Sau này về gia đình, thánh I-nhã được dạy dỗ bằng tiếng Castilla và theo phong cách quý tộc: ngài có được cả hai nền giáo dục.
Ngài về lại gia đình khi nào?
Năm 1498, lúc ngài 7 tuổi, anh ngài là Martín García kết hôn với chị Magdalena de Araoz. Đám cưới được tổ chức ở Burgos. Hình như chính khi tiểu thư Magdalena về Loyola là lúc thánh I-nhã cũng rời nhà bà vú để về lại lâu đài.
Lâu đài Loyola gồm tầng trệt và ba tầng lầu. Tầng trệt được dùng làm nơi để đồ đạc; tầng lầu 1 dành cho gia nhân, nhà bếp, và võ khí; tầng lầu 2 có phòng ông bà chủ, phòng ăn và phòng tiếp khách; tầng lầu 3, trên nhất, gồm các phòng cho con cái và phòng cho khách. Như vậy thánh I-nhã ở tầng cao nhất, sát mái. Bên trong nhà từ trần tới sàn và cầu thang, tất cả đều bằng gỗ quý. Năm 1551, cha P. Talares đến Loyola và tỏ vẻ ngạc nhiên: “Chung quanh nhà toàn rừng và cây ăn trái, dầy kịt đến nỗi che lấp hết, đến gần cửa mới thấy được nhà. Nhà ở trên một gò và núp dưới bóng một cây rất cao giúp người ta nhận ra được từ xa.”[30]
Gia đình Loyola là một gia đình quý tộc. Thực ra, mọi người trong tỉnh Guipúzcoa của ngài đều là quý tộc, kể cả những bác nông phu, những ông thợ rèn, vì họ chưa bao giờ phải làm nô lệ cho ai. Cùng với tỉnh Biscaya, tỉnh Guipúzcoa có được một lịch sử họa hiếm là chưa bao giờ bị chinh phục, chưa bao giờ phải làm nô lệ, nên được hưởng đặc ân hầu như độc nhất ở Châu Âu: tất cả mọi người đều là quí tộc. Do các chiếu chỉ năm 1562 và năm 1590, vua Felipe II của Tây Ban Nha long trọng xác chuẩn tư cách quí tộc của mọi người Biscaya và Guipúzcoa.
Tuy mọi người được nhìn nhận là quí tộc, nhưng không phải ai cũng như ai. Có những gia đình kỳ cựu hơn, giàu có hơn, nổi nang hơn. Đặc biệt ở Guipúzcoa thời thánh I-nhã, có 24 gia đình thế lực. Những người đứng đầu các gia đình ấy được gọi là hào mục[31]. Họ chia thành hai phe, mỗi phe 12 gia đình, tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi, nhiều khi đến đổ máu. Tuy nhiên, cấp quý tộc của gia đình ngài dừng ở đó, không thể so sánh với các nhà quý tộc cấp bá tước, hầu tước, công tước[32]. Pierre Chaunu cho biết, vào thế kỷ XVI, giới quý tộc Tây Ban Nha chiếm chừng 10% dân số và có thể chia thành 3 cấp. Cấp trên gồm các công tước, hầu tước và bá tước. Giữa họ gần như không có gì phân biệt, nhưng công tước đương nhiên được coi là đại quý tộc và khi có chiến tranh luôn luôn là tướng chỉ huy. Vào năm 1520, ở Tây Ban Nha có 55 người thuộc thành phần này, trong đó 20 được coi là đại quý tộc. Cấp dưới gồm các quý nhân[33]chiếm 90% toàn bộ thành phần quý tộc. Gia đình Loyola thuộc thành phần này, nên thánh I-nhã là một quý nhân. Giữa hai cấp trên có một thành phần thứ ba là các hiệp sĩ[34]. Đây là những người thuộc cả hai cấp được huấn luyện đặc biệt và sống theo một phong cách đặc biệt, có thể được vua phong cấp. Sau này, ở Arévalo, thánh I-nhã sẽ được coi là hiệp sĩ. Vào năm 1520, ở Tây Ban Nha số hiệp sĩ chính thức là 216 người. Giới quý tộc bị phân hóa không ngừng, đặc biệt vào đầu thế kỷ XVI, thời điểm chuyển tiếp sang giai đoạn lãnh đạo của giới tư sản trung lưu. Ba cấp của giới quý tộc càng ngày càng tách rời nhau, mà tiêu chuẩn là tài sản[35].
Dầu sao, trong chế độ phong kiến thời ấy ở Châu Âu, hễ là quý tộc thì được ưu đãi và được kính trọng, và chỉ có hàng quý tộc mới được làm quan làm tướng. Theo thói quen, các gia đình hào mục được gọi theo tên của lâu đài hay lãnh địa. Chúng ta sẽ thấy, do các cuộc hôn nhân, nhiều dòng tộc khác nhau lần lượt mang tên là Loyola.