ông ta quyết định đi gặp đức Tổng Giám Mục Toledo, tên là Fonseca, và đặt sự việc vào tay ngài.

3Ông ta khởi hành từ Alcala và tìm gặp đức Tổng Giám Mục ở Valladolid; và kể lại cho ngài cách trung thành sự việc đã xảy ra, ông ta nói với ngài rằng, dù không thuộc thẩm quyền của ngài và cũng không bị buộc phải tuân giữ bản án, nhưng về điều này ông ta sẽ làm điều mà đức Tổng Giám Mục ra lệnh cho ông (ông ta nói với đức Tổng Giám Mục ở ngôi thứ hai, như ông ta vẫn nói  với mọi người)4Đức Tổng Giám Mục tiếp đón ông ta rất tử tế và khi hiểu rằng ông ta muốn đi đến Salamanca, đã nói với ông ta rằng ngài cũng có những người bạn ở Salamanca và cả một học viện nữa, và sẽ nhờ họ giúp đỡ ông ta. 5Và ngài còn cho ông ta bốn đồng bạc “écus” trước khi ông ta lên đường.

64 1Sau khi ông đi đến Salamanca, lúc ông ta cầu nguyện trong một nhà thờ, một bà đạo đức nhận ra ông ta thuộc về nhóm bạn cùng chí hướng – vì bốn nguời bạn khác lúc này đã ở đó một vài ngày.2Bà ta hỏi biết tên ông ta và dẫn ông ta đến nơi ở của các bạn. 3Ở Alcala, khi ông ta đã bị buộc tuân lệnh bởi bản án rằng họ phải ăn mặc như những sinh viên, vị khách hành hương đã nói: “ Khi cha ra lệnh cho chúng con nhuộm quần áo, chúng con đã làm; nhưng bây giờ, chúng con không thể thực hiện lệnh ấy được vì chúng con không có chi để mua quần áo.” 4Thế rồi chính cha Đại Diện đã cung cấp cho họ quần áo, nón mũ và tất cả những thứ còn lại của sinh viên; và họ lên đường rời khỏi Alcala theo cách ăn mặc này.

5Ông ta xưng tội ở Salamanca với một tu sĩ dòng thánh ĐaMinh ở tu viện thánh Têphanô; Sau khi đến nơi khoảng mười hay mười hai ngày, vào một ngày kia cha giải tội nói với ông: “Những cha trong nhà muốn nói chuyện với anh.” 6Và ông ta nói: “Nhân danh Thiên Chúa, con xin vâng.” 7Cha giải tội nói: “ Này anh, vào chúa nhật, mời anh đến đây ăn cơm trưa; nhưng tôi báo cho anh một việc: họ muốn biết rất nhiều điều về anh đấy.” 8Thế rồi ông ta đến đó với Calixto vào chúa nhật.9Và sau bữa ăn trưa, trong khi cha tu viện trưởng vắng nhà, cha tu viện phó cũng như cha giải tội và, tôi nghĩ thế, một tu sĩ khác đi với họ đến nhà nguyện; và, với sự hoà nhã tuyệt vời, cha tu viện phó bắt đầu nói về biết bao nhiêu điều tốt đẹp các cha đã biết được liên quan đến lối sống và cung cách của họ, họ đi rao giảng theo cách thức như các tông đồ thế nào; và các cha ấy mong muốn biết thêm nhiều chi tiết hơn về những việc đó. 10Thế rồi cha bắt đầu hỏi họ đã học hành thế nào.11Và vị khách hành hương trả lời: “Về tất cả chúng con, người đã học nhiều nhất, chính là con.”12Và ông ta trình bày rành mạch cho biết mình cũng học được ít thôi và nền tảng thì chưa vững chắc.

65 1“Thế à! Vậy thì các anh rao giảng những gì?” – 2“Chúng con, vị khách hành hương nói, chúng con không rao giảng, mà chúng con chỉ nói chuyện thân mật với một số người về những điều thuộc về Thiên Chúa, thí dụ, sau khi ăn với những người muốn mời chúng con.” 3“Nhưng, vị tu sĩ  nói, các anh nói những điều gì về Thiên Chúa? Đó là điều mà chúng tôi muốn biết.” – 4“Chúng con, vị khách hành hương nói, đôi khi về nhân đức này, đôi khi về nhân đức khác, và ca ngợi nhân đức ấy, đôi khi nết xấu này, đôi khi nết xấu khác, và lên án nết xấu đó.” 5“Các anh không được học hành, vị tu sĩ nói, và các anh nói về các nhân đức và các nết xấu; mà không ai có thể nói về những điều ấy trừ một trong hai trường hợp: hoặc do sự hiểu biết học hỏi được hoặc do Thánh Thần. Đây không phải do sự hiểu biết học hỏi được, vì thế đây là do Thánh Thần.”

Và điều thuộc về Thánh Thần, đó chính là điều mà chúng tôi muốn biết đến.

6Tới đây, vị khách hành hương dè dặt một chút, vì đối với ông, cách luận lý này không lành mạnh; và sau khi im lặng một chút, ông ta nói rằng mình không cần phải nói thêm nữa về vấn đề này. 7Vị tu sĩ nhấn mạnh: “Này nhé, trong khi có biết bao sai lầm của Erasmus và biết bao sai lầm khác đang đầu độc thiên hạ, mà các anh lại không muốn giải thích điều mình nói ư?”

66 1Vị khách hành hương nói: “Thưa cha, con không còn nói được gì ngoài điều mà con đã nói, trừ phi con phải đứng trước những vị bề trên của con, là những người có thể buộc con về điều đó.”2Trước đó, vị ấy hỏi tại sao Calixto đến mà ăn mặc như thế: anh ta mặc một chiếc áo ngắn, đội một chiếc nón rộng trên đầu, cầm một cây gậy trên tay và mang đôi giầy cao đến đầu gối; và vì anh ta cao quá khổ, nên xem anh ta có vẻ rất dị hợm. 3Vị khách hành hương kể lại cho vị ấy nghe họ đã bị bỏ tù ở Alcala như thế nào và người ta đã ra lệnh cho họ phải ăn mặc như các sinh viên, nhưng còn người bạn cùng chí hướng của ông, vì lý do nóng bức quá, nên đã lấy áo rộng của mình cho một linh mục nghèo. 4Tới đây, vị tu sĩ nói càm ràm trong miệng tỏ cho thấy ông không hài lòng: “Charitas incipit a seipsa” [sic] (bác ái bắt đầu từ chính bản thân mình chứ).

5Nhưng chúng ta hãy trở về với câu chuyện: cha tu viện phó, vì không thể lôi một lời nào khác ra khỏi cửa miệng vị khách hành hương nên nói: “Này nhé, hãy ở lại đây; rồi chúng tôi sẽ làm mọi cách cho anh phải nói tất cả mọi sự.” 6Và sau đó, mọi tu sĩ vội vã rút lui. 7Như trước đây, vị khách hành hương của chúng ta đã hỏi xem nhà dòng muốn cho họ ở lại trong nhà nguyện này hay muốn họ ở đâu, cha tu viện phó trả lời cho ông ta biết phải ở lại trong nhà nguyện. 8Thế rồi các tu sĩ cho đóng mọi cửa ra vào lại và có lẽ đi bàn bạc với những vị quan toà. 9Tuy nhiên cả hai người vẫn ở lại  tu viện trong ba ngày rồi mà không có một quyết định nào được quan tòa công bố cho họ; và họ dùng bữa ở trong phòng ăn với các tu sĩ. 10Và căn phòng của họ hầu như luôn chật ních các tu sĩ đến thăm họ; và vị khách hành hương luôn miệng nói về đạo đức mà ông vẫn thường nói đến.11Như vậy từ nay, giữa các tu sĩ cũng đã có sự chia rẽ, vì có rất nhiều vị tỏ ra cảm thông với họ.

67 1Đến hết ngày thứ ba, một viên kiểm sát đến và đem họ vào nhà tù. 2Và người ta không để họ ở chung với những phạm nhân khác, nhưng trong một phòng ở trên cao đã cũ kỹ, không có ai ở và rất dơ bẩn. 2Và cả hai người bị cột chung với nhau bằng một sợi  dây xích, mỗi người một chân; và sợi dây xích được gắn vào một cây cột ở giữa căn nhà: nó phải dài đến khoảng ba mét. 3Mỗi khi một người muốn làm một điều gì, người kia cũng phải đi theo. Và trong suốt đêm hôm ấy, họ không ngủ được. 4Sáng hôm sau, trong thành phố, khi hay biết họ bị giam tù, người ta gởi vào cho họ những vật dụng để ngủ và mọi thứ cần dùng rất dư đầy. 5Luôn luôn có rất nhiều người đến thăm viếng họ, và vị khách hành hương tiếp tục những công việc thực tập của mình: nói chuyện về Thiên Chúa, v.v…

6Cha Frias tú tài đến tra khảo họ, từng người tách riêng ra; và vị khách hành hương đem cho cha ấy tất cả mọi tờ giấy – đó là những bài Linh Thao – để cha ấy xem xét. 7Và vì cha ấy hỏi họ rằng họ có những người đồng chí hướng không, họ không chỉ trả lời có mà con cho biết ở đâu nữa; người ta đi đến đó ngay lập tức theo lệnh của cha tú tài, và người ta lôi Caceres và Arteaga vào tù, nhưng để  Juanico lại mà về sau anh ta trở thành một tu sĩ. 8Nhưng người ta không đem những người này lên cao cùng với hai người bạn cùng chí hướng, nhưng ở dưới , nơi những tù nhân khác.9Ở đây, hơn lúc nào hết, vị khách hành hương không muốn cậy nhờ đến luật sư lẫn biện lý toà án giúp đỡ.

68 1Và một ít ngày sau, ông ta bị triệu tập đến trước mặt bốn vị thẩm phán – ba vị tiến sĩ là Sanctisidoro, Paravinhas và Frias, còn người thứ bốn là tú tài Frias, mà tất cả đều đã nhìn thấy những bài Linh Thao. 2Ở đó họ hỏi ông ta rất nhiều điều, không chỉ về những bài Linh Thao, nhưng cả về thần học. Thí dụ về Ba Ngôi và Bí Tích Thánh Thể, làm thế nào ông ta hiểu được những đề tài này. 3Và trước hết, ông ta đưa ra lời xin lỗi khi khởi đầu. 4Tuy nhiên, khi bị các vị thẩm phán hỏi, ông ta nói với một giọng điệu mà họ không tìm được một điều gì khiển trách được ông. 5Cha Frias tú tài vốn luôn tỏ ra khắt khe hơn những nguời khác về những điều này, cũng hỏi ông ta về một nố  Giáo luật; và ông ta bị buộc phải trả lời tất cả, nhưng ông ta lại luôn luôn lập lại rằng trước hết ông ta không biết những vị tiến sĩ nói thế nào về những điều ấy. 6Sau đó, người ta ra lệnh cho ông ta phải giải thích giới răn thứ nhất theo cách thức mà ông ta thường vẫn giải thích. 7Ông ta bắt đầu giải thích, nói dài dòng và huyên thuyên nhiều điều về giới răn thứ nhất đến nỗi họ không còn muốn hỏi ông hơn nữa về điều ấy. 8Trước đó, khi họ nói về những bài Linh Thao, họ đã nhấn mạnh rất nhiều về một điểm duy nhất, vốn nằm ở phần đầu của những bài thao luyện: khi nào một tư tưởng là một tội nhẹ và khi nào là tội trọng? Vấn đề là, ông ta không có học hành mà lại khẳng định về điều đó. 9Ông ta đã trả lời: “Nó có đúng hay không, việc quyết định thuộc về quí cha; và nếu điều ấy không đúng, quí cha hãy kết án nó.” 10Về phần họ, sau cùng, họ rút lui mà chẳng đề ra một lời kết án nào.

69 1Trong vô số người đến nói chuyện với ông ta trong tù, một ngày nọ có Don Francisco de Mendoza, người mà hiện giờ là Hồng Y ở Burgos, và cha Frias tú tài cùng đi với ông. 2Vì vị ấy hỏi ông ta cách thân mật rằng ông có khỏe không khi ở trong tù và có nghĩ mình là một tù nhân không.3Vị khách hành hương trả lời cho vị ấy rằng: “Tôi sẽ trả lời cho ông chính điều mà hôm nay tôi đã trả lời cho một phụ nữ, kẻ đã tỏ lộ nhiều lời thương cảm khi nhìn thấy tôi ở tù. 4Tôi đã nói với bà ta: qua điều đó chị tỏ ra rằng chị không ước muốn là tù nhân vì lòng yêu mến Thiên Chúa. 5Vì thế dường như đối với chị bị tù tội là xấu xa lắm đấy hả? 6Mà này, tôi nói cho chị rằng ở Salamanca này, bấy nhiêu gông cùm và xiềng xích vẫn chưa đủ để tôi ao ước chịu hơn nữa vì lòng yêu mến Thiên Chúa đấy.”

7Vào thời gian ấy, những tù nhân trong trại tù đã bỏ trốn tất cả, nhưng hai người bạn cùng chí hướng cùng ở chung với họ lại không trốn đi. 8Và đến sáng, người ta tìm thấy họ, trong khi mọi cánh cửa đã mở toang, mà duy chỉ có họ mà không còn ai khác nữa, điều đó đem lại gương sáng nhiều cho mọi người và gây nên tiếng vang lớn trong thành phố. 9Thế rồi, người ta lập tức cho họ một đến ở tù trong một lâu đài gần đó.

70 1Hết hai mươi hai ngày bị giam trong tù, người ta triệu tập họ đến để nghe phán quyết: phán quyết này cho thấy rằng người ta không thể tìm ra được một sai lỗi nào trong đời sống cũng như trong học thuyết của họ; vì thế họ có thể làm như họ đã làm trước đây, dạy giáo lý và nói những điều về Thiên Chúa, với điều kiện họ không bao giờ được định nghĩa: điều này là tội trọng hay điều này là tội nhẹ, bao lâu họ chưa trải qua bốn năm cho việc học hành. 2Một khi phán quyết này được tuyên ra, các vị thẩm phán tỏ ra rất thiện cảm với họ, như thể các vị ấy muốn cho bản án được chấp nhận. 3Vị khách hành hương nói rằng ông ta sẽ thực hiện mọi điều mà bản án ra lệnh, nhưng ông ta sẽ không chấp nhận nó; vì, trong khi không kết án ông được ở bất cứ điều gì, mà người ta lại bịt miệng khiến ông ta không giúp đỡ các linh hồn được trong chừng mực ông ta có thể. 4Và mặc dù tiến sĩ Frias ra sức thuyết phục  và tỏ ra rất thiện cảm, vị khách hành hương không nói thêm một điều gì mà chỉ nói rằng ông ta chỉ thực hiện những điều người ta ra lệnh cho ông bao lâu ông còn thuộc quyền tài thẩm của Salamanca. 5Lập tức họ được đem ra khỏi nhà tù, và ông ta bắt đầu nài xin Thiên Chúa và tự hỏi mình phải làm gì6Và ông ta nhận thấy có một khó khăn rất lớn nếu ở lại Salamanca, vì đối với ông, cánh cửa dường như khép lại không cho ông giúp đỡ các linh hồn vì lệnh cấm không cho ông được xác định điều nào là tội trọng và điều nào là tội nhẹ. 7Thế rồi, ông ta tự quyết định đi học ở Paris.

71 1Ở Barcelona, khi vị khách hành hương tự hỏi xem mình nên đi học hay không và học bao lâu, đối với ông ta toàn thể vấn đề  có mục đích để biết xem, sau khi học xong, ông nên  vào sống đời tu hay sẽ đi như thế khắp thế giới. 2Và khi ý tưởng đi vào dòng tu đến với ông, tức khắc niềm ước mong mách bảo ông là phải vào trong một dòng tu bị suy thoái và ít được canh tân, vì phải vào đó để có thể chịu đau khổ hơn và ông ta nghĩ ngay rằng có lẽ Thiên Chúa sẽ giúp đỡ các tu sĩ  đó. 3Và Thiên Chúa ban cho ông ta một sự tín thác mãnh liệt rằng chắc chắn ông ta chịu đựng được những chống đối và những sỉ nhục mà những người này gây cho ông.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *