Thánh I-nhã biết ba bà hoàng: hoàng hậu Germaine, công chúa Leonor và công chúa Catalina. Trước hết, về công chúa Leonor (1498-1558), chị của hoàng đế Karl V, có lẽ ngài chỉ gặp thoáng qua vào đầu năm 1518 ở Valladolid. Hơn nữa bà đã kết hôn năm 1518 với vua Manuel I của Bồ Đào Nha rồi. Khi Manuel I qua đời vào tháng 12 năm 1521 thì thánh I-nhã chắc đã không nghĩ đến một quý nương nữa rồi. Paul Dudon[28] và một vài người khác nghĩ đó là hoàng hậu Germaine de Foix (1488-1538). Chắc chắn thánh I-nhã biết bà khi ở Arévalo. Tuy nhiên, vừa lớn tuổi hơn, vừa xấu người xấu nết, lại là nguyên nhân khiến gia đình Don Juan suy sụp, và đã tái giá năm 1518 rồi, nên bà không thể là người trong mộng của thánh I-nhã được.
Chỉ còn lại người thứ ba là công chúa Catalina, em gái út hoàng đế Karl V, năm ấy 14 tuổi. Đây là “ứng viên” được Pedro de Leturia cho là chắc nhất[29] và hiện nay được nhiều người đồng ý nhất. Cuối năm 1520, cô được Lope de Hurtado, một tu sĩ và nhà thơ đương thời, ca ngợi là “trên trần gian không có nương nương nào dễ thương bằng, không có gì xinh đẹp bằng”[30]. Thánh I-nhã có thể đã biết cô từ lúc cô mới chào đời và sau đó có nhiều lần gặp ở Tordesillas và một lần trong lễ tuyên thệ ở Valladolid. Tháng 8 năm 1521, cô bé Catalina gởi cho anh, lúc này đã là hoàng đế Karl V, một lá thư cảm động nói lên cảnh buồn chán trong lâu đài thực tế được biến thành nhà tù. Lúc ấy, thánh I-nhã đang dưỡng thương ở Loyola có thể cũng nghe tin và biết đâu ngài chẳng nghĩ đến việc ‘giải phóng’ cô khỏi chiếc ‘lồng vàng’ khốn khổ của bà mẹ. Như vậy đó là một mối tình vừa trong sáng vừa lãng mạn, mặc dầu “không sao thực hiện được”[31].
Nói cho cùng, có thể cũng như đối với chàng Amadis de Gaula hay chàng Don Quijote de La Mancha, quý nương của thánh I-nhã chỉ thuần túy là người trong mộng thôi.
“Tuy nhiên, Thiên Chúa đã đến cứu giúp kẻ ấy: sau những ý tưởng ấy là những ý tưởng khác, thai nghén từ những gì đọc được trong sách. Khi đọc về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh, thỉnh thoảng kẻ ấy suy nghĩ và tự nhủ: “Giả như tôi làm những điều thánh Phanxicô và thánh Đaminh đã làm thì sao?” Kẻ ấy cũng nghĩ đến nhiều điều cho là tốt và luôn luôn nhắm đến những việc khó khăn và nhọc nhằn[32]. Khi tự đề ra cho mình những việc ấy, kẻ ấy có cảm giác là sẽ dễ thực hiện. Trong suốt thời gian suy tính như vậy, kẻ ấy vẫn tự nhủ: “Thánh Đaminh đã làm điều này, vậy tôi cũng phải làm; thánh Phanxicô đã làm điều kia, vậy tôi cũng phải làm.” Cả những suy nghĩ này cũng kéo dài một lúc lâu, rồi bị những ý tưởng khác cắt ngang, và tâm trí kẻ ấy lại quay về với những ý tưởng trần tục đã nói trên; những ý tưởng này cũng kéo dài một lúc lâu. Những ý tưởng rất khác biệt như vậy lần lượt nối tiếp nhau trong một thời gian lâu dài. Dầu là những kỳ tích thế gian mà kẻ ấy ước ao đạt được hay những kỳ tích mà trí tưởng tượng gợi lên để kẻ ấy làm cho Thiên Chúa[33], kẻ ấy luôn luôn dành thời giờ để suy nghĩ về những điều hiện đến trong trí, cho đến khi mệt, kẻ ấy mới bỏ điều này để nghĩ sang điều khác.”[34]
Sau bước đầu thu hút, giờ đây các thánh chiếm vị trị ngang hàng với các hiệp sĩ trong tâm trí của thánh I-nhã: “Những ý tưởng rất khác biệt lần lượt nối tiếp nhau trong một thời gian lâu dài.” Những ai và những gì? Laínez cho biết ở Loyola thánh I-nhã “đọc hạnh các thánh, lưu ý đến những việc bên ngoài và những việc đền tội hơn những điều bên trong.” Có thể nói ngài mới để ý đến việc hơn là người. “Thánh thiện được ngài đo bằng khắc khổ: càng khắc khổ càng thánh thiện.”[35] Có lẽ đúng hơn lúc ấy thánh I-nhã chưa nghĩ đến “thánh thiện” mà chỉ nghĩ đến “anh hùng”: càng khắc khổ càng anh hùng.